Cuộc đời ngắn ngủi và sự nghiệp thơ đang dang dở núi vơi sông đầy còn ngắn hơn, chưa hẳn đã là yếu tố thứ nhất gây cho người ta cảm giác được đốt một lư hương trầm tưởng niệm lặng lẽ. mà cái chính yếu là vỏn vẹn chưa đầy hai chục bài thơ ấy đã gây mê cho người đời, làm họ lạc giữa những thời đại thi ca từ cổ điển đến một quá khứ gần và hiện tại lại xa.
Giọt
nước thầm giữa
những thời đại thi ca
KHUẤT BÌNH NGUYÊN
“Buồn
chảy qua rêu giọt nước thầm”. Câu thơ này Thâm Tâm viết vào năm
1940. Trong bài Không đề. Ám ảnh tôi
không biết tự bao giờ. Có nhẽ từ nửa sau năm 1988. Khi tập Thơ Thâm Tâm được Nhà xuất bản Văn học in lần đầu tiên gồm 18 bài
thơ và hai phụ lục. Cũng có thể khi bộ phim tài liệu Nhớ Thâm Tâm được công chiếu trên truyền hình vào dịp kỷ niệm 50
năm ngày mất của ông dạo năm 2000. Cuộc đời ngắn ngủi và sự nghiệp thơ đang
dang dở núi vơi sông đầy còn ngắn hơn,
chưa hẳn đã là yếu tố thứ nhất gây cho người ta cảm giác được đốt một lư hương
trầm tưởng niệm lặng lẽ. mà
cái chính yếu là vỏn vẹn chưa đầy hai chục bài thơ ấy đã gây mê cho người đời,
làm họ lạc giữa những thời đại thi ca từ cổ điển đến một quá khứ gần và hiện tại
lại xa. Thơ Thâm Tâm như giọt nước thầm nhỏ bé không ồn ào mà long lanh đến thế
giữa đêm tháng Chạp sương giăng tan vào ánh trăng nghe các thời đại thi ca rủ
nhau đi trong trời những tám hướng sương mà người thi sỹ đã ròng đêm đứng thắp
mẩu tầm hương không hồng được nữa hồi năm 40 của thế kỷ 20.
Thâm Tâm sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917 và mất ngày 18
tháng 8 năm 1950. Dưới chân đèo Mã Phục, bản Pò Noa huyện Quảng Uyên – Cao Bằng,
nơi mà từ ngày 29 đến 30 tháng 7 năm 1950, Nguyễn Huy Tưởng cũng đi qua và ghi
lại là: đèo cao ngất, lởm chởm đá để
ngày 8 tháng 8 năm 1950 cũng dừng lại Pò Noa, nơi bản xa Thâm Tâm đã nằm xuống
vĩnh viễn sau đấy 10 ngày. Ông quê gốc ở Hải Dương.
Năm 1938, khi Thâm Tâm 21 tuổi, đã cùng cha mẹ, các em
gái và vợ lên Hà Nội. Ở lại Nhà Diêm. Nay không còn tên địa danh này nữa. Có
người bảo ở khu vực Ô Cầu Dền. Trong bài thơ Tráng Ca viết 1944 theo kiểu tập Kiều, Thâm Tâm kể lại vận hạn thời
cuộc cũng là vận hạn nhà mình. Sinh ta
cha ném bút rồi. Rừng nho tàn rụng cho đời sang xuân… từng nơi cơm trấu, áo rơm. Mưa xuân nhuộm tái mấy cơn mặt vàng. Kìa kìa
lũ trước dòng sau… Họ nương tựa vào nhau trong cảnh bần hàn. Mấy em gái sống
về nghề đóng sách mướn cho các nhà xuất bản.
Kiếm ăn chật vật. Thâm Tâm vừa viết báo, viết văn kiêm
luôn thợ đóng sách. Vũ Bằng kể: Được đồng
nào Thâm Tâm chỉ mang về cho gia đình một ít, còn lại phải thù tiếp trả lại anh
em. Trong nhà ít khi đủ tiền tiêu. Nhưng không bao giờ than thở với ai. Một
lần bí tiền quá, Thâm Tâm buộc phải đánh tiếng vay Vũ Đình Long, chủ bút báo Tiểu thuyết thứ bảy – là tờ báo Thâm Tâm
đang viết giúp. Long chẳng những từ chối mà còn bảo: Không nên vay thì hơn. Thâm Tâm đứng phắt dậy. Móc túi còn bao
nhiêu mời anh em đi uống rượu hết. Bữa đó Thâm Tâm uống thật say. Tô Hoài bảo:
Nhóm áo bào gốc liễu chỉ 5 người nhưng
có tới 3 hũ rượu: Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Đinh Hùng. Một bữa, nhóm này làm thơ
xướng họa theo kiểu liên ngâm Ngô sơn vọng
nguyệt ở làng Canh. Hồi đó thuộc tỉnh Hà Đông. Thâm Tâm góp 2 câu đều về rượu
cả: Rượu say còn lắng trăng mờ. Tiệc sau
e bóng người thơ lạc loài và Tiệc tàn
đến chén con con. Năm năm vẫn nhớ trăng tròn đêm nay. Nghĩ lại thời đó, thi
sỹ ai cũng có lúc như thế và không phải lúc nào cũng bí tiền. Quan thanh tra Sở
hỏa xa Đông Dương cung đường Vinh – Na Sầm – tên nhà ga cuối cùng của đường sắt
ở miền biên ải Lạng Sơn, thi sỹ đời vắng em
rồi say với ai Vũ Hoàng Chương hồi năm 1940 bán tập Thơ Say được 1000 đồng bạc Đông Dương. Có thể mua nổi một ngôi nhà
nhỏ ở vùng chợ Hôm. Có cửa hàng hẳn hoi.
Lúc này Thâm
Tâm mới bắt đầu tả xung hữu đột trong làng báo làng văn. Còn Nguyên Hồng, cũng
chừng đận ấy 2 năm phải ôm lậu muối từ Phòng về Hà Nội kiếm được một chuyến bằng
tiền nhuận bút 4, 5 truyện ngắn được đăng. Vậy mà, theo lời thi sỹ Đinh Hùng: Thâm Tâm cùng với Phạm Hầu, Vũ Hoàng Chương,
J.Leiba và một số thi sỹ khác đương thời đã nói được phần nào cái bâng khuâng lớn
của thời đại. Vũ Bằng bảo: Thâm Tâm là người đa bất mãn hoài. Lì lì không
nói. Bao nhiêu oán hận, tủi hờn đều gói ghém vào trong các bài thơ tuyệt diệu.
Cách mạng tháng 8 bùng nổ, Thâm Tâm bước ra khỏi cuộc
đời sương giăng tám hướng thuở trước để hòa mình vào cách mạng.
Tạp chí Tiên
Phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam do Trần Huy Liệu làm chủ
bút, số đặc biệt 15-16-17 ra ngày 19 tháng 8 năm 1946, Thâm Tâm cho đăng bài
thơ Mùa Thu mới cùng dịp với Tình khoai sắn của Tố Hữu v.v.. Tiếp
theo Tạp chí Tiên Phong số 18 đưa tin
Hội Văn hóa cứu quốc đã xuất bản sách thơ của Thâm Tân. Ngày 12, 13, 14 tháng
10 năm 1946 Văn hóa cứu quốc đại hội toàn quốc lần thứ 2 (sau khi thành lập năm
1943 và đại hội lần 1 vào tháng 9/1945) tại Hà Nội trong tình thế đất nước đang
ngàn cân treo sợi tóc bởi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thâm Tâm tham gia
hội nghị này đã cùng nhiều văn nghệ sỹ khác ký vào Tuyên ngôn 13/10/1946 kêu gọi
văn hóa thống nhất phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân loại.
Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ngày 3 tháng 11 năm 1946 ghi Nguyên Hồng bảo Tưởng và Thâm Tâm là hai con
mõ già của văn hóa cứu quốc. Thời gian trôi đi thật gấp gáp. Vào đầu tháng
4 năm 1949, hội nghị đầu tiên về văn nghệ bộ đội được khai mở. Chính trị Cục
trưởng quân đội Văn Tiến Dũng chủ tọa. Thâm Tâm cùng với Trần Độ và Chính Hữu
được ngồi ghế chủ tịch Đoàn. Tỏ rõ thi sỹ của chúng ta trưởng thành như thế
nào. Ngày 12 tháng 9 năm 1949, Thâm Tâm phát biểu về văn thơ bộ đội. Ông vạch
ra một cách thuyết phục và dũng cảm đúng như bản chất con người ông,
Thâm Tâm cho là
loại thơ anh hùng của cán bộ, hình ảnh tưởng tượng, lời văn mĩ miều không được
bộ đội hoan nghênh. Trái lại họ thích những bài thơ hợp với đời sống, ở bộ đội mà ra vì bộ đội mà có. Ảnh hưởng
đến bộ đội rất mạnh. Dường như Thâm Tâm đang ở vai trò từ thực tiễn của đời sống
kháng chiến đang còn vô cùng khó khăn giữa vòng vây địch, nói lên điều thật cần
thiết. Đó cũng là bản lĩnh của một người trong cuộc tự nói về mình. Tiếc thay
chỉ sau hội nghị này 11 tháng, khi mà Thâm Tâm chưa kịp làm được những điều tâm
huyết đã nói ở trên, ông đã ngã xuống như một người lính trên đường đi Chiến dịch
biên giới 1950 mà lúc đầu trận đánh mở màn định ở N5 – Thị xã Cao Bằng. Người
ta nói rằng đến bây giờ phần mộ của ông vẫn chưa được tìm thấy sau khi đã quy tập
về nghĩa trang liệt sỹ huyện Quảng Uyên. Chiến tranh biên giới sau đấy 30 năm –
1979 đã phá nát nốt những gì ghi lại được về mộ chí của người thi sỹ. Cuộc đời
ông như giọt nước thầm rơi xuống giữa bạt ngàn rừng già im tiếng miền biên viễn
phía Bắc. 71 năm nay chẳng ai còn gặp được ông nữa.
Những người cùng thời vàng son một thuở - Vũ Bằng,
Đinh Hùng, Nguyên Hồng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Huy Tưởng … cũng không còn bóng
dáng một ai nói gì đến giọt nước thầm kia đã rơi trong bao nhiêu sương gió của
đời người. Đỗ Phủ khi Mộng Lý Bạch đã
viết Thiên thu vạn tuế danh. Tịch mịch
thân hậu sự. Nghĩa là Danh tiếng để lại muôn đời. Nhưng đó chỉ là việc lặng
lẽ khi đã chết mà thôi.
Đời thơ Thâm Tâm có 18 bài. 9 bài viết năm 1940. 1 bài
viết năm 1943. 4 bài viết năm 1944. 2 bài viết năm 1948. Có hai bài không ghi
năm sáng tác. Có lẽ làm trước 1945. Dù thế. Như là sự giao thoa các thể loại
thi ca của nhiều thời đại cộng lại. Ba bài lục bát và 1 bài pha một chút song
thất lục bát. Gợi đến truyền thống thơ dân gian đã in mái đình bến nước lên rơm
rạ lều tranh Việt Nam. Lại có 3 bài hành
vốn là thể thơ từ thơ ca cổ điển phương Đông truyền lại. Một thể thơ phóng
khoáng về lời thơ, câu chữ, độ dài hơn rất nhiều thơ niêm luật đời Đường. Đã có
đỉnh cao Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Trường can hành của Lý Bạch và đặc biệt
là Bất tiến hành, Trở binh hành, Sở kiến
hành của Nguyễn Du.
Trong khoảng 10 năm làm thơ của Thâm Tâm gọi là ngắn
mà thực không phải ngắn. Năm 1940 đã là một nửa đời thơ. Thơ Thâm Tâm không ít
chút nào. Hoài Thanh làm quyển Thi nhân
Việt Nam 1941 đã kịp thời đưa Thâm Tâm vào hàng ngũ 44 nhà thơ của một thời
đại mới trong thơ với một bài thơ duy nhất – Tống biệt hành đã nghiêng ngửa một trời thơ, sánh ngang với nhiều
nhà thơ tài danh khác xuất hiện trước đó những mấy năm, khi mà 1936 đã là năm
Thơ Mới thắng cách biệt thơ cũ. Sau này, sang đến thế kỷ 21, người ta còn xếp Tống biệt hành là một trong số 100 bài
thơ hay nhất thế kỷ 20. Hoài Thanh trang trọng viết năm 1941: Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác với
thơ thất ngôn cổ phong. Tống biệt hành lại thấy sống lại cái không khí riêng của
bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc… đượm chút
bâng khuâng khó hiểu của thời đại.
Đọc thơ Thâm Tâm tôi như đi giữa những thời đại thi
ca. Cảm giác này lại không có khi đọc Mùa
cổ điển của Quách Tấn năm 1941. Mặc dù Mùa
cổ điển phần lớn viết theo thể thơ niêm luật nghiêm ngặt đời Đường. Quách Tấn
đêm thu nghe quạ kêu khiến tôi những
tưởng là Trương Kế trong Phong kiều dạ bạc.
Cũng nghe thấy tiếng quạ kêu giữa đêm trăng thu sương thấp thoáng nguyệt mơ
màng ở bến Phong Kiều. Đâu là Trương Kế và Quách Tấn đây?
Thơ Thâm Tâm hay và thành công nhất có thể kể đến 5
bài. Tống biệt hành 1940, Vạn lý trường
thành 1940, Can trường hành 1944, Vọng nhân hành 1944, và Chiều mưa đường số
năm 1948. Trong đó, Tống biệt hành
trang trọng xếp Thâm Tâm vào đội ngũ thi sỹ Phong trào Thơ Mới (1930 – 1945). Với Chiều mưa đường số 5 ông vững tin bước vào thi đài thi ca kháng chiến
chống Pháp.
Cảm hứng chủ đạo thơ Thâm Tâm trước năm 1945 là nỗi
day dứt và ưu tư thời cuộc. Một hiện thực đầy bức bách khi thấy hoa gạo hôm nay
rụng với chiều mà cành khô xác nứt như kêu cứu. Rừng đời lạc lối ra. Cảnh bán
hoa đào đến nỗi phố đỏ trưng một thời vang bóng mà ngậm ngùi lệ thấm nỗi đau
trinh bán một giờ. Mẹ bán con thơ. Trai cùng đường bán thân cao trọng – Một xã
hội vạn linh hồn đang dạm bán mua. Hiện tại đẩy người ta vào hoài niệm cõi xưa
như bị vây bọc vạn lý trường thành mấy tầng đổ nát mấy tầng hoang. Đây nơi cửa ải
xa cửa ải gần chỉ thấy bóng nhàn nhạt đám tàn dân với bao nhiêu huyết hận. Ta
tưởng yên tĩnh sống trong khung cổ. Nào ngờ vụt tiếng kêu vang nhắc nhở của hiện
thời. Cái hiện tại bảo người phải đi mà chẳng biết đi đâu? Chỉ biết đã đi là phải
đi Ngược gió. Dường như toàn bộ cảm hứng
thi ca của Thâm Tâm đều dồn đến chỗ phải Tống
biệt hành? Lý giải từ trong vận động nội tại của cảm xúc thi ca vì sao phải
đến được Tống biệt hành một cách đầy trắc ẩn bâng khuâng đến thế, một khát vọng
bị dồn nén mà chưa có đường ra. Dù biết phải lên đường.
Bởi thế, thi ca Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 xuất hiện
dòng thơ trượng phu tráng sỹ như một thể hiện của tâm thế thời đại. Có 5 thi sỹ
để ý đến người trượng phu và họ mang đến diện mạo mới cho nhân vật này với cảm
hứng thơ đậm chất yêng hùng, hứng khởi và kiêu bạc. Nếu Huy Thông trong Tiếng địch sông Ô 1935 đã cầu cứu lịch sử
để nói về tâm trạng của mình, nói như Hoài Thanh phác họa Hạng Tịch theo hình ảnh
của người thiếu niên khao khát yêu đương và rất lễ phép với đàn bà mà làm nên
người hùng trong mộng tưởng thì tình yêu của chàng trai lãng mạn thời hiện đại
đâu có buồn giống với cái buồn cách mấy nghìn năm của cổ sử nước Tàu? Nhưng sau
ngày 22 tháng 12 năm 1944 đã có hình mẫu mới cho người tráng sỹ thời hiện đại?
Vì thế năm 1947 khi Huỳnh Văn Nghệ viết Nhớ
Bắc, người tráng sỹ rõ ràng là của thời nay – những người lính Vệ quốc đoàn
Nam tiến mang hùng khí của chiến binh Đại Việt Từ buổi mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Cùng được hưởng cái may của thời cuộc mới, năm 1948,
Quang Dũng và Chính Hữu mô tả anh Vệ quốc đoàn Tây Tiến và hẹn Ngày về
khi phía sau cả đô thành bốc lửa thì dù có tả Áo bào thay chiếu anh về đất, Sông Mã gầm lên khúc độc hành hay những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng, hồn
mười phương phất phơ cờ đỏ thắm, rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm vẫn nhận
ra anh Vệ quốc đoàn áo trấn thủ ngang tàng trong những vần thơ mang dấu ấn cổ
thi. Thâm Tâm không có cái may mắn đó. Với 3 bài hành đều viết trước
22/12/1944, Tống biệt hành 1940, Can trường
hành và Vọng nhân hành khoảng giữa 1944 Thâm Tâm cho ta thấy một mẫu người
trượng phu tráng sỹ của thời hiện tại đang khao khát vùng dậy mà chưa vùng lên
được.
Nếu Lý Bạch viết bài hành về một địa danh là đất Trường
Can thì Can trường hành ở Thâm Tâm mô
tả tâm trạng, dũng khí gan góc không sợ hiểm nguy, can trường của người trượng
phu thời hiện đại nhưng là một sự phiếm du của thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy. Nước mạnh như thác, Một con thuyền. Ta
lênh đênh hoài sầu biết mấy. Vọng
nhân hành kể về một lứa giang hồ mắt xanh, mày gươm nét mác, chí tung hoành
ở đất lớn Thăng Long. Nhưng ở đây đã có một bước tiến so với Huy Thông. Đã có sự
rạch ròi giữa hiện tại và quá khứ khi Thâm Tâm một lần nữa nhắc lại sông Hồng:
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hồi”.
Tống
biệt hành tiêu biểu nhất cho đời thơ Thâm Tâm. Tống biệt hành dùng thể thơ hành và sử dụng
triệt để bút pháp rất đặc trưng của mỹ học phương Đông trong thi họa là các cặp
đối xứng làm nên sự công phá mạnh mẽ của thơ, tạo nên sự chân hòa và cân đối giữa
chân và ảo, dựa trên nền tảng cảm hứng chủ đạo về vẻ đẹp kiêu bạc của người
tráng sỹ ở buổi lên đường coi thường hiểm nguy bởi khát vọng tang bồng – Sự đối
lập giữa không có sông mà có sóng. Không bóng chiều mà đầy hoàng hôn. Con đường
nhỏ mà chí lớn. Người với người ấy là một hay là hai. Một gia đình và một dửng
dưng. Chiều hôm trước – giờ mùa hạ sen nở nốt…
Lúc đầu người ta cứ tưởng có 5 nhân vật: Người đi thực
(tráng sỹ), người tiễn, mẹ, chị gái và em. Nhưng thực ra chỉ có 4 người thôi.
Người đi tiễn là Thâm Tâm, mẹ, chị và em nhỏ. Không có ai là người đi cả. Thâm
Tâm tống biệt chính mình. Ông dựa vào người trượng phu giả tưởng để nói về
chính mình, về tâm trạng của chính ông, khao khát lên đường của tráng sỹ đi tìm
lý tưởng của đời mình mà thực tế chưa lên đường được. Cái đặc sắc của bài thơ ở
trạng thái có mà không có. Bâng khuâng mà bức bách. Sự tống biệt trong tâm trạng
ấy tạo được âm hưởng lạ lùng vừa dồn nén đến cùng vừa khao khát khôn nguôi làm
nên cái mở đầu chống chếnh Đưa người ta
không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng. Để kết thúc là những
câu hỏi, là sự ngỡ ngàng tưởng như buông xuôi của những thà như:
Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Một nhà hình pháp học hỏi tôi: Em ở đây là trai hay là
gái? Tôi thì nghĩ có lẽ là gái vì đôi mắt
biếc, vì gói tròn thương tiếc chiếc
khăn tay, phù hợp với cảnh và người. Đọc Tống biệt hành, người ta như lạc vào những thời đại thi ca cả trong
lối nói, nhịp điệu đến sự trúc trắc của những đoạn thơ muốn ra mà không được.
Mãi đến đầu những năm 1970, Thanh Thảo mới để người ta yên tâm tạm biệt người
tráng sỹ đầy day dứt ấy bởi Bài ca ống
Coóng giờ vẫn chưa chưa phải là lúc cũ mèm.
Chiều
mưa đường số 5 là bài thơ thành công nhất sau 1945. Trước
đó Thâm Tâm đã viết lục bát Mùa thu mới.
1946, Căm thù. 1948 và diễn ca về cuộc
kháng chiến miền Nam. Đã thấy không khí tươi vui Trái hồng trĩu xuống cây rơm. Sáng nay mùa cốm dậy thơm đầy làng.
Chàng tráng sỹ trong Tống biệt hành hình
như đã vào Vệ quốc đoàn. Đêm nay ta gối đầu
lên súng. Trằn trọc nằm nghe máu nóng căng đầy. Và có cái gì rậm rịch của
nơi xưa không có sông mà có sóng. Cái gì
đấy – xóm làng ơi. Đội quân biệt động xa xôi mới về. Trượng phu tráng sỹ hồi
1940 còn bức bối can trường không biết lối ra thì sau 3 năm kháng chiến đã bước
trong reo cười của mẹ, của chị, của em thuở trước.
Đâu rồi “nhình” với “a”
Tiếng cười reo khúc khích
Đón chiến sỹ quay về
Sau trận đi phục kích
Chiều mưa giã gạo mau
Chầy tập đoàn thình thịch
Mẹ già không còn cam phận thà như chiếc lá bay nữa mà nước mắt rân rân ngày bộ đội hành quân.
Chiều mưa đường số 5 là một trong số
ít bài xúc động về tình quân dân nơi núi rừng chiến khu Việt Bắc. Bếp nhà sàn
gây ngọn lửa trong mưa rét. Lời thơ giản dị mà tình ý thiết tha vây bọc bởi chiều
mưa nơi đất tề sông quạnh vắng … Một thời đại thi ca bắt đầu như thế đấy. Không
phải ngẫu nhiên nhiều hợp tuyển thi ca Việt Nam hiện đại có lúc chọn Tống biệt hành. Có khi chọn Chiều mưa đường số 5. Hai bài thơ như là
điểm ngời sáng cho 2 thời đại thi ca ở Thâm Tâm.
Thơ Thâm Tâm như giọt nước thầm rơi xuống giữa dòng chảy
bất tận của những thời đại thi ca. Ông là gạch nối làm nên ví dụ về sự liên tục
của phong trào Thơ Mới (1930 – 1945) và Thơ kháng chiến chống Pháp. Ở Thâm Tâm
có sự kết hợp kỳ lạ giữa thi pháp của thi ca cổ điển phương Đông từ trong cảm
xúc, hình tượng và các thể thơ với thơ của thời hiện đại, trong một phong cách
riêng man mát hoài cổ của người hiện đại một mai cũng đã thấy xa rồi.
Vườn hoa Hàng Đậu ở về phía cửa Bắc thành Hà Nội. Bốn
mặt phố chạy quanh. Rìa phía đông nơi gặp nhau của 6 con đường tự dưng thấy một
tháp nước tròn bằng đá giông giống những pháo đài ở châu Âu cổ xưa đã bị bỏ
quên. Nó được xây dựng từ 1894. Một trong số nhiều hiện hữu của Hà Nội thầm lặng
giao thoa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ước gì, một ngày nào đó, giữa vườn
hoa ấy, các tráng sỹ của Tống biệt hành
trở về. Thâm Tâm, Trần Đăng, Nam Cao, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Lê Anh Xuân,
Nguyễn Trọng Định… Tất cả đều hóa đá cẩm thạch trắng viền vàng đứng bá vai
nhau.
Nhìn vào đường
Lý Nam Đế - ngay phía trái tọa lạc trụ sở báo Quân đội nhân dân – hậu duệ của
báo Vệ quốc đoàn, nơi Thâm Tâm làm thư ký tòa soạn, đã ngã xuống giữa mùa chiến
dịch. Dưới chân họ, ai đó viết vội một dòng chữ nhỏ màu nâu nằm nghiêng trên mặt
cỏ vốn rất nhiều vô thường và mong manh. Thi
ca không có quá khứ. Không có hiện tại. Và cũng không có tương lai. Người ta gọi
đó là thơ không tuổi. Nó hòa tan ba cái không có ấy vào một đơn vị thời gian.
Cuối Thu 2021