Ngay
cả khi nhận ra sự không bằng phẳng của đường đời, cuộc đi của kẽ lữ hành có bất
chợt gặp nhiều ngập ngững chênh vênh chăng nữa thì giọng thơ của Nam Thanh cũng
không than vãn kêu gào
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG MƠ THỰC
NGUYỄN
THỊ ÁNH HUỲNH
Sau tập thơ đầu tay Tình
Sen xuất bản năm 2020, thì vừa đúng một năm, Nam Thanh tiếp tục cho ra mắt Con
Đường Anh Hái. Một cái tên ấn tượng, gợi nhiều nghĩ ngợi. Năm mươi bài trong tập
thơ này không những cho người đọc thưởng thức và chia sẻ nỗi niềm cùng người viết,
mà còn là một điểm nhấn để ta nhận ra sự đổi mới trong phong cách viết và tâm cảm
của tác giả.
Con đường anh hái được
là con đường nào? Đó là đường thực hay đường mơ? Có lẽ ba tiêu đề chính: Gặp,
Mùa, Thấy - đã phần nào cho người đọc hình dung ra được những điều, những thứ
mà tác giả đã “hái” được trên con đường trần gian rong ruổi này!
Cho
dù con đường ấy là đường đời, đường thơ, đường tình hay nhiều con đường khác nữa,
thì chặng khởi đầu của một người luôn là không khí hào hứng, tươi trẻ:
Có tiếng hót con
chim quên tuổi
Có bông hoa không
nhớ ngày mình nở
Mãi không
tàn!
(Trong nắng xuân)
Hay
“ngược đời” như:
Nơi biển cả hóa
thành dòng sông
Nơi thiên hà bão
dông anh hái được nụ cười em trong yên ả
Nơi tháng ngày mới
lạ gom trong hơi ấm bàn chân
(Nơi anh gặp em)
Tình
yêu làm người ta mơ mộng đến độ có thể gom được bao la vào trong túi áo của
mình, gom được không gian thời gian vào một diện tích nhỏ nơi thân thể người
thương. Nếu vậy thì, nơi giấc mơ gặp gỡ tình yêu, chủ thể Nam Thanh đã thu lượm
được quá nhiều. Tỉ như nếu trong tay anh có một giọt sương thì cũng có nghĩa là
anh có cả hình ảnh của vũ trụ vậy!
Rồi
thì cũng không phải là cố định, cùng lúc với cảm giác tức thời như thế anh lại có
những cảm giác lắng lại lâu dài :
Mùa hoa nở những lời
em nói…
Chỉ những cánh
chim bay về trong hương cũ trái bàng thơm
Bao năm rồi cây vẫn
ấm tay em…
(Cây vẫn đợi em)
Năm tháng lâu dài ấy kéo
sang ký ức đậm sâu của anh:
Những mùa đông bụng
đầy đói rét
Lớn lên cùng gió bấc
Câu hát đồng dao đầy
cặp học trò…
Tiếng gọi bò héo cả
giấc mơ
(Nơi tận
cùng mùa đông)
Khiến ta không thể nào
không rưng rưng hồi tưởng về một thuở hàn vi nghèo khó, để rồi sau đó khắc khoải
tràn lòng!
Với
một lối thơ không cầu kỳ khó hiểu, lúc nào Nam Thanh cũng mời người đọc đi theo
một lối chính hồn hậu của ngôn từ. Ngay cả khi nhận ra sự không bằng phẳng của
đường đời, cuộc đi của kẽ lữ hành có bất chợt gặp nhiều ngập ngững chênh vênh chăng
nữa thì giọng thơ của Nam Thanh cũng không than vãn kêu gào mà lặng lẽ chịu đựng,
lặng lẽ thâm trầm như sự tuần hoàn “đơn giản” của đất trời.
Lênh đênh bước
chân con đường nhỏ
Bơi trong mưa gió
gập ghềnh
Đi hết con đường dừng
lại
Khóc cười thành
tro bụi
lại lênh đênh…
(Lênh đênh)
Vừa
giới hạn đấy nhưng rồi thì vô hạn ngay, trong nổi chìm dâu bể mịt mùng. Không
gian hẹp thôi, mà gió mưa, mà tro bụi lênh đênh. Những câu thơ trên phải công
nhận là hay bởi dù gói ghém bao triết luận nhưng lại rất đằm, sâu sắc, tương đồng
với hết thảy những ai đang còn tiếp tục…đi trong cõi nhân sinh này!
Ngoài
cái thế giới thực mà nhà thơ miêu tả, tỏ bày cụ thể, còn có một thế giới của những
giấc mơ đang áp sát, hòa lẫn vào. Khiến nhiều khi anh như “mắc kẹt” ở giữa lằn
ranh mơ - thực! Đứng trong hiện tại nhưng chân luôn muốn bước vào giấc mơ:
Có con đường bắt đầu
từ đôi mắt
Có con đường chạy ngang
dọc trong tim
Có con đường không
đi bằng đôi chân
Con đường mơ
Con đường thực…
(Con đường)
Rồi
bước hẳn vào trong mơ:
Có phải mùa thu
theo ngọn gió heo may
Trôi đi cùng dòng
sông để cây cầu ở lại
Bao lứa đôi thương
nhớ có tìm về?
(Với
mùa thu)
Với
toàn phần phiêu du lãng đãng:
Ánh mắt em thẳm
xanh dòng sông
Sao nước không chảy
vào anh những điều em nghĩ
Mùa đi đau lá
Mắt em đưa anh về
đâu?
(Mùa nhớ)
Song
chỉ một câu hỏi nhỏ thôi cũng đã chứng tỏ người thơ vẫn luôn còn hoài nghi về
chỗ đứng mơ ảo của mình. Bởi vậy Nam Thanh lại muốn quay trở về đường đời thực
tế. Anh muốn quay về báo động cho người ta biết rằng cuộc sống quý giá ta đang
sống đây, vừa được vun bồi hằng ngày mà cũng vừa bị hủy hoại từng giây phút:
Hành trang của đời
người là những nếp nhăn
Đi đâu người cũng
gánh mang
Những nếp nhăn đựng
cuộc đời dâu bể
Thẩm mỹ xóa nếp
nhăn rồi
Dâu bể có tan
không?
(Vẻ đẹp cuộc đời)
Trên
biên giới nhập nhòa mơ thực, Nam Thanh đã “chụp” lại được những gì mắt thấy tai
nghe để biến
trải nghiệm của mình thành lời cảnh báo. Đừng tưởng hễ cứ Hoa là đẹp là lành, mà
chính loại
sản phẩm của trời đất này có khi là liều độc dược không có hạn kỳ:
Tôi đi giữa cõi
người buồn vui lẫn lộn
Thấy đất lặng im
mà đang cất
Hoa bừng nở nhắc
ta điều quên lãng
Có những niềm vui
tàn độc ở trên đời
(Tiếng đất)
Giống
như ở khổ thơ này, ta không thể nào đọc tiếp nữa, mà phải ngf lại đôi lần trước
con đường cát vô cùng vô tận của anh.
Trên cát không có
đường
Gió thổi bay dấu
chân người đi trước
Tiến một bước cát
rộng thêm ngàn bước
Nếu dừng lại sẽ
mãi chìm trong cát
(Cát hành)
Hoặc
là một thứ phế thải hằng ngày vô tích sự, là rác ấy, cũng làm ta bất giác giật
mình:
Rác văn hóa! Rác
tâm linh! Rác trong sách vở…
Những chiếc xe rác
chất đầy hối hả
Bao nhiêu bãi rác
cho đủ
Khi những xe rác
không thể chở đi số rác ở trong đầu!
(Rác)
Hai hình ảnh là cát, rác
…hết sức thông thường của đời sống dân sinh nhưng lại nhiều ám ảnh bởi ý nghĩa
mà nó chứa đựng. Tác giả không gióng lên những hồi chuông ồn ả mà có vẻ như âm
thầm muốn
đem hết tâm hồn của mình ra để tôn tạo lên, xây dựng lại những khiếm khuyết lẫn
bất ổn mà thế giới này đang vướng mắc! Mối bận lòng ấy được thể hiện qua câu
thơ mà tôi thích bởi rất hay, nhiều thiết tha ước nguyện:
Chỉ những mơ ước
không thành mãi theo ta như cái bóng…
(Cái bóng)
Những hình ảnh vui tươi,
hứng khởi cùng với những nét hằn buồn trong thơ đã “gia cố” thêm lần nữa một tấm
lòng thương yêu, nặng trĩu về ước mơ tốt đẹp của Nam Thanh, một người lính, một
nhà báo từng thử bút qua văn xuôi và kịch. Có thể có đôi chỗ cần thêm một ít
lãng mạn nữa để đầy thêm chất ảo của thơ, nhưng nhờ những rung cảm chân thành mà thơ
tác giả tinh tế hẳn lên. Anh biết tìm cái mơ trong cái thực và tìm cái thực
trong cái mơ. Đó là một đặc tính tự thân của người nghệ sĩ. Chính nhờ sự nối kết, tương tác
giữa hai cõi thực - mộng này đã làm cho ý lời trong Con Đường Anh Hái có thêm sức
nặng của lay động.
Dù đường đời, đường tình hay giấc mộng chưa có điểm kết thúc trọn vẹn, nhưng đọc thơ Nam Thanh ta nhận ra rằng quả là cuộc sống có nhiều thứ lôi cuốn quá, không phải chỗ hoàn thiện mà là những chỗ thiếu sót còn lại!