Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – con trai của nhà thơ Bảo Định Giang, ở tuổi 66 được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Kiến trúc sư Nguyễn
Trường Lưu sinh năm 1955, là con trai của nhà thơ Bảo Định Giang (1919-2005).
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM năm
1980. Một số công trình tiêu biểu của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu có thể kể
đến Kho bạc Nhà nước, Đài truyền hình TP.HCM, Nhà thiếu nhi Quận 2, Hoàng Ngọc
Resort...
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu đảm nhận
cương vị Chủ tịch Hội Kiến trúc TP.HCM hai khóa liên tục gần đây, nhiệm kỳ
2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Đại hội Liên hiệp các Hội văn học
nghệ thuật TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 18/12 tại Hội trường Thành ủy
TP.HCM, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội
văn học nghệ thuật TPHCM, thay cho nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Kiến trúc cũng được mặc định là một ngành
nghệ thuật. Thế nhưng, tại Việt Nam, kiến trúc sư vẫn hoạt động mang tính khoa
học xây dựng nhiều hơn tính sáng tạo nghệ thuật. Một kiến trúc sư làm lãnh đạo
văn nghệ thì cũng là điều bất ngờ thú vị.
Sự tín nhiệm của giới văn học nghệ thuật
TP.HCM đối với kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu hoàn toàn có cơ sở đáng tin cậy từ
truyền thống kế thừa tốt đẹp. Bởi lẽ, cha của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu là
nhà thơ Bảo Định Giang cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học
nghệ thuật TP.HCM từ năm 1985 đến năm 1996.
Nhà
thơ Bảo Định Giang không chỉ là một tên tuổi trong đội ngũ tri thức cách mạng,
mà ông còn là tác giả của nhiều câu ca dao quen thuộc. Nhà thơ Bảo Định Giang có một cuốn sách có
tên gọi "Ca dao Bảo Định Giang", trong đó có hai câu nổi tiếng:
"Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".
Giờ đây, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu
nối nghiệp cha làm lãnh đạo văn nghệ. Tân Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học
nghệ thuật TP.HCM – Nguyễn Trường Lưu bày tỏ tấm lòng gắn bó của mình với đô thị
nhộn nhịp nhất phương Nam: “Quê tôi ở Tiền Giang, nhưng tôi sinh ra ở Hà Nội. Sống khoảng
mười năm ở Sài Gòn, tôi nói với gia đình nếu công việc ổn định tốt có thể tôi sẽ
ra Hà Nội sống. Nhưng giờ đây, có gì đó khiến tôi không xa được Sài Gòn. Tôi đã
quen với nhịp sống Sài Gòn, thậm chí đi đâu xa không nghe tiếng ồn cũng cảm
giác bị mất một cái gì đó. Rồi bạn bè cũng tạo cho mình cảm giác thân thuộc. Dù
muốn dù không, nơi đây đã cho tôi có ngày hôm nay, nên tôi biết ơn Sài Gòn”.
Nguồn: NNVN