Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã kiến giải hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí thời gian gần đây.
THỬ TÌM NGUYÊN NHÂN MỘT SỐ PHÓNG VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN BÁO CHÍ VI PHẠM PHÁP LUẬT, ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
NGUYỄN THẾ KỶ
Tôi hoạt động báo chí đến nay đã 39 năm, từ phóng viên, biên tập viên rồi trưởng thành qua các cương vị quản lý, lãnh đạo cơ quan báo, đài phát thanh truyền hình địa phương, trung ương; tham gia đào tạo báo chí cấp cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Xin nêu mấy nguyên nhân dẫn đến sai phạm, vi phạm pháp luật của một số phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên cơ quan báo chí như sau:
(1)ĐẦU VÀO tạp nham quá! Nhiều cô cậu học THCS, THPT đã rất có vấn đề về nhân cách, đạo đức, lối sống, vậy mà cứ muốn làm nhà báo cho oai (còn nghĩ là nghề này dễ kiếm tiền!) Và thi vào cơ sở đào tạo báo chí, chẳng có sàng lọc gì, tiêu chuẩn gì.
(2) ĐÀO TẠO: Chúng ta có 3 cơ sở đào tạo báo chí- truyền thông trọng điểm là Học viện Báo chí Tuyên truyền, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 2 đơn vị khác là Viện (trước đây là Khoa) Báo chí- Tuyên truyền, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội và của Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau này, bằng nhiều cách nào đó, một số trường đại học (cả công lập và dân lập) cũng… đào tạo báo chí. Để né các quy định, họ gọi khoa này là Truyền thông và Quan hệ công chúng! Nghĩa là không có từ "báo chí" nhưng đào tạo phóng viên báo chí.
Chất lượng đào tạo của loại hình trá hình này yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kém về đạo đức nghề nghiệp (đương nhiên rồi!). Ngay ở 3 đơn vị đào tạo báo chí, truyền thông trọng điểm đã nói ở trên, môn học về đạo đức báo chí, đạo đức công dân cũng chưa đủ lượng thời gian và chất lượng nội dung. Sinh viên học môn này cũng uể oải, hời hợt. Học xong các học phần, tất cả các anh chị sinh viên này "ra lò" và sẵn sàng "xung trận" làm phóng viên báo chí. Đầu vào không sàng lọc, đầu ra gần như cũng không luôn!
(3) . TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG, GIÁM SÁT, XỬ LÝ ở cơ quan báo chí: Ở các cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng, có uy tín thì việc tuyển dụng nhân sự về nội dung (và cả kỹ thuật, hành chính...) được thực hiện khá chặt chẽ bằng Quy chế tuyển dụng. Nhưng ở một số báo, tạp chí, đơn vị truyền thông khác (số này khá nhiều), nhất là các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên thì việc tuyển dụng, sử dụng, kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm… rất lỏng lẻo, tùy tiện. Việc chạy vào cơ quan báo chí bằng tiền, bằng "thư tay"; việc sử dụng cơ quan thường trú, văn phòng đại diện theo kiểu "phát canh thu tô", "khoán trắng" (nhưng phải có khoản tiền nộp về Tòa soạn)... là khá phổ biến.
Không ít "phóng viên thường trú", "văn phòng đại diện" có 3 nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên: 1/. Khai thác quảng cáo, tài trợ... ở địa phương, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thường; 2/. Phát hành báo in (hiện nay nhiệm vụ này có phần giảm xuống); 3/. Viết tin, bài...nhiều báo, tạp chí "ưu tiên" mảng tin mặt trái, yêu kém, tiêu cực của địa phương, ngành, doanh nghiệp...
Các cụ xưa có câu "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Nếu Tổng Biên tập, Tổng Giám đốc, Giám đốc, cấp phó, cấp quản lý các ban, phòng mà nghiêm ngắn thì không có chỗ cho phóng viên nhà báo làm bậy. Nhưng khi một số người đã "bất chính" rồi thì còn nói được ai nữa, quản được ai nữa!
(4) . THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH: Luật Báo chí, cứ 10 năm sửa đổi, bổ sung một lần (gần đây là 1989, 1999, 2014), nhưng không theo kịp sự vận động, biến động vốn rất nhanh, sinh động và cả phức tạp của đời sống báo chí. Có những điều bản thân tôi và nhiều người, nhiều cơ quan đã nêu, đã báo động nhiều năm nhưng chưa được giải quyết rốt ráo: bị kỷ luật ở cơ quan báo chí này, chạy sang cơ quan báo chí khác, y như chuột chạy!
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí VN đến năn 2025 và những năm tiếp theo đã qua hơn 1 nhiệm kỳ (5 năm) mà chưa ra tấm, ra món. Quy định đạo đức nghề nghiệp những người làm báo Việt Nam chưa được thực thi nghiêm túc, thường xuyên, xử lý sai phạm chưa mạnh tay, hiệu quả. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa phối hợp chặt chẽ, bài bản với các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng để giám sát, phát hiện, xử lý những người lợi dụng nghề báo, phóng viên, cộng tác viên báo chí để làm bậy, nhất là dọa nạt, tống tiền doanh nghiệp.
Nguồn: Facebook Nguyễn Thế Nhật Phong