Đêm cách ly dài với người này, nhưng lại ngắn với người khác. Nhập phòng. Người mệt. Vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang leo lên giường là… ngủ luôn. Giấc ngủ đến rất nhanh, cứ nhưbên ngoài kia đàn virus corona hằng hà sa số đã biến đi đâu mất, trái đất đã an lành từ lúc nào rồi.
ĐÊM DÀI CÁCH LY
SƯƠNG NGUYỆT MINH
Nhà thơ Mỹ gốc Liban là Khalil Gibran từng viết rằng: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Cuộc sống con người tươi đẹp lắm, người ta luôn khao khát, trân trọng từng ngày, từng giờ. Sau mỗi sớm mai thức dậy không chỉ là một ngày làm việc cống hiến, hoặc nghỉ tự do “bay nhảy” bất cứ đâu tùy theo điều kiện hoàn cảnh rồi thụ hưởng, mà còn để thực hiện trách nhiệm, để yêu thương. Trong những ngày dịch dã Covid19 căng thẳng lo lắng, dân mình mới chế ra:“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Y tế phường không đến chăng dây”, hoặc: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ngõ nhà mình không dựng bảng, chăng dây”. Dựng bảng, chăng dây là bởi “sớm mai thức dậy”, giật mình thấy xôn xao, y tế phường và dân phòng chăng dây cách ly xã xội vì ngõ phố có người dương tính Sars-Cov-2.
***
Năm ngoái, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam. Chính phủ kịp thời ra chỉ thị “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh… Yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết…”. Năm nay, dịch dã Covid không giảm mà tăng mạnh, đến nay đã hơn 200 ngàn người lây nhiễm, và hơn 4000 người chết. Sau Sài Gòn cách ly xã hội là 19 tỉnh thành phía nam và Hà Nội cũng cách ly. Người dân nước ta hầu như ai cũng đã trải qua những đêm dài cách ly. Người ít thì 14 ngày, người ở vùng dịch có nguy cơ cao thì 30 ngày, thậm chí còn dài hơn nữa. Cách ly ở nhà, ở tại cơ quan đều bí bách, bức xúc, khó chịu, nhưng có lẽ người bị cách ly tập trung mới thực sự căng thẳng, áp lực, đêm cách ly dường như dài hơn, thậm chí có cả cảm giác cô đơn đằng đẵng nữa.
***
Các cụ ngày xưa có câu: “Sểnh nhà ra thất nghiệp”. Bác sỹ, nhân viên y tế buổi sáng đi làm ở bệnh viện, buổi chiều bỗng nhiên phải ở lại cách ly tại khoa vì phát hiện đồng nghiệp hoặc bệnh nhân dương tính viruscorona. Đang bình thường, có người trong cơ quan, trong ngõ phố… test nhanh Covid bị dương tính (F0) thế là bỗng dưng bao nhiêu người tiếp xúc gần trở thành F1 phải đi cách ly xã hội. Cách ly với người bệnh đã khổ, đã vất vả, nhưng các thầy thuốc còn gian nan hơn. Người bệnh F0 không triệu chứng, hay người tiếp xúc gần (F1) còn được nghỉ ngơi, được chăm sóc; chứ các thầy thuốc thì lấy bệnh viện làm nhà, lấy công việc làm nhiệm vụ. Ngủ nghỉ, ăn uống thất thường. Căng thẳng. Lo lắng. Nhưng cũng phải tỉnh táo để chiến thắng thần chết. Với các thầy thuốc đêm cách ly ở bệnh viện bao giờ cũng dài hơn đêm trực. Họ phải qua bao nhiêu đêm cách ly cũng có nghĩa bằng ấy nỗi vất vả, gian nan và hiểm nguy.
Đêm cách ly dài với người này, nhưng lại ngắn với người khác. Nhập phòng. Người mệt. Vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang leo lên giường là… ngủ luôn. Giấc ngủ đến rất nhanh, cứ nhưbên ngoài kia đàn virus corona hằng hà sa số đã biến đi đâu mất, trái đất đã an lành từ lúc nào rồi. Bởi ngày thường quá bận rộn, bù đầu tối mắt, đi làm về là cơm nước, cho con ăn, dọn dẹp lau chùi nhà cửa, xong việc thì đêm khuya, sáng phải dậy sớm lo đánh thức con dậy, cho con ăn, khóa cửa, rồi đi làm. Không còn thời gian mà nghỉ ngơi dưỡng thân. Bây giờ, vào trong khu cách ly chỉ còn mỗi một việc ăn và ngủ nghỉ, khi cần khám bệnh, test Covid thì mới bị gọi. Lâu lắm mới được ngủ sớm, lâu lắm mới được nằm một mình, không có chuyện dùm dúm con lớn bên trái, con bé bên phải. Cũng chẳng phải canh báo thức sáng đi làm đúng giờ, chẳng phải bận bịu cơm nước, bỉm sữa, trông con, dạy con, chăm chồng… Tự do muôn năm! Thế nên thời gian là tỷ phủ, công việc là rizo, cứ ngủ đã, ngủ một cách ngon lành bình yên.
***
Đêm dài cách ly mới nhận ra một cuộc sống mới, một hoàn cảnh mới, con người buộc phải thích nghi. Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen, nếp sống con người, thậm chí thay đổi cả tư duy, nhận thức. “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, “Thức khuya mới biết đêm dài”, có lẽ thay đổi nhiều nhất phải là những người sống ở các khu cách ly xã hội tập trung. Bị cách ly xã hội là điều không may mắn, là khó khăn bất chợt, nhưng thời gian cách ly lại là những ngày giờ sống chậm lại, là cơ hội nghĩ ngợi về những chuyện, những điều mà ngày thường không kịp nghĩ, không muốn nghĩ. Với những người đang làm việc bận rộn, cách ly xã hội giống như “tái ông mất ngựa” mất thời gian, mất tiền bạc, nhưng lòng mình lắng lại, biết nghe ngóng, biết quan sát, nghĩ ngợi đến những người xung quanh mình hơn.
***
Có một chị giáo viên ở miền Tây Nam Bộ kể trên Facebook đêm cách ly đầu tiên đại thể là: Thời gian lê thê, tâm trạng nặng nề. Mười giờ đêm, bỗng tiếng còi ủ xe cấp cứu inh ỏi xé rách màn đêm khu cách ly đang yên tĩnh chậm chạp trôi dần về khuya. Nhân viên y tế lấp ló ở cửa phòng gọi hai mẹ con người huyện bên nằm giường bên cạnh mới vào ngày hôm trước. Chỉ lát sau, người mẹ quay vào mặt mũi tái nhợt. Cô con gái còn bình tĩnh chút, nhưng mặt cũng đầy âu lo. Họ dọn đồ cá nhân. Các nhân viên y tế vẫn đứng bên ngoài hè chờ đợi. “Con chào cô, hai mẹ con con đi, nghe”. Chị ngồi nhỏm dậy: “Ủa hai mẹ con đi đâu?”; Giọng người mẹ mềm oặt: “Bác sỹ báo hai chúng tôi dương tính, phải vào bệnh viện điều trị”. Các giường bên, mọi người đều ngồi phắt, rồi sững sờ. Hai mẹ con mệt mỏi, lủi thủi xách đồ ra khỏi phòng. Cả phòng sững sờ, quên cả chào tạm biệt hai mẹ con vừa biết mình là bệnh nhân F0. Tiếng còi xe cấp cứu lại gióng lên xé màn đêm khu cách ly nhỏ dần, xa hẳn. Thế rồi, cả phòng xôn xao, sáu người còn lại ồn ào suýt xoa, than vãn, kêu ca, và hỏi nhau. Hoang mang, lo lắng mình có bị lây chéo không. Chuyện chưa vãn, ồn ào chưa qua thì nhân viên y tế thông báo dọn đồ, khử khuẩn. Ai cũng phấp phổng lo hãi, ôm đồ ra ngoài, chờ đợi. Càng chờ càng không thấy khử khuẩn. Đêm lại dài dằng dặc. Một phút bằng trăm năm. Mãi rồi cũng thấy một nhân viên mặc đồ bảo hộ khoác bình thuốc khử khuẩn khử trùng đến phun. Chị bảo: Bỗng nhiên thấy mọi người trong các phòng chạy túa ra ngoài. Chị cảm thấy giống như đàn kiến trong hang tháo chạy khi bị ai đó cầm bình thuốc côn trùng xịt vào khiến chúng tán loạn. Cuối cùng rồi cũng tạm yên, mọi người vào phòng mắc màn. Đêm dài thao thức, không ngủ được, nước mắt cứ trào ra. Chỉ đến hôm test lại, kết quả âm tính mới tạm thời yên tâm.
***
Đêm dài cách ly trằn trọc nhớ cả hình bóng chiếc taxi chờ ngoài ngõ, mỗi khi có việc đi đâu. Đêm dài cách ly nhớ cả tiếng rao đêm: Ai bánh giò… đê. Ai bánh mì đê… ê khê nồng, trễ nải. Ghé mắt nhìn qua lan can thấy cái bóng gầy nhỏ nhoi của người bán hàng xa dần cùng tiếng rao bé dần rồi khuất hẳn. Đêm dài cách ly nhớ vợ nhớ con không ngủ nổi. Lòng tự thấy mình vô tâm vô tính, chểnh mảng quan tâm vợ con. Càng thấy mình khiếm khuyết càng trào dâng nỗi niềm nhớ vợ thương con da diết. Rồi mong ước mình không phải là F0, ngóng đến ngày được ra khỏi khu cách ly khỏe khoắn, an lành. Một hình dung tươi sáng, bay bổng và ấm nồng khi về nhà: Ùa vào trong cửa ôm chầm lấy mấy mẹ con, thở thật sâu hôn hít, ríu rít chuyện trò. Thay vì cắm đầu vào công việc, dán mắt vào tivi thì dành thời gian dẫn con nhỏ đi tản bộ, ngồi trò chuyện với con gái lớn, vào bếp vo gạo nhặt rau giúp vợ nhiều hơn. Về quê thăm bố mẹ nhiều hơn, điện thoại thăm hỏi bạn bè nhiều hơn và thay cái bộ mặt lạnh lùng bấy lâu bằng chăm thể hiện cảm xúc hồ hởi yêu thương người thân nhiều hơn.
***
“Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Sự thật thì có một số người thất cơ lỡ vận, vất vưởng vô gia cư, sống bụi đời, long đong bán vé số, vất vả nhặt ve chai, lam lũ đời thợ hồ... thì miếng cơm manh áo, ngày dứt bữa còn lo lắng hơn cả nỗi lo Covid. Covid-19 với họ có lo lắng, có sợ hãi nhưng nó còn xa vời mông lung ở đâu đó, nhưng thất nghiệp ở nhà và đói ăn hiển hiện ngay trước mắt. Đêm cách ly dài hơn ban ngày đi nhặt ve chai, bán vé số, chỉ mong cuộc sống nhanh chóng an lành để đi hành nghề kiếm tiền mua gạo nuôi con.
***
Đêm cách ly dài hơn đêm bình thường.
Trừ những người “thực bất tri kỳ vị”, đặt mình là ngáy như kéo bễ, còn lại những người có chút vấn vương chyện riêng, băn khoăn sự đời, giày vò bản thân và cả nghĩ thì trước khi ngủ cũng nghĩ, nửa đêm thức giấc cũng nghĩ. Có một chị sau mấy đêm cách ly không ngủ nổi, nỗi lo vơi dần nhưng ân hận thì dầy hơn. Chả là buổi sáng trước khi bị “bế” đi cách ly, chị đã chót nặng lời mắng mỏ cô em đồng nghiệp dương tính Sars-Covd-2 mà không biết giữ gìn cho bản thân, cho người khác để cho chị trở thành F1 trong nỗi nghi ngờ lay nhiễm và lo lắng. Trách móc rất to. Mắng rất tục. Mặc cho cô em đồng nghiệp cũng đang bị cách ly điều trị trong lo lắng, hoang mang phải khóc lóc, van nài, xin lỗi, mà chị vẫn không buông tha. Đêm dài cách ly, chị nhận ra các bác sỹ, nhân viên y tế khu cách ly rất có thể mất an toàn sức khỏe và bị lây nhiễm chéo, nhưng họ vẫn nhã nhặn, xởi lởi, không nề hà khó khăn, nguy hiểm phục vụ những người có nguy cơ từ F1 biến thành F0. “Trông người lại ngẫm đến ta”, chị nghĩ ngợi về mình, khám phá con người mình và chợt nhận ra mình nóng nảy quá, và ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Chị thấy có lỗi quá! Chị mong trời chóng sáng để điện thoại bộc bạch, xin lỗi cô em đồng nghiệp F0, mong được tha thứ, và chúc cô em mau khỏi bệnh.
Đêm dài cách ly dài hơn ca trực ở viện, ở các chốt đường dài hẻm phố ngõ làng, dài hơn những đêm ngủ cùng người thân ở nhà!