Nhà văn Sương Nguyệt Minh trong những ngày giãn cách xã hội đã thể hiện sự đồng hành cùng cộng đồng với cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”. Không phải tác phẩm hư cấu, nhà văn Sương Nguyệt Minh dùng thể loại tản văn và tiểu luận để đối diện và lý giải đại dịch toàn cầu

 

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh là một đại tá quân đội. Ở tuổi 63, nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng được xếp vào dạng đối tượng yếu thế trong đại dịch toàn cầu, nhưng ông đã chứng minh điều ngược lại, bằng cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua” dày gần 300 trang, do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ về thái độ nhập cuộc với đề tài thời sự nóng bỏng: “Gần hai năm đại dịch, các thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch, nhà văn ở phía sau, cày trên cánh đồng chữ nghĩa. Không viết thì còn làm được gì? Nhà văn ở nhà “tác chiến” theo kiểu của nhà văn. Đồng cảm, chia sẻ mất mát của đồng bào, góp thêm tiếng nói để động viên đội ngũ tuyến đầu, trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” này, thấy cái gì cần góp ý thì góp ý chân thành bằng tinh thần xây dựng, chứ không làm rối ren lên. Đó là trách nhiệm công dân, tình cảm con người.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình. Sau giai đoạn chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, ông về công tác ở Viện Quân y 103 và bắt đầu cầm bút. So với đồng nghiệp cùng trang lứa thì nhà văn Sương Nguyệt Minh bước vào văn đàn khá muộn màng, nhưng cũng đạt được không ít thành tựu. Ngoài hai tác phẩm đoạt giải thưởng là tập truyện ngắn “Dị hương” và tiểu thuyết “Miền hoang”, nhà văn Sương Nguyệt Minh còn được công chúng biết đến với tác phẩm “Người ở bến sông Châu” chuyển thể thành bộ phim “Người về”.

Với cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen, nếp sống con người, thậm chí thay đổi cả tư duy, nhận thức. “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, “Thức khuya mới biết đêm dài”, có lẽ thay đổi nhiều nhất phải là những người sống ở các khu cách ly xã hội tập trung. Bị cách ly xã hội là điều không may mắn, là khó khăn bất chợt, nhưng thời gian cách ly lại là những ngày giờ sống chậm lại, là cơ hội nghĩ ngợi về những chuyện, những điều mà ngày thường không kịp nghĩ, không muốn nghĩ. Với những người đang làm việc bận rộn, cách ly xã hội giống như “tái ông mất ngựa” mất thời gian, mất tiền bạc, nhưng lòng mình lắng lại, biết nghe ngóng, biết quan sát, nghĩ ngợi đến những người xung quanh mình hơn.

Covid-19 tác động lên mọi mặt đời sống. Giới cầm bút cũng đã có nhiều người bị lây nhiễm và không thoát khỏi đoạn kết chua chát. Thấu hiểu điều ấy, nhà văn Sương Nguyệt Minh bênh vực những mảnh đời phải rời đô thị để tránh dịch: “Có một làn sóng tản cư thời dịch dã Covid-19, có người nói một cách nặng nề là “chạy nạn”, là “di tản”? Tôi cho rằng đó là cuộc về quê khi nơi đang sống tạm thời bất an, khi nơi chốn bất ngờ làm ăn khó khăn, đến lúc yên hàn thì lại tạm biệt quê hương trở lại nơi mình vừa ra đi. Làn sóng tản cư mạnh mẽ nhất là chục hàng vạn người từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung, thậm chí về cả miền Bắc nữa. Cái làn sóng tản cư ấy còn từ các tỉnh thành có dịch dã Covid về quê là các tỉnh còn tương đối yên lành.



Với tình cảm của một nhà văn, Sương Nguyệt Minh miêu tả cuộc tản cư thời Covid-19 khá đậm nét: “Có trăm ngả đường về quê, kẻ đi xe máy, người xe đạp, thậm chí là đi bộ. Cuộc hành hương dường như quá mệt mỏi, nhưng phía trước là quê hương vẫy gọi, đằng sau là dịch giã bời bời và đói nghèo, chẳng có cách nào khác là... dấn bước. Bị chốt chặn trước cửa hầm đèo Hải Vân để khai báo y tế, kiểm soát dịch, và trung chuyển, thì hàng vạn người và xe ô tô, xe máy ngược dốc vượt đèo. Qua đèo Ngang, từ cửa ải Hoành Sơn nhìn xuống. Chẳng còn đâu cảnh “lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà”, và cũng còn đâu “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Chỉ thấy người và xe chen chúc, dưới cái nóng nung người. Mệt mỏi. Nhếch nhác. Vội vã. Khi đường về quê vẫn xa vời”.

Bây giờ, dù đã nghỉ hưu ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nhà văn Sương Nguyệt Minh vẫn dành nhiều thao thức để viết tạp bút và tiểu luận. Ông quan niệm về thiên chức của mình: “Hư cấu gì cũng phải dựa trên hiện thực, nương tựa vào hiện thực mà sáng tạo ra hiện thực khác mang tính nghệ thuật. Nhà văn có thể trải qua, trải nghiệm hiện thực ấy, hoặc không trải qua nhưng có thể trải nghiệm gián tiếp bằng tài liệu, tiếp xúc nhân vật, vẫn có thể sáng tác hay về một sự kiện, vấn đề nào đó mình quan tâm.

Tôi cũng chịu khó lưu giữ tài liệu về đại dịch này, nghe nhiều câu chuyện có thật về kiếp người nhỏ bé, số phận mong manh... Viết được, và viết hay còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, chứ không chỉ thích viết và muốn viết.

Khép lại cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”, nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ sự lạc quan và hy vọng: “Không ai bị bỏ lại phía sau, nếu có ai bị bỏ lại chẳng qua là “mưa không khắp”, và “lực bất tòng tâm”, chưa nhìn thấy, chưa lo kịp. Nhìn Chính phủ và nhân dân, đặc biệt là các thầy thuốc căng mình chống dịch, nhìn đồng bào mình cưu mang người sa cơ lỡ vận, chúng ta có niềm tin và hy vọng vào thiện lương tử tế của con người, hy vọng một ngày không xa đại dịch thế kỷ Covid-19 sẽ đi qua.

                                                  PHẠM TUẤN