Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nói về công chúng hôm nay của mình: “Thế hệ đọc những trang cũ ngày xưa đã già cỗi hoặc lụi tàn. Tuổi trẻ ngày nay sẽ hoàn toàn xa lạ và có thể vô cảm với mớ đồ cũ trên tay, nhưng qua dòng trôi chảy của thời gian và thế sự, biết đâu vẫn còn có ai vớt lại chút bọt bèo mong manh của quá khứ...”
Có một nhà văn của tuổi trẻ và bản ngã đam mê
NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY
Tháng 8 năm 2020, chúng tôi đến gặp nhà văn Nguyễn Thị
Hoàng tại tư gia. “Cô giáo Hoàng” xuất hiện. Năm nay đã 81 tuổi nhưng bà vẫn
minh mẫn sắc sảo, phong thái đài các. Trang điểm đậm nhưng thân thể nhẹ nhàng
trong váy đầm thanh lịch, Nguyễn Thị Hoàng thong thả mời trà và nói chuyện.
Đến giấc trưa đoàn mời bà đi nhà hàng nhưng “cô giáo
Hoàng” kiên quyết bà phải là người mời, mới đúng phép chủ nhà tiếp khách phương
xa. Trước khi rời nhà, bà thay áo đầm khác còn duyên dáng hơn, với một đôi giày
mới, và màu son óng ánh hơn một chút.
Năm tháng sau, vào những ngày đầu năm 2021, bộ tiểu
thuyết năm cuốn của nhà văn nữ danh tiếng Nguyễn Thị Hoàng đã trở lại với đời sống
sau hàng chục năm khuất bóng, trong vẻ trang trọng, thanh nhã và đượm màu thời
gian. “Vòng tay học trò”, “Cuộc tình trong ngục thất”, “Tuần trăng mật màu
xanh”, “Một ngày rồi thôi”, “Tiếng chuông gọi người tình trở về”… Những tựa
sách của một thời mê đắm.
***
Văn Nguyễn Thị Hoàng đài các như người. Tôi đọc bà
cách đây mới năm năm, khi tình cờ ngã vào một thoáng “Vòng tay học trò” khiến
mình ngỡ ngàng rung động:
“Con đường rừng một buổi hoàng hôn nào đó. Rặng hoa
đào và bóng dáng mùa xuân. Mười ngón tay em và những chiếc áo len màu. Miệng em
cười và lời yêu thương muộn màng không nói. Tôi chọn em làm đối tượng một đoạn
đời ngắn ngủi. Từ đêm em đi là hết. Là hết. Những đoạn đời kế tiếp của em không
thuộc về tôi nữa. Tôi không chấp nhận sự biến hình phản bội đó. Em đã hủy hoại ảo
tưởng trong hồn tôi nâng niu để trở thành kẻ khác… Mình đã quen thuộc trong đời
sống nhau những ngày xanh thắm ấy. Từ đêm em đi là hết, là hết. Cuộc phân ly
vĩnh viễn giữa em với tôi, giữa tôi với đời, giữa tôi và bản ngã đam mê của thú
rừng thức giấc” .
Tôi tìm đọc “Vòng tay học trò” ngay sau đó, tuy không
dám kỳ vọng, những tưởng mình đã sang một thời đại khác và tuổi mộng cũng đã
chào ra đi, sẽ khó tìm thấy sự đồng cảm với cuốn sách. Nhưng không ngờ mối tình
cấm giữa cô giáo trẻ với cậu học sinh mới lớn, qua giọng văn cực lãng mạn, sang
trọng, đầy nữ tính, khơi dậy tận cùng những khát khao thân xác, những tha thiết
nhung nhớ, hờn ghen giận dữ, hy vọng và tuyệt vọng, chán nản và ơ thờ… đã cuốn
lấy tôi.
“Vòng tay học trò” dậy sóng văn đàn thời điểm ra đời,
bởi sự táo bạo chưa từng. Chưa có ai dám viết và viết hay như thế về một chuyện
tình vượt lễ giáo, bất chấp quy ước xã hội. Hơn một bất chấp, một thách thức
luân lý. Lẽ tất nhiên mối tình cấm ấy bị nhiều tờ báo chỉ trích là phi đạo đức.
Nhưng dường như thế hệ độc giả thanh niên không quan tâm: cuốn sách trong vòng
mấy tháng mà tái bản đến 4 lần!
Mối tình cấm này được cho là câu chuyện của chính cuộc
đời nhà văn, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng với một nam sinh trên Đà Lạt. Sau này khi
được phỏng vấn, Nguyễn Thị Hoàng không hẳn thừa nhận, nhưng cũng không phủ nhận
chuyện đó.
Từ đây, Nguyễn Thị Hoàng trở thành hiện tượng.
***
Nguyễn Thị Hoàng sinh năm 1939 tại Huế, khi còn thiếu
nữ học trường Đồng Khánh. Năm 1957 Nguyễn Thị Hoàng theo gia đình vào sống ở
Nha Trang. Năm 1960 vào Sài Gòn, học Đại học Văn khoa và Luật, nhưng bỏ dở vì
chán. Năm 1962 cô giáo Hoàng lên Đà Lạt dạy Việt văn và Anh văn tại trường nam
sinh Trần Hưng Đạo, nơi được cho là diễn ra mối tình tuyệt vọng của “Vòng tay học
trò”.
Năm 1963 bị đuổi dạy vì tai tiếng hoặc tự bỏ dạy, cô
giáo Hoàng quay về Nha Trang giam mình trong một tháng hoàn tất tiểu thuyết
“Vòng tay học trò”. Một số tài liệu nói là viết ở Sài Gòn. Những mê dại, cuồng
si và nỗi đau đớn của mối tình trái khoáy vẫn còn tươi nguyên ào ạt chảy trên
hàng trăm trang giấy như không kịp thở, làm nên một khúc tình ca buốt ngọt tim
gan.
Năm 1964 tờ Bách khoa in mấy
kỳ tiểu thuyết này khiến dư luận xôn xao, nhưng vì chuyện chồng con gia đình mà
đến 1966 Vòng tay học trò” mới chính thức xuất bản đầy đủ. Nguyễn Thị Hoàng
ngay lập tức nổi tiếng.
Nhưng Nguyễn Thị Hoàng đến văn đàn trước nhất với thơ.
Bà đã in hai tập thơ “Sầu riêng” (1960) và “Sau phút đam mê” (1961), sau đó là
thơ đăng rải rác trên báo. Thơ sớm hay, cho thấy một tài năng thực sự:
“Em đợi anh về những chiều thứ bảy
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật”
“Sàigòn xa hoa
Sàìgòn mê muội
tôi trở về vùi chôn tuổi buồn đau
lang thang từ buổi xa nhau
từng đêm lệ nhỏ trong màu rượu cay
trời cao chim nhỏ xa bay
tôi về cửa khép phương này mình tôi
Sàigòn hồng má hồng môi
tóc nghiêng nửa mái cung trời hoàng hôn
góc hè phố cũ
hàng hiên cô đơn
nhìn nhau ngơ ngác
Sàigòn cuồng điên âm thanh
Sàigòn đê mê bóng tối
thôi tôi không chờ không đợi
cho lời yêu câm mãi rồi thôi”
***
Điều gì tạo nên sức hấp dẫn của văn chương Nguyễn Thị
Hoàng đối với thanh niên thời ấy, khiến bà trở thành một nhà văn bestseller?
Tôi mạo muội nghĩ tới mấy điều. Trước hết là bởi Nguyễn Thị Hoàng sở hữu một lối
văn điệu đà, êm mượt, giàu nhạc tính, những tổ hợp câu dài phóng đãng Tây
phương, bên cạnh những ngắt nghỉ, luyến láy bất ngờ, diễn tả những trạng thái
tâm lý tinh vi, tạo nên một thanh âm rất bắt tai thời đại.
“Tất cả đã rụng tàn rồi có phải. Như mùa hè đã phai
màu và không bao giờ còn tới nữa một lần. Như tuổi thắm tôi cũng vút bay theo,
những gót chân vui mừng cuống quýt lối yêu mê khờ dại ngẩn ngơ, bay theo những
tảng nắng ngất ngây thơm, những tiếng cười giọng nói, những gặp gỡ xa lìa, những
bất ngờ và chấm hết. Có phải.” (“Một ngày rồi thôi”).
“Tất cả đã rụng tàn rồi có phải” - một kiểu cấu trúc lạ
và hay, mà trong văn của Nguyễn Thị Hoàng ta hay bắt gặp. Đọc văn của Nguyễn Thị
Hoàng luôn có cảm giác câu trước gọi câu sau, chảy trôi mượt mà như thể không
phải dụng công gì hết. Hồ Trường An từng miêu tả Nguyễn Thị Hoàng “viết nhanh
như gió táp mưa sa, không thèm đọc lại những gì mình đã viết; ngòi bút của chị
như cuồng lưu, như ngựa phi đường xa, lướt phom phom, không có gì ngăn cản nổi”.
Cho dù nhiều khi lạm dụng quá nhiều tính từ đưa đẩy và lối diễn đạt kiểu cách,
vẫn không thể phủ nhận năng lực ngôn ngữ đặc biệt của bà.
Thứ hai là bởi trong văn Nguyễn Thị Hoàng thường thể
hiện hình ảnh những người trẻ tuổi, dù là nam, dù là nữ, đều không yên ổn với
thực tại, luôn cựa quậy, luôn khao khát vượt lên, luôn kiếm tìm gì đó, một hoài
bão sống, một tình yêu tuyệt đối, một sự nhận diện bản thân… Có lẽ những hình ảnh
ấy có sự đồng điệu sâu sắc với tâm lý của người trẻ thành thị bấy giờ, yêu cuồng
sống vội trong âm sắc náo động của đô thị Sài Gòn, của phong trào hippy, nhưng
vẫn cảm thấy trống rỗng, muốn biết mình là ai và vẫn thèm khát điều gì đó lớn
lao.
Thứ ba nữa là bởi Nguyễn Thị Hoàng đã khai thác câu
chuyện tình yêu ở nhiều góc độ đa dạng, mà thường là những mối tình lỡ làng,
khác biệt và thách thức các ranh giới. Thứ cấm kỵ bao giờ cũng hấp dẫn. Ở đó
các nhân vật bộc lộ mọi trạng thái yêu, niềm đam mê, sự giằng xé, nỗi ngất
ngây, khát vọng vẻ đẹp tuyệt bích, và những người trẻ tìm thấy mình trong đó.
***
Hiển hiện trong bộ năm cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thị
Hoàng là hình ảnh những người nữ trẻ, cách này hay cách khác, đều nổi loạn,
không hài lòng với thực tại, theo đuổi những niềm tin, những khát vọng riêng
có. Họ nhạy cảm, đa đoan, giàu nữ tính, nhưng lại mạnh mẽ, bất chấp lề lối đời
thường, dám sống cho khát vọng của mình. Như Trâm của “Vòng tay học trò”, đã
chán ngán Sài Gòn và những cuộc vui lang bạt: “Nàng bỏ đi như một từ khước. Và
như một lẩn trốn. Từ khước những thú vui buông thả đưa tới lỡ lầm cay đắng, đưa
tới trống không dằng dặc tủi hờn. Lẩn trốn những đòi hỏi xôn xao của chính
mình, của một bản chất sôi nổi thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ vô bến”.
Huyền trong “Tiếng chuông gọi người tình trở về” không
bao giờ yên nguôi: “Em sinh ra chỉ mơ những chốn cao vút, xa vời và muốn anh
bao giờ cũng cao vút, xa vời như em mong ước. Nhưng không anh hay một người nào
xa vời cao vút hết. Chỉ mình trí óc em ở ngoài, bay bổng trong khi mọi người
bình thường sum họp vui vầy dưới kia đời sống bình thường”.
Nguyện của Một ngày rồi thôi: “Nguyện lại cảm thấy, vừa
kiêu hãnh vừa tủi hờn vô cớ là đời sống bên ngoài, vòng vây quen thuộc eo hẹp
và tầm thường không đủ dung chứa mình.”
***
Độc giả bây giờ có đọc Nguyễn Thị Hoàng không? Những
tâm tình của nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết này có quá lạ lẫm với hiện tại
sau 60, 70 năm? Lối văn có quá miên man điệu đà đối với thời đại quen lướt
nhanh đọc ngắn?
Trong Lời tựa của tập truyện ngắn “Trên thiên đường ký
ức” năm 2019, Nguyễn Thị Hoàng đã nghĩ về điều này: “Thế hệ đọc những trang cũ
ngày xưa đã già cỗi hoặc lụi tàn. Tuổi trẻ ngày nay sẽ hoàn toàn xa lạ và có thể
vô cảm với mớ đồ cũ trên tay, nhưng qua dòng trôi chảy của thời gian và thế sự,
biết đâu vẫn còn có ai vớt lại chút bọt bèo mong manh của quá khứ. Chút bọt bèo
có thể sẽ là mầm xanh cho mùa hoa trái mới, cũng có thể là phiến hóa thạch vô
tri vì cuộc đợi chờ vô vọng mấy mươi năm mà kỳ thực đã mấy nghìn năm bên bờ ảo
hóa”.
Hẳn sẽ còn nhiều người tìm đọc Nguyễn Thị Hoàng, bởi
chúng ta vẫn luôn cần tìm hiểu quá khứ để cắt nghĩa cho hiện tại.
Nguồn: An Ninh Thế Giới
cuối tháng