Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Đăng Dung cho rằng: “Ý đồ xóa bỏ tác giả và chủ ý của tác giả trong quá trình tiếp nhận đã trở nên khó khăn, khi lí thuyết tiếp nhận cho thấy những giới hạn của người đọc trong quan hệ với tác giả

 

Tiếp nhận văn bản văn học là giai đoạn cuối của quá trình sáng tác?

 

Nhiều năm trở lại đây, vấn đề tiếp nhận văn học không chỉ là đối tượng nghiên cứu của giới nghiên cứu, lí luận văn học mà còn là mối quan tâm của các nhà sáng tác và bạn đọc. Những thành tựu của lí thuyết tiếp nhận đó soi sáng những đặc trưng bản thể của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc, qua đó chỉ ra phương thức tồn tại của tác phẩm văn học như thế nào sau khi văn bản được viết ra và xuất bản thành sách.  Phóng viên Văn Nghệ Công An có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Đăng Dung để hiểu rõ hơn về vấn đề này...

 

@ Thế kỉ XX là thế kỉ của những thành tựu nghiên cứu lí thuyết văn học, trong đó có lí thuyết tiếp nhận văn học: người ta nói nhiều về vai trò của chủ thể tiếp nhận (người đọc), ông có thể cho biết điều đó có ý nghĩa như thế nào?

Trương Đăng Dung: Có thể nói, những thành tựu của lí luận văn học hiện đại đã cho thấy những bước tiến quan trọng trong việc khám phá văn bản văn học như là cấu trúc ngôn từ động. Nhưng đến lượt mình, tư duy lí luận văn học hậu hiện đại đã có những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản văn học trong quan hệ với những yếu tố khác, với người tiếp nhận. 

Vậy là sau khi lí luận văn học hiện đại xác định được vai trò trung tâm tạo nghĩa của văn bản văn học, độc lập với tác giả và môi trường ra đời của nó, lí luận văn học hậu hiện đại đã khám phá ra quá trình tạo lập đời sống của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc.

Bắt đầu từ những khám phá về bản chất của ngôn ngữ trên cơ sở triết học và triết học ngôn ngữ, Martin  Heidegger là một trong những người đầu tiên chỉ ra rằng lời nói không chỉ là kí hiệu, lời nói có hai mặt, vừa hướng tới người nào đó, vừa đặt điều kiện cho người đó hướng về sự hiểu. 

Chính quan điểm này đã gợi những ý tưởng quan trọng cho việc nghiên cứu vấn đề văn bản và sự tạo nghĩa thông qua người đọc, nâng vấn đề sự hiểu lên một bình diện mới, bình diện tưởng giải học triết học. 

Sau công trình “Trên đường đến với ngôn ngữ” của M.Heidegger một công trình nổi tiếng khác của Hans Georg Gadamer là “Chân lí và phương pháp” (1984) đã nêu lên những vấn đề khoa học quan trọng:

- Nghĩa của văn bản văn học thể hiện qua cái gì?

- Vai trò của sự chủ ý của nhà văn như thế nào?

- Có thể hiểu được những tác phẩm văn học mà về mặt lịch sử và văn hóa là xa lạ với người đọc?

Các lập luận của Gadamer đã dẫn đến một vấn đề cơ bản mà mĩ học tiếp nhận phải trả lời: Phương thức tồn tại của tác phẩm văn học là gì?.

Để trả lời được câu hỏi này, người ta phải trả lời được về hai vấn đề nhỏ: một là tính chất ngôn ngữ của văn bản văn học, hai là khả năng tạo lập một đời sống riêng của văn bản thông qua hoạt động tiếp nhận. Và các nhà mĩ học tiếp nhận Đức ở Trường Đại học Konstanz, đứng đầu là Han Robert Jauss đã có công trong việc cho thấy sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, xem tác phẩm văn học như là hình thức đọc đặc trưng.

 

@ Ông vừa nói về vai trò của người đọc trong quá trình tạo nghĩa của văn bản văn học, ông có thể nói thêm về việc tại sao lại có nhiều sự hiểu, sự diễn dịch khác nhau, thậm chí là sự sai khác so với nguyên tác?.

Trương Đăng Dung: Chúng ta biết rằng mĩ học sáng tạo truyền thống, trong khuôn khổ của hệ hình tư duy tiền hiện đại đã đề cao vai trò của tác giả (nhà văn), xem tác giả là một bến bờ quan trọng trong quan hệ với văn bản văn học. Đến mĩ học tiếp nhận, vai trò của tác giả với nghĩa chủ ý đã được nhìn nhận khác đi. 

Roman Ingarden cho rằng đời sống của tác phẩm văn học phụ thuộc vào hoạt động cụ thể hoá (đọc) văn bản có chủ ý của người đọc hướng tới nó. Tức là Ingarden đã lưu ý đến mối liên kết của các yếu tố có trong văn bản văn học trước tác động của ý thức người đọc hướng tới nó.

Hans G.Gadamer thì khẳng định quá trình các văn bản văn học đi từ tình thế văn hoá - lịch sử này đến tình thế văn hóa - lịch sử khác là quá trình chúng có những ý nghĩa mới hoàn toàn xa lạ với chủ ý của tác giả và công chúng một thời. Mọi sự hiểu văn bản văn học nào đó đều là sự sáng tạo, là sự hiểu một cách khác, vì người đọc luôn tìm kiếm những khả năng mới để làm thay đổi văn bản văn học trong khuôn khổ những khả năng đó. Quá trình này phụ thuộc vào tầm đón đợi của từng người đọc.

Văn bản văn học, sản phẩm cuối cùng của sự sáng tạo nghệ thuật, chỉ là bước đầu tiên quan trọng trong quá trình nó trở thành tác phẩm văn học. Với lớp lớp câu chữ phi vật thể, ẩn chứa nhiều nghĩa khác nhau luôn biến động và không thể khoanh vùng, tác phẩm văn học có phương thức tồn tại riêng như là kí hiệu thẩm mĩ trong quan hệ với người đọc. Mọi sự cảm nhận của người đọc đều mang tính cá nhân. 

Nghĩa trong tác phẩm văn học không chỉ là nghĩa mà còn là giá trị, do đó người đọc không thể tiếp cận tác phẩm văn học như là chính nó. Người đọc đến với văn bản văn học như là đến với mê cung của sự tạo nghĩa không ngừng. Cái văn bản văn học tưởng như đã hoàn thành và khép kín ấy vẫn luôn tạo ra khả năng để có thể lí giải hàng ngàn cách khác nhau mà tính độc đáo, không lặp lại của nó vẫn không thay đổi. Nói như Umberto Eco, tính chất mở là điều kiện của mọi sự thưởng thức thẩm mĩ, và tất cả mọi hình thức thưởng thức nếu mang giá trị thẩm mĩ đều mở. 

Tôi muốn nói thêm rằng, lí thuyết giải cấu trúc xem phê bình văn học như là sự thực hành đọc (và đọc sai) chuyên nghiệp. Tồn tại ba khái niệm: đọc, đọc sai và không thể đọc. Sự đọc sai không phải là lỗi xuất phát từ những hạn chế của người đọc mà là hậu quả tất yếu do tính chất văn học của văn bản. Không phải ngẫu nhiên mà Paukde Man (Mỹ) cho rằng, văn học tồn tại trong sự đọc sai, nó cho thấy cái đặc trưng bản thể của văn bản văn học, khu biệt với những văn bản khác không phải văn học.

 

@ Vậy rốt cuộc, đọc là sự thể hiện năng lực cá nhân hay năng lực cộng đồng? Còn yếu tố nào nữa đứng sau người đọc, chi phối quá trình tạo nghĩa của văn bản văn học, thưa ông?

Trương Đăng Dung: Cũng như mọi hệ thống lí thuyết, bên trong hệ thống lí thuyết tiếp nhận cũng có những quan điểm tương đồng và khác biệt về vấn đề người đọc. Tôi đã nói về những nỗ lực của tư duy lí luận văn học hiện đại, hậu hiện đại trong việc soi sáng thực chất mối quan hệ tác giả - văn bản - người đọc. Nhưng với việc khẳng định vai trò của người đọc, lí luận văn học hiện đại, hậu hiện đại vẫn chưa giải phóng hoàn toàn được người đọc trước sự kiềm toả của tác giả và văn bản; chưa đủ lập luận thuyết phục về năng lực quyết định số phận tác phẩm của người đọc. 

Ngay như khái niệm người đọc tiềm ẩn của Wolfgang Iser, một cách gián tiếp, cho thấy những giới hạn của người đọc có thực chịu sự chỉ dẫn của người đọc tiềm ẩn, mà thực chất là hiện thân của tác giả phải hàm ẩn. Ý đồ xóa bỏ tác giả và chủ ý của tác giả trong quá trình tiếp nhận đã trở nên khó khăn khi lí thuyết tiếp nhận cho thấy những giới hạn của người đọc trong quan hệ với tác giả. Đó là chưa nói đến cái uy của cộng đồng diễn giải, với tất cả những khả năng và giới hạn của nó, cũng chi phối người đọc không kém.

 

@ Vâng, xin cảm ơn ông!

 

KIM UYÊN (thực hiện)