Tâm trạng của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Giờ đây, mỗi khi nghe câu “tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp”, những ai có một tuổi thơ ám ảnh qua những năm tháng chiến tranh, có cảm tưởng như đó chính là tiếng còi hú báo động.
CHUYỆN TÀU TITANIC
NGUYỄN THỊ THU HUỆ
Chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh
“Chống dịch như chống giặc”, “những chiến sỹ trên tuyến đầu”, “đối mặt với kẻ địch vô hình”, “bao vây, truy vết, dập dịch”, “vaccine là tấm khiên bảo vệ”, “bảo vệ vùng xanh, ngăn chặn vùng đỏ lan rộng”, “người dân sơ tán chạy dịch”, “cuộc chiến cam go”…
Gần hai năm nay, chúng ta đã thường xuyên nghe những lời nói đó ở mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong những thôn làng, ngõ phố, qua phát biểu của những người lãnh đạo đất nước, bên bữa cơm gia đình. Từ người lớn tuổi đến những đứa trẻ năm sáu tuổi đều hiểu và nói về virus Vũ Hán với những kiến thức cơ bản nhất.
Chúng ta cũng quen với việc kiểm tra tin nhắn trên điện thoại vào lúc sáng sớm, khi trưa về, chăm chú xem các ban tin thời sự 12h trưa hay 18h30 tối trên VTV1 để nghe thông báo số người khỏi bệnh, số người nhiễm mới, những vùng mới nào có thêm người nhiễm, số người đã tử vong vì Covid-19. Ai cũng ngóng xem thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những tiến bộ gì trong nghiên cứu, phát minh, hướng điều trị gì để cứu người.
Giờ đây, mỗi khi nghe câu “tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp”, những ai có một tuổi thơ ám ảnh qua những năm tháng chiến tranh, có cảm tưởng như đó chính là tiếng còi hú báo động. Máy bay địch đến, bom rơi trên mái nhà ta, trên nắp hầm trú ẩn của con em ta, trên những dãy phố dày đặc người, trong bệnh viện, nơi trường học, cái chết có thể đến từ trên trời, vào bất cứ lúc nào…
Tất cả nói lên một điều: đất nước chúng ta đang thực sự trong một cuộc chiến tranh!
Đấy không phải là một cuộc chiến tranh giả tưởng trong những bộ phim mà chúng ta có thể ngồi trên đi văng nhà mình vừa ăn bỏng ngô vừa xem, căng thẳng, dữ dội nhưng chúng ta có thể thở phào khi hết phim.
Đây là một cuộc chiến tranh vô cùng đặc biệt, vô cùng tàn khốc, nơi bất cứ ai cũng có thể phải đi cheo leo giữa lằn ranh sinh tử.
Kẻ thù trong cuộc chiến tranh này giấu mặt, vô hình, luôn biến đổi để trở nên hiểm độc hơn, với khả năng tìm kiếm, mở rộng phạm vi nạn nhân với tốc độ kinh hoàng.
Không có bất kỳ ai có thể an toàn tuyệt đối trước kẻ thù trong cuộc chiến tranh này, dù đó là vị nguyên thủ quốc gia, người nghệ sĩ vĩ đại, nhà triệu phú, tỷ phú “không có gì ngoài tiền”, hay người kỹ sư, bác sĩ, người lao động chân tay bình thường.
Một cuộc chiến tranh mà không chỉ riêng đất nước ta, người dân chúng ta mà là toàn nhân loại đang phải đối mặt.
Và điều đáng sợ là cho dù nhân loại ấy đã căng mình ra để chống chọi, đã tập trung những nguồn lực khổng lồ, đã nỗ lực tưởng chừng như cạn kiệt sức lực, thế nhưng cho đến giờ phút này, vẫn chưa có được một loại vũ khí nào hoàn toàn hữu hiệu để chống lại kẻ thù nguy hiểm này.
Thảm họa hơn một thế kỷ trước
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi (và chắc không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khác nữa) đã say mê xem bộ phim Titanic, về thảm họa đắm tàu kinh hoàng diễn ra vào một đêm không trăng, trên Đại Tây Dương. Kể từ đó, tôi để tâm tìm đọc càng nhiều càng tốt những gì liên quan đến thảm họa tàu Titanic đã khiến cho trên dưới 1500 người chết trong làn nước lạnh lẽo của đại dương.
Ở vào thời điểm đầu thế kỷ trước, đấy là một thảm kịch.
Nhưng điều duy nhất trong bộ phim này đọng lại trong tôi, không phải là mối tình thơ mộng giữa chàng họa sĩ đẹp trai thuộc giai cấp lao động với cô tiểu thư con nhà giàu, mà chính là những cảnh tượng khi con tàu sắp đắm. Với tôi, đấy là những người đàn ông, những người đàn ông đích thực, đã nhường suất xuống xuồng cứu sinh cho phụ nữ, trẻ em. “Phụ nữ và trẻ em đầu tiên!” (xuống xuồng cứu sinh), đấy là mệnh lệnh nổi tiếng nhất của con tàu Titanic, dù không biết ai là người đầu tiên đã nói ra câu ấy.
Rất nhiều người đã quên mối hiểm nguy đang chực chờ, cái chết có thể ập tới bất cứ lúc nào, tìm mọi cách để đưa trẻ em, phụ nữ xuống các xuồng cứu sinh. Thuyền trưởng tàu Titanic, sau khi ra lệnh đưa phụ nữ và trẻ em xuống các xuồng cứu sinh, đã ở lại cùng với con tàu cho đến khi nó chìm hẳn.
Trong bộ phim đẫm nước mắt ấy, nhiều người đã nhường sự sống của mình cho những người khác.
Và cũng như trong nhiều thảm họa, cũng có những kẻ, hiếm hoi thôi, tìm mọi cách để tranh giành với phụ nữ, trẻ em quyền xuống các xuồng cứu sinh, cũng là giành quyền sống của những con người yếu ớt, nhỏ nhoi…
Ở đâu?
Trong bất kỳ cuộc chiến tranh, một thảm kịch nào, mỗi người đều có thể có một chỗ đứng, một vị trí, một lựa chọn, một cách ứng xử.
Cuộc chiến với kẻ thù là virus Vũ Hán không phải một thảm kịch kiểu Titanic. Nếu chỉ đơn thuần xét về quy mô thương vong, với hơn 200 triệu người trên khắp thế giới đã nhiễm bệnh, hơn 4 triệu người tử vong, nó là một thảm kịch Titanic được nhân lên gấp nhiều lần, với sự tàn phá khủng khiếp.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là thế giới đã (hoặc sẽ) mất mát đi bao nhiêu con người nữa trước thảm họa virus Vũ Hán? Cái tôi muốn nói ở đây là cái cách mà con người trong thế giới này sẽ lựa chọn vị thế nào khi đối mặt với “tảng băng trôi” chết người Covid-19?
Đó chính là cái cách mà chúng ta ứng xử trước thảm họa, khi mà đồng loại, trong đó có bản thân chính chúng ta, đứng trước lâm nguy.
Trong thảm họa Titanic, có lẽ không có bất cứ một ai trong số các nạn nhân còn kịp lên án nhà tàu đã không kịp thời phát hiện thấy tảng băng trôi, đã không lường trước được thảm họa, đã không bố trí đủ các xuống cứu sinh, không tổ chức cứu sinh khoa học, kịp thời, sao các tàu khác nghe tín hiệu khẩn nguy mà không chịu đến cứu…
Những lời than van, chửi rủa, chỉ trích, lên án, đổ tội, đều vô nghĩa trước cái chết đang ở ngay trước mặt.
Lúc đó chỉ có duy nhất mệnh lệnh cao hơn tất cả: Phụ nữ và trẻ em đầu tiên!
Đó là những người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trên con tàu Titanic.
Hai năm nay, đối diện với virus Vũ Hán, mỗi người đều phát hiện ra khả năng của mình để thích nghi với bình thường mới. Con người luôn bị đặt trước những thử thách mà họ tự nhiên phải chấp nhận, để tồn tại. Đau nhất là người phải tránh người - điều mà chiến tranh không bắt người ta phải ứng xử như vậy. Ai cũng có thể là F0, và có thể làm lây lan dịch vì chính họ không biết. Và, chúng ta nhanh chóng quen với kiểu giao tiếp mới. Bằng mắt. Những đôi mắt đầy nước, hay ánh lên niềm tin truyền thông điệp cố lên, rồi sẽ vượt qua thôi.
Thói quen thay đổi. Trật tự đời sống đảo lộn. Nghiễm nhiên mỗi người phải thay đổi chính mình để thích nghi với hoàn cảnh sống mới không phải do họ chọn, mà do virus xâm lấn. Không chấp nhận. Không được. Không còn thỏa mãn những ước muốn nhỏ nhoi đơn giản như một ngày thu ngồi vỉa hè với những người bạn, hay đơn giản là ăn bát hủ tíu mỗi khi đặt chân lên đất Nam Bộ. Virus Vũ Hán gieo không khí tang tóc lên những nơi nó quét qua. Và, làn sóng thứ tư quay lại với Việt Nam, khiến số lượng người nhiễm lên con số nghìn mỗi ngày. Người chết hàng trăm.
Nhưng, dù chiến tranh kiểu gì, đại dịch tàn khốc đến đâu thì tinh thần đoàn kết và sự chia sẻ vẫn luôn cần như sự cứu rỗi hiện hữu mỗi ngày. Dù phải che kín để không làm hại nhau, nhưng ai cũng có thể đem lại niềm tin cho nhau, cứu nhau qua bữa đói. Để những người dễ bị tổn thương không bị bỏ lại, như cành cây mục trên bãi biển khi triều sóng rút đi.
Nhân loại, trong hàng ngàn năm, từng trăn trở với câu hỏi: “Quo Vadis?”-Đi đâu?
Trong cuộc chiến với virus Vũ Hán này, câu hỏi là: (chúng ta) ở đâu?
Đó đây, vẫn còn những kẻ có chức quyền giàu có và vô cảm chơi golf trong ngày giãn cách, hay né trách nhiệm, đẻ ra những yêu sách hành dân vì tao có quyền, nhân danh tao đang chống dịch.... sợ trách nhiệm, giết nhầm hơn bỏ sót. Loại đấy, thời nào cũng có, giống những gã đàn ông cố bằng mọi cách nhảy xuống xuồng cứu sinh khi tàu Titanic chìm. Nhưng, rất may, những kẻ đó là số ít, và đời cũng chẳng khá gì dù “khôn hết phần người khác”
Chúng ta, từ bao đời luôn đối mặt với những thảm họa. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh. Điều căn cốt của tinh thần Việt Nam là sự đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau, theo cách của từng người. Trong trận chiến chống Covid 19 này, với từng đoàn bác sĩ lên đường tình nguyện vào vùng dịch hỗ trợ đồng nghiệp luôn làm mọi người chảy nước mắt. Rất nhiều người đi từ thiện hay tham gia tình nguyện như mang xe nhà chở bệnh nhân Covid đi cấp cứu đã ra đi vì Covid. Những gói quà bỏ vội trước những cánh cửa cứu đói cho người dân không kịp chuẩn bị lương thực trước khi nhà mình bị nằm trong khu phong tỏa.
Đối mặt với cuộc chiến tàn khốc này, tình thương, tinh thần trách nhiệm, nghĩa đồng bào và những quyết sách sáng suốt của các cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới sẽ giúp dân tộc vượt qua sóng gió.
Nguồn: Văn Nghệ