Hôm nay, 13/12, người thân và khán giả đã tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang về nơi an nghỉ cuối cùng, trong không khí Hà Nội “thu rất thật thu là lúc chớm đông sang” và nỗi ngậm ngùi “thương lắm tóc dài ơi”.


Phú Quang đã trút hơi thở cuối cùng lúc 8h45’ ngày 8/12, sau 2 năm nằm trong bệnh viện. Nhạc sĩ Phú Quang không còn nữa, càng khiến người hâm mộ cảm nhận đầy đủ sức quyến rũ trong những ca khúc trữ tình mà ông dâng tặng cuộc sống mến thương.

Nhạc sĩ Phú Quang đã có quãng đời 72 năm trên dân gian thật trọn vẹn và đáng mơ ước. Sự giáo dưỡng nề nếp, sự trải nghiệp chiến tranh, sự đắng cay tuổi trẻ và sự nổi tiếng rộng rãi, sự phong lưu duyên nợ, sự lận đận tổ ấm... đều là những yếu tố cần thiết cho hành trình sáng tạo của Phú Quang. Ông không cầu toàn và số phận cũng không cho phép ông cầu toàn. Cái bất trắc và cái xô lệch cũng khiến âm nhạc của ông có những cung trầm thao thiết và run rẩy. Nhạc sĩ Phú Quang lại có đầu óc kinh tế vượt xa giới nghệ sĩ vốn mơ mộng gió trăng. Phú Quang tổ chức chương trình ca nhạc rất ăn khách. Phú Quang sản xuất băng đĩa bán chạy như tôm tươi. Thỉnh thoảng, Phú Quang làm những bộ lịch sang trọng đính kèm dăm bản nhạc, phát hành khá đắt hàng.

Nhạc sĩ Phú Quang là một gã trai Hà Nội hào hoa và đào hoa, nên bóng hồng vây quanh ông không thể kể hết. Mỗi mối tình thoáng qua lơ đãng có khi lại thành chất xúc tác để ông nảy nở những giai điệu bâng khuâng. Ba lần kết hôn chính thức của nhạc sĩ Phú Quang đều có dính líu đến nghệ thuật. Người vợ đầu tiên là nghệ sĩ Kim Chung, có chung với nhạc sĩ Phú Quang một con gái Nguyễn Trinh Hương (sinh năm 1975, đã nên duyên cùng nghệ sĩ Bùi Công Duy). Người vợ thứ hai là nghệ sĩ sáo flute Hồng Nhung, có chung với nhạc sĩ Phú Quang một con gái Nguyễn Giáng Hương (sinh năm 1982) và một con trai Nguyễn Phú Vương (sinh năm 1990). Người vợ thứ ba của nhạc sĩ Phú Quang là Trịnh Anh Thư làm việc ngành ngân hàng, nhưng lại là con gái của nhà văn Trịnh Đình Khôi.  

Nhạc sĩ Phú Quang tự hào mình là đứa con út trong một gia đình có 10 anh em, mà hai cụ thân sinh Nguyễn Phú Bình và Mai Thị Chi đều xuất thân nhà nho ham học. Ông thừa nhận chính tình yêu thi ca của bố mẹ đã giúp ông hình thành sở thích đọc thơ từ nhỏ. Đó là nền tảng để Phú Quang trở thành một nhạc sĩ phổ thơ trứ danh. Nhạc sĩ Phú Quang thổ lộ: “Các nhà thơ đã rút lòng họ ra câu chữ lóng lánh như tơ lụa, thì mình dại gì không kế thừa và trưng dụng. Nhạc sĩ đừng bao giờ cạnh hay chữ, mà cạnh tranh với hồn vía của các nhà thơ. Sự tương tác thơ – nhạc là một thái độ chuyên nghiệp”.  

Âm nhạc có sức mạnh riêng ở khả năng lan tỏa vào đám đông. Nhạc sĩ Phú Quang góp phần đưa thơ đến công chúng qua những ca khúc của ông. Không phải bài thơ nào cũng được Phú Quang phổ nhạc thành công. Thế nhưng, sự tận tụy và sự tinh tế của nhạc sĩ Phú Quang giúp nhiều câu thơ có một kênh thẩm mỹ khác, xao xuyến hơn và điệu đàng hơn. 

Nhạc sĩ Phú Quang luôn tôn trọng tinh thần bài thơ khi phổ nhạc. Tuy nhiên, tiết tấu đôi khi không chấp nhận được sự gân guốc của ý tứ, nên nhạc sĩ Phú Quang phải làm mềm mại hóa câu thơ để có thể hát lên thanh thoát. Nếu không thông cảm nguyên tắc tương tác này, thì một số nhà thơ cũng tự ái. Sự uyển chuyển ấy của nhạc sĩ Phú Quang lắm phen tạo ra sự chưng hửng cho độc giả đã quen thuộc với bản gốc bài thơ. Ví dụ, bài thơ “Em và mùa thu” của Thanh Tùng được Phú Quang phổ thành ca khúc “Mùa thu giấu em”. Ca từ “Em hôn anh đắm say như gió, và ngả vào anh dịu dàng như mùa thu” không thể ấn tượng bằng câu thơ “Em hôn lên anh theo cách hôn dài của gió, và ngả vào anh theo cách ngả của mùa thu”.

Tương tự, bài thơ “Không đề” của Thảo Phương được Phú Quang phổ thành ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” cũng có sự thay đổi nhất định. Câu thơ “Dường như ai đi ngang cửa, hay là ngọn gió mải chơi, chút nắng thu vàng se nhẹ, chiều nay cũng bỏ ta rồi” biến thành ca từ “Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng, chút lá thu vàng đã rụng, chiều nay cũng bỏ ta đi”. Ngược lại, cũng có những bài thơ rất nôm na, qua bàn tay của nhạc sĩ Phú Quang mà thành ca khúc vang dội. Nhạc sĩ Phú Quang thường lấy một ý thơ nào đó, rồi triển khai theo cảm xúc của mình khá sinh động. Vì vậy, dù là thơ cách tân như Lê Đạt thì Phú Quang vẫn có thể cứ hát lên một cách thánh thót ngon lành.

Thế nhưng, đừng thấy nhạc sĩ Phú Quang miệt mài phổ thơ mà nghĩ rằng ông không có khả năng viết lời. Trong gia tài âm nhạc của Phú Quang, có nhiều ca khúc do ông từ viết lời vẫn bay bổng và hàm súc. Bài “Rock buồn”, Phú Quang viết: “Có bao giờ anh tới và hát cho em bài hát mê say/ Có bao giờ anh tới và sẽ ru em bằng những yêu thương/ Để nụ hôn ngất ngây, ngất ngây/ Dẫu mai này chỉ là xa cách và thương nhớ”.

Điều dễ nhận thấy ở những ca khúc do nhạc sĩ Phú Quang tự viết lời là ca từ đơn giản hơn và hiền hòa hơn. Như ca khúc “Điều giản dị” nhẹ nhàng: Hội ngộ rồi chia ly cuộc đời vẫn thế/ Dẫu là mặt trời nồng nàn khát khao/ Hay đêm mịt mù lấp lánh ngàn sao/ Nếu không có người cuộc đời trôi về đâu/ Nếu không có người mặt đất quá hoang vu/ Và ta biết một điều thật giản dị/ Càng xa em ta càng thấy yêu em”. Hoặc ca khúc “Gửi một tình yêu” trìu mến: Anh chỉ có một chiều mưa thôi để nhớ/ Một bờ vai, một quán nhỏ bình yên/ Anh chỉ có một mùa thu thôi để nhớ/ Mùa thu tan trong mắt em/ Anh chỉ có một tình yêu thôi để nhớ/ Tình yêu mang khát vọng tuổi thơ/ Anh chỉ có một chiều tóc em lộng gió/ Ru đêm vào cơn mơ”.

Nếu như cảm hứng Hà Nội đầy day dứt trong “Em ơi Hà Nội phố” hoặc “Hà Nội ngày trở về” nhờ phổ thơ, thì nhạc sĩ Phú Quang tự viết lời về Hà Nội lại khá mông lung. Ví dụ, ca khúc “Về lại phố xưa” mơ hồ kỷ niệm: “Rồi cũng về lại phố xưa/ Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng/ Rồi cũng về lại phố quen/ Về trong tình em dịu dàng, dịu dàng” hoặc ca khúc Phố cũ của tôi” nhạt nhòa hồi ức: Thu đã về cùng bao thương nhớ/ Hàng sấu cũ rơi đầy lá vàng/ Tôi đã hát cho từng con phố ấy/ Tháng năm qua đi ngồi nhớ dòng sông Hồng/ Ngỡ lại gặp em trong chiều Hồ Tây”.

Hơn 20 năm lập nghiệp ở TP.HCM là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của nhạc sĩ Phú Quang. Bước vào tuổi 60, nhạc sĩ Phú Quang quay về Hà Nội sinh sống, và dăm sáng tác trong 10 năm cuối đời của ông chỉ dừng mức độ “nhi nhĩ thuận”, như ca khúc “Quạnh hiu” râm ran hoài niệm: “Một mình lặng lẽ trên đồi cao/ Chỉ biết ôm cỏ úa vào long/ Gió ngẩn ngơ chiều nay/ Một mình với hư không/ Một đời trong quạnh hiu/ Chiều xé nát tim ta/ Chiều trôi trong xa vắng/ Phía trời xa lẻ loi bóng trăng tà”.

Nếu chỉ dựa vào những ca khúc tự viết lời thì sự nghiệm âm nhạc Phú Quang chưa chắc đã vượt trội những nhạc sĩ cùng thời như Phó Đức Phương, Trần Tiến hoặc Dương Thụ. Tuy nhiên, nhạc sĩ Phú Quang có một ca khúc tự viết lời mà các nhà thơ đều thừa nhận giá trị, đó là “Thương lắm tóc dài ơi” nhiều khoảng lặng xa vắng: Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ Yếm rách còn ngăn được gió/ Tình em dang dở, yếm nào che/ Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi/ Ta hát cho em bỏng rát tiếng ca buồn”.

Đầu năm 2020, Phú Quang đổ bệnh và chìm vào hôn mê. Mọi đam mê sáng tạo của ông đã dừng lại. Và bây giờ, trái tim đắm đuối thi ca của nhạc sĩ Phú Quang cũng đã ngừng đập. Công chúng tiếc nuối “làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gãy”. Công chúng bồi hồi “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng”. Công chúng ngẩn ngơ “ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may”. 

Còn nhạc sĩ Phú Quang thong dong vẫy chào cõi nhân sinh bận bịu mà ông gửi gắm bao nhiêu lời ca nồng nàn: “Ngày mai ta bỏ đi, trần gian xin trả lại. Đá tảng nào vô tri, chết một đời rêu xanh”.

                                           TUY HÒA