Ông ấy là ai vậy? Rất nhiều người đã thắc mắc như vậy khi nghe cái tên Abdulrazak Gurnah - trong đó có nhiều người còn gặp khó khăn để đánh vần cái tên này, cái tên gì mà "rối rắm" quá! - khi ông được Viện Hàn lâm Thụy Điển xướng tên cho giải thưởng Nobel Văn chương 2021.
Nobel Văn chương 2021 - Abdulrazak Gurnah: "Tôi là một cái gì đó rối rắm"
Cũng là một người nhập
cư vào nước Anh như Kazuo Ishiguro, chủ nhân giải thưởng năm 2017, nhưng Gurnah
và Ishiguro là hai "ca" trái ngược hoàn toàn. Ishiguro nổi tiếng toàn
cầu, bán hàng triệu bản, sách chuyển thể thành phim được đề cử Oscar. Trong khi
đó, Gurnah chỉ bán vỏn vẹn 3.000 bản tại thị trường Mỹ, ngay ở Anh ông cũng như
người lạ, và chính những nhà văn ông thường nghiên cứu và phê bình như Ngũgĩ wa
Thiong'o và Salman Rushdie mới là ứng viên được kỳ vọng ở Nobel.
Abdulrazak Gurnah sinh ra ở Tanzania,
chính xác là đảo Zanzibar. Nơi đây cũng là nơi Freddie Mercury đã ra đời.
Gurnah kể rằng thật ra, ở Zanzibar, nếu bạn hỏi một người dân địa phương đi
trên phố về Freddie Mercury, trừ một vài người kiếm tiền nhờ bán ký ức về ông
cho du khách nước ngoài, nhiều khả năng họ chẳng biết đó là ai cả. Vâng,
Freddie Mercury - siêu sao nhạc rock của ban nhạc Queen - nhưng chính tại quê
nhà, có lẽ chẳng ai biết là ai. "Có lẽ tôi cũng thế", Abdulrazak
Gurnah tự giễu mình. Phải rồi, Abdulrazak Gurnah, nhà văn đoạt giải Nobel danh
giá, nhưng có bao nhiêu người Zanzibar từng đọc tác phẩm của ông? Điều tranh
cãi nhất ở Gurnah cũng nằm ở chỗ đó.
Ông là người da đen, hẳn rồi, nhưng liệu
việc trao giải cho một người da đen có nhất định sẽ tạo nên tính đa dạng? Chắc
là không. Gurnah viết bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Swahili bản địa, và rốt
cuộc, giải thưởng dành cho ông cũng không làm thay đổi cán cân văn hóa giữa Phi
châu và Âu châu. Ai đó cứ việc trao giải, tụng ca, tranh cãi, nhưng cũng như một
trận núi lửa ở Mexico không ảnh hưởng gì tới tháng Ramadhan của người Pakistan,
sự thừa nhận thành tựu của Freddie Mercury hay Abdulrazak Gurnah, theo nhiều
người, sau rốt vẫn là những sân khấu nơi người da trắng vừa biên kịch, vừa đạo
diễn, vừa làm khán giả vỗ tay.
Nhưng có nhất thiết phải có sự
phân biệt da đen và da trắng theo cách này? Trong cuốn “Desertion” (Sự ruồng bỏ),
cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 2005 của Abdulrazak Gurnah, có một đoạn nhân vật kể
chuyện, một chàng trai Zanzibar sang Anh học tập rồi dần trở thành một kẻ ly
hương, đã giãi bày: "Chẳng bao lâu, tôi, như tất cả mọi người, bắt đầu gọi
người da đen và người da trắng, nói ra những lời dối trá ngày càng dễ dàng hơn,
thừa nhận tính đơn điệu của sự khác biệt giữa chúng tôi, chiều theo cái viễn kiến
gây u mê về một thế giới phân biệt chủng tộc. Vì bằng cách đồng ý rằng có người
da đen và người da trắng, chúng tôi cũng đồng ý hạn chế lại tính phức tạp của
những khả thể, chúng tôi đồng ý với sự dối trá mà hàng thế kỷ qua nó đã phụng sự
và sẽ tiếp tục phụng sự cho cái khao khát nguyên thô đối với quyền lực và sự tự
khẳng định đầy bệnh hoạn".
Trong thế giới văn chương của Abdulrazak
Gurnah, không có cái gọi là "bản sắc dân tộc", "phúng dụ dân tộc"
hay những cuộc luận chiến hống hách về vấn đề thực dân. Các nhân vật của ông,
nói như lý do mà ông nhận giải Nobel, tồn tại "nơi vực thẳm giữa các nền
văn hóa và các lục địa", họ như những miếng bọt biển thấm hút cả tiến bộ
và sự bán khai, cả Shakespeare và lời dạy của nhà tiên tri Muhammad, cả những
tà ma trong “Nghìn lẻ một đêm” và “Bác sĩ Zhivago”, cả những điệu waltz châu
Âu, những bộ phim của Audrey Hepburn lẫn những nghi thức vâng phục của Hồi
giáo.
Đó là những nhân vật từ chối bị phân loại
hay bị in đúc thành khuôn mẫu, hay nói như một học giả từng nhận định,
Abdurazak Gurnah "không lý tưởng hóa những người châu Phi trước khi có tác
động toàn triệt của chủ nghĩa thực dân".
Chẳng hạn trong “Memory of Departure” (Hồi
ức cuộc đi), tiểu thuyết đầu tay của ông, bạn sẽ bắt gặp một nhà buôn Phi châu
từ một thành phố tồi tàn tìm đến Nairobi lập nghiệp, nhưng thay vì tìm thấy ở
ông sự ngoan đạo và thiện lành, ta chỉ thấy ở đó sự hách dịch của một ông chủ,
sự tàn khốc của một người chồng và sự dữ tợn của một người cha - ông vẫn ngùn
ngụt căm thù người da trắng, khinh bỉ Picasso, kẻ mà ông gọi là "một thứ
thời trang" mà dân da trắng dùng để "khiến ta thấy mình ngu dốt"
- nhưng ông có ít tội lỗi hơn họ?, và nếu không có chủ nghĩa thuộc địa thì có
chắc ông không lừa bịp hết gia sản của người em gái hay không đẩy vợ mình đến
chỗ phát điên; bạn cũng sẽ bắt gặp một anh chàng người Kenya trẻ tuổi tuyên bố
rằng "Tất cả những gì chúng ta có là nghệ thuật châu Phi, văn chương châu
Phi, lịch sử châu Phi, văn hóa châu Phi, và chúng đều là rác rưởi. [...] Có lẽ
nếu muốn phát triển, ta phải quên phứt cái nghệ thuật châu Phi đi một
lúc", và rằng "nếu cần một cuộc thảm sát hàng ngàn kẻ man dã để khiến
chúng ta trở nên cường thịnh, vậy cứ làm thế đi".
Hay như trong tiểu thuyết “Desertion”,
ta không thấy có chút liên quan gì giữa sự ngoan cường theo đuổi ước mơ tri thức
và tự do hôn nhân của một người phụ nữ Hồi giáo cấp tiến và sự khốn khổ cũng của
bà khi chứng kiến đứa con trai lớn đem lòng yêu một người đàn bà mang dòng máu
lai. Không, không phải sự cắt lìa giữa các nền văn hóa đã gây ra thảm cảnh của
họ, mà chính sự nhập nhằng không thể tránh khỏi của chúng đã dồn họ tới chân tường.
Cách duy nhất có tiềm năng để "hợp
lẽ hóa" sự nhập nhằng ấy, dĩ nhiên, như muôn đời, chỉ có thể tình yêu.
Tình yêu của một người đàn ông Anh quốc đã có vợ và một người đàn bà Kenya đã
qua một đời chồng, tình yêu giữa một chàng sinh viên sư phạm và một người phụ nữ
có ông ngoại là người da trắng, tình yêu giữa một anh chàng nông thôn không mảy
may biết chút gì về Tolkien và một cô gái thành thị chịu ảnh hưởng sâu sắc của
văn minh Tây Âu.
Những mối tình này được thổi bùng lên bằng
một mãnh lực kỳ bí, những người tình bị lôi cuốn về phía nhau mà không có sự
chuẩn bị trước, hoàn toàn bị đánh úp bởi một niềm say mê đối với một kẻ xa lạ,
tỷ như cách họ đã giữ lại cuốn sổ tay với những dòng chữ mình không thể đọc được
của đối phương. Phải chăng, mãnh lực tình yêu ấy cũng là mãnh lực hút nhau giữa
những nền văn hóa trái khác, châu Âu mông muội mơ về châu Phi và châu Phi khao
khát tiến đến châu Âu?
Đó là một tình yêu bị nguyền rủa, vì bên
trong sự thèm muốn để nhập lại làm một ấy đã có mầm mống của sự hủy hoại, và những
đứa con kết tinh từ đó - những người nhập cư và những người nuôi giấc mộng nhập
cư, những kẻ bị thuộc địa mắc kẹt và cả những kẻ từ đế quốc đi chu du - họ
không thực sự thuộc về đâu cả, luôn ở đây còn trái tim đặt ở kia, trong khi bi
kịch của họ bị xã hội bị quy giản về những vụ bê bối.
Nhìn theo góc độ đó, dường như chính
Abdulrazak Gurnah đã nhìn thấu từ trước hoàn cảnh của mình lúc này: dù công
chúng nhiệt liệt ủng hộ với Viện Hàn lâm Thụy Điển vì đã lựa chọn một nhà văn gốc
Tanzania nhận giải sau một năm bùng nổ vấn đề chủng tộc hay gay gắt phản đối
khi cho rằng Abdulrazak Gurnah là một nhà văn Anh hơn là một nhà văn Tanzania,
cả hai góc nhìn ấy đều là cách nói không với sự nhập nhằng.
Là một nhà văn chuyên về vùng Ấn Độ
Dương, Abdulrazak Gurnah từng đưa ra quan điểm rằng, mặc dù có những khác biệt,
nhưng thế giới này không được phân chia thành Bắc bán cầu hay Nam bán cầu, vấn
đề Bắc - Nam chỉ đơn giản là một cụm từ đồng nghĩa với sắc thái dễ nghe hơn và
khá trung lập so với những cụm từ như "Thế giới thứ ba" hay "Các
nước chưa phát triển". Sự phân loại như thế tuy rất hữu ích cho các dự án
học thuật, cho chiến dịch tiếp thị, cho ngành xuất bản, nhưng lại chẳng có ích
gì trong việc sản sinh văn hóa. Nó tạo tín hiệu để thu hút độc giả mục tiêu,
nhưng lại đặt ra giới hạn cho các kiến giải về văn học. Đương nhiên, ông cũng từ
chối trả lời câu hỏi rằng ông là một nhà văn hậu thuộc địa hay một nhà văn thế
giới (world literature, hay văn học thế giới, tạm hiểu là sự lưu hành các tác
phẩm văn học ra bên ngoài quốc gia xuất xứ của chúng).
Trong cuốn “Memory of Departure”, một cậu
bé nông thôn đến thành phố Nairobi tìm ông bác đòi lại món tiền ông ta còn giữ
của mẹ cậu, nhằm để ly thoát khỏi cuộc đời cùng quẫn ở quê hương, cuối cùng tiền
không đòi được, lại bị đuổi đi vì tình yêu với cô con gái ông bác, cậu bé lại
ra đi. Cậu lên một chuyến tàu giữa Bombay và Madras, và trên tàu, cậu biên một
lá thư cho cô gái cậu yêu, trong đó câu cuối là: "Tôi mơ về em, tôi nghĩ về
em miên man. Tôi không bao giờ biết nó lại như thế này, thật tốt đẹp mà cũng thật
đớn đau. Hãy nói cho tôi biết bấy lâu nay tôi chưa từng biến mất khỏi suy nghĩ
của em. Tôi không thể đợi được tới lúc được quay về bên em."
Đó cũng là câu cuối của tác phẩm, và có
lẽ nó đã nói lên rất nhiều về thứ phức cảm được tạo ra trong sự va chạm giữa những
nền văn hóa, những nền văn hóa mà như đã nói, như hai kẻ khác loài vướng vào một
cuộc tình bị nguyền rủa, vừa tốt đẹp mà cũng thật đớn đau, tốt đẹp trong sự mộng
tưởng về nhau, đớn đau trong hiện thực hủy diệt.
Nhưng ngay cả kết luận ấy cũng chỉ là một
nỗ lực quy giản gần đúng nhưng còn lâu mới đúng. Nói về Abdurazak Gurnah, có lẽ
chỉ một câu là đủ: "Tôi là một cái gì đó rối rắm". Có lẽ chỉ câu ấy
đúng.
HIỀN TRANG