Nhà văn Anh Động - người từng văn bản hóa hình tượng lão nông Nam bộ hài hước Bác Ba Phi, vừa qua đời trưa nay 21/6 tại Rạch Giá - Kiên Giang. Nhà văn Anh Động có một người con gái nối nghiệp cha là nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Kiên Giang.
Nhà văn Anh Động tên thật là Nguyễn Việt Tùng. Nhà văn Anh Động nổi tiếng là một chiến sĩ dũng cảm khi tham gia chiến đấu tại bưng biền. Sau năm 1975, nhà văn Anh Động làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang nhiều năm, và có những tác phẩm nổi bật viết về vùng đất này như “Ven rừng tràm”, “Bóng núi Tô Châu” hoặc “Dòng sông lấp lánh”.
Nhà văn Anh Động bộc bạch: “Tui được sinh ra trong rừng U Minh. Chưa kịp lớn lên thì tui đã nếm mùi bom đạn. Rồi tui bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến cứu nước. Nhiều lần quân thù làm cho tôi đổ máu thể xác lẫn đổ máu tâm hồn trên mảnh đất này. Tuổi thơ của tui không được học ở một trường cấp 1 nào. Nhưng được học qua cuốn vần A,B,C và lời ru, lời kể chuyện “đời xưa” của mẹ. Những năm tham gia cuộc chiến, tui nâng súng ngắm theo định hướng của mẹ, tui cầm bút viết theo lời ru của mẹ...”.
Dù chưa từng được đào tạo qua một trường lớp nào, nhưng nhà văn Anh Động chính là người có công văn bản hóa hình tượng lão nông Nam bộ hài hước Bác Ba Phi lừng lẫy trong đời sống tinh thần của người dân sông nước Cửu Long nói riêng và người dân cả nước nói chung. Từ những câu chuyện truyền tụng trong dân gian của nguyên mẫu Nguyễn Long Phi (1884-1964 ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nhà văn Anh Động đã viết “Kể chuyện Bác Ba Phi” xuất bản lần đầu tiên năm 1995 và nhanh chóng lan tỏa khắp nơi.
Nhà văn Anh Động chia sẻ về sức ảnh hưởng của nhân vật Bác Ba Phi: “Sau khi đọc truyện của tui, quần chúng thêm vào nhiều chi tiết lôi cuốn lắm, hay lắm, sáng tạo hơn cả mình. Chính vì Bác Ba Phi tắm trong nhân gian và được nhân gian bồi đắp nên hình tượng nhân vật càng ngày càng hấp dẫn”. Bằng chứng là ngoài Bác Ba Phi có thật, nhà văn Anh Động sáng tạo thêm nhân vật Thằng Đậu cho có ông có cháu, rồi từ đó công chúng lại sáng tạo thêm nhân vật quyến rũ không kém là “Vợ Thằng Đậu”. Ngay cả nhà văn Anh Động cũng không biết “Vợ Thằng Đậu” mồm ngang mũi dọc thế nào, nhưng cái câu “tệ hơn vợ thằng Đậu” được dùng phổ biến để nói về một phụ nữ hậu đậu, lười nhác.
Từ ngày nghỉ hưu, nhà văn Anh Động bán căn nhà ở trung tâm thành phố Rạch Giá và chuyển ra cư ngụ ở khu vực ngoại ô. Tư gia của nhà văn Anh Động gần sân vận động Rạch Sỏi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của cháu con.
Nhà văn Anh Động có một người con gái nối nghiệp cha là nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Kiên Giang.
TUY HÒA