Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhận định: Điều nhận ra trước tiên là tác giả trẻ không nề hà, lảng tránh bất cứ một đề tài hay một lĩnh vực xã hội nào. Trái lại sự đa dạng trong quan điểm tiếp cận, mổ xẻ, nhìn nhận đời sống, thể hiện rất rõ trong tác phẩm của các tác giả trẻ.
Có một thực tế không dễ làm ngơ, đó là: văn học đang đứng
trước rất nhiều thách thức, trong đó cộm lên ba vấn đề căn bản.
Thứ nhất: do nhịp sống tăng nhanh nên thời gian mỗi
người dành cho văn học ít hơn trước, trong khi bản chất của văn học là nhấn
nhá, nghiền ngẫm. Thứ hai: do các loại hình nghệ thuật và giải trí khác tận dụng
được tối đa sự hỗ trợ từ công nghệ đã chiếm thế thượng phong trong việc lôi cuốn
người thưởng thức nghiêng về phía mình, dẫn đến văn học bị lép vế. Thứ ba: do sự
phát triển đa chiều của xã hội, văn học với đặc trưng riêng, còn lúng túng,
chưa theo kịp, chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả vì thế rơi vào tình trạng
hờ hững.
Những vấn đề trên đẩy văn học đứng trước nguy cơ bị gạt
ra khỏi trung tâm đời sống văn hoá tinh thần của xã hội. Để tồn tại đàng hoàng,
văn học phải biết biến nguy cơ thành cơ hội thay đổi, bứt phá. Văn học cần phải
giành lại thời gian từ phía độc giả, bằng chất lượng cô đúc, đi thẳng vào vấn đề,
tận dụng tối ưu nhất phần thời gian ngắn ngủi kia.
Văn học phải cương quyết gạt bỏ sự dễ dãi, xềnh xoàng
để tiến tới độ sang trọng vốn có không chỉ ở chất lượng nội dung mà ngay cả từ
chất lượng hình thức, lẫn phương thức quảng bá, có thế mới lấp được khoảng cách
với các ngành nghệ thuật và giải trí khác.
Văn học cũng cần giành lại vị thế tiếng nói thiên
lương của mình bằng sự can trường đối diện thực sự với những vấn đề nóng bỏng của
đời sống xã hội, và dứt khoát nó phải trở thành hòn đảo lạc quan để độc giả trú
ngụ trước những sóng gió cuộc đời họ.
Những vấn đề trên Ban chấp hành Hội Nhà văn VN đã nhìn ra, và đang triển khai nhiều
phương án để cải thiện tình thế. Một trong những động thái cụ thể nhất là thành
lập giải thưởng Tác
Giả Trẻ.
Giải thưởng nhằm ghi nhận, động viên các tác giả trẻ hoạt động trên lĩnh vực
văn học, qua đó góp phần tạo ra sự sôi động, phấn khích cho đời sống sáng tác.
Sau khi công bố quyết định thành lập giải thưởng, Ban
tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà văn. Con số
trên 50 tác phẩm được gửi tới tham gia xét giải, với các thể loại chính gồm:
thơ, văn xuôi, nghiên cứu phê bình và dịch văn học, trong thời hạn xuất bản một
năm, đã cho thấy sức làm việc của các tác giả có độ tuổi dưới 35 là hết sức
đáng kể, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Điều nhận ra trước tiên là tác giả trẻ không nề hà, lảng
tránh bất cứ một đề tài hay một lĩnh vực xã hội nào. Trái lại sự đa dạng trong
quan điểm tiếp cận, mổ xẻ, nhìn nhận đời sống, thể hiện rất rõ trong tác phẩm của
các tác giả. Nhiều tác giả chọn cách đi sâu vào phản ánh những khía cạnh hiện
thực gần gụi của cuộc sống thường nhật, từ đó làm bật lên số phận cũng như phẩm
tính của mỗi con người.
Một số tác giả khác chọn hướng khám phá con người từ
bên trong, rút ra những chiêm nghiệm mang tính sinh tồn nhưng không hề dừng lại
ở phạm vi cá nhân, như trường hợp “Góc
phần tư” của
Trọng Huy, “15
năm” của Hà Hương Sơn…
Đáng trọng nữa, với ý thức chống lại sự lãng quên công
lao thế hệ đi trước, có tác giả đã tập trung khắc hoạ những hành động anh dũng
của các liệt sĩ trong chiến tranh cứu nước, đó là trường hợp Lữ Mai với trường
ca đậm chất sử thi “Chư
Tan Kra mây trắng”.
Không chỉ dừng lại ở hiện tại, các tác giả trẻ còn vươn về phía lịch sử, mong
muốn tìm kiếm bài học kinh nghiệm từ đó, và họ đã thực sự tạo ra một bầu khí
quyển đáng ngẫm ngợi, như các tiểu thuyết “Thượng Dương” của Hoàng Yến, “Nguyên khí ngàn đời” của Lục Hường, “Của thần và của người”, tập truyện của Phạm Giai Quỳnh.
Có tác giả mạnh dạn nối thông lịch sử vào đời sống hiện
tại để tìm ra đáp án nghiệm sinh mà không gây cảm giác suồng sã hoặc xa lạ, đấy
là trường hợp của Đinh Phương trong tiểu thuyết “Nắng thổ tang”. Bên cạnh đó, một số không nhỏ tác giả lựa
chọn vượt qua đặc tính vùng miền, quốc gia để tiến tới quan điểm văn học phi
biên giới.
Sự phong phú trong thể loại thơ biểu hiện ở giọng điệu,
ở cách tiếp cận, với hàng loạt tác giả Trần Đức Tín, Nguyễn Hải Yến, Trương
Công Tưởng, Vân Phi, Hương Giang… Trong khi có tác giả cảm nhận về thân phận cá
thể trong thân phận một vùng văn hoá, và thân phận của vùng văn hoá trong thân
phận một cộng đồng, như trường hợp Lí Hữu Lương với tập thơ “Yao”,
thì tác giả khác, như Phương Đặng, trong tập “Con người”, lại đưa ra nhận thức khá tỉnh táo, rành
mạch về đời sống đương đại bằng những mổ xẻ, phân tích sáng láng của lí trí. Tất
cả những điều ấy cho thấy lối ứng xử nhạy bén, đĩnh đạc của người trẻ đối với
thế giới xung quanh mình.
Quan trọng hơn, các vấn đề trên được thể hiện qua nhiều
hình thức, phong cách, bút pháp đầy sáng tạo và cá tính. Ở thơ, bên cạnh xu hướng
tiếp tục tôn trọng, bảo lưu vần, xuất hiện xu hướng không đặt nặng vấn đề đó mà
ưu tiên tập trung diễn đạt ý. Ý mang chất thơ, còn nhịp sinh học kéo câu chữ cất
lên, lạ lẫm nhưng không gây biến dạng bản chất của thơ.
Bên phía văn xuôi, ta thấy cố gắng trong việc tạo ra
những cấu trúc, những điểm nhìn đa diện, đẩy tác phẩm đạt tới sự phức hợp cần
thiết mà vẫn tránh được cầu kỳ rối rắm. Những thử nghiệm khám phá kia dù có người
tới, có người chưa tới, nhưng điểm chung nhất chính là ý thức ráo riết làm mới
của các tác giả và nó phải được tôn trọng, ghi nhận một cách đích đáng.
Thể loại nghiên cứu phê bình từ phía các nhà nghiên cứu
trẻ mang nhãn quan tiếp cận vừa kế thừa vừa độc lập. Có công trình cho thấy sự
khảo cứu, quy chiếu hết sức công phu, trách nhiệm và vững vàng về lí thuyết,
mà “Phê
bình phân tâm học, phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang là một ví dụ tiêu
biểu. Có công trình tập hợp sự soi chiếu ở nhiều góc cạnh khác nhau với nhiều
gương mặt tác giả khác nhau từ đó hé lộ một phần vóc dáng đời sống sáng tác,
như trường hợp Văn Thành Lê với tập chân dung “Lần đường theo bóng”. Những công trình này giúp người sáng tác
biết mình đang ở phân khu nào của lí thuyết, để từ đó có những quyết định điều
chỉnh cần thiết. Nghiên cứu phê bình chính là chỉ dấu để ấn định tính chuyên
nghiệp cho một nền văn học. Tiếc thay, số lượng tham gia xét giải lần này lại
có sự hạn chế nhất định. Khắc phục hạn chế đó phải là một phần công việc sắp tới
của Hội Nhà văn VN.
Giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn
là sự đau đáu của nhiều thế hệ. Ở thời đại cạnh tranh bằng văn hoá như hôm nay,
điều ấy càng trở thành nỗi day dứt của người yêu văn chương nước nhà. Văn học,
xét cho cùng, là diện mạo tâm hồn của dân tộc. Diện mạo tâm hồn dân tộc ta xứng
đáng được thế giới biết đến và đón nhận, bởi chúng ta phong phú, chúng ta riêng
bản sắc, nhưng trên thực tế, thế giới biết đến văn học Việt còn quá ít ỏi.
Vì lẽ đó ban tổ chức giải thưởng Tác Giả
Trẻ thật sự vui mừng khi thấy tín hiệu xuất
hiện. Đã có một dịch giả dám làm cái việc mà rất ít người đủ sức và đủ dũng khí
để làm. Tôi muốn nhắc đến một dịch giả trẻ, người bỏ công dịch Truyện Kiều, một danh tác khó dịch bậc nhất
của chúng ta, ra ngôn ngữ khác, đó là Nguyễn Bình với công trình Truyện Kiều dịch
ra tiếng Anh. Ban tổ chức cũng như các hội đồng đánh giá cao hành động này, đó
là hành động vượt qua cả tâm huyết, vượt qua cả đam mê để trở thành sự dấn thân
theo đúng nghĩa của từ. Văn học Việt Nam cần những người trẻ với sự dấn thân
như thế để bước ra thế giới.
Cộng dồn các tác phẩm trong đợt xét giải này, chúng ta
nhận ra tinh thần nhân văn, ý thức xây dựng và trách nhiệm xã hội hết sức cao của
các tác giả trẻ. Đó chính là phẩm tính của một thế hệ. Phẩm tính ấy xuất phát từ
nền tảng của lòng tự tin. Tự tin là tài sản cần phải có đối với bất kỳ người
sáng tạo nào, đặc biệt ở các tác giả trẻ. Dĩ nhiên lòng tự tin không nên trượt
sang ranh giới của sự kiêu ngạo.
Các thành viên hội đồng chấm giải tác giả trẻ, từ sơ
khảo tới chung khảo, đọc với tâm thế vừa đòi hỏi nhưng cũng vừa khích lệ. Đòi hỏi
ở chất lượng sáng tạo, ở nghĩa vụ cộng đồng, nhưng cũng khích lệ những quan điểm,
những phong cách nghệ thuật cá tính, độc đạo. Và rõ ràng đang hiển hiện một đội
ngũ nhà văn với nền tảng nhận thức và kiến thức căn bản, với sự càn lướt phóng
khoáng của tuổi trẻ, nhưng trên hết, họ sở hữu tài năng, sở hữu đam mê sáng tạo.
Các tác giả trẻ mang tới cho người yêu văn học niềm hy vọng về những bước mạnh
dạn chinh phục, vượt qua các thách thức, rằng có một sự vững chắc ở đó, một sự
vững chắc ẩn tàng trong tinh thần chuyên nghiệp hết sức nghiêm túc và quyết liệt.
NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
(Phó Chủ tịch Hội Nhà
văn VN)