Nhà văn- dịch giả Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đặt câu hỏi: “Để khích lệ nhà văn tự do sáng tác với ý thức công dân của mình, nên chăng cần lưu tâm tới chủ trương “bảo vệ những người năng động, dám nghĩ, dám không đi theo “lối mòn”?
Cần khuyến khích và bảo vệ cả những nhà
văn “dám viết”
PHAN HỒNG
GIANG
Tháng 9/2021 vừa qua, Bộ Chính trị đã
ban hành Kết luận số 14KL/TW về “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo,
dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Đây là vấn đề đã được đề cập
nhiều lần trong văn bản chính thức của Đảng ta.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
họp đầu năm 2021 cũng đã đề cao những cán bộ “6 dám” là: “Dám nghĩ, dám làm,
dám chịu trách nhiệm, dám nói thật, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với
khó khăn thử thách”. Tháng 8-2021, trong Quy định số 22 QĐ/TW về công tác kiểm
tra, giám sát của Đảng cũng nêu rõ cần
phải chú trọng bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm. Điều cần nhấn mạnh
là dám nghĩ, dám làm ở đây là
phải “vì lợi ích chung”. Mà để biết cán bộ khi đề xuất chủ trương, chính sách mới
không phải “vì lợi ích riêng”, “vì lợi ích nhóm”, nhằm phục vụ các “sân sau” của
mình, thì cần có quy định công khai, minh bạch mọi việc làm của lãnh đạo liên
quan đến dân, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Đại thi hào Gothe đã từng có câu danh
ngôn: “Lý thuyết thì mầu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”! “Lý thuyết” ở
đây có thể coi là các ý tưởng, quan niệm, những quy định đang tồn tại, còn “cây
đời” chính là thực tiễn luôn vận động, luôn biến đổi. Nhìn vào thực tế, ta
không khó nhận ra tình trạng nhiều cán bộ các cấp các ngành thường giữ thái độ
trông chờ ỷ lại vào cấp trên, vào tập thể, không dám có ý kiến riêng, không dám
chịu trách nhiệm, không dám quyết đoán dù tình hình đang khó khăn đòi hỏi phải
sớm có biện pháp giải quyết. Tệ hơn nữa, một số những người này luôn nhăm nhe,
soi mói những ai dám đưa ra ý tưởng mới, dám đương đầu với khó khăn thách thức…
để quy chụp đồng chí mình là muốn “chơi trội”, “sai quan điểm, sai đường lối”(!)
Theo đó, các thói quen xấu như làm việc theo “tư duy nhiệm kỳ”, an phận thủ thường…
và làm ít thì ít va chạm, không làm thì không sai... là những hiện tượng khá phổ
biến. Chính là vì để khắc phục tình trạng nguy hại như trên mà Đảng đã liên tiếp
có những văn bản nhắc nhở chú trọng lưu tâm vấn đề này.
Nhìn lại quá khứ không xa, chúng ta thấy
mỗi bước đi lên dù lớn hay nhỏ của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với hành xử
quyết đoán, sáng tạo của cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược.
Xin nêu vài ví dụ: Sự thay đổi to lớn trong nông nghiệp nước ta, biến nước ta từ
nhiều năm thiếu ăn thành nước dư thừa lúa gạo, thành nước xuất khẩu gạo thứ hai
thế giới… đã bắt đầu từ chủ trương “khoán hộ sản phẩm” hay “Cái tiến công
tác quản lý lao động hợp tác xã” (1966) mà cố Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc là
Kim Ngọc đã “phá rào” đề xuất và chỉ đạo thực hiện thành công trên mảnh đất quê
hương ông. Mọi cái mới tiến bộ xuất hiện đều dễ gặp lực cản quyết liệt, ít khi
được đa số ủng hộ ngay từ đầu… Kim Ngọc đã bị cấp lãnh đạo cao nhất buộc phải tự
kiểm điểm, vì đã “làm sai đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Và phải chờ 22
năm sau, năm 1988, Bộ Chính trị mới ban hành NQ10 chính thức thừa nhận “khoán
10”, tức “khoán hộ gia đình” trong sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian dài
nông dân nhiều tỉnh phải thực hiện “khoán chui” (!).
Công cuộc Đổi mới ngoạn mục ở nước ta diễn
ra mấy chục năm qua khởi nguồn từ những bước đi ban đầu. Sau “khoán hộ” của
Anh hùng Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), có thể kể tên Anh hùng “buôn gạo” Nguyễn Thị Ráo
(bà Ba Thi ) đầu những năm 1980, được sự bảo trợ của Bí thư Thành ủy TP.HCM - Võ
Văn Kiệt, đã xoá bỏ bao cấp về gao, cứu cho 4 triệu dân Tp. Hồ Chí Minh
thời đó khỏi đói… Bí thư Tỉnh uỷ Long An - Nguyễn Văn Chính (Chín Cần)
đầu thập niên 1980, đã “phá rào” mạnh bạo thực hiện “bù giá vào lương” xoá bỏ
tem phiếu. Rồi “Sự kiện Đà Lạt” tháng 7/1983, khi các ông Trường Chinh, Phạm
Văn Đồng, Võ Chí Công trực tiếp nghe lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh báo cáo về những
đổi mới bước đầu thành công của thành phố, và “chuyến đi thực tế” TP. Hồ Chí
Minh sau đó của ông Trường Chinh đã đem tới cái nhìn mới cho vị lãnh đạo có uy
tín rất cao trong Đảng.
Ngày 10-7-1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ
trần. Ngày 14-7-1986 ông Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư kế nhiệm. Trong
hàng ngũ lãnh đạo cao cấp lúc ấy có lẽ chỉ có ông, với uy tín to lớn của mình,
mới có đủ thẩm quyền đặt ra yêu cầu viết lại các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội
Đảng lần thứ VI sắp họp, với các quan điểm mới cơ bản. Từ một người vốn mang tiếng
là “giáo điều, bảo thủ” (ông từng là người phê phán gay gắt nhất chủ trương
“khoán hộ” của ông Kim Ngọc), nhờ đặt lợi ích chung lên trên hết, nhờ bám sát
thực tiễn đời sống sinh động, ông đã trở thành người giương cao ngọn cờ Đổi mới,
đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng tồi tệ.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể được coi
là một nhà lãnh đạo dám nghĩ dám làm. Ông không ưa lý thuyết suông có vẻ cao
siêu, mà luôn xuất phát từ thực tế đời sống. Có thể nhiều ý kiến của ông đi trước
bối cảnh nước ta, ban đầu không dễ được đa số thừa nhận ngay. Nhưng đó là những
kiến giải có “hạt nhân hợp lý”. Ông từng viết về tinh thần hòa giải và hòa hợp
dân tộc, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975-2005): “Một
sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại có hàng triệu người vui thì
cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ
lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặc biệt tôn trọng
sự khác biệt, ông nói: “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là chuyện bình
thường; điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách
sòng phẳng”… Những ý kiến vừa nêu của ông đầy tính chất khác lạ, cho đến hôm
nay không phải đã được mọi người đồng lòng chấp nhận, nhưng chắc chắn đó là những
kiến giải đáng được tôn trọng và suy ngẫm thấu đáo.
Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cấp
thiết phải đẩy mạnh toàn diện, quyết liệt công cuộc Đổi mới còn dở dang. Đặc biệt
thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra tổn thất to lớn về nhân mạng, tác động
rất xấu tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Hơn lúc nào hết, để
sớm vượt qua những khó khăn mất mát chồng chất ấy, cần có những con người dám
nghĩ, dám năng động đề ra những quyết sách mới mẻ có tính đột phá. Hơn lúc nào
hết, những con người quý giá này cần được khích lệ và bảo vệ!
*
Lao động sáng tạo văn học - nghệ thuật
cũng là một hình thái hoạt động xã hội. Bởi vậy, trong văn học - nghệ thuật nói
chung và văn học nói riêng, cũng không hiếm gặp những cây bút dám nghĩ, dám viết
ra những tác phẩm khác lạ với giọng văn quen thuộc chung quanh. Xuất phát từ
cái tâm trung thực, họ không sa vào lối mòn, mạnh bạo tỏ bày ý tưởng mới, thể
hiện bằng cách viết mới… dễ găm vào trí óc người đọc. Từ hơn nửa thế kỷ trước,
đó là những tên tuổi như: Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm...
Họ đều bị phê phán gay gắt, nhưng rồi
qua thời gian, theo sự phát triển của nhận thức xã hội, đặc biệt nhờ công cuộc
đổi mới toàn diện và sâu sắc mà Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, họ đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật như
một lời xin lỗi họ đã bị hàm oan.
Gần đây hơn là Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư,
Tạ Duy Anh… và một số tác giả khác có những tác phẩm được dư luận chú ý. Bảo
Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến
tranh là sự ngẫm ngợi không phải về niềm vui mà là về nỗi buồn của
người sống sót trở về, khi bao đồng đội đã nằm lại ở chiến trường... Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư từ
hơn chục năm trước đã chân thực vẽ nên bức tranh mầu xám của một miền quê Nam Bộ
mà giờ ai cũng thấy... Tạ Duy Anh, tác giả cuốn Mối
chúa, chắc cũng không ngờ những cái tham, cái ác, cái tàn bạo của mối chúa
mà ông miêu tả đã bị thực tế nhanh chóng vượt qua... Những tác phẩm mang đầy
tính dự báo trên đây, cho đến nay vẫn còn chịu cách đánh giá khắt khe mà theo
tôi, chúng không đáng phải nhận.
Tôi xin nói thêm một chút về trường hợp
thơ Phùng Quán. Năm 1956, Phùng Quán khi đó mới 25 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi
của Đảng, đã hăm hở viết bài thơ Chống
tham ô lãng phí. Chuyện tưởng xưa mà như mới viết hôm nay: Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu/ Đảng đã phê
bình trên báo/ Còn bao tên chưa ai biết, ai hay?/ Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp,
béo, gầy/ Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ!... Và Phùng Quán khẩn cầu: Trung ương Đảng ơi/ Lũ chuột mặt người chưa hết/
Đảng cần lập một đội quân trừ diệt/ Có tôi! Đi trong hàng ngũ tiên phong… Nói
về yêu cầu chân thật đối với người viết văn, Phùng Quán có bài thơ xuất sắc “Lời
mẹ dặn”: Con ơi, một người chân thật/
Thấy vui muốn cười cứ cười/ Thấy buồn muốn khóc là khóc/ Dù ai ngon ngọt nuông
chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọạ giết/ Cũng không nói
ghét thành yêu… Cả hai bài thơ trên đây của Phùng Quán đều bị phê
phán nặng nề, nào là “bôi đen chế độ”, nào là ám chỉ này nọ.... Và tác giả đã
phải chịu kỷ luật ngừng viết mấy chục năm (!)
Để khích lệ nhà văn tự do sáng tác với ý
thức công dân của mình, nên chăng cần lưu tâm tới chủ trương “bảo vệ những người
năng động, dám nghĩ, dám không đi theo “lối mòn”? Và cần luôn luôn thực thi
quan điểm rạch ròi ghi trong NQ 05 về văn học nghệ thuật của Bộ Chính trị ban
hành tháng 11/1987: “Tự do sáng tác cần đi đôi với tự do phê bình”!
Nguồn:
Văn Nghệ