Câu chuyện của nhà thơ Lệ Thu đi làm báo thời bao cấp ở miền Bắc: “Cô bán hàng nổi xung quát lại: “Nhà báo hả, không sợ! Nhà báo giờ chỉ được quyền khen chứ không có quyền chê đâu!”. Mọi người nhìn nhau không ai nói gì. Tôi vừa bực vừa buồn cười, nhưng thấy cô ấy nói cũng có phần đúng”.

 

NHÀ BÁO CỦA MỘT THỜI

 

LỆ THU

 

Tem gạo

Giờ đây, khi nhắc đến “thời bao cấp” ai cũng thấy kinh hãi với đời sống thiếu thốn khó khăn, với chuyện tem phiếu, với chuyện xếp hàng mua nhu yếu phẩm...và hàng trăm điều khó nói khác. Nhà báo cũng không ngoại lệ. Đôi khi lại còn có những chuyện rắc rối hơn, vì phải thường xuyên đi công tác. Đi công tác bằng xe đạp, dĩ nhiên! Có lúc phải đạp xe hàng trăm km từ Hà Nội đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... có khi còn đến tận Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, vẫn bằng xe đạp.

Đi đến đâu thì vào “cửa hàng mậu dịch” địa phương đó để ăn cơm. Mỗi suất cơm thường đồng loạt giá 3 hào, nhưng phải nộp kèm theo một cái tem 0,225kg gạo. Xuống nông thôn ở nhờ nhà dân, ăn cơm cũng phải nộp như thế. Nhà nước cho in các loại tem gạo (giống như in tiền) mệnh giá tư 0,225kg đến 10kg.

Có lần tôi đến cửa hàng lương thực xin trích 10kg tem gạo để đi công tác nhiều tỉnh trong cả tháng. Cô nhân viên đưa cho một cái tem 10 kg. Tôi năn nỉ xin đổi loại 225 gam để tiện đi công tác lưu động, cô bán hàng nhất quyết không đổi. Lúc ấy có người cùng xếp hàng mua gạo biết tôi nên góp lời: Đổi cho cô ấy đi, Nhà báo đấy! Người nói câu đó chắc có lẽ cũng chỉ muốn giúp tôi có loại tem nhỏ để tiện lợi khi phải đi công tác lưu động thôi chứ chẳng phải “hăm dọa” gì.

 Chẳng ngờ cô bán hàng nổi xung quát lại: Nhà báo hả, không sợ! Nhà báo giờ chỉ được quyền khen chứ không có quyền chê đâu! Mọi người nhìn nhau không ai nói gì. Tôi vừa bực vừa buồn cười, nhưng thấy cô ấy nói cũng có phần đúng! Cũng may, không biết nghĩ sao, cuối cùng cô ấy cũng đổi tem cho tôi.

 

Những ly nước đường

Tôi lại lên đường đi công tác, con gửi ở trại nhi đồng của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ông xã đi công tác chưa về. Tôi viết giấy để lại trên bàn: Em đi Thái Nguyên một tuần! Hai người làm cùng nghề và ở cùng cơ quan nhưng chẳng mấy khi gặp nhau, bởi khi tôi về thì anh ấy lại đã đi chuyến công tác khác và viết mấy chữ để lại trên bàn “Anh đi Hà Tĩnh” (hoặc một tỉnh nào đó)

Lần này tôi được cử về công tác huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, bởi nghe phong trào “phụ nữ ba đảm đang” ở đây khởi sắc, rất nhiều tấm gương điển hình ưu tú. Tôi muốn gặp họ, muốn khắc ghi lại những mảnh đời và những tâm sự của người phụ nữ một thời phải thay thế đàn ông gánh vác việc nước việc nhà trong nỗi niềm nhung nhớ, cô đơn; muốn an ủi và sẻ chia cùng họ một chút nhọc nhằn, thống khổ đè nặng lên đôi vai mỏng mảnh mà chẳng biết san sớt cùng ai...

Sáng sớm, từ Hà Nội tôi đạp xe bon bon đi về hướng Thái Nguyên. Đường nhựa bằng phẳng vắng vẻ thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lướt qua. Trời nắng như đổ lửa. Qua khỏi thành phố Thái Nguyên, là hết đường nhựa, mới được hơn 70 km. Tiếp đến sẽ là đoạn đường rừng với hơn 50 km nữa! Đường đất giữa núi rừng, đèo dốc chập chùng. Xe không có thắng. Tôi cứ từ trên cao lao xuống rồi theo quán tính nó tự lao lên, hết trớn thì xe tự dừng lại, mình xuống dắt lên tiếp cho hết dốc, lại đạp đi tiếp và lại lao dốc tiếp...

Mãi đến hơn 4 giờ chiều mới đến trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đại từ. Đã điện thoại hẹn trước nên các chị thường trực Hội đã đến đủ mặt, đang chờ! Thấy tôi đến, các chị mừng rỡ ríu rít như thể chị em ruột thịt lâu ngày gặp nhau. Các chị mang ra một khay nước trắng mời tôi uống. Tôi khát nước đến khô cả người nên uống cạn ngay một ly, à ra là nước đường. Chỉ nước đường thôi, thậm chí cũng không có chanh, nhưng vậy là quý lắm rồi, vì tiêu chuẩn mỗi người một tháng có mấy lạng đường, biết làm sao!

 Tôi còn rất khát nhưng có 4 ly nước cho 4 người, chẳng lẽ mình lại uống nữa! Các chị đều là những người lớn tuổi hơn tôi, tinh tế và nhân hậu, từng chị lần lượt sớt ly nước của mình sang ly tôi. Và... mình tôi đã uống hết sạch 4 ly nước đường đó! Mãi tận về sau này, mỗi lần nghĩ lại vẫn còn thấy thật là xấu hổ mà cũng thật thương!

 

Lầu Ngưng Bích

Khốn khổ vậy, nhưng đôi khi nhà báo cũng được “lên voi”. Một trong những chuyến “lên voi” ấy là chuyến tôi đi Lào Kai vào năm 1970. Tôi đến Cốc Lếu trời đã chiều. Văn phòng tỉnh ủy xếp cho tôi nghỉ ở nhà khách của tỉnh. Nhà khách được cất 2 tầng, nửa trên bờ nửa nhô ra mép nước. Ngồi trên ban công nhà khách nhìn ra ngả ba sông, một bên là dòng sông Nậm Thi trong xanh chảy dọc biên giới Việt Trung, một bên là dòng sông Hồng với hai sắc nước xanh đỏ song song chảy qua trước mặt, ngay dưới ghế mình ngồi!

 Trăng lên, đồi núi mênh mông mờ ảo... tự nhiên nhớ câu thơ Nguyễn Du “Trước lầu Ngưng Bích khóa Xuân/ Vẻ non xa mảnh trăng gần ở chung”. Chưa kịp mơ mộng về một tứ thơ, đã nghe báo có chánh văn phòng và Bí thư tỉnh ủy đến chào thăm và hẹn giờ làm việc. Bí thư Tỉnh ủy Lào Kai lúc đó là đồng chí Trường Minh, người dân tọc Mèo, còn khá trẻ. Anh đến bắt tay và đích thân mời tôi sang dự bữa cơm liên hoan bên Văn phòng Tỉnh ủy. Trên đường đi ra xe ô tô, tôi buột miệng nói đùa: Nhà khách của các anh trông giống “Lầu Ngưng Bích” nhỉ! Và thật bất ngờ, tôi nghe bí thư Trường Minh đáp lại rất nhanh: Nhưng nó chẳng “Khóa Xuân” ai cả! Rất tinh tế và tri thức!

Thế nghĩa là anh đã đọc “Một đài Đổng Tước khóa xuân hai Kiều”, nghĩa là anh đã “gặp” ở đâu đó Tào Tháo và Chu Du - đôi tướng lĩnh tài ba đối địch nhau nơi chiến trận và biết cả đến chị em hai nàng Kiều tuyệt thế giai nhân! Ai bảo lãnh đạo Đảng khô khan, ít học, Ai bảo người dân tộc chậm chạp và kiến thức thua kém người Kinh, ai bảo văn minh chỉ trời Tây mới có!

Mấy ngày làm việc với tỉnh trước khi xuống huyện, tôi vẫn được nghỉ ở cái “lầu Ngưng Bích” đó. Và hàng ngày, đến bữa tôi luôn được xe của Bí thư tỉnh ủy đến đón đi ăn cơm cùng với các cán bộ từ Trung ương về công tác. Chẳng có chức tước, quyền lục gì và cũng chẳng nguy hiểm gì cho ai, nhưng tự nhiên mọi người đều đối xử với mình thật thân tình, quý mến và nể trọng. Vậy cũng đủ an ủi cho cái “nghiệp” gian nan vất vả của một kẻ luôn quan tâm đến nhân thế mà quên đi mọi nỗi của riêng mình. Và nói cho ngay cuộc đời một nhà báo đôi khi cũng “lên voi” chứ đâu phải là chỉ toàn “xuống chó”!

Những bài báo của những chuyến công tác gian nan đó của tôi đã theo làn sóng của Đài TNVN bay đi khắp bốn phương trời, giờ không còn tăm tích! May sao còn lại được một bài thơ viết về Mường Khương, kịp đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1970.

MƯỜNG KHƯƠNG

Tôi về ăn hạt đậu Mường Khương

Bỗng nhớ đất này xưa trồng thuốc phiện

Thương cô gái Mèo xưa lấy phải người chồng nghiện

Tan nát một đời cô gái đẹp vùng cao.

Đất Mường Khương hôm nay vui sao

Trai mở hội lên đường đánh Mỹ

Con gái Dao, con gái Mèo, Phù Lá và Pa dí

Biết đi cày, đi cấy, biết làm phân

Biết thâm canh tăng vụ cây trồng

Biết làm mẹ và biết làm bí thư, chủ tịch.

Suối dấu sau khe tiếng cười rúc rích

Trời dấu sau mây viên ngọc ngời xanh

Em dấu trong tim lời nguyện ước trung thành

Chỉ nương rẫy là không càn kín đáo

Mùa lại mùa hồn nhiên thay áo

Duyên dáng cài lên mái tóc xanh

Hoa trắng đậu tương phúc hậu hiền lành

Thay vẻ đẹp yêu tinh hoa thuốc phiện.

Rừng Việt Bắc với màu xanh lưu luyến

Dòng suối vô tư chia điện đến từng nhà

Vó ngựa thồ gõ nhịp chuyến hàng xa...

Màu no ấm hiện lên hồng má trẻ

Màu tăm tối rời xa đôi mắt mẹ

Núi Nàng Tiên che chở bé đi trường

Súng bên mình, cô gái đẹp lên nương!