Mấy anh em văn nghệ ngồi chơi với nhau, tự nhiên có ai nhắc đến bóng đá là mắt Xuân Sách sáng rực lên. Có lẽ chỉ văn chương mới chiếm được chỗ đứng trong tình cảm của Xuân Sách ngang bóng đá. Nhưng ông yêu văn chương thầm lặng, vật vã. Còn yêu bóng đá thì sảng khoái, công khai.

 

XUÂN SÁCH VÀ BÓNG ĐÁ

TRẦN ĐỨC TIẾN

 

Nhà văn Xuân Sách mê bóng đá. Mấy anh em văn nghệ ngồi chơi với nhau, tự nhiên có ai nhắc đến bóng đá là mắt ông sáng rực lên. Đang nói chuyện gì ông cũng bỏ. Đề tài bóng đá làm cho ông sinh động hẳn. Cùng với lời bình phẩm sôi nổi, những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt phong trần cũng luôn thay đổi hình dạng, chuyển đổi vị trí như cầu thủ chạy không bóng. Cao điểm phấn khích, nước mắt ông ứa ra. Ông mặc kệ nước mắt.

Có lẽ chỉ văn chương mới chiếm được chỗ đứng trong tình cảm của Xuân Sách ngang bóng đá. Nhưng ông yêu văn chương thầm lặng, vật vã. Còn yêu bóng đá thì sảng khoái, công khai.

Xuân Sách là “fan” ruột của câu lạc bộ Manchester United (MU). Một buổi sớm, mình bất ngờ nhận được tin: Xuân Sách ngất hồi đêm, hiện đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Mình và một cậu ở văn phòng Hội văn nghệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vội vàng chạy vào.

Xuân Sách nằm bất động trên giường bệnh, mắt nhắm nghiền. Người ta đang truyền những thứ gì vào người ông, dây dợ lằng nhằng trên bụng, trên mặt. Nghĩ ông đang ngủ nên hai thằng chỉ đứng nhìn. Không ngờ ông mở choàng mắt như có linh cảm. Nhìn thấy mình, ông gượng khua tay, chỉ lên trần nhà, miệng lắp bắp: “Một – không”!

Hóa ra lúc nửa đêm, MU của ông thắng đối thủ với tỉ số sát nút: 1 – 0. Và ở phía bên này quả địa cầu, nhà văn đã ngã lăn từ trên ghế bố xuống sàn nhà vì xúc động, và bất tỉnh.

Sau cú ngất vì chiến thắng của MU không lâu, Xuân Sách đi mổ trĩ. Mổ xong, người ông gầy rộc. Thân hình lúc bình thường không lấy gì làm tráng kiện, tươi tốt, nay trông càng mảnh và héo. Chỉ đôi mắt nhiều ưu tư hơn. Mình hỏi: Lâu nay anh viết gì? Xuân Sách: Sắp xong, xong cuốn này nghỉ hẳn.

Một hôm nhà thơ Dương Kỳ Anh, bấy giờ còn đương kim Tổng biên tập báo Tiền Phong, từ Hà Nội vào Vũng Tàu có công chuyện. Họ Dương gọi điện, mời Xuân Sách và mình ra một nhà hàng ở Bãi Dâu ăn tối. Mình gọi điện hỏi Xuân Sách: Anh có đi được không, hay để em đến đèo anh đi? Xuân Sách cười: Đi được, đi được.

Bữa ăn chỉ có 4 người: Xuân Sách, Dương Kỳ Anh, cậu lái xe cho Dương Kỳ Anh và mình. Xuân Sách uống một ly bia nhỏ, xong đề nghị gọi cho ông chén cơm trắng, quả trứng luộc và mấy ngọn rau luộc. Ông vui chuyện, nhắc đến vụ ì xèo sau khi cuốn “Chân dung nhà văn” của ông ra đời, khoe đang viết cuốn “hậu chân dung nhà văn” (chính là cuốn ông nói với mình).

Với phản xạ của một tay nhà báo lọc lõi, Dương Kỳ Anh chớp ngay cơ hội: “Anh gửi từng chương cho em. Em sẽ đăng. Báo Tiền Phong không đăng thì… không báo nào dám đăng cả”. Nghe câu đó, Xuân Sách bỗng trở nên dễ dãi đến không ngờ. Ông đồng ý. Và hẹn Dương Kỳ Anh là sắp tới sẽ gửi.

Lúc chia tay, hai người – Xuân Sách và Dương Kỳ Anh – choàng ôm vai nhau, rất cảm động.

Xuân Sách vắt chân qua chiếc xe cup đời 81 nghĩa địa. Và ngay từ cú tăng ga đầu tiên, mình phát hoảng: thiếu chút nữa thì chiếc xe đưa ông chồm lên hè. Mình không dám ho he gì, lẳng lặng cho xe chạy theo ông, cách một đoạn ngắn. Từ chỗ nhà hàng về nhà ông khá xa, chạy qua mấy dãy phố đông người. Như lâng lâng hơi men (mặc dù chỉ uống vài hớp bia nhỏ), Xuân Sách cùng chiếc xe chốc chốc lại lảng đi một cái từ bên này qua bên kia đường. Mình thầm mong cho đoạn đường nhanh nhanh rút ngắn lại.

Khi cả hai đã về tới cái lối rẽ vào nhà ông, mình mới dám kêu to:

- Bố già!

Xuân Sách giật mình quay lại, nhe răng cười:

- Mày đi theo tao à?

- Khiếp. Bố đi hãi quá.

Mình lắc đầu. Xuân Sách không nói, cũng không dừng lại. Ông chạy tuột vào con hẻm nhỏ dẫn về nhà.

Chỉ ít ngày sau, ông phải vào nằm bệnh viện Thống Nhất trên Sài Gòn. Rồi các con ông đưa ông ra Hà Nội. Ông mất ngoài Hà Nội.

Ông không gửi, hay chưa kịp gửi, bất kỳ chương nào trong tập bản thảo cuối cùng của ông cho báo Tiền Phong. Hồi mình làm biên tập trang văn xuôi cho tờ “Nghệ Thuật Mới” do Nguyễn Quang Thiều chủ trì, bọn mình đã tính in vài kỳ cuốn sách đó – cuốn “Giải mã chân dung”, nhưng sau có một vài trục trặc về phía gia đình nhà văn, và về cả tờ báo của bọn mình đang làm, nên lại thôi.

Mình vẫn giữ một bản đánh máy “Giải mã chân dung”. Mỗi mùa bóng đá nhớ Xuân Sách, lại nghĩ: cuốn này chưa ra mắt người đọc, giống như trận đấu ông đang bị dẫn điểm…