Nghiêm Thị Hằng đã tìm tính cách nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua thơ, soi chiếu cuộc đời
thực, để lập lá số tử vi, khẳng định bà sinh ngày 13/7 Quý Tỵ, tức ngày
30/8/1773, mất ngày 14/8 Nhâm Ngọ, tức ngày 28/9/1822, tuổi mệnh 49.
Giải mã bí ẩn nữ sĩ HỒ
XUÂN HƯƠNG
THÁI SINH
Ngày 23/11 tổ chức UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh
danh hai danh nhân Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Nhân sự kiện này chúng tôi xin giới thiệu cuốn “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân
Hương” của nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng, người đã nhiều năm nghiên cứu về nữ
thi sĩ họ Hồ với rất nhiều bí ẩn đã được sáng tỏ...
Nữ phóng viên dấn thân vì công lý
Tôi và nhà thơ Nghiêm Thị Hằng cùng công tác với nhau ở
báo Nông nghiệp Việt Nam gần 20 năm. Tôi biết chị trước khi về báo Nông nghiệp
Việt Nam với nhiều bài thơ trong đó ấn tượng nhất là bài “Mùa hoa cải”, được nhạc
sĩ Lê Vinh phổ nhạc.
Là phóng viên thường trú mỗi năm về cơ quan 1-2 lần,
nên thi thoảng mới gặp nhau vào dịp cơ quan họp tổng kết. Tôi không thể ngờ một
nữ nhà thơ như Nghiêm Thị Hằng lại có những bài điều tra vô cùng công phu, lập
luận sắc bén. Vì thế, mỗi lần về cơ quan tôi thường ngồi với chị khá lâu trao đổi
về những bài viết được quan tâm.
Nhớ khi cơ quan báo đang ở 1059 Hồng Hà, hôm ấy là chiều
cuối năm, trời mùa Đông mưa và lạnh, tôi hỏi mọi người về chị sao không đến cơ
quan, Tổng Biên tập Lê Nam Sơn cười bảo tôi: Cô nàng đang ngồi hầu tòa về vụ án
Hoàng Kim Đồng, chắc muộn tòa mới tuyên...
Loạt bài viết của Nghiêm Thị Hằng về vụ án mạng do
Hoàng Kim Đồng gây ra, đã làm chấn động dư luận lúc bấy giờ, sau đó chị lại có
loạt bài điều tra về những việc làm khuất tất đất đai của Công ty ICC, dẫn tới
bị Hoàng Kim Đồng và Công ty ICC kiện báo Nông nghiệp Việt Nam và tác giả.
Tổng Biên tập Lê Nam Sơn là người rất bản lĩnh, ông đã tin phóng viên thì quyết
tâm bảo vệ phóng viên đến cùng. Khi vụ án kết thúc, ông cười bảo: Tòa xử nhố
nhăng, tớ vẫn tin là báo NNVN và bà Hằng đúng.
Trở lại vụ án Hoàng Kim Đồng, kể lại chuyện đi tìm bản
án do QK7 xử cách đó gần 30 năm, giữa một rừng hồ sơ vụ án, Hằng bảo: Chắc vì
Phương Lan- người bị Hoàng Kim Đồng sát hại đã phù hộ, nên có người giúp tôi
tìm bản án đó. Vì thế tôi tin vào tâm linh ông ạ. Sau 33 năm xẩy ra án mạng,
năm 2013 tôi đã giúp gia đình nạn nhân đòi được 250 triệu đồng bồi thường dân sự
của bản án 147HS2...
Tôi rất ngạc nhiên sao Nghiêm Thị Hằng lại lao vào những
bài điều tra vô cùng gai góc rất dễ bị trả thù và tai họa ập đến bất cứ lúc
nào? Trò chuyện mới thấy trong người chị ngút đầy ngọn lửa đi tìm công lý cho
những người yếu thế, khi họ chỉ biết dựa và mong báo chí nói nên sự thật nỗi uất
nghẹn trong lòng họ .
Vững một niềm tin
Tháng 12/2020, nhân kỷ niệm 75 năm báo NNVN ra số đầu
tiên, gặp Hằng tôi hỏi lại chuyện tìm mộ nữ sĩ mà dòng họ Hồ đã bó tay từ năm
2003, chị hào hứng nói: “Hình như có một vị Thiên sứ nào đó dắt tôi tìm hiểu về
nữ sĩ họ Hồ. Mới đầu tôi như lạc vào mê cung của vô vàn tài liệu, những câu
chuyện xung quanh nữ sĩ lắm trái chiều ...dần dần tôi tự tìm thấy đường đi...”
Tôi có cảm giác chị đi tìm hiểu về Hồ Xuân Hương nhờ
ngọn đèn tâm linh soi rọi. Nói vậy, sẽ có người cho đó là chuyện hoang đường,
nhưng tôi tin đây là môn khoa học không phải người nào cũng tiếp cận được.
Để viết “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, Nghiêm Thị
Hằng đã phải vận dụng tất cả vốn tri thức mình đã có, ngoài những tài liệu khảo
cứu còn phải biết Tử vi, Kinh dịch, Ngoại cảm...là các bộ môn "siêu thực".
Từ những bí ẩn về cuộc đời, gia tộc, tình duyên hôn
nhân, đến việc tìm mộ nữ sĩ đã được Nghiêm Thị Hằng “giải mã” bằng nhiều phương
pháp tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau, để dựng lại chân dung một nữ sĩ xinh
đẹp, tài ba mà đa đoan, đã về thế giới bên kia 200 năm, tưởng đã vĩnh viễn chìm
vào dĩ vãng bị phủ bởi nhiều lớp bụi của thời gian.
Bí ẩn về người cha nữ sĩ, theo giáo sư Trần Thanh Mại,
giáo sư Nguyễn Văn Trung và nhà thơ Trần Nhuận Minh… cho rằng cha của nàng là cụ
Hồ Sĩ Danh (1706-1783).
Giữa những ý kiến của những người nổi tiếng như vậy,
Nghiêm Thị Hằng tự tìm một lối đi khác để “soi chiếu” lại quan điểm của họ, chị
căn cứ vào Hồ Tông phả họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Nghệ An (biên soạn năm 1660) và gặp gỡ
hậu duệ họ Hồ, để có căn cứ kết luận: Hồ Xuân Hương là con của cụ Hồ Phi Diễn
(1703-1786), đậu Giám sinh năm 24 tuổi, dạy học ở Hải Dương, Hưng Yên, lấy vợ họ
Hà ở Bắc Ninh, sinh ra Hồ Phi Mai, chính là Hồ Xuân Hương, đồng thời chỉ ra dấu
tích phần mộ cha mẹ nữ sĩ ở nghĩa địa Đồng Táo, hiện chìm trong sóng nước Hồ
Tây.
Về thân thế mờ mờ, tỏ tỏ của nữ sĩ, nhiều nhà
nghiên cứu cho rằng Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 mất năm 1822, hưởng dương 50 tuổi.
Nghiêm Thị Hằng đã tìm tính cách nữ sĩ qua thơ, soi chiếu cuộc đời thực, để
lập lá số tử vi, khẳng định bà sinh ngày 13/7 Quý Tỵ, tức ngày 30/8/1773, mất
ngày 14/8 Nhâm Ngọ, tức ngày 28/9/1822, tuổi mệnh 49.
Còn Chiêu Hổ người xướng họa thơ Nôm với nữ sĩ
có phải là Phạm Đình Hổ không? Với phương pháp khảo thơ tìm sử, khảo sử tìm người,
thì Phạm Đình Hổ- Chiêu Hổ là một danh sĩ thời đó, một thầy đồ nghèo, sống mực
thước, thủy chung với vợ con, có chí lớn, người không thích chữ Nôm thì không
thể xướng họa thơ Nôm với Hồ Xuân Hương được.
Chiêu Hổ xướng họa thơ với nữ sĩ chính là Nguyễn Bình
Kình, (Đội Kình- Tổng Cóc), ông là người chồng đầu tiên của nữ sĩ. Lúc bé gia
đình gọi Nguyễn Bình Kình là Cóc, tên xấu xí cho dễ nuôi. Cậu Cóc vốn là cháu
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thành, nên còn gọi là cậu “Chiêu”, do sinh năm Hổ (Canh Dần
1770), nên nữ sĩ gọi là Chiêu Hổ.
Khi Hồ Xuân Hương trách Chiêu Hổ: “Anh đồ tỉnh, anh đồ
say/ Sao anh ghẹo Nguyệt giữa ban ngày/ Này này chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy
hang hùm chớ mó tay”, vốn ngang tàng và là người không phải vừa, Chiêu Hổ
đối lại: “Này ông tỉnh, này ông say/ Này ông ghẹo Nguyệt giữa ban ngày/ Hang
hùm vĩ bẵng không ai mó/ Sao có hùm con bỗng chốc tay? Nữ sĩ xưng “chị”
thì Chiêu Hổ xưng “ông”, sự đối đáp không vừa.
Từ chuyện xướng họa thơ đến chuyện tình của Hồ Xuân
Hương với Tổng Cóc qua thơ và giai thoại, Nghiêm Thị Hằng đã dựng lại mối tình
của hai người thật lãng mạn, như gương mặt xinh đẹp của nữ sĩ qua câu nói thì
thầm “Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi”. Sự
ngỏ lời ấy dẫn tới năm 1802 Tổng Cóc rước nữ sĩ về làng Gáp làm thiếp.
Do cảnh làm lẽ, Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên “Chém
cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”, cuộc tình giữa nữ
sĩ với chàng Tổng Cóc hào hoa dù lãng mạn đến mấy, nhưng cảnh chồng chung luôn
xảy ra ghen tuông, thì sớm muộn cũng đến lúc phải chia tay: “Chàng Cóc ơi,
chàng Cóc ơi/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đây
nhé/Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.
Nghi án Tri phủ Vĩnh Tường là chồng của nữ sĩ Hồ
Xuân Hương sau khi từ giã Tổng Cóc mà nhiều sách báo nói đến là Phạm Viết
Ngạn. Với nhiều cứ liệu khoa học, Nghiêm Thị Hằng khẳng định ông phủ Vĩnh Tường
chính là Tham hiệp Yên Quảng- Trần Phúc Hiển quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Nay tại
Tam Kỳ còn dấu tích ngôi mộ hai vợ chồng nữ sĩ. Nghiêm Thị Hằng đề nghị
Wikipedia sửa mã nguồn, giải “oan tình” cho “Bà Chúa thơ Nôm”.
“Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” là công
trình khoa học công phu mà Nghiêm Thị Hằng đã dày công sưu tầm, nghiên cứu dòng
dã suốt 3 năm, từ 2019 đến 2021. Tác phẩm dày 316 trang, chia làm 5 chương, 36
mục với 73 tài liệu tham khảo cùng hàng chục cuộc điền dã, hàng trăm trang ghi
chép.
Việc Nghiêm Thị Hằng "giải mã" những bí ẩn về
Hồ Xuân Hương như thế nào, những điều giải mã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về nữ
sĩ họ Hồ đã khuất bóng cách nay gần 200 năm, sẽ là điều rất bổ ích cũng như cần
sự tranh luận công khai của các nhà khoa học đã nghiên cứu và đang nghiên cứu về
Hồ Xuân Hương.
Nguồn: Nông Nghiệp Việt
Nam