Nhà báo - nhà giáo Đinh Kỳ Thanh bước qua tuổi 80, vừa hoàn thành cuốn hồi ký "Câu chuyện đời tôi" kể về hành trình trưởng thành ở Hà Nội và lập nghiệp ở Sài Gòn. Trong đó, ông có nhắc đến giai đoạn đáng nhớ đã đứng trên bục giảng ở Trường Học sinh Miền Nam.

NĂM THÁNG GIẢNG DẠY Ở TRƯỜNG HỌC SINH MIỀN NAM

ĐINH KỲ THANH

 

Tháng 9/1962, tôi xách va li lên tầu điện từ trung tâm Hà Nội chạy vào Hà Đông rồi lên xe khách chạy vào Mai Lĩnh để qua đò sông Đáy lội bộ vào Trường Học sinh Miền Nam số 24 Chương Mỹ. Lúc ở bến xe có một đám học sinh miền Nam cùng khu trường, đã hỏi tôi có phải là bạn học vừa đi bệnh viện về không, chắc là vì thấy tôi quá trẻ lại ốm nhom, đen đủi và ăn mặc xuềnh xoàng nên không nghĩ tôi là thầy giáo (!!!). Ở trường Học sinh Miền Nam số 24, tôi được phân công làm thành viên tổ giáo viên Văn và dạy ở khối lớp 8 tức khối học sinh nhỏ nhất của trường. Khối lớp 8 này có tới 6 lớp và tôi chỉ phài dạy 4 lớp. 2 lớp còn lại do một thy giáo dạy Văn khối lớp 9 dạy thêm.

     Tôi say sưa với những giờ lên lớp giảng bài. Để chuẩn bị tôi soạn giáo án từng tiết dạy thật nghiêm túc và tưởng tượng sẵn những điều mà các em học sinh sẽ thắc mắc trên lớp, để có sẵn phương án giải đáp. Chính nhờ vậy việc dạy học của tôi rất hanh thông. Các em học sinh rất thích các giờ tôi giảng. Các vị lãnh đạo nhà trường và các bạn đồng nghiệp vào dự giờ tôi dạy cũng hết sức khen ngợi động viên khuyến khích tôi.

    Tôi nói thêm về khu trường Học sinh Miền Nam ở Chương Mỹ Hà Đông và trường Học sinh Miền Nam số 24. Khu trường Học sinh Miền Nam khá lớn nằm trọn trên đất của xã Biên Giang có dòng sông Đáy chảy qua. Mảnh đất này vuông vức và rộng chừng 1km2 được chia đều thành 4 miếng tạo thành 4 trường nội trú dành cho các học sinh com em miền Nam tập kết ra Bắc. Bốn trường ở khu này mang số 24, 25, 26 và 27.  Trường số 27 dành cho các học sinh nhỏ học chương trình cấp II, còn lại ba trường dành cho các học sinh lớn học chương trình cấp III khi đó với các lớp 8, 9, 10. Những ngày ấy, chương trình phổ thông trung học chỉ kéo dài 10 năm, tốt nghiệp phổ thông tức học xong lớp 10 là các học sinh chuẩn bị bước vào các trường đại học . 

     Trường Học sinh Miền Nam số 24 là trường nội trú với hàng loạt khu nhà lợp lá cọ được phân thành khối các lớp học và khu nhà ở của học sinh và các giáo viên. Giữa các khu nhà là hội trường lớn rất rộng có thể chứa cùng lúc 500 con người. Bên cạnh khu nhà ở của các giáo viên và khu nhà dành cho học sinh là khu nhà dành cho Hiệu bộ cùng văn phòng và nhà bếp, nhà ăn tập thể. Trước mặt khu Hiệu bộ và Văn phòng trường là một vườn hoa luôn rực rỡ các lọai hoa lay ơn, hoa đồng tiền và hoa cúc….

       Phải nói rằng ở miền Bắc Việt Nam khi đó có được một trường cấp 3 nội trú như trường Học sinh Miền Nam số 24 là rất hiếm hoi. Trường được tổ chức đâu ra đó, quy mô, ngăn nắp, khoa học, có đủ hội trường lớn, thư viện, phòng thí nghiệm, nhà ăn, nhà bếp, trạm xá… Tất cả các khu nhà đều được bao bọc bởi các vườn hoa, vườn rau tăng gia tự túc…. Từ khu nhà giáo viên tới khu lớp học phải băng qua khoảng sân rộng mênh mông bằng diện tích một sân đá bóng. Tôi được phân về ở trong một căn phòng đầu dãy nhà giáo viên rộng chừng 20m2. Phía trước nhà là sân trường. Phía sau nhà là vườn rộng dành trồng rau cải thiện đời sống…. Phòng ở của tôi được trang bị một giường ngủ cá nhân, một bộ bàn ghế làm việc và một bộ bàn ghế dành tiếp khách và một tủ gỗ nhỏ dành một bên xếp quần áo một bên làm tủ sách.

      Khu trường còn có một nhà máy nước và một nhà máy phát điện công suất nhỏ chỉ để dành riêng cho bốn trường mỗi khi đêm xuống.

Quản lý khu trường là Ủy ban Thống Nhất của Trung Ương, nhưng về mặt chuyên môn khu trường trực thuộc Ty Giáo dục Hà Đông. Trong thời gian dạy học, chúng tôi thường có những cuộc thảo luận chuyên đề, các cuộc hội thảo kinh nghiệm giảng dạy với các giáo viên cấp 3 toàn tỉnh Hà Đông rất thú vị.

       Tại trường này tôi nằm trong biên chế của tổ giáo viên Văn do anh Nguyễn Văn Chính làm tổ trưởng. Trong tổ còn có nhiều giáo viên tốt nghiệp khóa đầu của Trường Đại học Sư phạmNội như Nguyễn Trọng Tấn, Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Thế Hùng… đầy mình kinh nghiệm và giảng dạy rất hay. Các anh cũng coi tôi như đứa em nhỏ non nớt mới ra trường nên thường xuyên tới dự giờ tôi dạy, góp ý sửa những thiếu sót và truyền đạt những bài học thiết thực quý báu. Chính nhờ vậy chỉ sau một học kỳ tôi đã trưởng thành lên rất nhiều, thích thú giảng dạy say sưa và vững vàng đứng lớp. Các học sinh các lớp tôi dạy rất say mệ học Văn và luôn động viên tôi dạy thật tốt … Sau 1 năm dạy Tổ Văn đã tín nhiệm phân công tôi dạy chương trình lớp 9 và năm sau lại phân công dạy Văn các lớp cuối phổ thông tức lớp 10.

       Tôi xin nói thêm một chút về các học sinh miền Nam quái quỷ của tôi. Các em đang tuổi trẻ nên ăn khỏe lắm. Các bữa ăn tập thể của trường thường không đáp ứng được nhu cầu. Vậy là các em nảy sinh sáng kiến tới bữa 8 người cùng mâm thì bảy người nhịn cho một người ăn cho thỏa thích. Thế mà một người vẫn ăn hết veo tám suất ăn.  Chuyện đó kéo dài nhiều tuần rồi cũng bị lộ. Nhà trường và các thày cô phải ra lệnh cấm. Thế là các em xoay ra đi lấy trộm khoai sắn của đồng bào các xã quanh trường. Một số em chuyên đi bắt chuột đồng và rắn về nấu ăn cải thiện. Nhất là đám học sinh gốc Khơ me rất giỏi bắt rắn. Chỉ một em tên Sơn Rem đã dám hùng hồn tuyên bố: tất cả các cánh đồng quanh trường đều không còn rắn, vì có bao nhiêu con em cũng bắt sạch rồi!

       Mùa hè năm 1962, các em học sinh trường tôi còn táo tợn hơn, dám mặc quần áo kiểu bộ đội đi cướp tiền ở nhà Bưu điện huyện Chương Mỹ và quét sạch hàng hóa của Cửa hàng Bách hóa. Các nhân viên bưu điện và cửa hàng bách hóa bị vô hiệu hóa phải chạy dài chịu trận. Dân tình không biết nên nghi là bộ đội gốc miền Nam đi cướp. Chuyện lôi thôi đến độ nhà trường phải mời Phó Thủ tướng Phạm Hùng, một người gốc Nam Bộ về phủ dụ đám học sinh mới trả lại đồ và tiền cho các đơn vị nói trên.

       Mùa hè năm 1965, trường Học sinh Miền Nam số 24, 25 Hà Đông giải thể để hợp nhất với  trường Học sinh Miền Nam ở Hà Nam, và di chuyển về Đông Triều để thành lập một Trường Cấp 3 Học sinh Miền Nam duy nhất trên miền Bắc mang tên Trường Học sinh Miền Nam Đông Triều- Quảng Ninh.

Tôi cùng các học sinh của mình di chuyển về nơi mới và thành lập các khu trường phân tán nhằm chống cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lúc này tang cường bắn phá miền Bắc. Tại khu vực xóm Hổ Lao tôi lại phải dạy Văn cho khá nhiều lớp từ lớp 8 tới lớp 10. Lúc này tôi thấy Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam ra mắt và chính thức phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống Mỹ cứu nước.

Kết thúc năm học, nghe tin Thông tấn xã VN tuyển chọn phóng viên đi B tôi liền ghi danh, do thích thú được chuyển sang làm phóng viên và được dịp vô Nam.