Dù có thể quên 46 câu của tác phẩm “Nhớ rừng”, thì người đời sau, cũng không thể quên một câu, ấy là “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?”. Câu thơ sẽ trở thành câu cửa miệng cho những ai rơi vào bi kịch hết thời.
ĐẶNG HUY GIANG
NHỚ RỪNG
(Lời
một con hổ ở vườn bách thú)
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thâm, lá gai, cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cay xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt này còn đâu?
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém
Dăm vầng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Nơi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cánh rừng ghê gớm của ta ơi!
Thế Lữ
(Trích từ Thi nhân
Việt Nam, xuất bản lần đầu vào năm 1942)
Nhớ rừng chính là
lời con hổ ở vườn bách thú của Thế Lữ. Chính vì có ý ấy, mà mở đầu Nhớ rừng,
Thế Lữ mới dùng “Lời con hổ ở vườn bách thú” làm đề từ, làm lời dẫn cho bài thơ
của mình.
Đây là bài thơ hay
vào bậc nhất của Thế Lữ và là bài mở đầu của một thời đại trong thi ca trong
cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Và sau rất nhiều năm, năm
2005, Nhà xuất bản Giáo dục lại chọn Nhớ rừng vào Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ 20
(thơ trữ tình).
Trong phần giới
thiệu về Thế Lữ, Hoài Thanh viết: “Chính tên là Nguyễn Thứ Lễ. Sinh tháng 10
năm Đinh Mùi (1907). Nơi sinh Thế Lữ lấy làm lạ thấy người nói là Thái Hà Ấp Hà
Nội, còn thi sĩ thì cứ tưởng là Lạng Sơn, nơi đã ở từ khi còn bé đến năm 11
tuổi. 11 tuổi xuống Hải Phòng. Học đến năm thứ ba ban thành chung thì bỏ để
theo sở thích riêng. Sau đó lên Hà Nội học trường mỹ thuật, nhưng lại thôi
ngay. Bắt đầu viết từ hồi này. Được ít lâu bị đau lại về Hải Phòng tĩnh dưỡng.
Những ý thơ và đôi bài thơ đầu tiên, như bài Lựa tiếng đàn, nẩy ra trong lúc
này. Có chân trong Tự lực văn đoàn và trong tòa soạn các báo: Phong hóa, Ngày
nay, Tinh hoa.
Đã xuất bản: Mấy
vần thơ (1935, Đời nay, Hà Nội, 1941).
Cũng trong Thi
nhân Việt Nam, Hoài Thanh đánh giá rất cao Thế Lữ: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời.
Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau
này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều nhưng người ta không thể không nhìn nhận
cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ sở này…Bởi không có gì khiến
người ta tin thơ mới hơn là đọc những bài thơ mới hay. Mà thơ Thế Lữ về thể
cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết
tấu âm thanh…Thơ Thế Lữ là nơi hẹn hò của hai nguồn thi cảm. Thế Lữ đã băn
khoăn trước hai nẻo đường: Nẻo về quá khứ với mơ mòng, nẻo tới tương lai và
thực tế”.
Không ngần ngại,
Hoài Thanh đã chọn 6 câu trong nhớ rừng:
Nhớ cảnh sơn lâm,
bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào
ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc
trường ca dữ dội
Ta bước chân lên,
dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như
sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá
gai, cỏ sắc
để viết “Không ai còn có quyền bĩu môi trước cuộc cách mệnh
về thi ca đương nổi dậy.”
Nhiều năm sau, nhà
thơ Vũ Quần Phương đã bình Nhớ rừng: “Bài thơ mượn lời một con hổ ở vườn bách
thú. Đề tài đầy kịch tính. Cảnh ngộ là một thân hèn mọn, bất lực, hồn vía là một
chúa sơn lâm. Ông chúa này đã hết thời đạp phá hưng dữ, đòi tự do. Ông đã thấm thía
sự bất lực và ý thức được tình thế của mình, cam chịu cảnh gặm nhấm một khối căm
hờn, nằm dài trông chờ ngày tháng qua, mặc cho thân thế bị tụt xuông ngang hàng
với các loài hèn kém. Nhìn bề ngoài, người ta có thể nói: Con hổ này đã được
thuần hóa: “Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”.
Nhưng đấy chỉ là bề ngoài, còn thế giới bên trong của mãnh thú, tội nghiệp
thay, vẫn ngùn ngụt lửa. Bút pháp lãng mạn của Thế Lữ có dịp tung hoành, có dịp
chứng tỏ sức diễn đạt phong phú của thơ mới khi dựng lại khung cảnh kì vĩ trong
mộng tưởng của chúa sơn lâm…”
Đấy là nghĩa đen,
nghĩa hẹp. Còn về nghĩa bóng, nghĩa rộng…Nhớ rừng chính là bi kịch của những kẻ
có sức mạnh, có chí lớn nhưng bị mất tự do, bị giam hãm trong một không gian nhỏ
hẹp, không gian nô lệ. Đó cũng là bi kịch của nhiều người dưới thời Pháp thuộc.
Nhưng dường như
trong cái không gian nô lệ ấy, chúa sơn lâm vẫn không hoàn toàn chịu khuất phục,
chính vì thế mà phần cuối của Nhớ rừng mới có mấy câu:
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cánh rừng ghê gớm của ta ơi!
Điều đặc biệt là dù
có thể quên 46 câu của tác phẩm này, thì người đời sau, cũng không thể quên một
câu trong Nhớ rừng. Ấy là: Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu? Câu thơ sẽ trở
thành câu cửa miệng cho những ai rơi vào bi kịch hết thời. Câu thơ này cũng có
giá trị tương tự như câu Cơm áo không đùa với khách thơ của Xuân Diệu, câu Mờ
trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng của Phạm Duy nếu áp dụng vào một tình
huống cụ thể khác.
Và nếu trong văn xuôi,
Nam Cao để lại trong văn học sử một Chí Phèo ăn vạ, Vũ Trọng Phụng để lại một
Xuân tóc đỏ cơ hội, luôn biết xuất hiện đúng nơi, đúng lúc…thì Thế Lữ, Xuân Diệu,
Phạm Duy, cũng đã làm được những điều tương tự trong thơ.
Nêu thế để thấy:
Thơ để nhớ được một câu, một bài, lại mang giá trị lâu dài trong đời sống, không
phải là việc đơn giản.
Đi cùng thời gian,
tính đến nay, ít nhất Nhớ rừng cũng đã có tuổi thọ 80 năm rồi.