Trong khoảng 10-20 năm trở lại đây, số nhà văn sống được bằng ngòi bút có lẽ chưa hết 10 đầu ngón tay. Có thể kể ra đây như: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục… Trong số này chỉ có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư là được NXB trả hậu hĩnh, yên tâm ngồi viết.

 

 

Hé lộ nhuận bút của các nhà văn Việt Nam:

Một thời đỉnh cao một thời vực sâu

MINH KHANG

 

"Giai đoạn cuối những năm 1960 cho đến khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, đa số nhà văn Việt Nam có thể sống một cách đàng hoàng với nhuận bút. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà văn đều phải có công việc tay trái, nếu như muốn theo đuổi nghiệp chữ nghĩa. Có thể nói, văn chương chỉ là một "cuộc chơi". Đấy là nhận định của nhà văn Nguyễn Như Phong (Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân), nhân dịp ông ra mắt độc giả tuyển tập “ông-cha-con” khá đồ sộ, hoành tráng vào ngày 16-4-2021 vừa qua.

"Đếm chữ ăn tiền"

Năm 1971, khi đó nhà văn Nguyễn Như Phong mới 16 tuổi và đã được chứng kiến một việc hết sức "lạ mắt" và phấn khởi dành cho người thân của nhà văn. Đó là sau khi tác phẩm: "Chuyện chép trên đường kháng chiến" của nhà văn Hoài An, thân phụ của ông được xuất bản thì mẹ ông phải ngồi tỉ mẩn đếm từng chữ trong từng trang, sau đó ghi lại ở dưới. Khi đó cậu thiếu niên  Nguyễn Như Phong có thắc mắc tại sao mẹ không đếm một trang rồi cứ áng chừng mà nhân lên cho dễ? Cha ông liền giải thích, NXB Văn học yêu cầu phải làm như thế, phải đếm chính xác từng chữ trên từng trang để tính tiền nhuận bút. 

Theo nhà văn Nguyễn Như Phong, thời điểm đó nhuận bút Nhà nước trả cho sách văn học, tiểu thuyết được in có ba hạng, lần lượt là 2,3 đồng; 2,1 đồng và 1,7 đồng/ 100 chữ. Tác phẩm "Chuyện chép trên đường kháng chiến" được "ốp" mức nhuận bút hạng thứ hai, nghĩa là cứ 100 chữ thì được 2,1 đồng. Sau khi nhân với số trang thì tổng tiền mà tác giả được trả là hơn 1.000 đồng. "Đây quả là một số tiền rất lớn, bởi lương của cha tôi lúc đó là khoảng 100 đồng/tháng mà nuôi được cả nhà với 6-7 miệng ăn. Với số tiền này có thể mua được 2 cây vàng lúc đó (tương đương khoảng 100 triệu đồng hiện tại), song giá trị có lẽ còn cao hơn nhiều. Bởi 2 cây vàng khi đó dư sức mua được một căn nhà "mặt phố", mà nếu để đến giờ thì giá trị của nó có lẽ phải lên đến 5-10 tỷ chứ không phải chỉ là 100 triệu đồng nữa".

Nhà văn Nguyễn Như Phong cho rằng chế độ nhuận bút giai đoạn 1965-1980 là rất cao so với hiện tại. Tính về giá trị thì cao hơn bây giờ gấp hàng chục đến vài chục lần. Thời điểm đó một anh kỹ sư mới ra trường lương được khoảng 71 đồng/tháng. Một anh đại úy công an lương khoảng 105 đồng, thiếu tá là khoảng 115 đồng. Một bát phở thường 3-5 hào, nếu bát phở 1 đồng đã là sang trọng, hoành tráng lắm rồi.

Có lẽ cũng vì nhuận bút cho các tác phẩm được trả "hậu hĩnh" như vậy nên đã có một thời kỳ Nhà nước vận động các nhà văn rời biên chế, đi về địa phương vừa thâm nhập vào cuộc sống, vừa viết văn. Người đầu tiên hưởng ứng điều này là nhà văn Nguyên Hồng. Dù vậy, sau đó cuộc sống của ông khá cơ cực. Bởi dù nhuận bút cao, song phải mất khá nhiều năm Nguyên Hồng mới hoàn thành được một tác phẩm. Và trong suốt những ngày ngóng "đứa con" ra đời thì nhà văn phải vay mượn đắp đổi qua ngày…

Nhà văn Ma Văn Kháng đã hơn một lần chia sẻ với chúng tôi kỷ niệm về cuốn tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe". Năm 1979, cuốn "Đồng bạc trắng hoa xòe" chính thức được đưa vào nhà in. Nhưng đang in dở thì nhà in hết giấy, đành phải dừng máy chờ giấy từ  tàu biển còn lênh đênh ngoài khơi chưa cập cảng Hải Phòng. Do đó mà đến năm 1980 cuốn sách mới ra mắt độc giả.

Cuốn sách được  xuất bản với số lượng 15.200 cuốn, sau đó được tái bản 4 lần. Sau khi sách ra, nhà văn Ma Văn Kháng được nhà xuất bản mời đến lấy nhuận bút. Đến nơi ông được đưa cho một tấm séc để đi ra ngân hàng lĩnh 6.000 đồng. Khi đó lương của nhà văn được 96 đồng mỗi tháng. Có nghĩa là nhuận bút của một cuốn sách bằng tổng tiền lương hơn 5 năm trời!

Lĩnh số tiền khổng lồ ấy xong, nhà văn quyết định đi mua một căn nhà để ở và cuối cùng cũng tìm được một căn buồng rộng khoảng 30m2. Chỉ tiếc, đã ngã xong giá, nhưng rồi không hiểu gia đình anh em họ có mâu thuẫn gì mà lại duỗi ra, không bán nữa. Chẳng còn cách nào hơn, ông liền đem số tiền nọ đi gửi tiết kiệm. Bẵng đi, đến năm 1985, Nhà nước tiến hành đổi tiền, 6.000 đồng của ông chỉ còn 600 đồng.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

"Ngày xưa thì như thế, nhưng chế độ nhuận bút cho các nhà văn bây giờ rất thấp, có thể gọi là... "mạt hạng" - nhà văn Nguyễn Như Phong khẳng định. Ông dẫn chứng, cuốn tiểu thuyết "Đặc biệt nguy hiểm" của ông được giải B  cuộc thi viết Tiểu thuyết, truyện  và ký Vì an ninh Tổ quốc với hơn 800 trang, được in bằng tiền từ Ngân sách nhà nước mà nhuận bút trừ đầu trừ đuôi còn chưa được 20 triệu đồng.

"Các vị cứ thử tưởng tượng mất bao lâu thì hoàn thành được cuốn tiểu thuyết hơn 800 trang? Với những nhà văn thuộc dạng chuyên nghiệp, viết nhanh thì ít nhất cũng phải mất từ 1-2 năm. Thế mà khi in ra được chừng ấy tiền thì sống thế nào được? Rủi bà vợ nào mà không thông cảm thì nó… tống ngay ra đường chứ ở đấy mà văn với chương!" - nhà văn Nguyễn Như Phong cười nói. Tình trạng các nhà xuất bản khác cũng tương tự.

Và số phận các cuốn sách khác của ông cũng đều có mức nhuận bút như vậy. Từ "Những người săn bắt cướp" xuất bản năm 1985 cho đến "Cổ cồn trắng"; "Đối mặt với thần chết", "Bí mật cho một cuộc đời"; "Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á" ; "Chạy án"; "Bí mật tam giác vàng" những năm 1990-2000 thì đều chỉ được hưởng mức nhuận bút là 10-15% giá bìa nhân với 1.000 cuốn. Nghĩa là số tiền khoảng 5-7 triệu đồng cho đến 15 triệu đồng là "kịch khung". Còn khi các nhà xuất bản in nối bản thì tác giả cũng chả biết đâu mà đòi! 

Nhìn rộng ra ở Việt Nam, trong khoảng 10-20 năm trở lại đây, số nhà văn sống được bằng ngòi bút có lẽ chưa hết 10 đầu ngón tay. Có thể kể ra đây như: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục… Trong số này chỉ có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư là được NXB trả hậu hĩnh, yên tâm ngồi viết. Còn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục chủ yếu viết kịch bản truyền hình, lễ hội, nên xét từ góc độ nào đó có thể nói, họ đã phải nương vào loại hình nghệ thuật khác để mưu sinh. Còn đa phần những nhà văn khác, thậm chí có tên tuổi trên văn đàn như Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước,… và cả Nguyễn Như Phong đều có nghề tay trái là làm báo. Chính nghề báo đã nuôi nghiệp văn, và thực sự đó chỉ là một cuộc chơi chứ không phải là nghề kiếm sống.

Song nói đi cũng phải nói lại, giai đoạn 1965-1980, để có thể được in một truyện ngắn, tiểu thuyết phải trải qua quá trình "gian nan vạn dặm". Một phần do nguyên vật liệu (giấy) thiếu thốn, song quan trọng hơn là cuốn sách ấy phải được biên tập, duyệt hết sức kỹ lưỡng. Giám đốc nhà xuất bản, các biên tập viên… đều phải là những nhà văn có tên tuổi, có con mắt thẩm định kỹ lưỡng… Chứ không phải là được in một cách bừa phứa, lỗi morat còn sai đầy ra như nhiều cuốn sách hiện tại.

"Trông người lại ngẫm đến ta", nhà văn ở các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản… mỗi cuốn phát hành được hàng trăm ngàn đến hàng triệu bản, tiền thu về sống một cách ung dung. Nếu là các tác phẩm do nhà nước đặt hàng thì nhuận bút cũng rất xứng đáng. Còn với các nhà văn Việt Nam, tiền nhuận bút bèo bọt, không đủ nuôi mình, chứ chưa nói tới nuôi vợ con, gia đình, thời gian để  họ suy tư cân nhắc từng ý tưởng, từng con chữ luôn là một dấu hỏi không dễ trả lời.

Vẫn biết những nhà văn lớn thường phải chịu khó, chịu khổ, chịu éo le, và trong rất nhiều thời điểm là phải chấp nhận "quên đi nhuận bút" để cống hiến cho nghệ thuật; vẫn biết đánh mất đi cái năng lực "cống hiến" quan trọng ấy, người làm nghệ thuật sẽ không còn là mình nữa, nhưng lời cảm thán "cơm áo không đùa với khách thơ" khiến cho những người yêu văn chương nghệ thuật nhìn vào cũng không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng!

 

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới giữa tháng