Luôn luôn và mãi mãi, đã, đang và sẽ có hàng tỷ tỷ con người bước đi trên mặt đất, bàn chân họ mài mòn đất đai, đạp bằng đá núi và vẽ nên những con đường mênh mông, bất tận. Đã bao giờ bạn cúi xuống ngắm nghía những dấu chân ấy và chợt ngẫm ra một điều gì khác lạ, có thể khiến lòng bạn bồi hồi?

 

NƠI BẮT ĐẦU CỦA THƠ

NGUYỄN ĐỨC NGỌC

 

Cuộc sống bắt đầu từ dưới chân. Thơ là hồn vía của cuộc sống, nên thơ cũng bắt đầu từ đó. Khái niệm “dưới chân” ở đây là hiểu đúng nghĩa đen. Tôi muốn nói tới những dấu chân người, hình ảnh đầu tiên nối chúng ta với đất đai, với cõi trần tục. Luôn luôn và mãi mãi, đã, đang và sẽ có hàng tỷ tỷ con người bước đi trên mặt đất, bàn chân họ mài mòn đất đai, đạp bằng đá núi và vẽ nên những con đường mênh mông, bất tận.

Đã bao giờ bạn cúi xuống ngắm nghía những dấu chân ấy và chợt ngẫm ra một điều gì khác lạ, có thể khiến lòng bạn bồi hồi? Nếu thế, bạn đã là một thi sĩ. Bởi vì, những dấu chân không phải là ngôn ngữ, chúng chỉ là những tín hiệu vô tình và để mở, không phải ai cũng có thể đọc được nên lời những nội hàm ẩn chứa đằng sau những dấu chân. Chỉ có những thi sĩ, nói rộng hơn, những nghệ sĩ, mới làm được việc đó, mới có thể giải mã được bản thông điệp không lời mà con người gửi lại trên mặt đất.

Khoảng hơn 60 năm trước, có một thi sĩ đã làm việc ấy, đó là Huy Cận, khi ông viết:

“Thôi đã tan rồi vạn gót hương
Của người đẹp tới tự trăm phương
Tan rồi những bước không hò hẹn
Đã bước trùng nhau một nẻo đường”.

Bình mấy câu thơ này, các tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã phải thốt lên: “Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc”. Phép mầu của thơ chính là ở chỗ có thể thổi vào những gì ngỡ như tầm thường, nhạt nhẽo nhất hơi thở của tâm hồn và sự sống, đánh thức ở trong ta nỗi trắc ẩn, bâng khuâng ngay trước cả những gì tưởng đã chai lì và mòn nhẵn như những dấu chân người chẳng hạn.

Có một nhà thơ khác của thời chống Mỹ là Lữ Giang, cũng một lần cúi xuống với những dấu chân người và nhặt lên một bài thơ hay, bài “Một bàn chân”, góp phần làm nên “hiện tượng một bài” thú vị trong thơ Việt hiện đại. Bài thơ kể chuyện trên một cung đường bom đạn ở hoả tuyến, khi một đoàn xe vô tình sắp lăn bánh vào chỗ có bom nổ chậm, thì trước xe xuất hiện một bóng người đã bất chấp hiểm nguy, kịp lao tới chặn đoàn xe lại, cứu cho bao nhiêu con người và hàng hoá một tai nạn trông thấy. Không dài dòng ca ngợi chiến công của con người thầm lặng, nhà thơ đã làm một việc thực ra còn hơn thế, khi ông cúi xuống mặt đất và để lộ cho ta hay nhân thân và phẩm cách của con người này bằng một hình ảnh tưởng không có thứ ngôn ngữ nào cô đúc hơn:

“Giữa hai dấu nạng
In một bàn chân”.

Chi tiết đắt giá đã đóng bài thơ lại đột ngột, để lại từ từ mở ra một chân trời rộng lớn cho trí tưởng tượng trong cảm nhận của người đọc.

Có lẽ, người đã làm một cuộc khảo sát kỹ lưỡng nhất những dấu chân người chính là nhà thơ Thanh Thảo, tác giả của “Những dấu chân qua trảng cỏ”. Bài thơ là bản giải mã sâu sắc những gì mà những thế hệ con người đi kháng chiến trong cuộc hành quân mải miết và triền miên suốt bao năm đã tình cờ gửi lại trên mặt đất: “Buổi chiều qua trảng cỏ voi/ Ngước nhìn mút mắt khoảng trời long lanh/ Gió nghiêng ngả giữa màu xanh/ Tiếng bầy chim két bỗng thành mênh mang/ Lối mòn như sợi chỉ giăng/ Còn in đậm đặc vô vàn dấu chân/ Dấu chân ai đọc nên vần/ Nên nào biết ai đi gần đi xa/ Cuộc đời trải mút mắt ta/ Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường/ Những người sốt rét đang cơn/ Dấu chân bấm xuống đường trơn có nhoè/ Chiếc bòng con đựng những gì/ Mà đi cuối đất mà đi cùng trời/ Mang bao khát vọng con người/ Dấu chân nho nhỏ không lời không tên/ Thời gian như cỏ vượt lên/ Lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua/ Ai đi gần, ai đi xa/ Những gì gửi lại chỉ là dấu chân/ Vùi trong trảng cỏ thời gian/ Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta/ Vẫn đằm hơi ấm thiết tha/ Cho người sau biết đường ra chiến trường”.

Cả sự giản dị và sâu sắc đều đạt đến độ không ngờ. Có nhà điêu khắc từng nói: “Trong mỗi tảng đá đều có một pho tượng, chỉ cần ta biết cách lấy ra”. Một nhà điêu khắc khác nói rõ thêm: “Muốn lấy pho tượng ra khỏi tảng đá, ta chỉ cần đục bỏ những chỗ thừa”. Với thơ cũng thế: Dưới mỗi bước chân ta đều ẩn giấu một bài thơ, chỉ cần ta biết cách cúi xuống và nhặt lên, vậy thôi.

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An