Trong “Linh hồn tiếng hú” của Đặng Bá Tiến, 69 bài thơ là 69 cung bậc về phận đời, phận người, phận rừng. Giấu sau đôi mắt trầm tư, ám ảnh như một vị “già làng” được Tây Nguyên “mã hóa”, dễ đọc được ông đau đến rỉ máu. Đau mà bất lực
VIẾT CÂU THƠ BẠC TÓC BỞI NỖI NIỀM RỪNG XANH
SÔNG NGHÈN
1.
Quý 3/2020, nhà thơ Đặng Bá Tiến, xuất bản tập thơ “Linh hồn tiếng hú”, (NXB Hội Nhà văn, Giải A của Hội VHNT Đắk Lắk năm 2020) . Nếu tính từ năm 1995, xuất bản tập thơ đầu tiên “Yêu thương thì thầm”, in chung, thì đây là tập thơ thứ 6. Bình quân, hơn 4 năm một tập. Như vậy không nhiều, nếu không muốn nói là “kỹ” trước khi xuất bản.
Trong bài “Thơ Đặng Bá Tiến và nỗi đau mất mát của đại ngàn Tây Nguyên”, thay Tựa cho “Linh hồn tiếng hú”, nhà thơ Phạm Quốc Ca nhận xét về “chân dung tâm hồn” Đặng Bá Tiến: “Gần 40 năm sống, làm báo, sáng tác văn học, nghệ thuật ở Tây Nguyên, Nhà thơ đã dành tất cả tâm hồn cho rừng, khổ đau, hạnh phúc với bà con dân tộc Tây Nguyên”.
Gặp Đặng Bá Tiến ngoài đời dễ nhận ra ưu tư đến trĩu nặng; đọc thơ anh thấy rõ mồn một nhận định của nhà thơ Phạm Quốc Ca. 69 bài thơ trong “Linh hồn tiếng hú” của anh là 69 cung bậc về phận đời, phận người, phận rừng. Giấu sau đôi mắt trầm tư, ám ảnh như một vị “già làng” được Tây Nguyên “mã hóa”, dễ đọc được ông đau đến rỉ máu. Đau mà bất lực.
Bản Đôn có lẽ không còn xa lạ đối với hầu hết người dân Việt Nam qua bài hát mà ai cũng thuộc đó là “Chú voi con ở Bản Đôn”. Bản Đôn nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn của Đắk Lắk, từ lâu đang trở thành một trong những điểm đến được khách du lịch vô cùng yêu thích khi đi du lịch tại Tây Nguyên vì mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, con người đặc trưng nhất của cao nguyên Việt Nam. Chỉ riêng viết về Bản Đôn, trong “Linh hồn tiếng hú” có đến 8/69 “cung oán”, từ “Ngẫm từ tượng nhà mồ ở Bản Đôn”, đến “Câu hỏi của linh hồn”....
Chiếm 11,5% số bài viết về Bản Đôn cho thấy Bản Đôn trở thành niềm day dứt đặc biệt trong trái tim nhà thơ.
Ta
là con của Bản Đôn
của rừng xanh
của suối nguồn, chim, hoa
(Câu hỏi của linh hồn)
Đây là lời Y Thu (Khun Ju Nốp), một “vua săn voi” rừng nổi tiếng bậc nhất vùng Bản Đôn nhưng cũng chính cõi lòng Đặng Bá Tiến. Ông xác quyết mình thuộc về rừng xanh Tây Nguyên. “...hãy nhìn đi/ những con voi già đang khóc”, “.../nhìn theo bước chân voi/ nước mắt cũng lăn trên gò má già làng” (Nước mắt ở Bản Đôn)
Con voi là biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên. Thân phận của voi Bản Đôn cũng là thân phận một “giá trị” đang bị “bóc lột” đến tận cùng, thời thị trường: “.../Ama ngà ngà say/ ôm chân voi ngồi khóc/ thương voi hay thương người?”, (Bản Đôn)
Hình ảnh những con voi già cuối cùng chân bước nặng nề, gầy giơ xương ở Bản Đôn có sức mạnh “tố cáo”. Rất ít người xa xót, chỉ có trái tim thi sỹ rung lên bất lực. Trong “Hồn cẩm hương thơ”, (NXB Hội Nhà văn, năm 2017, Giải A, Giải thưởng VHNT tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3, giai đoạn 2015 - 2020) , Đặng Bá Tiến còn có “Lời con voi ở Bản Đôn”:
Chiều nay ta nhai nắng đến rã rời
Chẳng còn cỏ thơm chẳng còn mía ngọt
Ta nuốt cả phận mình trong đắng đót
Bản Đôn ơi ai còn hiểu lòng ta?
2.
Tây Nguyên không còn rừng sẽ là gì? Tiếng hú có linh hồn, là linh hồn... Đặng Bá Tiến không chỉ khóc cho những con voi Bản Đôn, cho những cây thông cuối cùng còn sót lại bên QL14...mà khóc cho muôn vàn hoa lá, vốn tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ của Tây Nguyên xưa. Dường như rừng Tây Nguyên chọn Đặng Bá Tiến để cất tiếng về nỗi đau, về tiếng hú. Rặt trong thơ là vậy.
Không chỉ đến bây giờ Đặng Bá Tiến mới viết về rừng. Tập trường ca “Rừng cổ tích” ông dự giải Cuộc vận động viết về đề tài công nhân do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, giai đoạn 2010 – 2014, đạt giải nhất. Nhà thơ Vũ Quần Phương trong Lời giới thiệu “Hồn cẩm hương” của Đặng Bá Tiến nhận xét: “Sống kỹ lưỡng, thấm đẫm từng ngày những sự kiện, những vui buồn, lo lắng, khổ ải và hy vọng của bà con dân tộc. Phong vị Tây Nguyên thấm vào hồn câu, hồn chữ của thơ anh”. Tập thơ này có hai phần, phần I chính là “Nỗi rừng”. Đặng Bá Tiến viết về tiếng tù và, lời chiêng, con bìm bịp, hoa cúc quỳ, viết về Bản Đôn, sông Sê rê pốc, hồ Lắc...nhưng ăm ắp “nỗi đời”, (tên phần II) và nỗi người.
Ta bạn với rừng mà giờ bỗng bơ vơ
Không thú, không cây, không cả làn gió mát
Buồn ôm ché, uống hoài không trôi bết
Nỗi nhớ rừng nghẹn đắng giữa lòng ta
(Ây Nô nhớ rừng).
Tây Nguyên bây giờ không còn “đại ngàn”. Chỉ còn lại những cây thông già là đại diện. Thế nhưng, những năm 2019, 2020, thông trong rừng, ven quốc lộ 14 cũng bị các đối tượng xấu “hủy diệt” với rất nhiều động cơ, trong đó có mắc mưu thương lái nước ngoài. Công an các tỉnh Tây Nguyên phải vào cuộc. Mới đây nhất, ngày 6/2/2021, Tòa án Quân sự khu vực 2 (Quân khu 5) đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 6 bị cáo 48 năm tù về tội "Hủy hoại rừng". Đây là phiên tòa quân sự đầu tiên được mở tại Đắk Nông, xét xử nhóm bị cáo có hành vi "Hủy hoại rừng thông". Những cây thông tự nhiên, thông được người Pháp thời thuộc địa đưa sang Tây Nguyên và các Liên hiệp Lâm - nông - công nghiệp Ea Súp và Gia Nghĩa trồng sau giải phóng , làm phong phú thêm diện mạo vùng đất này. Thế nhưng, thông đã và đang “sống sót độc hành”, có thể “lìa đất trong đêm”. “Lần đầu tiên trong đời ta nghe thông nói: / kiếp sau xin Trời đừng bắt tội/ ta làm thông ở xứ sở này”(Mong ước của thông).
Nhà thơ cách mạng Tố Hữu từng nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy”. Đọc Đặng Bá Tiến, nhận ra, thơ ông bật ra từ trái tim, khi nỗi đau quá đầy, quá nghẹn. Đọc Đặng Bá Tiến, không nghi ngờ gì nữa, có thể nhận định, ông là nhà thơ sinh thái hàng đầu, tiêu biểu của văn đàn.
Với trái tim ấy, rất dễ hiểu: “viết câu thơ bạc tóc/ bởi nỗi niềm rừng xanh” (Với ta). Đặng Bá Tiến tóc trắng bồng bềnh. Mái tóc anh thay cho “cáo trạng” về thân phận của rừng xanh Tây Nguyên.
3.
Nhà thơ Đặng Bá Tiến tuổi Nhâm Thìn. Theo bảng Can – Chi – Mệnh, những người sinh năm Nhâm Thìn mang mệnh Thủy, cụ thể là Trường Lưu Thủy (Nước chảy dài). Có lẽ vì thế, Đặng Bá Tiến thuộc về phồn sinh. Quê Đặng Bá Tiến là một xã vùng bán sơn địa thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở đầu lập nghiệp, ông là giáo viên dạy thể dục ở trường cao đẳng và phổ thông trung học ở quê nhà.
Những năm 1975, 1976, Đặng Bá Tiến đã tập viết báo, làm thơ. Người đầu tiên phát hiện ra, năng khiếu làm báo trong các tác phẩm báo chí đầu tay, phát hiện ra phẩm chất thi sỹ qua những bài thơ đầu tiên của Đặng Bá Tiến chính là nhà báo, nhà thơ Duy Thảo. “Mi có năng khiếu, mi viết được”, nhà thơ Duy Thảo hồi đó đã nhận xét và cung cấp các tài liệu về báo chí để Đặng Bá Tiến tự học, trau dồi, nâng cao trình độ. Điều này Đặng Bá Tiến không bao giờ quên. Duyên với nghề báo, với văn chương, nghệ thuật, duyên với Tây Nguyên đến tình cờ hơn cả mong đợi. Ấy là một lần vào thăm người em ở Tây Nguyên, Tổng Biên tập báo Đắk Lắk cho biết thiếu phóng viên và mời ông vào.
“Vợ chồng tôi với chiếc đòn gánh trên vai quảy tráp vào Tây Nguyên. Trước khi đi, nhà thơ Duy Thảo, Xuân Hoài rơi nước mắt”, nhà thơ Đặng Bá Tiến chia sẻ. Những năm tháng ấy cực kỳ khó khăn. Làm cho báo địa phương một thời gian, Đặng Bá Tiến chuyển sang báo Lao Động, được giao nhiệm vụ thường trú khu vực Tây Nguyên. Không chỉ thơ, năm 1992, với cương vị nhà báo, bút ký “Rừng ơi là rừng” của ông đã được chọn là bút ký hay và được nhận Tặng thưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Làm báo cho Đặng Bá Tiến trải nghiệm và tạo ra không gian “chất liệu” trong tâm hồn thi sỹ. Nói không quá, Đặng Bá Tiến là nghệ sỹ đa tài. Ngoài Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, ông còn là Hội viên các Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế. Ảnh nghệ thuật của Đặng Bá Tiến đã giành nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.
Nói không ngoa, Đặng Bá Tiến là một “già làng” trong “làng báo” và thi đàn Tây Nguyên. Có thời Đặng Bá Tiến là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk.
Nặng nghĩa với Tây Nguyên, đăm đắm với quê nhà, dẫu xa quê đã gần 40 năm. Ký ức làng quê luôn sống. “Bến sông quê bậc đất chân trần/ ta xuống tắm mỗi ngày quen từng hạt cát”, “Mấy chục năm xa nhớ đến nôn nao/ ngày về quê, ta chạy ùa xuống tắm”, (Trở lại bến sông quê). Trong ngôi nhà của ông ở Buôn Ma Thuột, sinh hoạt đậm chất Hà Tĩnh. Ông vẫn ra chợ mua những quả bầu trắng, về thái lát, phơi khô để muối chua, kho tép...đầy phong vị quê nhà.
Sống kỹ đến tận cùng, tạo ra “nhân vị người” Đặng Bá Tiến. Ông đau đời, đau người. “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”, (Bêlinxki). Thơ Đặng Bá Tiến ăp ắp cuộc đời. Nói thư nhà thơ Vũ Quần Phương, hơi thở cuộc đời “hầm hập” trong thơ ông./.