Nhà bác Tư đơn sơ nằm giữa một vườn dừa mát rượi, có lạch nước chảy quanh. Từ lâu, bác Tư rời bỏ Sài Thành ồn ã cùng những hào quang của nó, về mảnh vườn quê, sống ẩn dật, thanh đạm.


BÓNG VƯỜN XANH THẮM

NGUYỄN BẢO CHÂN

Hai mươi năm trước, thời mới về VTV được ít lâu, tôi làm phim tài liệu chân dung nhà thơ Chim Trắng nên có dịp vào Bến Tre quê ông. Ông coi tôi như cô cháu nhỏ. Tôi gọi ông là chú Ba. Chú Ba thường ăn mặc trẻ trung sành điệu, quần khaki, áo kẻ caro, mũ nồi, đeo kính đen, tẩu thuốc vắt vẻo trên môi, lái ô tô ngang dọc Sài Gòn – Bình Dương – Bến Tre. Một chốn ba nơi, chú Ba đi đi về về. Ông làm việc ở Sài Gòn, nhà ở Bình Dương, gốc Bến Tre nơi cha sinh mẹ đẻ.

Đó là lần đầu tiên tôi đến miền Tây Nam Bộ. Ngày ấy chưa có cầu, chúng tôi phải đi phà Rạch Miễu vượt sông Tiền sang xứ dừa. Đoàn làm phim xuất phát từ Sài Gòn rất sớm, có bốn người: chú Ba – nhân vật chính kiêm lái xe, cô Nhi (nhà thơ Ý Nhi) – bạn thân của chú Ba – kiêm nhân vật phụ, quay phim trẻ Phạm Trung Thành và tôi (kiêm nhiều vai). Vừa cầm lái, chú Ba vừa thủng thẳng kể đủ chuyện miền Tây.

Chú bảo: “Lần này tui sẽ chiêu đãi hai đứa và chị Nhi những món miền Tây đặc biệt nha! Thành uống được không, mậy?”. Thành mới ngoài hai mươi, vẫn “bẽn lẽn”, tủm tỉm: “Dạ cháu cũng uống, gọi là ạ!”. Chú Ba liếc qua gương hậu, nheo mắt cười cười, hỏi tôi: “Bảo Chân thì sao?”. Tôi lắc đầu quầy quậy: “Dạ, không ạ, cháu chỉ ăn dỗ mồi thôi, chú!”. Cô Nhi “mách”: “Anh Ba chỉ Bảo Chân biết thế nào là ẩm thực miền Tây, mai mốt về nó nấu như người miền Tây cho coi. Nó học mót nhanh lắm đó!”. Mọi người nói chuyện, cười vui rổn rảng cả chặng đường, vèo cái tới bến phà.

Nhà thơ Chim Trắng và tác giả.


Khoảng tám giờ sáng đã rất đông người nên chúng tôi phải đợi khá lâu mới đến lượt. Chiếc phà kềnh càng, lừ đừ, ành ạch rẽ sóng đi vòng qua cồn Phụng, rồi cồn Thới Sơn. Tiền Giang mênh mang khiến phà lớn còn trở nên bé nhỏ nữa là tôi, cô gái Bắc Kỳ tóc ngắn lọt thỏm giữa dòng người và xe cộ đậu san sát. Tôi len ra mũi phà, mê mải ngắm trời mây sông nước, háo hức thấy dải đất mờ xa mỗi lúc một gần. Thành xách máy quay lên boong, tranh thủ ghi lại cảnh đẹp. Còn tôi, tâm trí mải miết lang thang trên những con sóng thắc thỏm, mắt in bóng xanh ngút ngàn cồn bãi xoải mình âu yếm dòng sông. Sông nâng niu, vỗ về, tưới phù sa, cho cây trái xanh ngời ngợi, nồng nàn đằm nắng gió.

Gần trưa, chúng tôi đặt chân lên đất huyện Châu Thành, rồi thẳng tiến vào thị xã. Chú Ba như tổng chỉ huy, phát lệnh: “Ổn định ăn ở đã, chiều muốn quay chi thì quay nghe, hai đứa!”. Hai chị em “dạ” ran. Chúng tôi ở tại nhà khách Hùng Vương, hướng ra sông Bến Tre lồng lộng soi trời. Bữa trưa dưới phòng ăn rộng thênh, có những món đặc trưng ẩm thực miền Tây: cá kèo nướng mọi, canh gà lá giang, bông điên điển xào tỏi, cá rô kho tộ. Đồ ăn miền tây dân giã, tươi lành, ăn đến đâu mát ruột đến đó.

Nhà thơ Ý Nhi và tác giả


Theo lịch, ngay buổi chiều chúng tôi có cảnh quay ở chỗ bác Tư Sâm, tức nhà văn Trang Thế Hy, người bạn già thân thiết của chú Ba và cô Nhi, một cây truyện ngắn Nam Bộ đặc biệt – người lặng lẽ nhất trong những người lặng lẽ mà tôi từng biết. Bác Tư hết sức kiệm lời, nhưng đã nói câu nào, thâm thuý, sâu sắc câu ấy. Nhà bác Tư đơn sơ nằm giữa một vườn dừa mát rượi, có lạch nước chảy quanh. Từ lâu, bác Tư rời bỏ Sài Thành ồn ã cùng những hào quang của nó, về mảnh vườn quê, sống ẩn dật, thanh đạm. Trước đó, bác Tư bảo cô Nhi: “Tôi đi chơi chỗ khác đây cô!”. Năm ấy, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa in tuyển tập “Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác” của nhà văn Trang Thế Hy. Tập sách do chú Ba tập hợp bản thảo, lo tiền; Cô Nhi làm giấy tờ thủ tục, chăm sóc khâu in ấn, vì lúc đó cô Nhi đang công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chi nhánh phía Nam. Tôi may mắn được bác Tư ký tặng một cuốn. Bác Tư nói, nhờ có hai người bạn hiền của bác mà độc giả miền Bắc mới đọc Trang Thế Hy. Đúng là nếu không nhờ chú Ba, cô Nhi, tôi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội chạm tới ánh sáng lấp lánh từ những trang văn buồn mà đẹp về đất và người Nam Bộ, về chính cuộc đời nhà văn, như cô Nhi viết trong một bài thơ tặng bác Tư: “những nỗi khổ/ những cay đắng/ những vật vã tủi hờn/ những đợi chờ vô vọng/ chín mươi năm dài lắm…”.

Quay phim xong, bác Tư mời cả đoàn ở lại ăn cơm. Chiếc bàn hình bầu dục, mặt đá màu xanh dương kê ngay ngoài sân, dưới bóng vườn, vừa để tiếp khách, vừa làm bàn ăn. Ngay cạnh đó còn có bộ bàn ghế đá granito màu xám, nơi bác Tư và chú Ba hay ngồi đối ẩm, hút thuốc, trò chuyện. Bữa cơm chiều đơn sơ mà ấm cúng được bác gái dọn lên, có gỏi xoài khô cá lóc, tép rang dừa, canh chua cá kèo. Bác Tư chắt chai rượu ổi “thương hiệu Tư Sâm” ra mời khách quý.

 Đó là rượu đế, ông tự tay ngâm ổi chín vườn nhà, hương vị rất đặc biệt, nhậu gỏi xoài khô cá lóc, êm ru. Với tôi, gỏi xoài khô cá lóc và tép rang dừa thật lạ miệng. Bác Tư bảo, phải chọn cá lóc đồng còn quẫy, nhỏ hoặc vừa thôi, đừng ham con to, rờ vào mình nó thấy chắc tay, mới có thể ra khô cá ngon được. Cá làm sạch, rửa kĩ, xẻ dọc sống lưng, tách bỏ xương dăm, uớp rượu trắng để khử tanh, hết nhớt. Xong thấm cá thật khô, xoa đều mắm, đường, bột ớt, gừng giã nhuyễn, sả bằm, bột tỏi, bột nghệ lên mình cá, đem phơi nắng ngay. Nắng to, chỉ phơi một ngày là được.

Khô cá lóc rán hay nướng ngon mộc mạc, nhưng muốn thưởng thức đủ cung bậc, phải trộn gỏi xoài. Vị xoài chua đưa đẩy vị khô cá đậm đà, khiến nó trở nên cuốn hút hơn hẳn. Lựa một trái xoài xanh, một chút mắm nhĩ cùng tỏi ớt bằm, nước cốt me chín, rau răm và một con khô cá lóc là được món nhậu ngon quá trời quá đất. Khô cá rán hoặc nướng thơm lừng, xé theo thớ cá thành những miếng nhỏ; xoài thái sợi; pha mắm, đường, tỏi ớt bằm cho sốt sánh đượm, ngọt nhiều hơn mặn; rau răm cắt khúc hoặc để nguyên lá. Trộn đều ngần ấy thứ là xong.

Ai thích có thể vắt vào vài giọt nước trái tắc (quả quất), rắc chút đậu phộng rang hay hành phi thơm. Nước cốt me chín hoà với mắm đường, tỏi ớt, chấm thêm. Gắp một gắp gỏi, chạm nhẹ vào mắm me, đưa lên miệng, vị chua dịu ùa đến đầu tiên, rồi ngọt, mặn, cay dội về xao xuyến. Ta như được thả mình cùng hồn sắc đất trời Nam bộ, như được ngân theo câu vọng cổ từ thấp đến cao, vươn ra tít tắp chân trời.

Gỏi xoài ở miền Tây đâu cũng có, nhưng một trong những món riêng của Bến Tre là tép rang dừa, ăn với cơm gạo mới. Cỡ thanh niên như mấy bạn quay phim của tôi, đi quay về đánh liền vài bát mới đã. Gọi là tép, lại to như tôm ngoài Bắc. Chờ con nước lên sẽ lựa được tép bạc vỏ mềm. Chọn mua mớ tép còn tươi tanh tách, làm sạch, ướp đường, tiêu, hành tím bằm nhỏ; Một quả dừa khô rám vỏ, xay cùi lọc lấy nước cốt, nêm chút muối, đường, đun sôi bùng mới thả tép vào, đảo đều tay. Tép chín dần chuyển sang màu đỏ thì hạ lửa liu riu, rim cho con tép ngấm nước dừa, thịt chắc lại. Nước dừa cạn, tạo thành màng mỏng bao lấy tép, dầu dừa ứa ra óng ánh. Con tép đỏ au, dai, chắc, ngấm gia vị và nước dừa bùi ngậy. Món này có thể biến tấu ăn cùng xôi trắng hoặc cháo trắng, cũng bện hơi quyến luyến khó rời.

Nhà văn Trang Thế Hy và tác giả.


Sau lần làm phim năm ấy, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn, nếu chú Ba không bận, tôi lại xin chú đưa về thăm bác Tư, để được ngồi dưới bóng vườn, hóng chuyện của bác Tư với chú Ba, thưởng thức hương vị miền Tây dần trở nên thân thuộc. Nhờ chú Ba "vận động" mãi, năm 2004, bác Tư Sâm mới đồng ý cho tôi làm phim “Mưa ấm xứ dừa”, về nhà văn Trang Thế Hy. Quay phim là Trịnh Minh Tuấn cũng rất trẻ, mới ra trường, hăm hở cầm máy, chẳng quản ngại nắng mưa. Cảnh mở đầu: Bác Tư ngồi trầm ngâm bên ly cà phê, ngoài trời mưa sầm sập. Vườn dừa xôn xao dưới mưa. Bác Tư yên lặng. Những giọt mưa trong vắt rơi hối hả. Những giọt cà phê đen từ cái phin nhôm cũ kĩ chậm rãi nhỏ xuống tách thuỷ tinh… Hình ảnh tương phản, qua góc máy của Tuấn thật đẹp, quen mà lạ.

Chú Ba rời cõi, mùa thu năm 2011, nhẹ như cánh chim vút bay lên trời thẳm. Bác Tư Sâm mất sau đó vài năm, ở tuổi chín mươi. Bác và người bạn đời yên nghỉ giữa đất ấm vườn nhà. Cô Nhi kể, hồi cô xuống thăm trước khi bác Tư đi, trông bác mong manh, chỉ chực tan theo làn sương mỏng, đôi mắt vẫn ánh vui, rưng rưng dõi bạn. Tôi không thể quên dáng bác Tư cao gầy, xao xác một tàu dừa, xiêu xiêu ra đón tôi. Lần nào nhìn thấy tôi, bác Tư cũng đọc câu thơ của Hàn thi sĩ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Sao bấy nay tôi hay nhớ những ngày xa! Nhớ những người đã mãi ra đi, những người còn đâu đây mà ít gặp, những người vẫn kề bên nhưng có thể giờ đã khác; Tôi nhớ cả chính mình xưa, trẻ trung, nồng nhiệt yêu tin. Nhớ bác Tư, nhớ chú Ba, nhớ cô Nhi, những người tôi mến thương, kính trọng. Nhớ bóng vườn nhà bác Tư xanh thắm, nơi tôi được nghe, được thấm chuyện văn chuyện đời dăng mắc. Những món nợ nước mắt, nợ nụ cười, nợ ân tình dằng dặc, biết trả sao cho hết ở kiếp này!


Nguồn: Nhân Dân hằng tháng