Qua con mắt của Baudelaire, cõi nhân gian là cuộc chiến của loài người chống lại những xấu xa và giảm thiểu những bất hạnh của chính mình, để vươn tới văn minh cao hơn và hạnh phúc mong đợi.
Charles Baudelaire: Thi sĩ của những danh
xưng
PHƯƠNG KIM PHƯỢNG
Chỉ
năm, sáu năm được ở bên cha, ông đã kịp nhận được ở cha những gì quý giá nhất,
nhất là tình yêu nghệ thuật gần như vô điều kiện. Cho tới cuối đời, dù bận bịu
đến mấy, cha vẫn hay đưa ông tới thăm các bảo tàng, trong đó có bảo tàng mỹ thuật.
Các bảo tàng khơi gợi trong Baudelaire nhiều chiêm nghiệm về nhân tình thế
thái, đặc biệt là vai trò của văn chương nghệ thuật trong xã hội.
Không có cha, có lẽ không có nhà phê
bình nghệ thuật Baudelaire tầm cỡ và nhà thơ Baudelaire khổng lồ. Biết bao kỷ
niệm thân thương với cha, biết bao tình cảm nồng nàn từ cha, Baudelaire suốt đời
trân trọng. Như nguồn mạch của cảm xúc và suy ngẫm, như động lực của vượt khó
và sáng tạo!
Thế nhưng, mẹ có vẻ không nâng niu
chúng, và có phần xao lãng chúng quá nhanh! Vì vậy, mãi mãi, ông thầm không chấp
nhận sự hiện diện của cha dượng trong nhà ông, dù người này, quá “nguyên tắc”,
cũng thương quý ông đến độ. Mẹ là người ông yêu nhất trên đời. Nhưng tự đáy
lòng, ông không bao giờ tha thứ cho mẹ việc mẹ tái hôn có phần vội vã. Tính nghịch
ngợm quá đà có lẽ nảy sinh từ đó. Cho nên, dù học giỏi, có lần ông đã bị đuổi học.
Đủ tuổi trưởng thành, ông được trao phần
gia tài cha đẻ truyền cho, một món tiền không nhỏ. Ông liền chạy theo thời thượng,
bao người tình “đẳng cấp”, ăn diện ngất trời, mua sắm hàng hiệu, như tranh và
sách mua về, bọc bìa hoặc khung mới dát vàng. Cha dượng muốn uốn nắn để đưa ông
vào nền nếp. Từ giữa năm 1841, cha cho ông đi một chuyến dài trên biển, trong
10 tháng, từ Pháp tới Ấn Độ. Kiểu để ông thấy ngư dân và thủy thủ phải lao động
nhọc nhằn thế nào mới có miếng ăn.
Chuyến “du lịch” miễn cưỡng chỉ khiến
ông thấy bị xúc phạm. Sự thật, ông cao thượng và tế nhị. Qua sách báo mà ông đọc
nhiều, ông đã có nhiều nỗi đau đời. Một trong những nỗi đau đó là sự khốn khổ của
dân lao động. Cha dượng tưởng tinh thần độc lập trong cuộc sống của ông là một
mối đe dọa cho cả ông lẫn gia đình. “Hội đồng gia đình” được thành lập, một luật
sư giỏi được thuê để kiểm soát ngặt nghèo chi tiêu của ông. Ông ngấm ngầm oán
giận cha dượng.
Đến mức, năm 1848, ông tham gia cuộc
nổi dậy chống chế độ quân chủ được tái lập. Trên chiến lũy, nhiều lần ông hô những
chiến hữu: “Bắn bỏ tướng Aupick!” (cha dượng – cuối đời, thành đại sứ và nghị sỹ).
Cuộc nổi dậy thất bại. Một cuộc đảo chính do phe Napoleon III phát động, đã thắng
lợi. Đế chế thứ hai ra đời. Baudelaire không quá đau đớn vì chuyện đó. Thói đua
đòi không giảm, tiền cạn dần, ông phải lao động cật lực để qua ngày. Công việc
của ông là viết báo (chính yếu là nghiên cứu hội họa, văn học…) và dịch thuật.
Dĩ nhiên, ông chọn dịch tác giả đồng điệu. Ấy là nhà văn Mỹ Edgar Poe (1809 –
1849). Ròng rã 17 năm ròng, Baudelaire dịch tác phẩm của E.Poe ra tiếng Pháp.
Có chuyện bi hài thót tim: Ông gửi một
bản thảo quan trọng tới nhiều nơi, dùng dằng mãi, bản thảo thất lạc, phải dịch
lại toàn bộ. “Chất lượng rất cao của các bản dịch” khiến ông được người
Pháp coi là “dịch giả thiên tài”. Ông đã xây nên một tượng đài văn học nhân loại:
Nhờ ông, Poe, gần như vô danh ở Mỹ, chói lòa từ Pháp ra toàn thế giới, như một
nhà cổ điển độc đáo bậc nhất.
Uy tín của Baudelaire đối với hội họa
là đáng nể. Năm 1855, ở Đại triển lãm quốc tế, ông được phụ trách tổng kết mỹ
thuật toàn cầu. Quan điểm nghệ thuật của ông cho tới nay vẫn là chuẩn: Nghệ thuật
phải vì lợi ích lâu dài và sự cao quý của nhân dân, chứ không thể thực dụng, vì
cái lợi trước mắt. Xin ghi nhận: Dù luôn luôn thiếu thốn về vật chất, ông vẫn
chí nghĩa chí tình với bạn bè, vẫn hiếu thảo hết mực với mẹ, vẫn làm việc cần
cù với nhiều vật vã.
Trung tâm của sự nghiệp, ông không
những không quên mà bền bỉ đạt tới tột đỉnh. Trung tâm ấy là Thơ. Những bài thơ
“gây choáng” đầu tiên xuất hiện từ khi ông 17 tuổi. Sau nhiều lần “nâng cấp” và
đăng tải rải rác đây đó, tác phẩm để đời của ông, tập thơ “Những bông hoa của
cái xấu”, ra mắt ngày 21.6.1857. Một bài báo chỉ trích liền. Tức thì, Tổng kiểm
sát trưởng của Đệ nhị đế chế (Napoleon III) ra lệnh thu hồi tập thơ. Baudelaire
nhờ bạn bè lên tiếng bênh vực. Vô bổ. Một tháng sau, ông vẫn phải hầu tòa vì tập
thơ của ông “vi phạm đạo lý chung và thuần phong mỹ tục”. Ông khẳng định, nếu
nhìn nhận tổng thể, tập thơ của ông toát ra giá trị đạo đức lộng lẫy. Dù vậy,
ông vẫn bị phạt 300 franc (tiền Pháp), nhà xuất bản, 100. Muốn được phát hành,
tập thơ phải loại đi 6 bài – bị coi là “bẩn thỉu”! Đáng kinh ngạc, dư luận cho đó là một
bất công.
Năm 1929, bản án bất công được đề
nghị xét lại. Phe bảo thủ áp đảo. Tới 1946, việc xét lại vụ án vẫn không đi đến
đâu. Mãi ngày 31.5.1949, “Những bông hoa của cái xấu” được tuyên vô tội,
Baudelaire được phục hồi danh dự! Tám mươi bốn năm, sau khi ông nằm xuống! Xin
nhắc lại, Baudelaire không chịu đầu hàng. Năm 1861, ông ứng cử vào Viện hàn lâm
Pháp. Nếu trúng cử, ông được xem là người đáng trọng bậc nhất trong xã hội. Dĩ
nhiên, dự định không thành. Năm 1864, ông sang Bỉ, hy vọng giới xuất bản và
công chúng nước này sẽ lấy lại giá trị đích thực của sáng tạo tâm huyết nhất của
đời ông. Ông mở đầu bằng các buổi diễn thuyết về hội họa. Song, chúng đều thất
bại. Các bạn hết lòng giúp đỡ, ông nhất quyết “bám trụ”. Tuy nhiên, nhiều cú sốc
liên tiếp đã quật vào ông.
Đầu năm 1866, ông bị ngã khi tới một
nhà thờ. Rồi bị liệt toàn thân. Rồi bị bệnh mất ngôn ngữ. Trong nửa năm ông được
bạn bè chạy chữa ở Bỉ, một nhà xuất bản nước này đã công bố một bộ sách lớn,
trong đó “Những bông hoa của cái xấu” được in nguyên vẹn. Bệnh tình không giảm,
giữa năm 1866, ông được chuyển về Pháp. Cuộc “hấp hối” của ông kéo dài một năm
ròng.
Ngày đêm túc trực bên ông, ngoài mấy
bạn tri kỷ, là mẹ già của ông – người mà ông nhường gia tài bố dượng để lại cho
mình, người ông yêu thương và dày vò hơn tất cả, niềm vui duy nhất và nỗi ân hận
thường nhật của ông. Mẹ
càng hết lòng chăm chút ông, vì giờ mẹ đã nhận ra thiên tài của đứa con bất hạnh.
Phần nữa, một mệnh phụ thường xuyến tấu cho ông nghe những tác phẩm của Richard
Wagner (1813 – 1883), nhạc sỹ Đức mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Ngày 31.8.1867, ông được giải thoát
khỏi “Cõi đời… không chịu nổi”. Mộ ông được đặt bên cạnh mộ cha dượng (mất năm
1857). Một năm sau, Nhà xuất bản Michel Lévy, vốn nhất quyết từ chối tác phẩm của
ông, bắt đầu ấn hành “Toàn tập Baudelaire”, gồm 7 tập. Tiền bản quyền 1.750
franc, được trả một lần, là rất “khủng”.
Từ đó, Baudelaire nhận nhiều danh xưng ấn
tượng, ví như nhà thơ bị nguyền rủa, nhà cách tân số một, nhà cổ điển cuối
cùng, nhà hiện đại đầu tiên, thi sỹ có ý thức bậc nhất, con người tột cùng phức
tạp. Ông lọt vào nhóm “người của một cuốn sách” kỳ vĩ nhất… “Những bông hoa của
cái xấu” được liên tục tái bản. Là nguồn bất tận của nghiên cứu phê bình, nó được
coi là kinh thánh của thơ ca hiện đại, không ngừng hé lộ những vẻ đẹp mới cho
các thế hệ độc giả. Nó tổng hòa nhuần nhuyễn các loại thơ, tự sự và triết luận,
miêu tả và chiêm nghiệm,… Chung quy, nó đưa ra một cách nhìn nhận Cõi đời và sứ
mệnh của nghệ thuật có lẽ chuẩn xác và dễ được chấp nhận hơn cả.
Qua con mắt của Baudelaire, Cõi nhân
gian là cuộc chiến của loài người chống lại những xấu xa và giảm thiểu những bất
hạnh của chính mình, để vươn tới văn minh cao hơn và hạnh phúc mong đợi. Cuộc
chiến tất yếu đó vừa đau thương vừa anh hùng, vừa bền bỉ vừa chói lọi chiến
công. Dù gì, nó cũng là cuộc chiến đấu cao cả. Nó được “điều phối” và “nạp năng
lượng” bởi văn hóa, trong đó văn chương nói chung và thơ ca nói riêng là chủ lực.
Bất kỳ “mặt trận nào” của nó, dù nhỏ nhoi hay thầm lặng, đều phát lộ những vẻ đẹp
nhân bản đầy sức cổ vũ. “Những bông hoa của cái xấu” – Xin được hiểu như sau -
“Cái xấu” gồm hai nghĩa: Tội lỗi và đau khổ. “Hoa”: 1. hoa sinh vật; 2. hoa
nghĩa bóng, hoặc sắc thái (của nỗ lực hóa giải khuyết tật và đớn đau của loài
người).
Nguồn: Văn Nghệ Công An