Nhà thơ Nguyễn Bính với nhiều góc khuất trong cuộc đời, đã được bạch hóa qua cuốn sách ký sự dày gần 500 trang của con gái đầu lòng Nguyễn Bính Hồng Cầu.
Nhà thơ Nguyễn Bính là
tên tuổi văn chương hiện đại quen thuộc nhất với người Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn
Bính đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và được đặt tên đường phố ở nhiều địa
phương trên cả nước. Tuy nhiên, xung quanh cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính vẫn tồn
tại không ít ẩn số được đồn thổi theo nhiều cách khác nhau, mà công chúng rất
mong muốn được tiếp cận những thông tin có tính thuyết phục cao hơn từ những thân
nhân ruột thịt.
Con gái đầu lòng của
nhà thơ Nguyễn Bính là bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, sinh ngày 18/9/1952 tại xã Trí
Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu cũng là người con
duy nhất nối nghiệp cầm bút của cha mình. Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu đã xuất bản các
tập thơ “Ca dao một nửa”, “Nhặt bóng mình”, “Đau đáu trăm năm”, “Thức với miền
xưa”... Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và từng đảm
nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM từ năm 1998 đến năm 2008.
Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu
bày tỏ mục đích viết cuốn sách ký sự “Cha tôi – nhà thơ Nguyễn Bính” là nhằm
cung cấp thêm những dữ liệu đáng tin cậy về cuộc đời Nguyễn Bính, bởi lẽ “giấy
trắng mực đen còn tam sao thất bổn, huống chi là qua hồi ức của mọi người với
nhiều năm tháng chất chồng, tránh sao khỏi bị xô lệch, nảy sinh ra nhiều dị bản”.
Xác định “một
đời cha tôi luôn là kẻ tha hương”, nên
bà Nguyễn Bính Hồng Cầu tự nhủ con đường cha mình đã đi qua, chính là “hành trình
sinh tử đời và thơ”. Quả thật, cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính tang bồng chìm nổi nhiều nơi, được ông
bộc bạch ở tác phẩm “Trường hận ca” viết trong những ngày
phiêu dạt phương Nam: “Em còn chua xót gì tôi/ Một thân mà cả bốn trời gió
sương/ Một thân trăm nỗi tủi hờn/ Một thân ngàn vạn phiến đờn long cung/ Một
thân ức triệu não nùng/ Một thân vô số bão bùng em ơi”.
Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu
không có cơ hội gần gũi cha mình, vì sau khi nhà thơ Nguyễn Bính tập kết ra Bắc
năm 1954 cho đến khi mất vào năm 1966, thì bối cảnh đất nước chia cắt đã không
cho họ gặp lại nhau. Viết về cha mình, cũng là cách bà Nguyễn Bính Hồng Cầu tìm
lại cội nguồn.
Trong cuốn sách “Cha
tôi – nhà thơ Nguyễn Bính” nêu lý lịch khá rõ ràng, nhà thơ Nguyễn Bính là
con trai thứ ba trong số bảy người con của ông Nguyễn Đạo Bình “thầy tôi dạy học
chữ nho/ dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh/ có gì, tiếng cả nhà thanh/ cơm ăn
đủ bữa áo lành đủ thay”. Người anh cả của Nguyễn Bính là ông Trúc Đường - Nguyễn
Mạnh Phác, người sáng lập báo Trăm Hoa,
mà tác giả “Lỡ bước sang ngang” có thời gian kế tục làm chủ bút vào năm 1956 tại Hà Nội
Bạch hóa về hậu duệ của Nguyễn Bính
Ngoài con gái đầu lòng
Nguyễn Bính Hồng Cầu của người vợ đầu tiên Hồng Châu – Nguyễn Lục Hà, nhà thơ
Nguyễn Bính còn có thêm 4 người con nữa. Con gái thứ hai Nguyễn Hương Mai sinh
năm 1954 từng công tác trong ngành giáo dục tỉnh Bến Tre, là kết quả cuộc hôn
nhân thứ hai với bà Mai Thị Mới. Trong bài “Gửi vợ miền Nam”, nhà thơ Nguyễn Bính viết: “Hương
Mai tên xóm quê nhà/ Vợ chồng liền đặt con là Hương Mai”. Tuy nhiên, theo lý giải của Nguyễn Bính Hồng Cầu, thì Hương Mai phát sinh từ
địa danh rạch Hang Mai thuộc
xã
Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Người con trai thứ ba
của nhà thơ Nguyễn Bính có tên là Nguyễn Hiền, sinh năm 1957. Nhà thơ Nguyễn Bính
khi chủ bút báo Trăm Hoa đã sống chung như vợ chồng với cô thư ký Phạm Vân
Thanh cùng làm việc ở đây. Mối quan hệ của họ không lâu bền, Phạm Vân Thanh có
hạnh phúc khác và Nguyễn Bính tự nuôi con. Trong khốn quẫn, nhà thơ Nguyễn Bính
đã để thất lạc con trai, lúc Nguyễn Hiền được 13 tháng tuổi.
Từ cuối năm 1958, nhà
thơ Nguyễn Bính về lại Nam Định sinh sống, có một thời gian gá nghĩa với bà Trần
Thị Lai và có hai con trai. Con trai thứ tư của nhà thơ Nguyễn Bính được đặt tên
Nguyễn Tiến Sĩ ra đời năm 1960, nhưng không may chết yểu. Con trai thứ năm của
nhà thơ Nguyễn Bính là Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1963. Ông Nguyễn Mạnh Hùng hiện
nay định cư ở nước ngoài, và mang đến cho nhà thơ Nguyễn Bính được hai cháu nội
là Nguyễn Mạnh Dũng và Nguyễn Ngọc Long.
Bạch hóa về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính
Trong cuốn “Cha tôi –
nhà thơ Nguyễn Bính”, bà Nguyễn Bính Hồng Cầu khẳng định Nguyễn Bính sinh năm
1917 (chứ không phải 1918 như nhiều tài liệu trước đây) tại xóm Trạm, thôn Thiện
Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Đã có không ít truyền
kỳ về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Bính Hồng Cầu,
thì nhà thơ Nguyễn Bính qua đời khoảng 8h sáng ngày 20/1/1966 tại nhà riêng của
người bạn Tân Thanh ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Hôm ấy là sáng 29
tháng chạp âm lịch, nhà thơ Nguyễn Bính ra cầu ao rửa mặt, thì thổ huyết và trút
hơi thở cuối cùng ở tuổi 48.
Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu
chia sẻ: “Sáng mùng hai Tết, cha tôi được Ty Văn hóa đưa về nghĩa trang Cầu Họ an
táng. Cũng sáng mùng hai Tết, hai cha con bác cả tôi về Nam Định để đưa tang
cha tôi, ngang qua Cầu Họ thấy một đám ma không kèn trống, không người đưa
tang. Bác đâu ngờ đó là đám tang đứa em trai ruột thịt của mình”.