Nhà phê bình Nguyễn Văn Dân nhận định: Có một số bạn trẻ muốn nghiên cứu sâu nhưng đôi khi lại rơi vào cực đoan, tuyệt đối hóa. Khi một lý thuyết nghiên cứu văn học mới được giới thiệu ở nước ta, nhiều cây bút quá đề cao, tạo ra phong trào tiếp thu lý thuyết gần như chạy theo “mốt”
Làm lý luận phê bình văn học cần lao động nghiêm túc, khách quan
Bàn luận về lý luận phê bình văn học (LLPBVH) hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng các bài viết trên báo chí truyền thông, mạng xã hội chủ yếu là PR, quảng cáo tác phẩm; thiếu định hướng cho công chúng tìm đến và hiểu sâu hơn tác phẩm văn chương giá trị.
Song qua cuộc trò chuyện với PGS, TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)-một nhà LLPBVH uy tín, chúng tôi nhận ra đó chỉ là nhận định phiến diện. Thực tế, nhiều cây bút LLPBVH vẫn âm thầm cống hiến bằng trách nhiệm, say mê, cho dù đặc thù khoa học nghiên cứu văn chương luôn kén người, lẩn khuất đằng sau đời sống văn chương sôi động.
Phóng viên (PV): Qua nhiều năm gắn bó, theo dõi đời sống LLPBVH, ông có thể cho biết lĩnh vực này đang phát triển như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Văn Dân: Theo quan sát của tôi, tình hình LLPBVH hiện nay có nhiều tín hiệu vui. Về mặt đội ngũ, những cây bút trẻ (khoảng trên dưới 40 tuổi) rất ham thích nghiên cứu lý luận; có khá nhiều tác phẩm lý luận của các cây bút trẻ được xuất bản. Về mặt thành tựu lý luận chung, hằng năm vẫn có tác phẩm LLPBVH được giải thưởng, tặng thưởng của địa phương, của Hội đồng LLPBVH nghệ thuật Trung ương, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và đặc biệt là của Hội Nhà văn Việt Nam...
Tuy vậy, tôi vẫn băn khoăn là một số công trình lý luận văn học còn chưa sâu sắc. Có một số bạn trẻ muốn nghiên cứu sâu nhưng đôi khi lại rơi vào cực đoan, tuyệt đối hóa. Khi một lý thuyết nghiên cứu văn học mới được giới thiệu ở nước ta, nhiều cây bút quá đề cao, tạo ra phong trào tiếp thu lý thuyết gần như chạy theo “mốt”. Họ quên mất rằng mỗi một lý thuyết chỉ là một cách tiếp cận, chỉ có ý nghĩa bổ sung cho các cách tiếp cận khác chứ không phải là thay thế.
PV: Nhìn rộng ra, các bài viết lý luận phê bình trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông, mạng xã hội chất lượng ra sao, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Văn Dân: Về diện rộng, theo tôi, lĩnh vực LLPBVH trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội đang diễn ra rất sôi nổi. Các cây bút tích cực tham gia nghiên cứu văn học và có một số bài viết mang tính lý luận, giàu khám phá như viết về liên văn bản, mỹ học tiếp nhận, phê bình sinh thái... Tôi cho rằng nỗ lực đó rất đáng ghi nhận ở phương diện các cây bút trẻ chịu khó tiếp cận lý thuyết. Nhưng việc áp dụng vào nghiên cứu văn học Việt Nam thì chưa nhiều. Các bài phê bình văn học trên báo chí thì rất phong phú, bám sát vào các hiện tượng thời sự văn học. Song, với đặc thù phê bình trên báo chí bị giới hạn bởi dung lượng và tôn chỉ, mục đích của từng tờ báo nên chúng cũng bị hạn chế về nhiều mặt; khó đòi hỏi chúng đề cập những vấn đề bao quát hay chuyên sâu.
Trên văn đàn, vẫn còn không ít bài viết PR văn chương, quảng bá tác phẩm một chiều, đơn giản, thiếu sâu sắc, thiếu sự nghiền ngẫm của người viết. Cũng có những hiện tượng nể nang, dễ dãi trong khen-chê tác phẩm. Việc khuyến khích, động viên nhà văn là điều cần thiết, nhưng cần có giới hạn. Còn muốn có một bài phê bình nhận định sâu sắc thì cần lao động nghiên cứu công phu, tư duy logic, khách quan thay vì cảm tính. Có lần, tôi đọc được một tin của nước ngoài viết rằng một tờ báo ở Anh đã quy định cấm các cây bút viết phê bình văn học được tiếp xúc với nhà văn khi viết về tác phẩm của người đó. Quy định này xét ra thì cực đoan nhưng nó phản ánh hiện tượng nâng đỡ, vuốt ve nhau trong giới cầm bút ở đâu cũng có. Nói chung, đã viết LLPBVH thì nên chú tâm vào văn bản tác phẩm, không nên để các yếu tố bên ngoài tác động, như thế mới rút ra được những nhận định chính xác, khoa học. Uy tín, bản lĩnh cá nhân người viết LLPBVH thể hiện ở điểm này.
PV: Muốn có bài viết, công trình LLPBVH giá trị thì phải có đội ngũ cây bút có trình độ nhất định. Theo ông, đâu là phẩm chất, yêu cầu cần có của một người làm nghề LLPBVH?
PGS, TS Nguyễn Văn Dân: Theo tôi, bên cạnh việc yêu nghề, say nghề tùy ý thích của từng người thì khi làm bất cứ việc gì cũng cần có trách nhiệm và phải làm thật tốt. Tất nhiên, đã là người làm nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu văn học thì cần có thiên tính tư duy logic, phương pháp làm việc khoa học mới mong có thành tựu để lại.
PV: Hiện nay, tại nhiều trường đại học vẫn đào tạo ngành văn học, ngữ văn nhưng sau khi tốt nghiệp, không nhiều người theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu văn chương. Hiện tượng này có đáng lo lắng không? Và chương trình đào tạo những người có khả năng nghiên cứu văn học hiện nay có điểm gì cần bổ sung, thay đổi, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Văn Dân: Thời học đại học ở Romania (1967-1972), tôi chưa được học nhiều lý thuyết hiện đại để nghiên cứu sâu. Tuy nhiên, khối lượng kiến thức học được cũng vẫn nhiều đến mức có thể ví 3 tháng học đại học bằng khối lượng của cả 10 năm học phổ thông. Không chỉ khối lượng kiến thức trên lớp, số lượng tài liệu để đọc, để tự nghiên cứu cũng rất nhiều.
Ở nước ta, việc đào tạo ngành văn học hiện nay khá tốt so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số bộ môn quan trọng, mang tính nền tảng như lịch sử mỹ học, văn học thế giới so sánh (không phải văn học nước ngoài). Nhiều sinh viên mà tôi tiếp xúc thường than đọc sách lý luận văn học thấy khó hiểu. Theo tôi, nếu không có một nền tảng kiến thức cơ bản thì rất khó tiếp cận lý thuyết. Tôi nghĩ việc đào tạo cần trang bị kiến thức nền tảng vững chắc để cho sinh viên dễ tiếp cận lý thuyết, có thể tự nghiên cứu về sau.
PV: Hiện nay, lĩnh vực khoa học văn học đang hiếm người học, nghiên cứu. Theo ông, cần có những giải pháp nào góp phần hỗ trợ những người nghiên cứu lý luận phê bình?
PGS, TS Nguyễn Văn Dân: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng cho các cây bút lý luận phê bình trẻ; cùng với Hội đồng LLPBVH nghệ thuật Trung ương hỗ trợ xuất bản cho những bản thảo có chất lượng; Tạp chí Văn nghệ quân đội đã mở trại viết, trao tặng thưởng hằng năm... Tôi cho rằng đây là những việc làm rất thiết thực; rất mong muốn các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức thêm nhiều hoạt động, cách làm đạt được hiệu quả cao hơn.
Quan điểm của tôi là muốn cho phê bình tác động trực tiếp được đến đời sống văn chương thì cần chú trọng và nghiên cứu kỹ lý luận. Có lý luận thì phê bình mới có tư duy mạch lạc. Ngoài ra, lý luận cũng có thể tác động đến sáng tác một cách gián tiếp, tức là tác động thông qua các bài áp dụng lý luận để phê bình tác phẩm văn học. Hiện nay, do việc xuất bản sách hàn lâm gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ nên các nhà xuất bản ít thực hiện, cho nên tôi nghĩ Nhà nước và các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp cần quan tâm, hỗ trợ giới LLPBVH bằng các dự án thiết thực, nhất là dự án dịch sách lý luận. Vấn đề dịch sách cũng nên cho dịch giả trẻ có năng lực tham gia, nhưng cần được thẩm định, hiệu đính kỹ lưỡng, vì khả năng dịch của chúng ta hiện nay còn hạn chế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HOÀNG HOÀNG - Báo Quân Đội Nhân Dân