Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch ở tuổi 96 vào lúc 0h ngày 22/1 tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế trong sự tiếc thương của chư tăng và bá tánh.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thế danh là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần 1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ nổi danh trong giới Phật giáo mà còn được công chúng yêu mến qua những tác phẩm ký các bút danh Nhất Hạnh, Nguyễn Lang, Tâm Quán, Hoàng Hoa...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu vào năm 1942 với pháp danh Trừng Quang. Năm 1949, rời Huế vào Sài Gòn, thiền sư Thích Nhất Hạnh tham gia thành lập chùa Ấn Quang, và bắt đầu con đường vừa tu hành vừa sáng tác.

Năm 1966, thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất ngoại, mang Phật giáo Việt Nam phát dương quốc tế. Những buổi thuyết giảng và những cuốn sách viết bằng tiếng Anh của thiền sư Thích Nhất Hạnh được đông đảo công chúng trên thế giới đón nhận và ngưỡng mộ.

Năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam lần thứ nhất. Năm 2007, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam lần thứ hai. Năm 2008, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam lần thứ ba, nhân dịp lễ Vesak do Liên hiệp quốc tổ chức.

Tháng 10/2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam để an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu cho đến khi rời dương gian về cõi niết bàn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có hơn 100 tác phẩm, bao gồm thơ, văn xuôi và khảo luận. Trong đó, có những tác phẩm rất được yêu thích như “Bông hồng cài áo”, “Nẻo về của ý”, “Am mây ngủ”, “Thả một bè lau”, “Đường xưa mây trắng”, “Đông phương luận lý học”, “Phép lạ của sự thức tỉnh”, “Đi như một dòng sông”, “An lạc từng bước chân”...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tâm niệm: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu thì bạn chẳng thể yêu thương”

Những ngày tháng cuối cùng trước khi viên tịch, thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắn nhủ đệ tử: “Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá một cuốn sách của Thầy, thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy”.

                             TUY HÒA