Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thành Hưng nhận định: Sáng tác trong không gian mạng tự do, các cây bút văn mạng phần lớn đi từ tự truyện, với tâm lý viết thể nghiệm, nghiệp dư… nên thường dễ dãi với bản thân mình.
Tản mạn về văn học mạng
PHẠM THÀNH HƯNG
Người ta kể rằng, khi ông thợ kim hoàn Johannes Gutenberg (1400-1468) bán cửa hiệu của mình đi để có tiền chế tác ra chiếc máy in sách, ông không biết rằng sở thích cơ khí đó của ông đã làm đảo lộn thế giới trung cổ, góp phần mở đường cho châu Âu bước vào thời đại Phục hưng. Hơn 200 bản Kinh Thánh trong nhả in đầu tiên của Gutenberg không chỉ phá bỏ độc quyền sở hữu Chúa của Nhà thờ, mà chiếc máy in của ông còn biến văn chương thành một nghề kiếm sống, vì sách của nhà văn được in hàng loạt, dần dần trở thành một thứ hàng bán được.
Sau Gutenberg, 5 thế kỷ đã qua đi. Năm 2008, tập 7 của bộ tiểu thuyết Harry Potter của K. J. Rowling được xuất bản, nâng tổng số bản in tiếng Anh và các ngôn ngữ dịch khác của bộ tiểu thuyết này lên tới 450 triệu bản. Nhưng đây cũng là hiện tượng sách in bán chạy cuối cùng trong lịch sử sách in giấy. Hiện tượng Harry Potter là ánh lửa lóe sáng cuối cùng, để khép lại một thời đại 5 thế kỷ độc quyền của sách in và để độc giả toàn cầu bước vào thời đại của sách điện tử…
1.
Mạng internet ra đời đã “làm phẳng” thế giới về phương diện thông tin. Và cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng Internet, một dòng văn học mạng ra đời, lặng lẽ từng ngày chiếm đoạt một phần thị trường sách in truyền thống. Năm 2013, ở Trung Quốc một trường đại học kiểu mới được thành lập: Đại học Văn học mạng. Nhà văn nhận lời làm Hiệu trưởng danh dự để góp phần quảng bá đại học này là Mạc Ngôn, người vừa đoạt giải Nobel một năm trước đó. Năm 2010, Trung Quốc có 384 triệu người dùng internet. Đến hôm nay con số đó chắc đã lớn hơn nhiều. Trong vũ trụ internet đó, việc nhiều nhà xuất bản của Trung Quốc chỉ nhận in tác phẩm văn học đã được thử thách qua mạng internet đã thành chuyện đương nhiên.
Những biến động trong văn hóa truyền thông Trung Quốc ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam - quốc gia láng giềng đang trên đường hội nhập và công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước. Cố nhiên văn học mạng Việt Nam không phải do dư chấn của văn học mạng Trung Quốc. Dòng văn học đó hình thành và phát triển một cách tự nhiên trong bối cảnh náo nhiệt của văn hóa công nghệ truyền thông và mạng internet.
Theo thống kê và điều tra sơ bộ đầu năm 2018, có tới 50 triệu người Việt Nam dùng internet. Việt Nam đang đứng thứ 16 trong tốp 20 nước dùng internet nhiều nhất thế giới hiện đại. Trong 5 năm tới, theo dự đoán của ngành chức năng, Internet sẽ đóng góp hơn 5 tỷ USD cho GDP của Việt Nam. Và một ngày không xa, Internet sẽ thành chương trình dạy kỹ năng mềm cho học sinh tiểu học. Trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển đó, văn học mạng Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng của nó, vừa như một thành quả của văn hóa hiện đại, lại vừa như một thách đố đối với văn học in truyền thống.
Theo nhận định chung của Hội thảo về văn học mạng, do Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam tổ chức mấy năm trước: Văn học mạng Việt Nam trải qua nhiều bước thăng trầm, từ năm 2000-2009 là giai đoạn phát triển bùng nổ; từ năm 2010 đến nay là giai đoạn trầm lắng, như là “quãng nghỉ” của văn học mạng. Ngay từ đầu những năm 2000 đã xuất hiện những trang web chuyên đăng truyện kiếm hiệp dịch của Trung Quốc, sau đó, truyện ngôn tình mạng cũng được dịch và xuất bản rầm rộ. Trong khoảng những năm 2000-2009, một số diễn đàn trực tuyến thu hút hàng triệu lượt người theo dõi và có số lượng thành viên đông đảo; các tác phẩm đề cập nhiều chủ đề phong phú như tình yêu, cuộc sống của giới trẻ; thậm chí các mảng truyện kiếm hiệp, kỳ ảo, lịch sử… cũng khá sôi động.
Chính từ đây văn học mạng Việt Nam bắt đầu xuất hiện những cái tên như Hà Kin, Trần Thu Trang, Nguyễn Thế Hoàng Linh… Từ sau năm 2010 đến nay, cùng những biến động trong đời sống xã hội, một số đại diện của văn học mạng không tiếp tục tồn tại; các diễn đàn thưa vắng, vài trang web đóng cửa… Mặt khác, văn học mạng tiếp tục tìm ra những khoảng trống mới để lấp đầy, chẳng hạn sự trở lại của lối viết trữ tình trong các tản văn và thơ tình tuổi hoa...
2.
Sự trầm lắng của văn học mạng Việt Nam mấy năm gần đây có nên được coi như “giai đoạn tìm đường” hay không? Theo tôi, văn học mạng không phải đi tìm gì nữa. “Sự trầm lắng” chính là sự ổn định chỗ đứng, kết thúc cuộc tìm đường. Nó đã tìm được con đường của mình và cũng không thể có đường đi nào khác!
Trước hết cần có sự tách biệt khái niệm về hai hình thái văn học. Đó là Văn học trên mạng (Literatura in Internet) và Văn học mạng (literature for Internet). Văn học trên mạng, tức là văn học truyền thống nói chung, xuất hiện hoặc được gửi vào mạng, bắn lên (post) mạng Internet. Ở đây, trong mối quan hệ giữa văn học và mạng Internet, thì mạng chỉ là môi trường tồn tại, ngụ cư, đóng vai trò phương tiện công bố “phát hành” và bảo quản. Ở đó Văn học trên mạng như một kênh giao tiếp với độc giả, đặc biệt là giữ chức năng của một kho lưu trữ hiện đại, không lo ẩm mốc, phai màu như sách in. Nhiều tác giả sáng tác và công bố trên trang facebook hay website cá nhân, dù sau đó đưa in sách hay không in, thì vẫn là viết theo kiểu truyền thống, vẫn tư duy nghệ thuật kiểu giấy bút. Mạng internet chỉ giúp họ có thêm một kênh phát hành, bảo quản, chứ không ảnh hưởng đến cách nghĩ và lối viết.
Còn Văn học mạng (còn được gọi tắt là “Văn mạng”) là hình thái văn học mới, được sáng tác trong không gian điện tử, với tâm lý sáng tạo phi truyền thống. Ở đó, đối tượng độc giả chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là nữ giới - những người có tri thức công nghệ thông tin trong cộng đồng mạng. Vốn là học sinh-sinh viên và các tầng lớp trí thức trẻ. Cộng đồng độc giả này tìm đến văn mạng vì nhu cầu giải trí và tìm kiếm thông tin, tìm kiếm cái mới, cái độc đáo, bất thường… nhiều hơn nhu cầu thưởng thức - cảm thụ nghệ thuật. Cùng đó, chủ thể sáng tác của văn mạng cố nhiên là đều trẻ, đúng hơn là rất ít người già. Các bloger nổi tiếng như Trần Nhương, cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo… là những hiện tượng quý hiếm. Và thực ra, dữ liệu của các bloger đó chủ yếu là thông tin văn nghệ, có chức năng của tạp chí điện tử nhiều hơn là nơi công bố sáng tác.
3.
Về phương diện kinh tế, có thể coi văn mạng là “văn học ít tiền”, hiểu theo nghĩa đen: độc giả không phải bỏ tiền mua sách, không mất công đi mượn sách, trả sách; tác giả cũng không tốn tiền tự in sách hoặc chi phí cho ngoại giao xuất bản. Về phương diện tư tưởng, đó là dòng văn học vượt thoát được những rào cản hợp lý hay vô lý của sự kiểm duyệt.
Trong một không gian tự do sáng tác và tự do tiếp nhận, mối quan hệ tương tác giữa tác giả và người đọc đã thay đổi tính chất và mức độ. Sự phản hồi của độc giả đối với tác phẩm có tốc độ rất lớn, nhiều khi là phản xạ tức thời. Rất nhiều độc giả chờ đợi một tản văn của tác giả yêu thích xuất hiện và bình luận tức khắc để “giật giải” là người bình luận - hồi âm (coment - feedback) đầu tiên. Nhận được lời bình phản hồi, tác giả có thể cám ơn và sửa luôn tác phẩm. Như vậy, tính chất đồng sáng tạo của nhà văn và độc giả không còn gián tiếp, trừu tượng nữa, mà thực sự có tính trực tiếp, theo tinh thần hợp tác sáng tạo. Kiểu đọc sách và giao tiếp điện tử như vậy kích thích, nuôi hứng cho người viết, đồng thời người viết cũng giữ chân độc giả.
Sáng tác và tiếp nhận văn học mạng đã thực sự phá vỡ nhiều thuật ngữ và khái niệm lý luận cổ điển như: tác giả/ độc giả/ tác quyền/ tác phẩm… Quan niệm “tác phẩm tồn tại khi nó được đọc” bắt buộc phải được điều chỉnh. Tác phẩm mạng luôn tồn tại trong thế cân bằng động, giao động kiểu con lắc đơn, vì nó chỉ là một văn bản giả thiết trước tác giả lẫn người đọc. Nó thực sự là “tác phẩm mở”.
Đối với độc giả văn học mạng hôm nay, khái niệm “mọt sách” không còn. Làm chủ công nghệ thông tin hoặc mải mê con đường lập nghiệp, lo chuyện kiếm tiền, độc giả mạng không có thời gian đọc lâu, đọc nhiều để tích lũy kiến thức. Bộ nhớ trong não đã được thay thế bằng ổ dữ liệu máy laptop và các “nhà thông thái” như CôcCôc, Google… Cũng không còn tồn tại khái niệm “sách gối đầu giường”, vì sách in hiện tại rất đa dạng, rất nhiều và có giá trị cổ điển cũng không còn tiềm năng từ điển, để nâng niu, đọc lại, nghiền ngẫm giống như thế hệ độc giả trẻ tuổi ngày xưa.
4.
Trong những đặc tính của văn học mạng, chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc tính hạn chế, tiêu cực của nó. Thứ nhất, đây là dòng văn học chỉ sống trong mạng, sống bằng điện, bằng các máy tính và các phương tiện truyền thông hiện đại. Trong khi đó, viết và đọc sách in chỉ cần ánh sáng mặt trời. Thứ hai, sống trong vũ trụ internet, văn học mạng như một dòng văn hóa mộng du trong thế giới mà Jean Boudrilard gọi là “hiện thực phì đại”, “hiện thực thậm phồn” (hyperrealita), nơi tồn tại không ít những “giá trị ảo”, nơi khó phân biệt cái thực với cái giả.
Và thứ ba, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu độc giả trẻ tuổi, văn học mạng phần lớn bị khống chế, khuôn gọn vào đề tài tình yêu, giới tính nữ. Chỉ cần điểm danh mấy tác phẩm nổi tiếng của các cây bút nổi tiếng (như Trang Hạ, Trần Thu Trang, Hà Kin, Hân Như, Nguyễn Thu Thủy v.v…) có thể chứng minh đủ điều này. Sáng tác trong không gian mạng tự do, các cây bút văn mạng phần lớn đi từ tự truyện, với tâm lý viết thể nghiệm, nghiệp dư… nên thường dễ dãi với bản thân mình. Tâm lý văn học mạng như một sân chơi của tuổi trẻ đã làm cho tác phẩm văn học mạng non kém về chất lượng...
Vấn đề văn học mạng đã được đặt ra rất sớm ở châu Âu, đặc biệt ở khối các nước XHCN cũ vào thời kỳ khủng hoảng chính trị và kiến tạo cơ chế chính trị mới. Riêng ở cộng hòa Séc, nhiều hội thảo về quan hệ giữa văn học và Internet được tổ chức với câu hỏi nóng bỏng: Internet là kẻ thù hay là đồng minh của văn chương truyền thống? Năm 1997, Trung tâm văn hóa Kafka tổ chức hội thảo “Văn học với Truyền thông đại chúng”. Đấy cũng là nơi và là lúc xuất hiện từ ghép văn mạng - liternet. Nhiều máy chủ văn mạng ở Séc (như Blue World, Poeta) tập hợp được hàng trăm, hàng nghìn tác giả, như một kiểu “Làng văn” và “Tao đàn trực tuyến”. Trong cộng đồng nói tiếng Đức, văn học mạng đã có rất sớm với khái niệm “Literaturaforum”. Người đọc tiếng Đức coi đó là khu vực văn chương mang tính đối thoại, diễn đàn. Tiếp đón và ứng phó với văn học mạng sớm, các nhà văn châu Âu XHCN cũ có thái độ bình tĩnh hơn so với các nhà văn Việt Nam hôm nay.
Đã đến lượt chúng ta cũng bình tĩnh nhận diện và mỉm cười với dòng văn học mới này, bởi đây là dòng văn học không thể soán ngôi vị của văn học in truyền thống. Tạm thời, tất cả các tác giả văn học mạng đều coi việc tác phẩm của mình được in thành sách là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Không tác giả mạng nào từ chối không bán bản thảo trên mạng cho các nhà xuất bản, vì sách in luôn đem lại thương hiệu cho các blogger. Mặt khác, những điều dễ dãi, non kém, “sến sẩm”… của văn học mạng là thuộc tính tất yếu của văn học màn hình, của các sân chơi ngôn ngữ.
Cho nên cái hại của văn học mạng nếu có, là không đáng kể so với cái lợi mà nó đem lại. Chí ít là văn học mạng đã níu kéo giới trẻ, nuôi dưỡng một cộng đồng độc giả văn chương. Đồng thời, văn học mạng cũng là nơi đào tạo các nhà văn trẻ. Ở đó, các tác giả cầm bút vô tư, ít chịu áp lực của “nghiệp văn”, nhưng nhìn chung họ vẫn chịu sức hút hướng tâm của văn học bút lông cổ điển. Và cuối cùng, nếu coi văn học in truyền thống với văn học mạng như hai hình thái văn học cộng cư, quan hệ này sẽ là mối quan hệ cạnh tranh để phát triển. Văn học in truyền thống cần phải chủ động giành lại thị phần, giành lại độc giả bằng cách tận dụng triệt để vai trò chuyển tải, lưu trữ và tác động tiếp nhận của mạng internet.
Vì vậy, chúng ta có thể chờ đợi những thành tựu tiếp theo của văn học mạng như chờ đón thành công đóng góp của một dòng văn hóa hậu hiện đại.
Nguồn: Văn Nghệ