Bộ phim “Tấm gương- một trong những kiệt tác của dạo diễn Nga-Xô Viết tài năng Tarkovsky ra mắt vào cuối năm 1974, đầu năm 1975. Đạo diễn Tarkovsky từ trần tại Pais cuối năm 1986. Ấy vậy nhưng những gì ông đạo diễn này bàn tới trong cuộc trò chuyện dưới đây, như đang còn rất HOT với tình hình làm phim ở nước ta hôm nay...

 

TRÒ CHUYỆN VỚI TARKOVSKY VỀ BỘ PHIM “TẤM GƯƠNG“

(Bài đăng trên tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh- Nga)

 

 Lời của Tarkovsky

...Đối với tôi rất khó để nói về bộ phim này, vì nó quá khó và quan trọng đối với tôi. Nếu toàn bộ ý tưởng được giải thích đầy đủ, thì sẽ mất quá nhiều thời gian. Nếu nói trong một vài từ, sau đó sẽ không có gì rõ ràng cả. Trong trường hợp này và dành cho ý tưởng này, tôi cực kỳ cẩn thận. Vì vậy, chúng ta không nói về cốt truyện sẽ được quay – tuy đối với tôi chất liệu  làm nền tảng cho bộ phim rất quan trọng. Thậm chí có thể là thiếu sự khiêm nhường khi sớm đụng chạm tới khâu này. Nhưng bộ phim “ Tấm gương “hơn tất cả các bộ phim trước đây của tôi - không phụ thuộc vào các bộ môn nghệ thuật khác. Tôi muốn đạt tới việc thể hiện những suy ngẫm của mình bằng các phương tiện thuần túy điện ảnh. Vâng, hầu như các phương tiện thuần túy điện ảnh.

Tất nhiên, ở đây có thể nẩy sinh vấn đề về thụ cảm của người xem phim : Phim có thú vị và dễ hiểu đối với mọi người không? Nhưng từ đã lâu tôi không tin rằng có thể làm một bộ phim nào đó để được tất cả mọi người đều thỏa mãn. Đối với tôi, sẽ là một sai lầm lớn khi cho rằng lượng khán giả càng đông thì phim càng hay. Phim làm cho ai xem đây? Điều gì tốt hơn cả cần vươn tới ? Điều gì là cái cần hướng tới trong mỗi bộ phim? Bây giờ thiên hạ dường như chỉ có thể đồng ý rằng thước đo tốt nhất cho mỗi bộ phim là tính ở chỗ bán vé. Đúng rồi! Và ở đây còn nảy sinh vấn đề sáng tạo nghệ thuật chân chính trong điều kiện của thị trường điện ảnh: rõ ràng là chỉ có cái được chấp nhận chung mới được coi là thành công.

Ví dụ, trong những năm gần đây, bộ phim “ Bố già” (The Godfather) đã thu hút được lượng người xem lớn nhất, nhưng theo quan điểm của tôi, đây là một bộ phim tồi tệ. Cứ cho rằng các diễn viên vào vai tốt đi- tôi đồng ý với điều này, nhưng xét về tổng thể, “ Bố già “ đối với tôi có vẻ nhàm chán, không độc đáo, cực kỳ truyền thống “ xét về  phương tiện thể hiện. Và trên thực tế, phim đơn giản là phản động. Lý do ư? Vì biện minh cho sự ra đời và tồn tại của mafia! Còn việc Coppola từ chối giải Oscar là một sự quảng cáo bổ sung khác,  tính toán kỹ cho bộ phim. Và tất cả những điều này cho đến nay vẫn là những gì hoàn toàn xa cách với nghệ thuật.

Trong thực tế một bộ phim được coi là “ ăn khách “ dứt khoát phải mang những yếu tố nào đó cố ý hạ thấp thang trật của những giá trị thẩm mỹ đích thực, lý ra cần phải được trả lời trong điện ảnh. Mặc dù vậy, trong bộ phim “Tấm gương, bản thân tôi vẫn sẽ cố gắng để ít nhất ở một mức độ nào đó cũng có thể hiểu và hấp dẫn được khán giả.

Tuy nhiên, một nghệ sĩ tuyên bố tạo ra tác phẩm nghệ thuật chân chính, chứ không phải là những mặt hàng thủ công thương mại, có thể và cần phải tính tới lượng khán giả-mặc dù hạn chế,xem phim của mình. Đó là điều kiện để nghệ sĩ tồn tại với tư cách cá nhân. Nhân tiện, phim “Solaris của tôi quy tụ 100 nghìn khán giả. Người ta tin rằng đây là một con số cao ngoài mong đợi. Vậy thực ra, tại sao?

Vấn đề này không khiến tôi bận tâm nhiều. Số đông người kéo tới rạp không nhất thiết là một thành công. Một vài nét vẽ hấp dẫn, dựa trên quảng cáo cũng đủ để người xem giật bắn mình ít nhất vì tò mò.

Nói chung, hình thành ấn tượng cho rằng rạp chiếu phim hiện đại là một cái chợ họp liên tục, nơi một số người xào nấu các bộ phim, những người khác mua bán chúng. Điều này thật kinh tởm! Liên hoan Cannes để lại một ấn tượng đặc biệt buồn cho tôi. Toàn bộ bầu không khí của nó đối lập với yếu tố tinh thần, không có gì ở đó có thể khuyến khích sự sáng tạo, từ sự sáng tạo này người ta có thể bị lây nhiễm một số ý tưởng mới. 

Mặc dù vậy, tất nhiên, đạo diễn không thể bỏ qua không nghĩ đến việc bộ phim của mình sẽ được tiếp nhận như thế nào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là anh ta nên cố gắng hết sức để làm hài lòng người xem. Việc tính toán thành công về mặt doanh số sắp tới của bộ phim đối với tôi có vẻ là một việc làm ít có ý nghĩa. Bởi vì càng lùi ra xa, bản thân khái niệm "khán giả" càng trở nên khó nắm bắt. Nói cách khác, “khán giả cũng người năm bẩy đấng...

Điều quan trọng nhất là chất liệu để chuyển tải lên màn ảnh phải là kết quả của sự suy ngẫm nghiêm túc của đạo diễn về hiện xung quanh anh ta; để những ý tưởng phải được gợi ý từ chính cuộc sống, và bộ xương của ý tưởng ấy phải được phủ bọc bởi tính hình tượng sống động.Tôi không thể chịu đựng nổi khi mọi sự bịa đặt được đưa lên màn ảnh và những điều giả dối gây được hiệu ứng kia được tung hô như những gì giúp người xem giải trí  không buộc họ phải suy nghĩ hoặc trải nghiệm những vui thẩm mỹ đích thực làm chấn động tâm hồn người xem.

Các nhà lý luận điện ảnh thường cho rằng điện ảnh là nghệ thuật bình đẳng so với các tác phẩm văn học. Nhưng chỉ cần so sánh tên tuổi của Pushkin, Thomas Mann hay Dostoevsky với tên tuổi của những nhà làm phim nổi bật nhất, thấy ngay rằng sự so sánh như vậy rõ ràng là chưa thấu đáo. Chính vì thế, theo tôi, một đạo diễn hiện đại nên quan tâm đến việc khẳng định phẩm giá của điện ảnh, nâng nó lên tầm nghệ thuật chân chính, tồn tại theo những quy luật riêng, độc lập của nó. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói rằng điện ảnh đang già đi nhanh chóng. Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta đang làm phim dở! Ví dụ, những bộ phim hay nhất của Bresson không già đi cũng như Tội ác và Trừng phạt của Dostoevsky không thể trở nên lỗi thời.

Nếu phong cách của bộ phim bị vay mượn, bị ràng buộc bởi chạy theo thị hiếu nhất thời và không được hoàn thiện nhắm tới mục đích thể hiện quan điểm riêng của điện ảnh về người hay việc, thì tự nhiên, nó sẽ trở nên cũ kỹ. Khi mọi người nói tới ngôn ngữ hiện đại trong nghệ thuật, tôi cảm thấy xấu hổ và nực cười. Cái gọi là "tính hiện đại" trong nghệ thuật tôi có cảm giác là thiên hạ đang tìm kiếm hình tượng ở nơi mà nó không cần tìm kiếm- tức là trong lĩnh vực mode.

Làm việc trên kịch bản gốc đối với tôi khó hơn, nhưng cũng thú vị hơn. Có được cảm giác rõ ràng hơn về sự toàn cục từ những gì đã đọc. Ý tưởng ban đầu sẽ như thế nào thật khó nghĩ ra. Nhưng để hình dung được trước toàn bộ bộ phim sẽ như thế nào, đối với cá nhân tôi, đó là công việc của óc tưởng tượng và  sự viển vông. Tôi không tin những đạo diễn nói rằng họ đã “nhìn thấy trước bộ phim. Đối với tôi, dường như những ai tuyên bố như thế họ không hiểu mình làm gì và điện ảnh là gì.

Tôi không bao giờ quay một bộ phim đúng theo những gì đã viết sẵn trong kịch bản. Tôi thích để những hình ảnh cụ thể của dự định được hình thành trong thời gian bấm máy, ngay trên trường quay, hệt như bản thân cuộc sống mách bảo. Cảm xúc riêng của tác giả, trạng thái của các diễn viên, thiên nhiên sẽ gợi ý cách thể hiện chính xác nhất cho một đoạn phim nhất định. Diễn và giải trình chính xác cốt truyện đã được viết trong kịch bản đó nẻo đường lầm lạc của điện ảnh.

Tôi hoàn toàn không biết trong ngày hôm nay sẽ xẩy ra chuyện gì với mình , nhưng ngay từ lần đầu tiên đặt cho mình nhiệm vụ làm phim, tôi quyết định sẽ  không vay mượn bất cứ thứ gì từ các môn nghệ thuật khác. Tại Mosfilm của chúng tôi những đạo diễn, đôi khi có người tay nghề khá cao,những người này thuần túy ghi lên băng nhựa những cốt chuyện khác nhau trong văn học. Tôi không muốn nói rằng tính chuyên nghiệp là xấu. Nhưng tựa như chúng ta đánh mất mình,cuộc sống của mình trong việc được gọi là “làm phim”.

Chúng tôi là bạn của nhau thôi, những lúc rảnh rỗi khỏi công việc chúng tôi cũng vui chơi thoải mái, vẫn có quan hệ tốt với nhau trong cuộc sống. Nhưng việc "làm phim" đã có điều gì đó phân chia chúng tôi ra.Đó chính là năng lực kiếm tiền. Điều này không mảy may liên quan gì đến đời sống tinh thần của chúng tôi, theo một nghĩa nào đó, nó xa lạ với tâm hồn chúng tôi. Cũng tốt thôi, nếu điện ảnh được làm một cách chuyên nghiệp. Nhưng việc chạy đuổi theo cái gọi là  “sự chuyên nghiệp “ kia tách biệt hoàn toàn với nghệ thuật chân chính, là sự thiêu thân của người nghệ sĩ. Thực hiện một dự định, anh ta dốc hết năng lượng sống của mình. Có rất nhiều ví dụ về điều này trong thơ ca, văn học, hội họa, âm nhạc. Trong điện ảnh chỉ diễn tiến một cách khác mà thôi.

Vì vậy, tôi muốn bộ phim mới của mình cân bằng như một hành động nghiêm túc trong cuộc sống, được đánh giá theo những quy luật về giá trị tinh thần đích thực trong phận số của con người. Tôi muốn bộ phim không phải là phương cách để tôi kiếm tiền, mà là sự hiện thực hóa tâm hồn của tôi. Để sáng tạo ra trên màn ảnh ảo ảnh về cuộc sống, không phải trả giá bằng máu và mồ hôi của chính mình, có nghĩa là đang phi tang xác chết. Mỗi khoảnh khắc được ghi lại trên màn ảnh phải được trả giá bằng chính năng lượng tương hợp với hành động sống trong khoảnh khắc ấy.

Và bây giờ sẽ nói cái gọi là "quá trình sáng tạo" trong điện ảnh mang đặc điểm của một điều gì đó lạ lùng, đầy nghi ngờ  xét về mặt tinh thần của cái “cho qua ngày”. Tôi không rõ, tất nhiên, điều gì sẽ xẩy ra trong tôi, đây không muốn nói tới cái kết quả mà muốn nói về ý muốn , những nỗ lực của tôi mong muốn phục vụ cho một nhiệm vụ chân chính và cao cả.

Và tôi đã ngạc nhiên là không có nhà phê bình nào tham gia đối thoại với tôi đặt cho tôi một câu hỏi nghiêm túc nhất về ý định của tôi, để tôi có thể chắc chắn rằng tôi đang thực sự làm công việc của mình . Ví dụ, Tsitrinjak hỏi tôi: “Tại sao sau phim “Rubliov”, ông lại làm phim “Soliaris”? Chà, còn gì vô nghĩa hơn một câu hỏi như vậy nếu bạn tưởng tượng rằng người phỏng vấn thực sự muốn đi sâu vào vấn đề được đề cập. Hoặc câu hỏi phổ biến nhất: "Ông muốn nói điều gì qua trường đoạn ấy, phim ấy?". Nhưng một cuộc đối thoại chỉ có thể diễn ra nếu bản thân nhà báo có quan điểm riêng, tôi có thể đồng ý hoặc phản đối quan điểm đó. Một nhà báo chân chính phải giống như Jacqueline Kennedy, đã đến gặp tổng thống với tư cách là một nhà báo và ra đi với tư cách là vợ của ông ta.

Và tôi chỉ bị bối rối khi cuộc họp báo sôi lên với câu hỏi: "Natalia Bondarchuk có phải là con gái của Sergei Bondarchuk không?". Gì thế nhỉ? Ban đầu, các nhà báo bằng mọi cách cố gắng dành cho được một cuộc hẹn nhưng sau đó sau đó họ làm bạn rất buồn! Gần đây, một số cô gái dễ thương gọi điện và yêu cầu một cuộc phỏng vấn, bởi vì, bạn thấy đấy, cô ta đã hứa với Kapralov sẽ có một bài báo trên báo “Sự thật. Nhưng tôi chỉ hỏi cô ấy một vài câu và nhận ra rằng cô ấy không hiểu gì về bộ phim, rằng cô ấy là một người mù chữ về điện ảnh. Vì vậy, tôi đã nói: "Tôi không muốn bạn viết về phim của tôi đâu". Thật đáng sợ về trình độ thấp tè của giới phê bình ở nước ta. 

Đây có lẽ là lý do tại sao tôi có một mối quan hệ rất không xuôi chèo mát mái với giới phê bình. Tôi không có gì chung với giới ấy, ngoại trừ sự khó chịu, bất kể họ khen hay mắng mỏ tôi. Bởi lẽ một người viết về nghệ thuật bản thân anh chị đó trước hết phải là một cá thể đã, và tôi cần phải biết anh, chị ta là ai, tại sao anh, chị ấy viết, viết cho ai đọc, mục đích của chính anh, chị ấy là gì. Thật không may, tôi chưa bao giờ phải đọc bất cứ điều gì về những bộ phim của mình mà chính tôi dường như cũng không biết.

Vì vậy, các bài đánh giá phim của tôi luôn luôn không làm tôi hài lòng. Viết về một bộ phim coi phim ấy rất tuyệt hay kém cỏi thì vẫn chưa phải là phê bình thực sự, theo như tôi hiểu. Đôi khi khán giả gửi cho tôi những bức thư trong đó những bộ phim được phân tích thú vị và độc lập hơn rất nhiều so với những bài báo của giới chuyên môn. Gần đây, một người xem đã viết cho tôi rằng phim "Rublev" là một bức tranh tôn giáo, và anh ấy đã biện minh cho điều này một cách rất nghiêm túc.

Hoặc, có lẽ, các nhà phê bình giỏi không muốn lãng phí thời gian của họ cho các bài báo chăng? Tôi không biết. Ví dụ, nhà văn Italy Moravia đã mắng mỏ phim “Thời thơ ấu của Ivan” của tôi trên báo “Unita”, nhưng tôi thấy thú vị khi đọc bài báo của ông ấy, bởi phía sau bài báo đó có một cá thể với lập luận của riêng mình.

 

 Lời người hỏi chuyện Tarkovsky.

 Cũng vào ngày hôm đó, Andrei, dường như muốn kiểm tra tôi xem có “ tỉnh” không đã hỏi tôi với một chút mỉa mai rằng cảnh quay nào ở phim “ Solaris “tôi coi là quan trọng nhất. Tôi rất mau mắn nói rằng đó là một cái nhìn cận cảnh của cái tai, và vỡ òa ra mô hình thu nhỏ được phản ánh cả thế giới rộng lớn tựa như tế bào vi mô hoàn hảo như thế nào trong việc hòa nhịp với nhịp sống của chính nó ... Lúc đó Andrey như tóm tắt lời nói của tôi: “Tôi muốn tháo tai để đưa vào kiểm tra nó bằng kính hiển vi điện tử”.