Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn cho người đọc cảm giác thú vị, lần đọc sau cảm giác thú vị lại đậm đà hơn, “cá biệt” hơn. Thực tại trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường không dừng lại ở sự mô tả mà loang ra, trộn vào quá khứ gần quá khứ xa, để rồi trồi lên khát vọng.
THỔI HỒN VÀO KÝ
CAO NGỌC THẮNG
Đọng lại trong nghiệp văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường là thể ký. Không chỉ về số lượng (trong 16 tác phẩm chính đã xuất bản, thể ký chiếm 14 ấn phẩm, 2 ấn phẩm còn lại là thơ), mà ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường rất đẹp - đẹp về nội dung và đẹp cả về hình thức biểu cảm. Nếu Nguyễn Tuân “viết tùy bút như một công trình khoa học” (theo Phan Ngọc), thì ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là những thi phẩm văn xuôi với nhiều cung bậc của cảm xúc và lý trí hoà quyện. Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường, văn chương của mỗi người có phong cách riêng, đã góp phần quan trọng khẳng định ký là một thể loại đặc sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình làm giàu và làm đẹp tiếng Việt.
Hoàng Phủ Ngọc Tường “đã chọn bút ký là thể loại văn xuôi tiêu biểu… (là) duy nhất và không thể thay thế được”, như ông tâm sự về nghề văn. Đó là một lựa chọn có nền tảng - nền tảng của học vấn, của chiêm nghiệm và hơn nữa là nền tảng của tâm hồn.
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9 tháng 9 năm 1937, tại thành phố Huế, nhưng quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau khi học hết bậc trung học ở Huế, năm 1960 ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận bằng Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế. Từ năm 1960 đến năm 1966 ông dạy học tại trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế. Từ năm 1966 đến 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường thoát ly gia đình lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng hoạt động văn nghệ - đây có thể coi là thời điểm tạo bước ngoặt để ông dấn thân cho văn chương.
Hoạt động văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ là thời gian Hoàng Phủ Ngọc Tường có điều kiện thâm nhập thực tế nhiều địa phương, tiếp xúc nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân vật. Thực tế đã cung cấp cho ông những góc nhìn mới, cách cảm mới, làm chất xúc tác cho sự chiêm nghiệm trong ông ngày thêm dày dặn, thêm sâu sắc, cả về tri thức lẫn cảm xúc, để từ đó kết tinh thành những tác phẩm ký chứa đựng sự thăng hoa trong bút pháp của người nghệ sĩ ngôn từ.
Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn cho người đọc cảm giác thú vị, lần đọc sau cảm giác thú vị lại đậm đà hơn, “cá biệt” hơn. Thực tại trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường không dừng lại ở sự mô tả mà loang ra, trộn vào quá khứ gần quá khứ xa, để rồi trồi lên khát vọng. Lý tính triết học trong ông không miệt mài lý giải mà nhường chỗ cho trực giác dịch biến để thức nhận cái hoàn mỹ của các hiện tượng và sự vật trong sự ràng buộc lẫn nhau.
Người viết văn không thể thiếu ký ức, bởi ký ức là nguồn cảm hứng đặc biệt. Ký ức không phải là quá khứ, cũng không phải là kinh nghiệm, mà là quá trình tích luỹ và rèn luyện xúc cảm trước những cái nhìn thấy và cả những cái không nhìn thấy, nhào luyện nó và nén nó lại, nuôi dưỡng nó cho tâm hồn luôn ở trạng thái rung động có ý thức, từ tự phát đến tự giác của khả năng nhạy cảm. Do đó, ngẫu nhiên không phải là thuộc tính của ký ức. Ký ức là một nguồn năng lượng, cũng là năng lực, khác nhau ở mỗi người. Việc nuôi dưỡng và khai thác ký ức trong lao động sáng tạo nghệ thuật không giống nhau ở từng người. Ký ức luôn luôn vận động và sẵn sàng gia nhập tương lai khi người ta ý thức và chủ động đưa nó vào cuộc sáng tạo. Nói cách khác, ký ức là quá trình tổng hợp nền tảng tri thức bền vững và sức tưởng tượng bay bổng, làm nên tác phẩm mang đặc tính riêng của một tác giả có phong cách độc lập.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác giả biết chắt chiu, nuôi dưỡng và sử dụng ký ức hiệu quả. Trong mỗi tác phẩm ký của ông, ký ức thực sự là nhân tố gắn kết vững chắc các yếu tố hình thành nên tác phẩm. Hoàng Phủ Ngọc Tường tâm sự: “Những ý niệm hình thành trong tuổi thơ của tôi chiếm một vai trò quan trọng trong vốn liếng văn hoá của đời người (…) Qua cát bụi đi hoài mỏi chân, ý niệm kia đã đâm chồi nảy lộc trong tâm thức tôi thành nỗi khát khao về Vĩnh Hằng”, từ đó ông khẳng định “văn hoá là báu vật dành cho con người”, và cho rằng “Người ta hoàn toàn có khả năng tái sinh văn hoá thiên nhiên của Bạch Mã bằng cách bố trí lại “cơ cấu cây trồng” như thường nói”. Không dừng lại ở những kỷ niệm, bằng những chiêm nghiệm và kiến văn sâu rộng, Hoàng Phủ Ngọc Tường dựng nên tác phẩm ký Ngọn núi ảo ảnh đẹp như một bức khảm vỏ trai, vỏ ốc hài hoà và tinh xảo, bất kỳ ở góc nhìn nào cũng đều thấy ánh lên độ sáng vừa thực vừa ảo. Những ký ức xa-gần, xen kẽ, của tác giả về Bạch Mã, một dãy núi cách Huế 40 km về phía nam và cách Đà Nẵng 60 km về phía bắc, để lại trong lòng người đọc một ký ức dày dặn về một địa danh không phải bất cứ ai cũng có điều kiện chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ và hiểu biết nhiều về “thân phận” thăng trầm qua những biến cố tự thân cũng như ngoại lực tác động thường xuyên. Trong cái đẹp toàn thể, bật lên cái đẹp khao khát của tác giả ngẫm về cuộc đổi thay “số phận” của Bạch Mã, mà trước hết trông chờ vào chính sự thay đổi ý thức và tư duy của con người đối với thiên nhiên. Cuối tác phẩm Ngọn núi ảo ảnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường hạ một nốt trầm ngân nga: “Bạch Mã như là một thành phố ảo ảnh trong sa mạc, huy hoàng phút chốc rồi tan biến, chỉ còn lại một bóng núi lau mờ…”. Chính nốt trầm này gõ vào lòng trắc ẩn của người đọc, xua đuổi sự thờ ơ, trỗi dậy niềm hy vọng có đủ căn cứ nhân văn.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là người kể chuyện bằng thể ký. Bám sát các sự kiện, các nhân vật một cách chân thực, nhưng không lệ thuộc, ông thổi vào đối tượng điệu hồn mang cốt cách của những thực thể, mà tính cá thể ấy vận động trong tổng thể xác định không thể tách rời. Không để lại dấu vết hư cấu, bút pháp ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không che khuất nghệ thuật cấu trúc truyện cũng như nghệ thuật nhân cách hoá và ẩn dụ của thơ. Chẳng hạn, như trong “Diễm xưa” của tôi, Kon Lai và Kan Sao là hai nhân vật “đậm đà”, trong khi Kon Lai kỳ lạ như “một cây tùng cổ, đã quên già để sống không cần biết tuổi”, thì Kan Sao là người con gái đẹp có “nụ cười hoa ngâu và đôi mắt nai dịu dàng của Huế”. Và, Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành người con của Huế từ khi nào chẳng nhớ, chỉ biết rằng Huế là nhân vật trữ tình kiều diễm nhất trong đời văn của ông. Gắn bó với Huế từ lâu, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn “bỗng” nhận ra Huế là một thành phố lạ lùng: “Mơ mộng, lười biếng như nàng công chúa sầu muộn, để chợt nhiên nổi giận, thách thức như một lời hịch tuyên chiến. Hình như trong mỗi người Huế-ham-chơi vẫn tiềm ẩn một “cái tôi thứ hai” sẵn sàng nhày vào lửa” (Hành lang của người và gió…).
Hai “tính cách” ấy của Huế chịu ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài từ dòng Hương giang, không chỉ ở khúc sông chảy trong lòng Huế. Suốt chiều dài từ thượng nguồn ra đến cửa biển, sông Hương bồi đắp cho thành phố bề dày với những nét đẹp vừa lộng lẫy vừa phảng phất, níu kéo biết bao tâm hồn thổn thức, để lại cho đời người câu chuyện huyền thoại về cái tên vừa mỏng của “dòng sông trắng - lá cây xanh” (Tản Đà) vừa sắc lẹm “như kiếm dựng trời xanh” (Cao Bá Quát), rằng: “vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi” (Ai đã đặt tên cho dòng sông). Không dừng lại ở đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhập vào dòng chảy của con sông “rất nhạy cảm với ánh sáng, nó thay màu nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và đôi khi màu nước không biết từ đâu mà có, không giống với màu của trời”, để từ đó nhận ra “Cuối Hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi cũng chuyển thành màu tím; và sông Hương trở thành dòng sông tím sẫm hoang đường như trong tranh siêu thực” - màu tím Huế trở thành “dấu hiệu của một nội tâm trong sáng, giàu có nhưng gìn giữ để không bộc lộ nhiều ra bên ngoài, vì thế với người phụ nữ Huế, màu tím ấy vừa là màu áo, vừa là đức hạnh” (Sử thi buồn).
Một trong những ấn tượng nổi trội ở các tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là tình yêu thiên nhiên, một tình yêu luôn luôn là bà đỡ để ông cảm thụ và đem lòng yêu từng chi tiết của mỗi mảnh đất cụ thể. Ông viết: “Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ”, và “Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế” (Miền cỏ thơm). Phải có hiểu biết và chiêm nghiệm sâu sắc mới có thể biểu tả thành cảm xúc như thế. Trong Hoa trái quanh tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường có nhiều đúc kết tinh tế về Huế, rằng: “Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng, trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”. Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại”. Điều đó phù hợp với bản chất thống nhất và phân hoá trong mối quan hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên: Tính đặc thù ở mỗi cảnh quan tự nhiên (vị trí địa lý, đất đai, khí hậu…) là điều kiện cần thiết để con người xác lập cho xứ sở của mình một cảnh quan văn hoá riêng. Và, ở đoạn văn tiếp sau, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận xét rất nhân bản, rằng: “Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hoá để có thể tham dự một cách hài hoà vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong”. Nhìn rộng ra, cách “tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hoá” là đặc điểm căn bản của người Việt trong tiến trình xây dựng và khẳng định bản sắc văn hoá trên phạm vi lãnh thổ cư trú của mình qua lịch sử nhiều biến động. Tính cách ấy người Huế thể hiện có phần khu biệt qua quan sát của Hoàng Phủ Ngọc Tường: “sẽ là vô ích nếu người ta định tìm kiếm ở Huế những khu vườn cao sản kiểu vựa trái của miền Đông Nam Bộ, và nếu người ta quên không nhìn đến diện mạo văn hoá của cái thế giới thực vật nho nhỏ kia”, bởi “Người Huế lập vườn, trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong sẽ là chút di sản tinh thần để đời cho con cháu”. Khó có ai yêu và thấu hiểu Huế một cách ngọn ngành, căn cơ sánh bằng Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tình yêu ấy thúc giục cái ký ức tổng thể trong ông trỗi dậy, nhẩn nha điểm xuyết tất cả những gì lắng đọng trong tâm hồn ông phát lộ thành ngôn ngữ văn chương, phảng phất mà chắc nịch, hối hả mà trầm tư: “Tôi nhận ra ở mỗi con người quanh tôi, trĩu nặng một nỗi lòng thương cây nhớ cội, và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo hạt”.
Con người và thiên nhiên trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường quấn quýt và nâng đỡ nhau như hình với bóng. Bằng kiến văn của mình, ông chứng minh: trên nền tảng thiên nhiên ấy, trí tuệ và sức vóc con người Huế đã kiến tạo nên một vùng văn hoá Huế, mà thành phố Huế là nhân lõi, chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp đặc trưng của lịch sử hình thành và phát triển, vừa thống nhất với đặc điểm văn hoá dân tộc vừa mang những sắc thái riêng, độc đáo và thi vị. Ký ức của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đầy đủ các yếu tố địa-sử-văn-triết và qua cách biểu cảm ông đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu văn hoá. Trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự coi trọng yếu tố địa lý, xem các thành tố của thiên nhiên là những thực thể, đưa chúng vào cùng vận động với sự chuyển biến của tác phẩm, chứ không chỉ “mượn” thiên nhiên nhằm làm “đẹp” tác phẩm như ở khá nhiều người viết khác. Đặc điểm này góp phần cấu thành nên phong cách ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đẹp từ trong tư duy và vì thế đẹp cả trong cách thể hiện, với sự chặt chẽ của cấu trúc và sự trong sáng của ngôn ngữ. Đọc các tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta học được nhiều điều bổ ích, bởi ông là người đã “thổi hồn” vào thể ký…
Nguồn: Văn Nghệ