Các quan chức khi lỡ lời ít khi phải chịu hậu quả do hành vi lỡ lời đó. Hãn hữu lắm, phải chịu nhiều sức ép lắm thì “đương sự” mới chịu xin lỗi.
HỌC NÓI
NGUYỄN CHÍ HOAN
Tạm dẫn cái mới đây nhất: một lời xin lỗi công khai.
“Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều ngày 20-10, Giám đốc Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí
Minh Lê Minh Tấn đã xin lỗi người dân TP. Hồ Chí Minh về diễn đạt “… chưa có ai
thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ” (trong đợt dịch vừa qua).
Ông Lê Minh Tấn bày tỏ: “Thưa bà con, trong buổi thảo
luận tổ tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X vào chiều 18-10, tôi có diễn
đạt là “… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”. Tôi đã soát xét lại bản
thân mình và hiểu rằng mình phát biểu như thế là chưa gãy gọn, chưa thể hiện rõ
những khó khăn vất vả, những lo toan về cuộc sống, những lo lắng về mối nguy hiểm
trước nguy cơ của dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình, mọi người
dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Đây là sơ suất của cá nhân tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi
chân thành tới người dân TP. Hồ Chí Minh về sơ suất này! Tôi rất mong nhận được
sự thông cảm, lượng thứ của người dân.”
Chẳng biết có nhiều hay ít nhưng hẳn cũng có hơn một
ai đấy thấy hài lòng về một lời xin lỗi dài dòng. Bởi, luôn luôn, ngôn luận là
một hành động hệ trọng trong các quan hệ người. Nên ta sẽ nghĩ rộng ra hơn một
sự việc. Vì lẽ nghi thức vốn chuộng sự rườm rà. Mà người ta vẫn bảo văn hóa Á
Đông là một văn hóa nghi thức cao. Hơn nữa, một khi lỡ phạm vào lỗi thuộc hạng
“công xúc tu sỉ”, tức là xúc phạm đám đông có tổ chức (như là một cộng đồng, một
xã hội, cho chí một đám đông) một cách công khai và tệ hơn nếu một cách có tính
cố ý hoặc tổ chức (chẳng hạn trả lời phỏng vấn của ai đó, v.v.), thì việc xin lỗi
xem ra có vẻ cứ càng khẩn khoản càng có chỗ mà bù trừ, càng rườm rà càng dễ lủi
sang phía bà Thị Kính.
Nhưng việc xin lỗi, như thế, có phải là một việc làm
không? Thỉnh thoảng người ta lại nhầm sự xin lỗi là một hành động; và nếu có
người thốt ra lời xin lỗi từ cương vị là nhà chức trách nhà chức năng nào đấy,
nôm na dân gọi chung là “quan”, thì việc xin lỗi có khi còn bị nhầm coi như một
“sự kiện”.
***
Lâu nay, chuyện các quan chức lỡ lời như ông Tấn không
phải là hiếm. Đến mức người ta có thể sưu tầm cả một bộ tuyển tập những phát
ngôn “không đỡ nổi” của các quan chức nhà ta. Kiểu “không có ùn tắc giao thông
vì ùn tắc là xe phải đứng im 30 phút, còn vẫn di chuyển nhúc nhích được không
thể gọi là ùn tắc”; “dự án chục tỷ sai phạm một tỷ là tốt rồi”; “quá trình dạy
học đã thay đổi, từ chỗ dạy số đông sang chú ý quá trình phát triển của từng
cháu. Trước đây nói dạy 1 lớp 40 cháu, nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”…
Có đại biểu phát biểu trước Quốc hội đòi “dịch chuyển
đám mây ảo về Việt Nam” để quản lý, hoặc tuyên bố vì một bộ phim chuyển thể từ
kịch bản nước ngoài chiếu trên truyền hình khiến “tình hình các băng ổ nhóm tội
phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều” mà không dẫn bất cứ một kết quả thăm dò điều
tra hay nghiên cứu khoa học nào làm cơ sở.
Cũng từ trước đến nay, thông thường thì những trường hợp
phát biểu gây bão dư luận như thế ít khi dẫn tới kết cục như Giám đốc Sở LĐTBXH
TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn phải lên tiếng xin lỗi người dân. Có những trường hợp
người phát biểu lỡ lời nhưng nếu báo chí có đăng lên thì đấy là…lỗi của báo
chí!
Quả là cũng có những sự kiện xin lỗi, khi việc bày tỏ
ân hận công khai đó đi kèm hành động, chẳng hạn từ chức, từ nhiệm, hay bù đắp cụ
thể hay đưa ra lời hứa chỉnh đốn đáng tin và có thể kiểm chứng hậu quả v.v. – tức
là thật có sự hối lỗi. Nhưng chuyện như thế vẫn thường ít thấy.
Lý do cũng dễ hiểu: các quan chức khi lỡ lời ít khi phải
chịu hậu quả do hành vi lỡ lời đó. Hãn hữu lắm, phải chịu nhiều sức ép lắm thì
“đương sự” mới chịu xin lỗi. Ngay như ông Giám đốc Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh
nói trên, thoạt đầu cũng nói do báo chí dẫn không chính xác lời ông hoặc nghe
không rõ nên đưa sai. Chỉ đến khi các phóng viên trình băng ghi âm ra (bởi nếu
không có băng ghi âm thì họ cũng sẽ “phạm tội” tày giời là đưa tin không đúng sự
thật) thì ông Giám đốc mới chịu xin lỗi.
Để nhận được một lời xin lỗi của quan chức cũng trần
ai lắm chứ đâu phải dễ.
***
Việc xin lỗi về căn bản không phải một việc, một hành
động hay một sự kiện như làm hỏng việc, nói quá lời, hồ đồ hay hứa hẹn hoang đường,
nhận định bậy bạ không cân nhắc bất chấp thực tế và tri thức khiến lòng người
phân vân bất tín, v.v. Lời xin lỗi, rút lại lời hay thậm chí cải chính “tin đồn”
chỉ là hậu quả của hành động và sự kiện sai lầm nào đó. Việc gì thì cũng đã xảy
ra rồi! Cho nên đôi khi nghe lời xin lỗi cũng từa tựa như bảo người ta “thả mồi
bắt bóng”.
Những cái “bóng” như thế, dẫu có tròn trịa hay thậm
chí lung linh, dĩ nhiên không làm người ta bỏ qua được những nguồn đã tạo ra
“bóng” ấy, những quan chức. Loại câu hỏi gần như không thể trả lời: tại sao ông
nọ bà kia như thế lại có thể nói năng này kia nọ với công cộng? Không thể trả lời,
trước hết vì việc, hay những việc, ấy đã xảy ra rồi - tức là ông ấy bà ấy đã thực
hiện xong một hành động rồi: cái phát ngôn mà nhiều khi là thứ dấu vết duy nhất
thấy được về thứ hành động đã qua, cái phát ngôn biểu thị mức độ mà nguồn phát
ngôn coi trọng hay coi khinh hành vi biểu thị quan hệ người rất quan trọng đó
trong những trường hợp đối diện công chúng.
Do vậy, buộc phải nghĩ rằng những phát ngôn loại “công
xúc tu sỉ” kia cũng chỉ là một thứ “bóng” - nó không phải loại ngôn luận thật sự
gắn với các hành động thật hay sự kiện thật; bởi lẽ không thể nghi ngờ chuyện
những nguồn phát “bóng” như thế vẫn phát ra những ngôn luận thật, thực chất, biểu
thị quan hệ người thực chất với các mối quan hệ khác mà vốn vẫn giúp họ đứng được
trên hai chân mình như bất cứ ai.
Thế rồi thì “xin lỗi”, khi việc xin lỗi công khai dần
trở nên một ước lệ, chẳng mới mẻ gì nhưng đã thành ra “mới mẻ”, một ước lệ về
“văn minh”. Tuy nhiên nó chẳng thay đổi gì được về chuyện nó là cái “bóng” –
trông như thật mà không phải là thật; hoặc là thật nhưng không phải thứ thật;
như nhau cả.
Hiện trạng quan chức lỡ lời rồi xin lỗi (hoặc không
xin lỗi) cho thấy một thực trạng ở ta: nhiều quan chức không được đào tạo về
cách thức phát biểu trước đám đông công chúng, trước báo chí hay thậm chí trong
các cuộc thảo luận ở các thiết chế công quyền. Bởi vậy, theo thiển ý của tôi,
bên cạnh những yêu cầu về chứng chỉ bằng cấp cho quan chức, có lẽ nên có các
khóa học đặc biệt dành cho các công bộc của dân học cách phát biểu trước đám
đông.
Không ai muốn thành ra một cái bóng, dù là cái bóng của
chính mình, nói gì chuyện làm cái bóng cho bất kỳ ai hay điều gì khác. Để tránh
khỏi phải nói lời xin lỗi, phải luôn đi học hay tự học, để học “lấy những nghề
nghiệp hay” – như cụ Nguyễn Tiên Điền đã bảo.