Văn hóa về tổng thể là thấu cảm, tôn trọng, trung thực, khoan hòa để hướng tới một điểm cao quý nhất là Cùng tồn sinh trong tình yêu thương dung dị nhất.


Văn hóa và bản sắc

DẠ NGÂN

Em kể, đang có kế hoạch đi đến điểm B mà xe hư. Hỏi vài người bạn để mượn xe, không ai sẵn sàng (theo em là nếu muốn giúp, họ sẽ thu xếp được). Em tự đi mua phụ tùng để chữa xe, khi ấy có một chàng ở đó. Chàng ta hỏi vì sao thân gái phải đi mua thứ ấy thứ ấy, biết ra, chàng nói sẵn sàng cho mượn xe. Wow, kỳ lạ à nha, thiệt hôn? Hóa ra là một chàng Nam bộ Việt Nam, ngạc nhiên thêm và sau này chuyện ấy là một kỷ niệm của duyên.

Em đang học tiếng Việt Hà Nội, tiếng Việt Sài Gòn, có tìm hiểu thêm tiếng Việt xứ Quảng Nôm, đại loại thế. Yêu chàng Nam bộ thấp hơn mình gần 2 tấc, tủm tỉm hoài với giai thoại đũa lệch của xứ Việt Nam. Trong một lần chàng Việt nhập tông nàng Mỹ, chàng bị sốc văn hóa dù đã sống ở Mỹ mười lăm năm và tiếng Anh lưu loát. Là vì đến phần tính tiền, người của nhà em thản nhiên share, chàng rể tương lai cũng phải share ư, với dân Nam bộ, bao cả nhà nàng một bữa ăn, chuyện nhỏ!

Chàng bỏ ra ngoài, kệ em ấy với gia tộc thấm nhuần văn hóa share và share của em. Đó là một dấu mốc, không thi vị như vụ cho mượn xe, còn có tổn thương cho chàng hay không, người viết bài này không hỏi kỹ. Là vì sau đó họ cưới nhau và nàng dâu Mỹ viết cho chúng tôi một bức thư bằng tiếng Việt chỉ có mỗi một lỗi “Tuần trăng mật bọn em ngủ trong lều, trên đầu là những con sao”.

Em về Việt Nam nhiều lần. Quê chồng ngoại vi Cần Thơ, dân chúng còn đi cầu tõm. Em thích nghi một cách phi thường, không chê bai, không nhăn nhó. Em chỉ cười ha hả khi gặp vợ chồng tôi: “Nếu em bán vé để dân xem em ngồi cầu tõm chắc được khá tiền!” Em biết ấy không phải là sự khác biệt văn hóa để mà sốc, ấy chỉ là điều kiện sống do nghèo, do lạc hậu mà thôi. Ngay sau khi quay lại Mỹ, vợ chồng em đã gửi tiền về cho người bà con ôm bàn thờ ấy đủ xây một toilet khang trang.

Mang bầu, sinh con, nuôi con, chàng Nam bộ không có thói quen đỡ đần vợ mọi thứ, với em, ấy là cú sốc văn hóa. Những khi đem con về Việt Nam, điều em xót nhất (mà không thể nói ra) là khi các bà các cô các thím cứ đè em bé ra hôn hít. Nhưng em biết sự khác biệt ấy là do thói quen tưng tiu bé như búp bê, em để tự nhiên, em không phản ứng. Những lần sau bé không quá bé nữa, bé tụ né ra và mẹ con em đã ngồi xe ôm đi sâu vào vùng xa, nơi có người bà con của chồng mà em cần phải thăm, cần phải ở lại đó cho bà vui. Em quyến luyến nhất người phụ nữ nhiều tình thương này, tình thương đã xóa tan mọi khó chịu về chằm bặp kiểu nhà quê VN.

Một lần khác, em bé khi này đã nói được nhiều tiếng Việt, vừa cùng mẹ bước vào nhà tôi ở Hà Nội, đã nguây nguẩy “Con không chào bác nữa đâu!”. Vì sao? Mẹ nó cười ha hả “Vì đến nhà ai, mới vào cũng Con cháo bác, có bao nhiêu người thì bấy nhiêu câu, ra về cũng thế, nó nói nó chán cái câu đó”.

Theo tôi, chào hỏi kiểu Bắc ấy là văn hóa, là Lễ, là phạm vi lễ phép gần như bắt buộc. Đứa bé Mỹ ấy cũng từ văn hóa của nó mà nó thấy đấy là hình thức, “Vì sao không để nó cất tiếng một lần Con cháu các ông bà các cô các bác ạ, và khi ra về thì chỉ nên bye bye và một câu chúc có thể là Good night?”.

Một lần khác, khi ấy chúng tôi đã về Sài Gòn, hai mẹ con em đến. Em luôn muốn sống chỗ tôi khi về qua Sài Gòn cho dù căn hộ ngày xưa này ba phòng mà chỉ một toilet. Khả năng thích nghi của em dâu Mỹ luôn khiến chúng tôi khâm phục. Em nói em muốn được trò chuyện với anh chị, muốn ăn những bữa ăn Việt Nam, muốn và muốn. Lúc lên cầu thang bộ, tôi nhã ý giúp cháu bé chiếc va-ly của nó. Mẹ nó ngăn ngay, đừng chị, để nó tự xoay sở. Ấy là văn hóa, văn hóa nghiêm ngặt để con tự lực và độc lập.

Từ vài chi tiết với người bạn Mỹ ấy, nhân dư luận đang dậy sóng về Văn hóa và Lễ, (nhiều ý kiến thật sôi động và có không ít ý kiến quá khích, miệt thị nhau), tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng Đông và Tây luôn khác. Ngoài yếu tố tự nhiên, còn do tác động của tôn giáo hàng ngàn năm. Công giáo và Tin lành cắm rễ làm nên văn minh phương Tây, Khổng giáo, Phật giáo và Hồi giáo làm ra đặc điểm văn hóa phương Đông. Thích nghi như người phụ nữ Mỹ bạn tôi là tôn trọng sự khác biệt, ở họ có Lễ của người văn minh mà họ không chẻ sợi tóc ra làm tư để lý giải.

Chúng tôi thân nhau, hiểu nhau, bền bỉ với nhau được là do bản sắc và khác biệt. Nhưng, trên tất cả ấy là Văn hóa. Văn hóa về tổng thể là thấu cảm, tôn trọng, trung thực, khoan hòa để hướng tới một điểm cao quý nhất là Cùng tồn sinh trong tình yêu thương dung dị nhất.