Nữ sĩ Giáng Vân khai mạc triển lãm cá nhân ‘Vân - 2021’ vào lúc 17h30 ngày 23/10 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, với mong muốn chứng minh bản thân không còn là kẻ nghiệp dư trong hội họa.
Nữ sĩ Giáng Vân là con gái của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (1929-1993) nên chị trở thành nhà thơ nổi tiếng cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nữ sĩ Giáng Vân được đông đảo công chúng biết đến qua hai bài thơ được Phú Quang phổ nhạc, ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu” từ bài thơ “Yên tĩnh” và ca khúc “Trong giấc mơ xưa” từ bài thơ “Mơ xưa”.
Nữ sĩ Giáng Vân trước đây từng đứng ra tổ chức triển lãm cho nhiều họa sĩ, và sự dan díu với mỹ thuật ấy khiến chị cầm cọ chăng? Nữ sĩ Giáng Vân thổ lộ, chị bắt đầu thử vẽ khi cho mượn nhà mình để bạn bè làm lớp dạy vẽ. Nữ sĩ Giáng Vân cũng theo học và phát hiện ra niềm đam mê màu sắc từ tháng 2/2017, và chị vẽ bằng niềm riêng: “Thoạt đầu, chỉ là do yêu thích. Sau khi vẽ, phát hiện ra một vỉa khác của con người mình, một khả năng chưa từng được khai quật. Bây giờ thì nó cứ tràn ra thôi. Như cách biểu đạt về cái đẹp bằng một ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ này cũng vô cùng hấp dẫn và có ma lực, y như thi ca vậy”.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ sĩ Giáng Vân diễn ra vào tháng 9/ 2017. Sang tháng 10/2018, chị triển lãm cá nhân lần thứ hai. Và bây giờ, nữ sĩ Giáng Vân tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ ba có tên gọi “Vân -2021”, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Từ xưởng vẽ là ngôi nhà gỗ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh trong làng Tứ Tiên, nữ sĩ sáng tác được 45 bức tranh để có triển lãm “Vân -2021”. Một nửa số tranh được vẽ trên toan bằng acrylic và sơn dầu, còn một nửa số tranh được vẽ với chất liệu mực tàu và acrylic trên giấy dó.
Giáng Vân vẽ phố
Vì sao có tên gọi ngắn gọn “Vân -2021” với một tác giả từng viết những câu thơ xao xuyến “em ru gì lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian”? Nữ sĩ Giáng Vân chia sẻ: “Tôi cũng muốn thông qua cái tựa đề đơn giản này để nói rằng hội họa này là Giáng Vân của năm 2021, là kết quả của cái hành trình Giáng Vân đã đi tới đó. Triển lãm này để trình ra một cái tôi của thời điểm này. Là cái tôi đã đi qua rất nhiều thứ để đến đây như vậy. Cụ thể hơn cũng có thể hiểu rằng, đây là dấu mốc mà tôi không muốn coi mình là một kẻ nghiệp dư trong hội họa nữa”.
Nữ sĩ Giáng Vân từng xuất bản các tập thơ “Năm tháng lãng quên”, “Sau những ngày buồn”, “Đường gió”… Sau khi nghỉ hưu với tư cách nhà báo, nữ sĩ Giáng Vân chuyển sang cầm cọ cũng là điều gây bất ngờ thú vị với người hâm mộ.
Nữ sĩ Giáng Vân của một thời đắm đuối thi ca “Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc/ Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng” và nữ sĩ Giáng Vân của triển lãm “Vân -2021” có gì khác nhau không? Chị bộc bạch: “Ngồi trước trang giấy hay ngồi trước tấm toan bắt đầu cho một tác phẩm mới tôi thấy đều khó như nhau. Cái sự bắt đầu là khó nhất. Nhưng vượt qua được nó thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Khi đó dường như mình bị dẫn dắt đi”.
TUY HÒA