Có ai không muốn học trò mình bay xa, bay cao hơn nữa? Đó mới đúng Lễ làm thầy đấy. Nhưng điều đó, ông lại đả phá, đòi loại bỏ. Quan niệm của ông làm méo mó toàn bộ cả “tiên Lễ, hậu Văn”, tán đồng thứ "văn hóa" của việc học trò cố học cho thành GS- TSKH rồi quay lại chê cô giáo tiểu học của mình dốt.


 DỊ ỨNG VĂN HÓA

NGUYỄN HỒNG LAM

 

Thập niên 1990, PGS.TS Trần Ngọc Thêm đã gây tiếng vang với Giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam" (Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh,1996) và sau đó là cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997). Nó cũng là những công trình quan trọng để đưa ông đến học hàm, học vị cao nhất: Giáo sư tiến sĩ khoa học.

Không bàn đến những tai tiếng trong một số nội dung, bị các ông Trần Mạnh Hảo và sau nữa là Nguyên Hưng Quốc chỉ ra, ngay thời điểm đó, tôi đã dị ứng với tác giả công trình về cách nhìn nhận, khái quát vấn đề. Trong cả hai ấn phẩm, ông Trần Ngọc Thêm đều nhất quán một định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.”

Tác giả nhồi tất mọi hình thức tồn tại và giá trị vào trong một rọ mang tên văn hóa. Về khoa học, ông không khu biệt rõ giữa văn minh là các yếu tố thiên về vật chất, văn hóa là các giá trị nghiêng về tinh thần và văn hiến là giá trị thể hiện bằng văn bản (gắn với chữ viết)… Ngay từ khái niệm, ông đã định nghĩa rất ôm đồm, nội hàm to lớn đến mức cái áo ngoại diên trở nên cũn cỡn, chắp vá.


Có hàng trăm định nghĩa “văn hóa” khác nhau, thậm chí rất khác. Sẽ rất vô nghĩa, nếu tôi hay bạn trích dẫn định nghĩa của một "thánh" nào đó và lấy nó làm cơ sở duy nhất đúng để bàn về văn hóa hay tiêu chuẩn, quy phạm về nó. Văn hóa thật sự là tôn trọng sư khác biệt. Khi bàn về những khái niệm bên trong văn hóa, mọi ý đồ tuyệt đối hóa đều là phản văn hóa.

Tôi dị ứng, nhưng thôi, kệ ông ấy. Muốn tránh dị ứng thì đừng tiếp xúc nữa. Tôi vẫn nghĩ nếu nghiêm túc tìm hiểu về văn hóa học thì không nên đọc sách hay nghe GS- TSKH Trần Ngọc Thêm nhận định.


Lần này, ông ấy lại tự mâu thuẫn chính mình, khi coi Lễ là yêu cầu một chiều, áp đặt. Nếu lục tìm trích dẫn, mất cả ngày cũng không hết định nghĩa về chữ Lễ. Nôm na, Lễ vừa là quy tắc, chuẩn mực trong văn hóa, vừa là thái độ ứng xử thể hiện sự phù hợp, đúng đắn, nghiêm cẩn của con người với con người và với vạn vật xung quanh. Lễ là điều người trên kẻ dưới đều phải có, phải giữ. Thầy giữ Lễ của thầy, trò biết Lễ của trò. Nó là chuẩn mực cần đạt, trước khi muốn thủ đắc để sau đó phá cách, sáng tạo và phát triển cái mới, cái hay, cái đẹp của tri thức – các yếu tố thuộc về chữ Văn.

Trong quan niệm phương Đông, Lễ thuôc phạm trù đạo đức, là chuẩn mực để con người đạt đến giá trị của Nhân, nhờ thông Lý của Đất, tỏ tường Văn - cái đẹp rạng ngời của Trời. Chỉ như thế, con người mới thật sự hòa hợp vào Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân), thành một cấu thành đẹp đẽ cua Vũ Trụ. Nói đến sáng tạo là nói đến chữ Văn. Người giàu khả năng sáng tạo về mặt nào đó, ta vẫn gọi đó là người có Thiên khiếu. Chưa nắm vững, thực hành đầy đủ phần Lễ của Nhân, ắt hẳn đừng mơ sáng tạo, phát triển để tạo ra điều đẹp đẽ (Văn) vốn thuộc cõi trời (Thiên).


Tất nhiên, không chỉ phương Đông mới có chữ Lễ. Diễn đạt duy lý của phương Tây có thể khác một chút, song chữ Lễ vẫn là yêu cầu trong mọi mặt, mọi hoạt động và biểu hiện cụ thể của con người. Nói đơn giản, Lễ là khi con người sống, tư duy, hành vi phù hợp chuẩn mực và phù hợp với chính mình.


GS- TSKH Trần Ngọc Thêm dường như không tiếp cận khái niệm theo chiều đó. Ông muốn tư duy cách riêng, tự đặt véc – tơ cho Lễ, biến nghĩa chuẩn mực ứng xử thành quyền lực áp đặt theo chiều từ trên xuống dưới. Ngược với khi bàn về chữ Văn hóa, lần này ông lại tự thu hẹp nội hàm, coi Lễ chỉ thuần túy thuộc phạm trù đạo đức, riêng phương Đông và thuần phong kiến. Ông biến nó thành một công cụ kìm hãm, không nhìn nhận nó là điều kiện và phương tiện của sự phát triển. Ông lý giải: “Bởi vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển”.


Áp vào việc xây dựng triết lý giáo dục: “Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện” cho nên ông đề xuất loại bỏ câu cách ngôn “Tiên học Lễ, hậu học Văn” ra khỏi trường học. Tiếc thay, ông đã tự mâu thuẫn với quan niệm của chính ông. Một người thầy giữ lễ làm thầy, có ai không khuyến khích trò phản biện, đổi mới, sáng tạo để hơn thầy? Có ai không muốn học trò mình bay xa, bay cao hơn nữa? Đó mới đúng Lễ làm thầy đấy. Nhưng điều đó, ông lại đả phá, đòi loại bỏ. Quan niệm của ông làm méo mó toàn bộ cả “tiên Lễ, hậu Văn”, tán đồng thứ "văn hóa" của việc học trò cố học cho thành GS- TSKH rồi quay lại chê cô giáo tiểu học của mình dốt.

Tôi không định tranh luận với một người tự mâu thuẫn. Tôi chỉ muốn nói rằng, sau ¼ thế kỷ, cái nhìn của

 tôi về ông vẫn không thay đổi. Trước, đọc định nghĩa của ông, tôi thất vọng. Nay, xem kiến giải của ông, tôi tuyệt vọng. Cá nhân, tôi nghĩ rằng, sai lầm lớn nhất, kìm hãm sự tiến bộ, hủy hoại giá trị nhiều nhất đó là khi giáo dục Việt Nam đã quên không chịu dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò hai chữ viết hoa không thể thiếu ở con người: TỰ TRỌNG.