Có thể hình dung đơn giản thế này: khi tiếp cận một
tác phẩm văn chương, là nhà phê bình tiếp cận bằng toàn bộ vốn liếng đọc đã được
tích lũy từ trước của mình. Cái đó là kinh nghiệm. Kinh nghiệm này sẽ tạo ra và
mài sắc cho trực giác.
NHÀ PHÊ BÌNH – ANH LÀ
AI?
HOÀI NAM
1.
Luôn có những khoảng
cách giữa nhà phê bình với nhà văn, cho dẫu trên thực tế có không ít nhà văn viết
phê bình, cũng không ít nhà phê bình viết văn, và có cả những người viết văn và
viết phê bình cùng lúc (Stephan Zwieg, TS Eliot, Octavio Paz, Milan Kundera,
Salman Rushdie... của văn chương phương Tây hiện đại là những ví dụ sáng chói).
Tuy
nhiên họ, hai nhà này, có thể song hành tương hợp, có thể khác biệt để đối thoại
hoặc đối thoại để trở nên khác biệt, và cũng có thể họ là tri âm tri kỷ của
nhau, như người ta thường nói về một hình thức quan hệ lý tưởng giữa sáng tác
và phê bình. Nhưng những khoảng cách là luôn có. Theo tôi, điều đó cần thiết.
Để, đơn giản thôi, người này khỏi lấn/ lẫn vào người
kia. Và tôi vẫn luôn nghĩ về tương quan giữa nhà văn với nhà phê bình là tương
quan giữa người đến trước với người đến sau: nếu không có nhà văn và tác phẩm
văn chương, ắt sẽ không có nhà phê bình và cái nghề/ hoạt động phê bình văn học.
(Cũng có người phản đối quan điểm này khi nêu ra tên tuổi của những Mikhail
Bakhtin, Micheal Foucult Roland Barthes, Julia Kristeva, Paul Ricoeur..., và
nhiều nữa, để nói về trường hợp "phê bình có trước văn học".
Xin thưa, đó là những nhà phê bình mang tầm vóc triết
gia, những người tạo sinh lý thuyết qua quá trình làm việc với lý luận văn
chương thuần túy. Coi họ là "nhà phê bình văn học" theo cách hiểu thông
thường thì thật không tương hợp. Sự thể vẫn như cũ: văn chương có trước, phê
bình có sau).
Một cách nghĩ, cách nói thông thường, mang tính phổ biến:
nhà phê bình là người "quan sát, thẩm định chất lượng tác phẩm". Điều
đó đúng là một phần công việc của nhà phê bình. Nhưng tôi nghĩ, là phần công việc
thật ra cũng không mấy quan trọng. Vì sự "quan sát, thẩm định chất lượng
tác phẩm" có thể diễn ra ở nhiều kênh khác nữa - ví như các biên tập viên
nhà xuất bản, các nhà quản lý xuất bản, văn hóa, báo chí, các nhóm độc giả bình
thường - và những kênh ấy chưa chắc đã kém trọng lượng so với kênh của nhà phê
bình.
Nên nếu nhà văn có định dựa vào nhà phê bình để
"hiểu rõ hơn con đường mình đang đi", như người ta thường nghĩ, thì
cũng nên chỉ coi đó như một trong những kênh tham khảo mà thôi. Tôi vẫn luôn
cho rằng: nhà văn phải là Thượng đế của chính mình. Đã Thượng đế, thì phải sáng
tạo ra thế giới theo cách mà Thượng đế muốn, chứ không phải theo sự chỉ vẽ của
các nhà phê bình văn học. Chẳng phải thế sao?
2.
"Thầm lặng, khiêm tốn, tràn đầy sự nhẫn nại"
đúng là những hình dung từ khá "trúng" với công việc của nhà phê
bình. Thậm chí phải coi đó là những phẩm chất nên có. Tôi nói thế bởi, trong
văn chương ở ta thời chưa xa lắm đâu, do những điều kiện lịch sử xã hội đặc định,
có nhiều nhà phê bình không thầm lặng, không khiêm tốn mà cũng chẳng nhẫn nại.
Họ luôn nói rất lớn tiếng, và không chỉ nói.
Họ làm phê bình trong tư cách những nhà quản lý văn
nghệ hoặc tương tự, nghĩa là họ đại diện cho quyền lực thực sự, cái quyền được
phán xét thứ gì là tốt và thứ gì là xấu, tác phẩm nào nên đọc và tác phẩm nào
đáng gọi là "hắc thư", đọc vào chỉ tổ có hại. Nhà phê bình văn học Lại
Nguyên Ân từng gọi đó là những nhà phê bình quyền uy.
Rất may là giờ thì những nhà phê bình quyền uy kiểu
này đã ít thấy trong đời sống văn chương. Còn, thì họ cũng đều đã già cả rồi,
có nói cũng chẳng ai nghe. Nói chung, bây giờ, những cách nghĩ của một thời về
nhà phê bình văn học như là "ông thầy của nhà văn", là "phán
quan văn chương", rằng phê bình cần phải như "cái roi" để quất
cho "con ngựa" sáng tác phải tăng tốc hoặc đi cho đúng đường v.v...
đã trở nên cũ kỹ, mất giá lắm rồi.
3.
Tôi không theo con đường sáng tạo mà lại đi làm báo,
làm phê bình văn học - tôi vẫn nói rằng mình là kẻ làm phê bình "tay
ngang" - bởi vì tôi tự thấy bản thân mình không có tố chất của người sáng
tạo. Đã không có là không có, không thể cố mà có được, nhất là trong lĩnh vực
sáng tạo văn chương. Nên tốt nhất, tôi cứ làm những cái nghề mà tôi được đào tạo
khá bài bản và cũng có sự yêu thích. Vả chăng, nghĩ cho cùng, thì đó cũng là
may mắn, vì có phải người nào học Văn khoa ra cũng được làm/ làm được báo và
phê bình văn học cả đâu? Đấy là chưa kể đến một sự thật: "đứng đằng sau một
tác phẩm/ xu hướng văn chương và diễn giải nó" cũng có thể mang lại cho ta
những khoái thú nhất định, có khi chẳng kém sáng tác.
4.
Đúng là việc của nhà phê bình, nhìn từ phương diện thuần
cơ học, chỉ có đọc và viết, nhưng tôi không nghĩ rằng mình "sống giữa luồng
tư tưởng của những người khác", mà là sống trước/ đối diện với luồng tư tưởng
của những người khác, tức các nhà văn. Tôi nói ở trên: tôi vẫn luôn nghĩ về
tương quan giữa nhà văn với nhà phê bình là tương quan giữa người đến trước với
người đến sau. Nhà văn và tác phẩm phải có cái đã, rồi mới đến lượt nhà phê
bình.
Khi đó, họ là "vật liệu" của tôi, là
"văn bản thứ nhất" để từ đó tôi làm nên "văn bản thứ hai",
tức là tác phẩm phê bình của tôi. Vì thế ở đây, như ngẫu nhiên, có một
"khe cửa hẹp" cho sáng tạo. Nói điều này, tôi nghĩ đến nhà văn học sử
người Pháp thế kỷ XIX, Gustave Lanson, khi ông cho rằng phê bình văn học chính
là "một dòng sông xanh mát uốn lượn mềm mại quanh tác phẩm văn học".
Hoặc ở văn học Việt Nam đương đại là Đỗ Lai Thúy, khi
ông hình dung phê bình văn học là một "con vật lưỡng thê": là khoa học
đấy, nhưng cũng chính là nghệ thuật đấy. Công việc này đôi khi mệt mỏi. Có nhiều
trường hợp khá nhọc nhằn, nếu không muốn nói rằng nó khiến bản thân tôi có cảm
giác bất lực. Nhưng điều mệt nhất là bây giờ sách vở có thể in ấn dễ dàng nên
tác phẩm... nhiều quá, vô thiên lủng, đến nỗi tôi tin rằng không một nhà phê
bình nào có thể bao quát được dù chỉ một góc của thực tế văn chương. Thì cũng
phải cầm lòng vậy, đành lòng vậy…
5.
Làm phê bình, với tôi, quan trọng là sự trung thực, và
quan trọng nhất là trung thực với chính mình. Cái đó, chứ không phải sự khách
quan. Tôi thật không hiểu tại sao bao lâu nay nhiều người đề cao sự khách quan
trong phê bình đến thế? Vì làm gì và lấy ở đâu ra mà có một sự khách quan
"trong suốt", khi phê bình là một công việc về bản chất là mang đậm
tính chất cá nhân, cá tính? Vậy thì hãy trung thực, thậm chí trung thực với
chính sự thiên vị của mình và đừng viết ra những gì mình không/ chưa tin tưởng.
Như thế, theo tôi cần thiết hơn là khách quan, "công tâm" một cách giả
tạo.
6.
Kinh nghiệm, trực giác, và lý thuyết, là những gì mà một
nhà phê bình cần đến, như những công cụ để thực hiện công việc của mình. Có thể
hình dung đơn giản thế này: khi tiếp cận một tác phẩm văn chương, là nhà phê
bình tiếp cận bằng toàn bộ vốn liếng đọc đã được tích lũy từ trước của mình.
Cái đó là kinh nghiệm. Kinh nghiệm này sẽ tạo ra và mài sắc cho trực giác. Vì bằng
sự nhớ về những lặp đi lặp lại nào đó ở một tác giả và qua những tác giả khác
nhau, đôi khi, chỉ đọc một phần tác phẩm đã có thể biết được về tổng thể đây là
một tác phẩm dở, chẳng hạn thế. Nói thêm, với riêng tôi, nhận biết một tác phẩm
dở luôn dễ hơn nhận biết một tác phẩm hay.
Tác phẩm hay thì, trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm
và trực giác là không đủ, buộc phải có lý thuyết. Tôi muốn nói đến các tác phẩm
theo dòng hiện đại và hậu hiện đại. Nếu không được trang bị lý thuyết từ trước,
điều rất dễ xảy ra là ta sẽ phản ứng chối từ chúng ngay tức thì. Lấy một ví dụ:
tiểu thuyết lừng danh "Tên của đóa hồng" của Umberto Eco, nếu không đọc
bằng lý thuyết tự sự học, lý thuyết liên văn bản, người đọc sẽ chỉ thấy ở đấy bất
quá là một câu chuyện trinh thám, kể về việc điều tra những vụ giết người bí mật,
rùng rợn trong một tu viện ở nước Anh thời trung cổ mà thôi.
7.
Tôi luôn cố gắng viết phê bình theo cách giản dị, dễ
hiểu là vì, một phần, do "chất" người. Tôi yêu thích sự đơn giản. Đơn
giản và hài hước được thì càng tốt. Phần khác, là do yêu cầu của công việc báo
chí, nhất là báo chí phổ thông. Tôi đăng bài trên báo chí phổ thông chứ không
đăng bài trên các tạp chí chuyên ngành, vì thế chẳng dại gì tôi lại trở nên bí
hiểm khó hiểu với quảng đại công chúng độc giả, là những người mua báo, là những
người đọc tiềm năng của tôi. Hình như, theo một cách phân loại nào đó, của A.
Thibeaudet thì phải, người ta gọi đó là "phê bình báo chí", "phê
bình theo phong cách báo chí"?
Vậy về những nhà "phê bình hàn lâm",
"phê bình theo phong cách hàn lâm" thì sao? (Phải nhắc vấn đề này là
vì, ở nước mình thỉnh thoảng vẫn có những tranh luận không đáng có về "phê
bình hàn lâm" và "phê bình báo chí", và thường thì, một cách khủng
khỉnh, "phê bình báo chí" luôn bị xếp là kẻ ở chiếu dưới). Xét cho
cùng, cũng do yêu cầu công việc cả thôi. Đại đa số các tác giả ấy là những người
thuộc môi trường đại học hoặc viện nghiên cứu, cho nên cái viết của họ là cái
viết phải được trường quy hóa, kinh viện hóa.
Nó phục vụ cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu
khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, hoặc là tham luận trong các hội thảo khoa học
chuyên ngành. Đối tượng độc giả của họ thuộc một phạm vi hẹp, thậm chí rất hẹp,
có lẽ chỉ giữa các nhà nghiên cứu phê bình với nhau thôi, chứ không phải là các
nhà văn và quảng đại công chúng ngoài kia.
Đó là một "cộng đồng học thuật" tách biệt.
Nhưng tôi nghĩ, các thành viên của "cộng đồng học thuật" ấy, đôi khi
bản thân họ cũng không thật hiểu nhau lắm khi đọc lẫn nhau. Do quá mức hàn lâm.
Có lẽ thế. Mà nếu có như thế thì chuyện ấy cũng bình thường thôi.
Nguồn: An Ninh Thế giới cuối tháng