Khởi đầu việc viết, khi đang viết, viết xong, người viết thường đắn đo chọn cho mình một cái tên ghi vào dưới tác phẩm. Nhiều người lấy thẳng tên khai sinh. Còn với người tên nghe nôm na không ấn tượng thì phải cố tìm lấy cái tên thật oách chọn làm bút danh để bước vào trường văn trận bút.
MUÔN NẺO BÚT DANH NHÀ VĂN
MỘC UYỂN
Bút danh nặng lòng với quê hương
Việc đặt bút danh theo tên quê hương có thể kể đến nhà thơ Tản Đà (tên thật Nguyễn Khắc Hiếu). Quê quán ông thuộc làng Khê Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội, nơi đây gần núi Tản Viên, có con sông Đà chảy qua.
Cái tên Tản Đà bắt nguồn từ dáng núi, hình sông đó. Chẳng thế mà khi có người hỏi bút danh ông do đâu, ông thường ngâm câu thơ: “Nước dợn sông Đà con cá nhảy / Mây trùm non Tản cái diều bay” thay cho câu trả lời.
Bút danh cha đẻ Dế mèn phiêu lưu ký cũng được hình thành theo cách trên. Tô Hoài, quê làng Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nơi đây xưa thuộc phủ Hoài (phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông), có con sông Tô Lịch xanh mát chảy qua. Cái tên Tô Hoài do ghép tên sông tên phủ lại mà thành.
Dù ông ký rất nhiều bút danh khác nhau như Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Hồng Hoa, ít độc giả nhớ đến những tên này. Tên thật Nguyễn Sen của ông cũng chỉ xuất hiện trong tiểu sử nhà văn. Nhắc đến tác phẩm cụ thể như Truyện Tây Bắc, Đảo hoang, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Chuyện cũ Hà Nội… là phải nói ngay đến hai chữ Tô Hoài.
Nhà văn Uông Triều (tên thật Nguyễn Xuân Ban) tác giả của nhiều tiểu thuyết, khảo cứu được bạn đọc yêu thích gần đây như Tưởng tượng và dấu vết, Người mê, Cô độc, Hà Nội dấu xưa phố cũ, Hà Nội quán xá phố phường… cũng chọn tên vùng đất làm bút danh của mình. Cụ thể, đây là hai địa danh ở tỉnh Quảng Ninh: Uông tức Uông Bí, nơi sinh ra; Triều là Đông Triều, nơi anh có hơn mười năm dạy học, gắn bó trước khi chuyển về Hà Nội.
Riêng nhà thơ Thu Bồn (tên thật Hà Đức Trọng), tác giả của nhiều trường ca nổi tiếng như Bài ca chim Chơrao, Bazan khát, Người vắt sữa bầu trời, Thông điệp mùa xuân… lại lấy tên con sông Thu Bồn, chảy ngang quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm bút danh ngay tắp lự, không cần qua công đoạn “chế biến, lắp ghép”.
Bút danh mang dấu ấn người thân
Nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng (tên thật Trương Gia Triều), trong mỗi giai đoạn lịch sử và với thể loại khác nhau, lại có bút danh khác nhau.
Khi viết báo chính luận ông ký Trần Quang, tên con trai. Khi làm thơ, ông đề Hưởng Triều, ghép giữa tên vợ và tên thật. Bút danh này xuất hiện trong tập thơ Bài ca khởi nghĩa (1970) với những vần thơ sục sôi khí thế cách mạng. Còn bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý gắn với tiểu thuyết Ván bài lật ngửa, là tên đứa cháu ngoại mà nhà văn yêu quý.
Nhà văn Ma Văn Kháng (tên khai sinh Đinh Trọng Đoàn) lại lấy họ và tên lót người anh kết nghĩa Ma Văn Nho, quê Ấm Thượng, Yên Bái làm bút danh của mình.
Từ đầu những năm 1948, khi tham gia đoàn truyền bá vệ sinh của Cục Quân y, ông lấy bí danh Nguyễn Kháng. Kháng ở đây đơn giản là kháng chiến chống Pháp. Đến quãng năm 1955-1956, khi đi làm công tác thuế nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc, ông gặp Ma Văn Nho, Phó chủ tịch kiêm Phó bí thư huyện ủy Bảo Thắng. Hai người nhanh chóng kết thân.
Trong một lần ông Kháng sốt rét, tái phát nguy kịch, Ma Văn Nho trèo đèo lội suối tìm y tá tiêm cho mới khỏi. Dứt bệnh, hai người kết nghĩa anh em, Nguyễn Kháng đổi thành Ma Văn Kháng. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng nhiều lần lâm vào tình cảnh dở khóc cười khi người họ Ma thật muốn đưa ông vào gia phả dòng họ. Mỗi lần như thế, ông đều cố gắng từ chối, giải thích nguồn gốc bút danh của mình.
Nhà lý luận phê bình văn học, giáo sư Phương Lựu (tên thật Bùi Văn Ba), lại lấy tên hai bà mẹ làm tên bút danh. Chữ Phương ở đây là tên bà nhạc mẫu, còn Lựu là bà thân mẫu. Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, phần tự bạch, giáo sư viết: “Bút danh Phương Lựu chẳng qua là ghép hai tên bà mẹ (thân mẫu và nhạc mẫu) nhưng ngẫu nhiên cũng gợi lên trong đó cả sắc màu lẫn hương vị, mà tôi muốn lưu giữ lại trên từng trang viết, cũng như trong từng năm tháng của cuộc đời”.
Màu sắc hương vị ở đây là việc chiết tự theo chữ Hán, phương nghĩa là thơm. Ví dụ, phương thảo nghĩ là cỏ thơm, phương chi nghĩa là cành hoa thơm; còn lựu là loài hoa lựu đỏ. Tên Phương Lựu có cả màu sắc lẫn hương vị ẩn ở bên trong.
Những bút danh ngẫu nhiên mà bất ngờ
Nhà văn của những truyện ngắn và tiểu thuyết dữ dội về thân phận người phụ nữ như: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà, Đàn bà xấu thì không có quà, Xuân từ chiều, Trò chơi hủy diệt cảm xúc… là Y Ban (tên thật Phạm Thị Xuân Ban).
Bút danh "Y Ban" tức là "Ban dạy trường Y". Nhà văn viết những tác phẩm đầu tay của mình lúc đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Y tế Nam Định, môn Sinh hóa, nên bà lấy bút danh này.
Còn nhà thơ Chế Lan Viên (tên thật Phan Ngọc Hoan) hoàn thành tập thơ Điêu tàn năm 17 tuổi. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm kể lại rằng sách in xong phần ruột, nhà sách cho người đến hỏi nhà thơ nghĩ được bút danh chưa để in nốt bìa. Nhà thơ ngẫu hứng trả lời: Chế Lan Viên. Thế là tên Chế Lan Viên đi cùng Điêu tàn bước vào lịch sử thơ hiện đại từ đấy.
Riêng nhà văn Kim Lân (tên thật Nguyễn Văn Tài), chỉ vì mê vai tuồng Đổng Kim Lân mà lấy bút danh Kim Lân cho mình. Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu là chàng trai nghĩa hiệp, xả thân chiến đấu cho công lý, lại là người giàu tình nghĩa. Mẫu nhân vật này có nét giống với tính cách nhà văn, cũng như nhiều nhân vật trong truyện ngắn của ông là Ông Cản Ngũ, Anh chàng hiệp sĩ gỗ, Người kép già, Vợ nhặt, Cầu đánh vật…
Hầu hết bút danh đều có nguồn gốc, nói lên đôi điều về người mang tên ấy. Hiểu được xuất xứ bút danh có thể biết về cá tính, sở thích nhà văn. Từ hiểu nhà văn, độc giả có thể đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn với thế giới tác phẩm mà nhà văn đã sáng tạo ra.
Nguồn: Zing