Thứ năm 18/11, cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” tổ chức tổng kết và trao giải tại Hội Nhà văn TP.HCM. Tập sách tuyển chọn các tác phẩm từ cuộc thi cũng vừa được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam
- Mệnh lệnh đến từ trái tim
Mặc
dù diễn ra trong giai đoạn dịch COVID-19 có những diễn biến vô cùng phức tạp,
cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ
chức vẫn thu hút sự tham gia của đông đảo các tác giả chuyên và không chuyên
trên toàn quốc. Với sự cầm
cân, nảy mực của Ban Chung khảo gồm các nhà thơ uy tín như: Lê Minh Quốc,
Trương Nam Hương, Cao Xuân Sơn, Đinh Thị Thu Vân và Lê Thiếu Nhơn, cuộc thi đã
tìm ra được chủ nhân của các giải thưởng gồm: 1 giải Nhất thuộc về Tự Hàn với
chùm thơ “Tưởng niệm”, “Có thể”, “Hẹn con sinh nhật mùa sau”; 2 giải Nhì thuộc
về Yên Khang với chùm thơ “Hãy nhẹ tay thôi”, “Viết cho đêm không ngủ”, Nguyễn
Thanh Hải với bài thơ “Đau mấy chỗ rách mái nhà”; 3 giải Ba thuộc về Lữ Thị Mai
với chùm thơ “Trong chuỗi ngày Sài Gòn”, “Tiếng Saxophone đêm tháng Bảy”, Đỗ Thế
Thượng với bài thơ “Má ơi” và Trần Ngọc Mai với chùm thơ “Chốt gác”, “Đôi mắt”.
Ngoài ra, còn có 5 giải Tư và 5 tác giả được trao tặng thưởng.
Với tiêu chí được quy định rõ trong
thể lệ: “Đó là những
sáng tác về con người, về cuộc sống, về vùng đất anh dũng, kiên cường, nhân ái,
bao dung... Các tác phẩm dự thi chú trọng việc phản ánh những đổi thay, phát
triển toàn diện của Thành phố Hồ Chí Minh và con người Thành phố Hồ Chí Minh
năng động, nhạy bén, hào sảng, trọng nghĩa tình. Những cảm xúc tự hào, mến yêu
cùng những dấu ấn sâu sắc đối với con người trong cuộc chiến bảo vệ tính mạng,
bảo vệ sự sống vượt qua đại dịch”, cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam thực
sự đã trở thành cầu nối để mỗi nhà thơ bộc lộ những cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm,
thổn thức về đất và người phương Nam. Qua đó, gắn kết những tâm hồn đồng điệu,
lan tỏa tình yêu quê hương đất nước và truyền tải những thông điệp sống lạc
quan, tích cực.
Mỗi bài thơ đoạt giải đều chở nặng tiếng
lòng của tác giả với cảm xúc chủ đạo vừa da diết buồn thương, vừa tràn đầy hi vọng.
Đó là hình ảnh “có người mẹ/ lặng lẽ tiễn con vào vùng dịch/ phấp phỏng lo
âu...” (“Bó hoa trên hàng rào phong tỏa”, Nguyễn Thị Tuyết Loan), là
“bánh mì Sài Gòn/ 0 đồng một ổ...” (“Trong chuỗi ngày Sài Gòn”, Lữ Mai),
là “Mưa nắng chắc đau lắm những chỗ rách mái nhà” (“Đau mấy chỗ rách mái
nhà”, Nguyễn Thanh Hải), là “Bác sĩ nằm mơ tay đang lấy mẫu” (“Chốt
gác”, Trần Ngọc Mai), là “tiếng xe cứu thương cứa vào từng góc phố” (“Viết
cho đêm không ngủ”, Yên Khang), là “Phố đau như mắc lời nguyền” (“Trời
mưa cho ướt phố buồn”, Đoàn Thị Diễm Thuyên), là “Khu nhà trọ, xóm nghèo, những
phận người đói rã” (“Chúng tôi không đào thoát”, Hương Thu), là “nghe dặt
dìu điệu Dạ cổ hoài lang...” (“Má ơi”, Đỗ Thế Thượng)...
Giữa mặt bằng chất lượng rất đồng đều ấy,
chùm thơ “Tưởng niệm”, “Có thể”, “Hẹn con sinh nhật mùa sau” của Tự Hàn nổi lên
với những dấu ấn đậm nét. Là một bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, Tự Hàn đã gửi
vào thơ những trăn trở, âu lo: “Có thể tháng Bảy này không cài được bông
hoa/ Khi mọi người bắt đầu nghĩ về loài sen trắng” (Có thể), những câu chuyện
buồn thắt thẻo về “người liệt sỹ trong thời bình có xác có thân mà không được
về đất mẹ” (Tưởng niệm) và những tâm sự đầy đắng đót, xót xa của người cha
đang làm nhiệm vụ: “sinh nhật này ba không về đâu con/ khu hồi sức chiều nay
trở gió” (Hẹn con sinh nhật mùa sau). Chẳng cầu kỳ về câu chữ, cũng không sắc
sảo về kỹ thuật, thơ Tự Hàn chạm đến niềm xúc động trong trái tim độc giả bởi sự
mộc mạc, giản dị và những trải nghiệm lắng đọng, chân thành mà có lẽ đó chính
là chiếc chìa khóa giúp anh chinh phục ngôi vị cao nhất cuộc thi.
Như vậy, cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất
phương Nam không chỉ là “dây cót” tinh thần thúc đẩy sự giao lưu, học hỏi và gửi
gắm nỗi niềm của các cây bút trên toàn quốc, mà còn góp thêm những tiếng thơ
chân thực, khắc khoải cho đời sống văn chương nước nhà vốn đang khá trầm lắng
do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức: “Dự phần cùng nỗi đau của
cộng đồng”
“Là Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi nên tôi
thường theo dõi tiến độ cuộc thi cũng như đọc hàng trăm bài thơ đã qua vòng sơ
khảo và được đăng trang trọng trên website “Văn chương thành phố Hồ Chí Minh”,
tôi nhận thấy những bài thơ đem lại cảm xúc cho độc giả là những tác phẩm được
viết bằng cả trái tim đối với những đau thương, mất mát mà con người gánh chịu
trong đại dịch, cũng như đã đồng cảm, sẻ chia và lan tỏa những giá trị nhân văn
mà không chỉ riêng người của đất phương Nam mới có được. Hiện diện cùng nỗi đau
và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút. Và khi đủ phẩm hạnh
dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và chia sẻ nỗi đau đó, đối với người
cầm bút, còn là mệnh lệnh từ “một siêu linh” nơi lồng ngực”.
Bác sĩ - nhà thơ Tự Hàn (giải
Nhất): “Điều trị nỗi đau thể xác và cả nỗi đau tinh thần”
“Khi đất nước đang căng mình chống dịch,
khi ngành Y đang làm tất cả để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người thì y đức,
tình thương, lương tâm, trách nhiệm của chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Tôi
làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Long Khánh (Đồng Nai).
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bệnh viện của chúng tôi phụ trách Bệnh viện dã
chiến số 6 và Khoa tôi chia quân số phụ trách Khoa điều trị COVID-19 nặng. Hằng
ngày, chứng kiến nỗi đau của người bệnh lâm nguy, tôi thấy mình cần có trách
nhiệm hơn. Mỗi thầy thuốc là một chuyên gia điều trị nỗi đau thể xác và cả nỗi
đau tinh thần. Với sự thấu hiểu và nhạy cảm, bên cạnh sự san sẻ, động viên xoa
dịu nỗi đau cho người bệnh thì thơ là nơi tôi gửi gắm niềm riêng”.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Hải (giải
Nhì): “Từ những âu lo...”
“Bài thơ “Đau mấy chỗ rách mái nhà” được
tôi sáng tác vào đầu tháng 7/2021, lúc đó Cuộc thi này chưa phát động. Tôi viết
về gia đình của người em tôi có người chồng đi cách ly do tiếp xúc F0. Vào thời
điểm đó, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, ở địa phương tôi (Cái Bè, Tiền
Giang) cũng đã tạm ngừng hết các hoạt động không thiết yếu, ai ở đâu ở yên đó,
tôi cũng được làm việc tại nhà. Vì vậy mà khi nghe tin tức về các trường hợp
lây nhiễm F0 xuất hiện rất gần, mọi người rất hoang mang, lo lắng. Là một người
cầm bút, tôi nghĩ mình cần phải ghi lại khía cạnh của “cuộc chiến” chống
COVID-19, thế là bài thơ ra đời. Tôi nghĩ trong văn nghệ sĩ, ai cũng vậy, ít
nhiều cũng có những sáng tác gì đó khi trải qua những ngày tháng dịch dã này”.
Nhà thơ Lữ Thị Mai (giải
Ba): “Chia sẻ những khó khăn, nỗi niềm chồng chất”
“Trong giai đoạn đầy khó khăn và thử
thách này, nhiều anh chị đồng nghiệp văn chương của tôi ở phương Nam phải đối
diện với COVID-19. Đã có những văn nghệ sĩ qua đời. Đã có nhiều người thân của
họ vĩnh viễn không về lại. Và còn biết bao người dân khốn khó trăm bề. Chùm tác
phẩm dự thi của tôi chứa đựng tình cảm với phương Nam nói riêng và cả nước nói
chung, trong đó có cả sự trăn trở, dằn vặt vì bản thân chưa làm được gì nhiều để
chia sẻ những khó khăn, nỗi niềm chồng chất ấy. Sau khi gửi chùm tác phẩm dự
thi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và viết thêm nhiều tác phẩm khác về cuộc sống
con người trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó có một bản thảo trường ca đã hoàn
thành và chờ dịp phù hợp để xuất bản”.
Đại úy - nhà thơ Trần Ngọc
Mai (giải Ba): “Viết về chính gia đình của mình”
“Đây là cuộc thi diễn ra trong hoàn cảnh
dịch COVID-19 bùng phát và gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh phía Nam mà Thành
phố Hồ Chí Minh là điểm nóng, là “chiến trường” khốc liệt nhất. Các tác giả dự
thi đã khắc họa rõ nét hình ảnh các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, lực lượng vũ
trang, những người xung phong đi vào tâm dịch... và cả những người Việt Nam ở
nước ngoài đang đau đáu hướng về quê hương. Chùm thơ được tôi sáng tác khi cả
gia đình đang điều trị tại bệnh viện dã chiến. Gia đình tôi có bốn người tham gia
tuyến đầu chống dịch. Vợ tôi là cán bộ Công an bị nhiễm COVID-19 trong quá
trình trực các chốt kiểm soát, hỗ trợ nhân dân... Những điều đó đã tạo nên ý tưởng
để tôi sáng tác, trong đó, “Chốt gác” là bài thơ tôi viết về vợ mình”.
TÔN NỮ
KHẢ DI (tổng hợp và thực hiện)
Nguồn: Văn Nghệ Công
An