Gia đình Đào Duy Anh có một cửa hàng sách mang tên Vân Hòa, chủ yếu do người vợ bán. Nhưng Đào Duy Anh là người giúp việc đắc lực. Cửa hàng không thuê người giúp việc nên anh luôn phải ngồi đó để phòng khi vợ có việc bận thì trông hàng giùm.
HỌC GIẢ ĐÀO DUY ANH – THUỞ VỪA SOẠN SÁCH VỪA GIÚP VỢ BÁN HÀNG
ĐOÀN TUẤN
Hồi trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Đào Duy Anh có kể với nhà báo Lê Thanh rằng, ông sinh ngày 26 tháng 5 năm 1905, tại làng Bi Kiều, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, là nơi cha mẹ ông ngụ cư. Năm lên 6 tuổi, cậu bé Đào Duy Anh bắt đầu học chữ Hán với một ông đồ ở làng bên. Cha mẹ cho con học chữ Hán, mục đích theo con đường khoa cử. Được ít lâu, huyện mở trường Pháp – Việt, nhưng cha mẹ lại gửi cậu ra thị xã Thanh Hóa học với ông đồ. Ông này vừa dạy chữ nho vừa dạt chữ quốc ngữ. Nhưng lúc đó, trẻ con đều bỏ học chữ nho, theo học chữ Pháp. Cha mẹ cậu bé cũng theo phong trào, cho cậu nghỉ học chữ Hán , vào trường Pháp – Việt. Lúc bấy giờ, cậu bé Đào Duy Anh mới lên 10. Và cậu học chữ Pháp trong bốn năm. Chữ Hán quên dần.
Những năm đi học, dù có học bổng, nhưng gia đình vẫn phải vay mượn nhiều để chàng trai có đủ sách vở và áo quần đến lớp. Năm 1923, 18 tuổi đời, Đào Duy Anh tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học. Anh xin vào trường Uyên Bác ở Huế làm thư ký. Đây là trường đào tạo các quan lại theo lối tân học, tức trường Hậu Bổ cũ. Mục đích là để tiếp cận kho sách dồi dào của trường. Nhưng không được. Chàng trai Đào Duy Anh phải xin đi làm giáo học. Anh được phân về thị xã Đồng Hới (Quảng Bình).
Đào Duy Anh suy nghĩ, cha mẹ vất vả vì mình nhiều. Hơn nữa, sau anh, còn nhiều người em đang tuổi ăn học. Anh thấy cần phải đi làm để giúp đỡ cha mẹ, trả nợ dần và nuôi các em. Ở Đồng Hới, ngoài việc dạy học, chàng trai lại “cắm đầu vào việc tự học”. Tự học thêm về Pháp văn và Hán văn. Về tiếng Pháp, anh học theo chương trình trung học của một trường hàm thụ bên Pháp. Về Hán văn, khó hơn nhiều. Lý do là, thầy học không có, sách học cũng thiếu. Song nhờ hồi nhỏ được học ít năm, nay sẵn một số chữ đã thuộc, bèn đem những bài chữ Hán ở tạp chí Nam Phong cùng những tạp chí Tàu mượn của một người Hoa kiều, về đọc. Gặp những chữ khó, chàng trai mang đến hỏi một ông cựu học thuộc chính phủ Nam triều làm việc ở tỉnh.
Để được ông quan này dành thời gian, chàng trai Đào Duy Anh giao du với ông bằng cách xướng họa thơ văn. Để làm được thơ quốc văn, Đào Duy Anh cũng phải tự học. Tuy nhiên, anh không đánh giá cao thơ mình. Anh không gọi đó là thơ mà chỉ coi đó là việc chắp chữ thành câu chứ không có thi tứ gì. Nhiều buổi cướng họa đã giúp anh tập hợp thành một tập thơ. Nhưng sau này xem lại, anh thấy “tầm thường quá sức nên đã xé và tự hẹn không bao giờ làm thơ nữa”. Nhưng có hề chi, miễn là mục đích mình đạt được.
Song công việc tự học Hán văn đâu đơn giản như vậy. Vốn sáng dạ, nên vừa học Hán văn, anh vừa trau dồi về quốc văn. Ở cuối những bài chữ Hán trên báo Nam Phong thường có phần từ vựng. Đào Duy Anh bèn đóng quyển vở nhỏ, chép tất cả những chữ trong mục ấy, để khi rảnh giở ra xem. Đồng Hới hồi đó là nơi cô tịch, ít được bàn bạc về việc học cùng bạn bè.
Trong hai năm đầu, chàng trai chỉ học chứ không viết. Đến năm thứ ba, ở Đồng Hới xảy ra một việc. Đó là việc ông quan Hiệp tá trí sỹ Hoàng Côn tạ thế. Ông quan Công sứ tỉnh phải đọc bài điếu văn. Một người con của cụ Hiệp quen với Đào Duy Anh. Anh này đã nhờ Đào Duy Anh dịch bài điếu văn ra quốc văn. Bài dịch đó được đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn. Các bậc thức giả ở Đồng Hới khen là dịch tốt. Đó là bài đăng báo đầu tiên của nhà giáo Đào Duy Anh.
Rồi sau đó, anh viết báo chữ Pháp, cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng làm báo Tiếng Dân, lập tủ sách Quan Hải Tùng Thư. Chỉ trong hai năm, 1928 -1929, tủ sách này ra được 19 tập sách. Mỗi cuốn dày từ 50 đến 120 trang. Những người bạn đóng góp được 7 cuốn. Còn 12 cuốn do Đào Duy Anh soạn. Quyển đầu là Trí khôn, quyển cuối là Tôn giáo. Năm 1930, Đào Duy Anh không làm báo nữa. Tuy vậy, anh vẫn cho ra mắt hai cuốn. Đó là cuốn Chính trị nước Pháp và Thế giới sử.
Trở lại với việc Đào Duy Anh soạn Từ điển Hán – Việt. Đó là năm Đào Duy Anh vào tuổi 25, năm 1930. Số là khi biên dịch các sách Quan Hải Tùng Thư, sau mỗi quyển, anh thường để một mục, gọi là “từ khảo” để ghi những danh từ chữ Hán có nghĩa khó mà trong sách sử dụng. Soạn những mục từ khảo đó cũng khá công phu. Tra cứu được chữ nào, anh đều chép riêng. Hoặc những lúc đọc báo, thấy chữ nào khó, anh cũng chép riêng ra. Rồi những biên chép về từ ngữ như thế cũng được khá nhiều. Anh kể , tôi bèn nghĩ rằng, nếu kê cứu thêm và đem sắp thành một quyển, có thể đem cái kinh nghiệm của mình giúp cho những người tự học như mình bớt được một bước đường khó khăn. Mục đích biên soạn Từ điển Hán – Việt chỉ có thế.
Những năm đó, gia đình Đào Duy Anh có một cửa hàng sách mang tên “Vân Hòa”, chủ yếu do người vợ bán. Nhưng Đào Duy Anh là người giúp việc đắc lực. Anh nhớ lại, vì nhà hẹp, nên bàn làm việc của anh phải đặt ở cùng một gian với cửa hàng sách. Cửa hàng không thuê người giúp việc nên anh luôn phải ngồi đó để phòng khi vợ có việc bận thì trông hàng giùm. Công việc soạn sách đòi hỏi phải tỉ mỉ mà phải làm việc ở giữa gian hàng có lúc đông khách, lại khó chịu khi có những người khách hay thóc mách đi lại sau lưng để nìn xem anh làm cái gì. Ở hoàn cảnh ấy, anh phải tập cách “ngưng thần” (tập trung tinh thần). Nhờ vậy, anh tâm sự: “Có khi người ta la hét ở bên tai tôi mà tôi không để ý. Nhưng cũng vì thế mà sinh ra đãng trí. Có lúc đương tìm định nghĩa một chữ rất lôi thôi mà có người vào mua một ngòi bút một xu cũng phải bỏ việc đó đứng dậy bán giùm cho vợ đi vắng”.
Công việc soạn từ điển cũng chẳng thú vị gì. Nhưng đâm lao phải theo lao. Chí đã định thì lòng phải gắng. Anh kể, thực ra, sự chán chỉ có ở những buổi đầu, nhưng sau dần quen, sự cố gắng thành ra tự nhiên. Thường thường, sáng dậy, anh làm việc suốt cho đến trưa. Ăn cơm xong, lai làm suốt đến chiều. Ăn tối xong rồi đọc sách, báo đén 11, 12 giờ. Mỗi ngày anh thường làm việc đến 15-16 giờ, trong đó dành cho Hán –Việt từ điển khoảng 12-13 giờ.
Giúp việc cho Đào Duy Anh là người vợ và một anh thư ký trẻ. Gọi là thư ký cho oai, thực ra, anh giao cho người này sắp đặt những từ mà anh biên chép từ những năm trước thành từng fiches (phích ). Anh lại mượn những tập báo chí, nhất là Nam Phong và Hữu Thanh, giao cho vợ và thư ký đọc hết và trích ra tất cả những danh từ chữ Hán, rồi chép thành fiches theo thứ tự a, b, c. Sau đó, Đào Duy Anh xem các fiches ấy, lựa lọc nhiều lần, đem những sách từ điển của Tàu như Từ nguyên, Vương vân ngũ đại từ điển, Quốc văn thành ngữ từ điển, Trung Hoa bách khoa từ điển, Học sinh từ điển, Hán – Anh từ điển, Hán – Pháp từ điển và Từ điển Ge’nibrel cùng Từ điển Paulus Của để đọc và đối chiếu với các fiches và biên thêm những chữ còn thiếu.
Nhưng vẫn chưa yên tâm. Xem lại, anh vẫn thấy thiếu nhiều. Lại giao cho thư ký chép ra fiches mới. Vừa chép vừa sắp đặt lại tạm theo thứ tự a,b,c… Rồi chính Đào Duy Anh lại phải soát xem thư ký có chép sót không. Sót lại thêm vào.
Nhưng chưa hết. Đây là lúc phải đem các fiches ấy ra để dịch nghĩa từng chữ, từng từ ngữ. Công việc này khó khăn và tỉ mỉ nhất. Ngoài những sách từ điển kể trên dùng tham khảo, thỉnh thoảng anh phải nhờ đến các sách như Quảng sự loại, Bội Văn vận phủ, Cố sự quỳnh lâm… để tra thêm điển cố, điển tích.
Tưởng chừng công việc đã đi đến hồi kết, nhưng Đào Duy Anh vẫn chưa yên tâm. Năm đó, anh mới 25 tuổi, vẫn nghĩ mình là một thư sinh, chưa có cao vọng gì lắm. Anh mang cuốn mình soạn , nhờ cụ Phan Sào Nam, biệt hiệu Hạn Mạn tử và một người bạn vong niên là Lâm Mậu, biệt hiệu Giao Tiều, nhuận chính (sửa lại câu cú). Hai bậc tiền bối đã giúp Đào Duy Anh rất nhiều.
Đến giữa năm 1932 thì Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh đã trở thành cảo (bản thảo). Nhưng in thế nào? Ở đâu? Tiền công bao nhiêu? Lại một đống thử thách. Nhưng Đào Duy Anh không nản. Anh kể tiếp, nếu in, cuốn sách này sẽ tốn khoảng sáu, bảy nghìn đồng bạc Đông Dương. Nhưng trong tay anh không có lấy một đồng. Làm sao in được. Nhưng anh có niềm tin, chắc chắn sách này in ra sẽ được hoan nghênh, vì nó là loại sách cần cho người ham học. Anh bèn dùng cách bán dự ước (souscription) để thu trước một ít tiền đặt cọc cho nhà in. Và để sách in được nhanh, Đào Duy Anh đã chia sách làm hai quyển. Anh đặt nhà in Tiếng Dân ở Huế in quyển Thượng, nhà in Lê Văn Tân ở Hà Nội in quyển Hạ. Khi việc hợp đồng in xong thì quả nhiên, những người đặt mua đầu tiên đã gửi tiền về. Nhờ vậy anh có mấy nghìn bạc đặt nhà in.
Đào Duy Anh nói về bạn đọc : Quyển sách ấy in được hoàn toàn nhờ vào sức ủng hộ của tư nhân, của những người đồng bào ham học, nhất là của những người làm việc ít lường vẫn sẵn lòng tín nhiệm tôi mà đặt tiền trước. Hạng người ấy, lúc nào tôi cũng coi là bạn thân của tôi; mà sau này, đến khi ra sách Pháp – Việt từ điển, tôi lại cũng nhờ họ nhiều lắm.
Nhưng bạn đọc gửi tiền mua trước chỉ là một phần. Đào Duy Anh nhớ lại, khi sách ra, bán hơi chậm. Anh đành phải đi ‘’ bán dạo’’ một vòng khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhờ thế mà khỏi nợ nhà in. Và khi đi bán, anh có niềm tin. Đó là loại sách cần dùng thì không sợ không bán được. Bởi vậy, dù phải bán dạo, anh cũng không nản chí.
Một cuốn sách hay không thể được viết một lần. Đào Duy Anh hiểu điều này. Sau khi sách ra, anh vẫn chưa bằng lòng: “Tôi tự nhận rằng cứ cách làm việc của tôi như thế thì chưa có thể dùng làm tài liệu cho đầy đủ được, cho nên cuốn sách ấy còn là giản lược và không khỏi có nhiều điều thiếu sót. Nếu có cơ hội tái bản, tôi sẽ gắng dùng hết cả những tài liệu còn thiếu và sẽ thêm bớt, sửa chữa cho thành một quyển sách nhất định”
Đúng như ý kiến nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, những vấn đề nào mình không hiểu, cách tốt nhất là viết sách về vấn đề ấy. Những công trình của học giả Đào Duy Anh là minh chứng sinh động cho quá trình học tập và lao động văn hóa của ông. Ngay từ thời trẻ, ông đã thấm nhuần tinh thần tự học của người trí thức. Trong quá trình tự học, ông bộc lộ phẩm chất lao động tỉ mỉ, nghiêm cẩn, coi trọng các bậc tiền bối, quý trọng bạn đọc. Vì vậy, những cuốn sách của ông mãi giá trị trên tay nhiều thế hệ độc giả.