Nếu trang viết của hai tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng và Đặng Thị Hạnh chuyên chở cả một cuộc đời thì với Lê Giang, bà chọn khai thác từng lát cắt. Nếu Gánh gánh… gồng gồngvà Cô bé nhìn mưamang đậm dấu ấn văn hóa về đất và người Hà Nội và Nghệ An, thì Lê Giang là “đại diện” của phẩm cách Nam bộ trong văn chương.


Những tác giả tuổi 90: Trang sách thấm thía giá trị đời người

LỤC DIỆP

1.

Trò chuyện với đạo diễn Xuân Phượng, bất ngờ khi nghe bà chia sẻ đã dành trọn mấy tháng “ở yên trong nhà” để viết hồi ký Ai bảo đi làm phim là khổ? Ở tuổi ngoài 90 (đạo diễn Xuân Phượng sinh năm 1929), bà vẫn minh mẫn viết bài trên máy vi tính, nhớ chi tiết từng kỷ niệm thời làm phim từ chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị), đi dọc Trường Sơn đến Lào, Campuchia… Trước đó, tác phẩm Gánh gánh… gồng gồng… (được trao giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM và giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020) cũng được bà hoàn thành ở tuổi 91. 



Nữ đạo diễn gạo cội bày tỏ, việc ngồi lại bên trang viết cũng là cách một người già vững tâm vượt qua đại dịch. Bà nói có thể phải thêm một thời gian nữa tác phẩm này mới hoàn thành, song bà đang cố gắng lưu giữ hồi ức từng ngày, viết và nhớ từng gương mặt trong đoàn từ quay phim đến thu thanh, lái xe… đã cùng nhau xông pha, trải qua cả những phút giây sinh tử…

2.

Ngay sau ngày thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam tái bản tác phẩm Cô bé nhìn mưa, tập hồi ký dày hơn 350 trang của tác giả Đặng Thị Hạnh (sinh năm 1930 tại Quỳnh Đôi, Nghệ An), con gái cố giáo sư Đặng Thai Mai. 

Có ông nội là cụ phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, ông ngoại là cụ cử Hồ Phi Thống, anh rể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chị em gái đều là giáo sư, phó giáo sư; bản thân tác giả cũng là phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, có nhiều đóng góp cho nghiên cứu văn học. Nói như vậy để thấy rằng, hồi ức “quê nội”, “quê ngoại” hay về thân bằng quyến thuộc trong tác phẩm đều không phải chỉ là câu chuyện của một cá nhân. Từ Cô bé nhìn mưa, có thể thấy một ngôi làng Bắc Trung bộ hơn nửa thế kỷ trước, một thế hệ trí thức Việt Nam cùng những giá trị lịch sử - văn hóa gần trăm năm trước; là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cùng những câu chuyện đời thường mà thiêng liêng với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người cha đã khuất…

“Tôi biết trí nhớ qua thời gian cũng có khi sai, nhưng khi tôi miêu tả ai đó hay cảnh vật nào đó, tôi thấy cảnh và người như còn trước mắt tôi, những giọt mưa rơi đuổi nhau trên sân nhà ông ngoại, mùi lá sen khô vào mùa thu trong khu vườn làng Yên Lộ, khi hoa đã tàn…”, bà Đặng Thị Hạnh chia sẻ. Bà kể rất chi tiết những kỷ niệm gia đình và cho thấy cách dạy con của giáo sư Đặng Thai Mai lúc sinh thời. Trong ký ức riêng tư ấy, còn có kỷ niệm về những ngày bà trở về nhà và dõi theo tin tức chiến dịch Điện Biên Phủ. Những trang viết có lúc chậm rãi, miên man kỷ niệm, khi gấp rút, đầy âu lo trong tâm trạng của hậu phương. 



Có những hồi ức cảm động về Bác Hồ: “Thỉnh thoảng Bác Hồ sang ăn cơm. Thế giới đã viết không biết bao nhiêu sách xung quanh người mà họ coi là một trong những gương mặt có sức hấp dẫn và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX, nhưng đối với tôi, bao giờ tôi cũng thấy Bác rất giản dị gần gũi, một con người dù đã đi khắp nơi trên thế giới, vẫn là một ông già có cốt cách phương Đông cao quý, từ những khổ thơ chữ Hán cấu trúc hoàn mỹ, đến xử sự hằng ngày. Vào bữa ăn, khi chị Hạ, cháu anh Văn, bưng bát canh đặt trước mặt bà cụ mẹ anh Văn, Bác đã đứng dậy sửa lại cử chỉ của chị: trước khi đặt bát canh nóng trước mặt người già, phải khẽ đặt bàn tay trên cánh tay của bà để báo hiệu…”.

Cuốn sách được chia làm ba phần từ Làng - Phố - Biển màu lục nhạt, đến Khu vườn mùa đông, Khúc đồng quê, Việt Bắc - những ngôi trường và những con đường và cuối cùng là Từ nhà trường đến nhà trường, Thập kỷ 80. Nhà văn Trần Hinh - nguyên giảng viên Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định: Tác phẩm là “một sự kết hợp giữa triết lý và thơ ca, sự cảm nhận cuộc đời qua tâm hồn của một cô bé, nhưng lại bằng trải nghiệm của một trí thức từng trải đã đi gần trọn thế kỷ cuộc đời”… 

3.

“Tuổi 90 viết sách” và khiến thế hệ sau phải ngưỡng mộ còn có nhà thơ Lê Giang (sinh năm 1930 tại Cà Mau, hiện bà cùng chồng là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đang sinh sống tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Bên cạnh những công trình biên soạn âm nhạc: Hát ru Việt Nam, 300 điệu lý quê hương, Hành khúc giải phóng, nổi bật còn có những tác phẩm bút ký, tạp văn của bà. Trong đó, Khói bếp không tan được Nhà xuất bản Trẻ in vào đầu hè năm 2021, khi tác giả ở tuổi 91. Một cuốn sách như trút cạn tâm tình cả đời vào trong nỗi thương nhớ về quê hương, tuổi thơ, những món ăn và yêu thương từ ký ức. 

Nếu trang viết của hai tác giả Xuân Phượng, Đặng Thị Hạnh chuyên chở cả một cuộc đời thì với Lê Giang, bà chọn khai thác từng lát cắt. Nếu Gánh gánh… gồng gồng…, Cô bé nhìn mưa mang đậm dấu ấn văn hóa về đất và người Hà Nội và Nghệ An, thì Lê Giang là “đại diện” của phẩm cách Nam bộ trong văn chương. Giọng văn như tâm tình, thủ thỉ mà thấm thía, se sắt đôi lúc làm cay mắt người đọc với “cái ơ kho quẹt” mùa cá chốt giấy, “căn bếp của má” và rau đồng, cá ruộng, tôm tép bến sông…



Đọc những trang viết của người đã đi gần trọn cuộc đời, cảm giác như được chìm đắm về không gian cũ, qua những thăng trầm lịch sử, thấm thía những giá trị đời người. Tìm thấy trong sâu thẳm lòng mình những điều xưa mà chưa bao giờ cũ, như lời tâm tình của bà Đặng Thị Hạnh: “Trong cuộc du hành của mỗi người trên trái đất, ngắn ngủi biết bao so với thời gian và không gian vô tận, nhưng vẫn có những thời điểm đánh dấu cả cuộc đời. Gần đây, tôi mới biết rằng có những cái rất xa xưa, tưởng như chết từ lâu, vẫn chỉ ngủ trong một nếp gấp nào đó của tâm hồn để đợi giờ thức tỉnh”... 

 

Nguồn: Phụ Nữ TP.HCM