Tê dại vì mất mát. Không bao giờ như xưa được nữa. Khẩu trang và kính chống giọt bắn thế kia thì mi rậm má hồng và son đỏ để làm gì? Khi mọi thứ mốc lên trong tủ trang điểm thì các thứ đi kèm cũng sẽ không được nhấc ra

 

Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài

 

DẠ NGÂN

 

Thực sự đã 4 tháng ròng. Thực sự không ai nghĩ rằng mình bị bó chân hơn 100 ngày . Mọi người. Không trừ ai, không riêng lẻ, không đơn lẻ, mọi người. Vậy nên không so đọ, không nổi loạn. Lẳng lặng cam chịu, sự cam chịu tập thể nếu cân được thì nó sẽ là bao nhiêu tấn? Cảm giác như một khối đất đá khổng lồ bất động từ từ tụt xuống.

Chim chóc nắng gió, hoa lá không có nghĩa mấy nữa. Mọi thứ vẫn đó nhưng đã trượt dần khỏi sự quan tâm. Ngày giống hôm qua, đêm y hệt đêm qua, nhưng mà vẫn khác. Khác ở sự đặc cứng của ngày và của đêm. Nén đến thế, nén đến hàng trăm ngày như thế thì cái gì mà không đanh khô?. Ấy là sự chấn thương mà chắc chắn ai cũng thấy dù không gọi tên ra, hoặc không muốn gọi tên làm gì.

Đôi lúc thả chân ra đường một đoạn. Lách qua dây rào, chui dưới thanh barie xấu xí vớ vẩn, như một con chó với chướng ngại vật bởi nhu cầu nhúc nhắc của nó. Hình như có mùi cà phê, cà phê rón rén cho mang đi. Không thiết đứng lại mua chi, chỉ vì cầm về nhà uống thì uống mãi ở nhà rồi, ngán tận cổ cảm giác ngồi im và nhấm nháp sự vô duyên ấy. Thèm ngồi xuống, nghe các gã đàn ông đánh cờ chửi thề với ăn thua cũng được. Quán hủ tiếu ưa thích im ỉm, thông báo không đủ nguyên liệu để làm hàng, bà con thông cảm. Không có gì cả ngoài dây văng đứt tơi ở công viên và những chiếc ghế đá vẫn lật úp như thế. Lá cây cành cây giông gió bời bời khắp chốn, công nhân môi trường nghỉ việc cũng đã từng ấy ngáy, hoặc đã là con mồi của Covid, hao khuyết nhiều.

Quay bước. Hàng bún, hàng thịt nửa kín nửa hở như thời bao cấp vừa có vừa không. Dân không bó tay và chính quyền cũng không xuống thang. Ngăn Cấm và Xé Rào xem ra là song sinh, cùng một chậu đã bật lên để gầm gứ nhau. Không gì ở xứ này là tiệt nọc, hạt giống ấy chỉ âm thầm chờ thời mà thôi. Một cuộc giằng co lẳng lặng nhưng buồn thảm, càng làm cho bộ mặt đất nước nhem nhuốc một lần nữa, các từ ngữ mỳ miều dường như đã bị trôi tuột hết, tuột hết.

Đôi chân không thèm nghe lý trí. Thèm ngồi xuống quá đi, một trái chuối nướng, một tô cháo lòng, một dĩa cơm tấm. Không phải thèm chính món đó mà thèm tất cả những thứ tạo nên khung cảnh ấy. Chiếc ghế cóc giữa muôn mặt người bình dân, mùi than đước, ly sữa đậu nành nóng hay ly trà đá đặc trưng. Nghe người ta nói, thấy người ta hỉ mũi vì ớt cay mà không nghi ngại người ấy có thể là... Những tiểu tiết tối thiểu còn không có nói chi. Nói chi sống áo, nước hoa, là lượt trên xe máy bay bay tíu tít.

Tê dại vì mất mát. Không bao giờ như xưa được nữa. Khẩu trang và kính chống giọt bắn thế kia thì mi rậm má hồng và son đỏ để làm gì? Khi mọi thứ mốc lên trong tủ trang điểm thì các thứ đi kèm cũng sẽ không được nhấc ra. Để làm gì kia chứ? Này lụa, này khăn, này giày này túi xách, chúng mày bị chôn khi ta còn chưa chết đấy nhé. Có cần đay nghiến và bi quan đến thế không? Dù cuộc sống có thoát ra và trở lại được thì thế kỷ 21 sẽ không hoàn toàn sang trang theo quan niệm thông thường. Một thế kỷ kỳ quặc, có thể vỡ vụn.

Lại phải chui rào và trở về với cái hang. Nếu gối mỏi và chân chồn cũng phải nhớ, không được vịn cầu thang khi bước lên đâu đấy, nơi ấy là ....Eo ơi, ở đâu cũng bị nhắc nhớ virus và vius, Trái đất đã biến thành một ổ dịch không thể cân và đong được, đã đến mức ấy sao? Tất cả những gì ở trên người phải được giũ ra, cho vào nước. Đấy là sống hay là hành xác để vượt qua và rồi... Lần thứ nhất thấy nên như vậy, lần thứ hai thấy mất công một cách dị thường, lần thứ ba thấy muốn phát điên muốn xé toạc hết các thứ đi và lần n, thấy không muốn nhấc chân đi đâu nữa.

Liên tiếp những ngày này là câu thơ vọng lên trong tâm “Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài?” Rất kỳ cục. Lười biếng sống mà vẫn thơ. Nhớ khóm hoa nhài hồi anh ấy trồng ở Hà Nội, sân tưng bừng nắng, lá xanh và hoa trắng quanh năm. Hoa sẵn cho trà, mỗi ngày, hoa thoảng đêm, mỗi đêm. Tận hưởng và không hề xao xác, bởi lứa đôi đang ríu rít. Bỗng dưng hoa nhài ngày ấy thoảng về, ở đây không đủ nắng để trồng một khóm nhài. Chỉ mỗi câu thơ ấy về với góa phụ trong cảnh sau 120 ngày bó gối.

Vì sao lúc này câu thơ này mới hiện ra? Người ta đã sống chậm quá đủ, rồi thì tới hạn. Chắc chắn ai cũng cảm được thời gian chết, đúng ra là thời gian đã chết chừng ấy ngày. Có không cảnh bung ra, túa ra, tưng bừng như cũ? Để sống lại một trạng thái chết không dễ đâu. Không dễ.

Hy vọng mọi người sẽ không lười biếng sống như tôi - một góa phụ ngấm đòn, như một đóa nhài cô quạnh đang tự hỏi thơm cho ai nữa, hỡi nhài?