Tác giả Vương Liễu Hằng từng chạm mặt ông trùm Năm Cam, vừa ra mắt cuốn sách “Người xã hội – Nhận diện cạm bẫy” viết về những đối tượng sống bằng thủ đoạn phạm pháp.
Người xã hội không hề
xa lạ với cuộc sống chúng ta. Người xã hội là cụm từ chung, dễ được chấp nhận
nhất, nếu so với những cách gọi theo mức độ nguy hiểm như “đầu gấu”, “giang hồ”,
“xã hội đen” hoặc “mafia”. Trong cuốn sách “Người xã hội – Nhận diện cạm bẫy”,
tác giả Vương Liễu Hằng xác định người xã hội là “những con người tồn tại và
mưu sinh với những hình thức và nghề nghiệp không được pháp luật công nhận, hay
nói cách khác là phạm pháp”.
Tác giả Vương Liễu Hằng
là một nhà báo nổi danh với những phóng sự về thế giới ngầm. Từ thuở hai mươi,
tác giả Vương Liễu Hằng đã theo đuổi đề tài này và gắn bó đề tài này suốt hơn
hai thập niên qua. Tác giả Vương Liễu Hằng tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường Đại học
Sư phạm TP.HCM nhưng chị không đứng trên bục giảng mà lao vào nghề viết. Tác giả
Vương Liễu Hằng từng có 30 tập phóng sự, và bây giờ chị ra mắt cuốn sách “Người
xã hội – Nhận diện cạm bẫy” như tổng kết một chặng đường tác nghiệp.
Vì sao một cây bút nữ
lại dấn thân theo đuổi những trang viết vạch trần các tệ nạn? Tác giả Vương Liễu
Hằng thổ lộ: “Chính tôi cũng không hiểu vì sao những thứ cực kỳ xa lạ với giáo
dục gia đìnnh như số đề, bảo kê, gái điếm, thuốc lắc, lừa đảo... lại cuốn hút tôi
đến thế. Chỉ biết rằng, mỗi khi đi điều tra, dường như có một thứ kích thích tố
ma mị rần rật chảy, khiến tôi cảm giác như mình đang sống, một cách trọn vẹn nhất”.
Cuốn sách “Người xã hội
– Nhận diện cạm bẫy” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, dày hơn 300 trang, được
tác giả Vương Liễu Hằng cặm cụi hoàn thành trong 3 năm. Cuốn sách “Người xã hội
– Nhận diện cạm bẫy” không phải những bài báo lẻ gom góp lại, mà được triển
khai theo một cấu trúc chặt chẽ và mạch lạc để góp phần lý giải thực trạng và
tâm lý tội phạm.
Cuốn sách “Người xã hội
- Nhận diện cạm bẫy” chia làm các chương “Luồng chảy “tiền tươi”, “Số đề và câu
chuyện về người xây mả”, “Gặp gỡ chuyên gia thẩm định xứ lừa và chuyện những kẻ
đem nước bọt đổi tiền tỷ”, “Nhận diện người xã hội ngày nay”. Tác giả Vương Liễu
Hằng không chỉ kể lại những trải nghiệm cá nhân, mà còn trực tiếp trao đổi với
những nhân vật công tác trong ngành công an, tòa án, viện kiểm sát, luật sư...
để cùng nhau tìm hiểu “người xã hội” ở những góc độ khác nhau.
Tác giả Vương Liễu Hằng
đã từng giáp mặt Năm Cam vào thời điểm ông trùm này đang làm mưa làm gió trong
giới hắc đạo. Chị hồi tưởng: “Với cái tâm thế ngông cuồng trẻ con, tôi đã nhìn
Năm Cam – người đàn ông thấp bé, đầy vẻ nhà quê, có mái tóc ngang ngang như nghệ
sĩ cải lương- bằng một thái độ chẳng mấy e dè, thậm chí còn ngạo mạn theo kiểu:
Giang hồ cỡ nào cũng chỉ là tầm dưới, chọc trời khuấy nước cỡ nào cũng chỉ như
Tôn Ngộ Không nằm trong lòng bàn tay của Phật tổ mà thôi”.
Thế nhưng, cách ứng xử
bản lĩnh và tinh quái của ông trùm khét tiếng Năm Cam đã khiến chị chột dạ. Bây
giờ, nghĩ lại, chị cho rằng: “Dù yêu dù ghét, cuồng hay khinh, thì có một sự thật
hiển nhiên mà bất cứ ai cũng phải thừa nhận, đó là Năm Cam, chứ không phải ai
khác, là người bình định được giới giang hồ”.
Tác giả Vương Liễu Hằng
từng phanh phui nhiều vụ lừa đảo nhưng tội phạm lừa đảo vẫn biến tướng và càng
ngày càng hoạt động táo tợn hơn. Vì sao như vậy? Chị ưu tư: “Có thể thấy, luật
pháp và những hình phạt hình sự dành cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất
chặt chẽ, rõ ràng nhưng trên thực tế, các thần dân xứ lừa không vì thế mà trở
nên nao núng. Việc một đối tượng bị lừa đảo đưa được kẻ lừa đảo ra vành móng ngựa,
là một việc không hề dễ dàng. Bởi những chuyên gia lừa đảo thường thừa mưu mô
thủ đoạn để chừa cho mình những đường binh lách luật và chối tội. Bên cạnh đó,
việc thu hồi được về số tài sản bị lừa là điều rất khó, trong đa phần trường hợp
là không thể. Nên cả hai bên sẽ đều rơi vào cánh cảnh kiện tụng kéo dài, và đều
được vạ thì má cũng sưng”.
Cuốn sách “Người xã hội
– Nhận diện cạm bẫy” đúc tỉa “trẻ hình sự, già kinh tế”, tuổi trẻ thường phạm tội
về hình sự, còn tuổi già thường phạm tội về kinh tế. Bên cạnh đó, đối tượng phạm
tội cũng chia làm hai nhóm, thứ nhất là nhóm “điếc không sợ súng”, thứ hai là
nhóm “không còn điếc, nhưng vẫn chẳng sợ súng, đó là nhóm đã quá đỗi dày dạn, lắm
va chạm và trở nên chai lỳ”.
Không có tham vọng
phác thảo tỉ mỉ bức tranh tội phạm tại Việt Nam, nhưng bằng cuốn sách “Người xã
hội – Nhận diện cạm bẫy”, tác giả Vương Liễu Hằng bày tỏ: “Thế giới của những
người xã hội chưa bao giờ là một nơi giản đơn. Nó thiên hình vạn trạng với những
biến hóa phức tạp và tinh vi đến mức nằm ngoài suy luận thường tình. Dù muốn hay
không thì cũng phải công nhận một thực tế rằng: nó vẫn cứ tồn tại, vẫn cứ vận
hành, vẫn cứ nảy nở sinh sôi theo cách riêng của nó. Và dù có mưu ma chước quỷ,
thế giới ấy vẫn không thể thoát được sự kiểm soát của chính quyền”.
TUY
HÒA