Tổng biên tập Tạp chí “Nghệ thuật điện ảnh” của Nga- Anton Dolin (sinh năm 1976 ở Moskva) quyết định rời khỏi nước Nga sau 10 ngày nước Nga xâm lược Ukraine, với lý do “Không thể sống trên một đất nước, thậm chí là thân thuộc và yêu dấu, nơi bạn bị khóa miệng”.
QUYẾT ĐỊNH CỦA MỘT NHÀ PHÊ
BÌNH PHIM DŨNG CẢM
MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
Cái tin: nhà phê bình điện ảnh, tổng biên tập Tạp
chí “Nghệ thuật điện ảnh” của Nga- Anton Dolin
(sinh
năm 1976 ở Moskva) quyết định rời khỏi nước Nga sau 10
ngày nước Nga xâm lược Ukraine, tôi được biết đồng thời với tin: “Chính quyền
Nga hôm thứ Sáu 04/03, đã thông qua một đạo luật mới ngăn chặn "thông tin
sai lệch", “tin giả” về cuộc chiến ở Ukraine, mà người bị kết tội có thể bị
xử phạt tối đa 15 năm tù”.
Trong bài viết “Tôi không còn ở
đây” (Trần Hậu cung cấp), nhà phê bình thổ lộ nguyên nhân rời Tổ quốc: “Không
thể sống trên một đất nước, thậm chí là thân thuộc và yêu dấu, nơi bạn bị khóa
miệng. Đặc biệt là đối với một người chỉ có công cụ duy nhất là ngôn từ”.
Thế là tôi chợt nhớ lại các bài phê bình phim của Anton Dolin đối với
hai bộ phim “Leviathan” và "Нелюбовь" trên Fb Khoảng lặng nước Nga.
Tôi có tâm sự với người dịch là chị Phan Bạch Yến và một số bạn đồng nghiệp:
người trong nghề lẫn ngoài nghề đều phải kính nể trước sự uyên bác, tinh tế của
nhà phê bình này trong các bài viết; song nếu ai có dịp xem kỹ hai phim trên, sẽ
thấy nhà phê bình đã cố tình né tránh những điều có liên quan tới bản chất thật
sự của chính quyền - sự thật khủng khiếp về những kẻ điều hành quốc gia đang
dung túng, nuôi dưỡng những “quái vật Leviathan đời mới”…
Tôi đã viết hai bài về hai bộ phim Nga trên cùng bức xúc của mình về
thái độ lảng tránh của nhà phê bình danh tiếng nọ, rất may mắn là được
vanviet.info đã đăng tải trọn vẹn: “Từ anh hùng “Ilia Muromet” tới quái vật
khổng lồ “Leviathan” (Xem bộ phim Nga “Leviathan” 2014) và “Sự tiếp nối
của “Leviathan”: Thời đại trống vắng tình người (Xem bộ phim Nga
"Нелюбовь", 2017). Kết luận của tôi về phim “Leviathan” cũng có
thể nói về xã hội Nga hiện đại trong hàng loạt phim Nga khác, như: Yarik, Aika, Thiếu tá, Xạ thủ Vorosinhov, Cửa
hàng thực phẩm số 1, Thằng điên, v.v :
“Mặc dù chính quyền trong phim “Leviathan” vẫn nhân danh chính quyền
dân chủ, có luật pháp, song người xem thấy rõ đó là chính quyền sẵn sàng đạp
lên luật pháp, và ngang nhiên tự vỗ ngực: “Chính tao là luật pháp, và được Chúa
che chở”! Đó là thứ quyền lực của kẻ cầm quyền trong xã hội hiện đại mang chất
man rợ nguyên thủy, giống Leviathan – biểu tượng của địa ngục trong Kinh Thánh,
dường như bất khả xâm phạm, có lẽ chỉ bị tiêu diệt trong ngày Tận thế… Chính
quyền đó, đại diện là viên Thị trưởng – kẻ với bản tính khôn ngoan như sói và
hung dữ như quái vật trong truyền thuyết, sẵn sàng bóp chết mọi sự chống đối mà
vẫn tồn tại trong lòng dân chúng mê muội như một nhà lãnh đạo Kính Chúa –
Thương Dân! Hắn cùng với quyền lực như “Chúa Trời” đó mới là hiện thân của
Leviathan, mà nhà phê bình Nga danh tiếng nọ đã không dám vạch ra!
Trong Wiki Nga giới thiệu về bộ phim “Leviathan” có dẫn nhận định của
nhà nghiên cứu văn hoá Nga Boris Paramonov về sự liên hệ giữa Leviathan trong
phim và cuốn sách của triết gia Hobbes: hình tượng bộ xương cá voi trên bờ biển
phản ảnh thực tế khắc nghiệt: nhà nước (chính quyền, thần quyền và xã hội dân sự)
với chức năng cao cả là hướng dẫn và bảo vệ con người nơi trần thế ĐÃ CHẾT
trong xã hội Nga hiện đại, nơi chỉ có sự lộng quyền của những kẻ tội phạm đang
ngự trị”.
Và thế là tôi hiểu: vì sao nhà phê bình đáng kính Anton Dolin đã buộc
phải né tránh, tảng lờ những sự thật kinh khủng nằm trong các hình tượng nghệ
thuật; và giờ đây càng thêm kính nể ông, khi ông đã tìm cách “ly khai” khỏi cái
thế lực đã “bịt miệng” ông và những ngòi bút trung thực, để ít nhất là cho những
người xem phim bình thường như tôi khỏi áy náy, băn khoăn về thái độ cần có mà
không thực hiện được của nhà văn - nhà phê bình trước sự thật trong một xã hội
toàn trị độc tài…
Bài viết của Anton Dolin ( Trần Hậu dịch và trích):
“TÔI KHÔNG CÒN Ở ĐÂY”
Chúng tôi đã ra đi.
Có một số lý do. Mặc dù thực tế
chỉ có một - cuộc chiến tranh tội lỗi ở Ukraina do ban lãnh đạo LB Nga gây ra.
Không thể sống trên một đất nước,
thậm chí là thân thuộc và yêu dấu, nơi bạn bị khóa miệng. Đặc biệt là đối với một
người chỉ có công cụ duy nhất là ngôn từ.
Thêm nữa, đơn giản là tôi
không thể hít thở bầu không khí Moskva, nơi người ta tiếp tục bàn kế hoạch, xem
phim, tổ chức các cuộc tranh luận về nghệ thuật, đi xem triển lãm mỹ thuật, chiếu
phim, trong khi ở Ukraina người dân đang bị bắn giết. Mỗi phút tồn tại như vậy
khẳng định một điều hiển nhiên: bạn là kẻ đồng phạm.
Tất nhiên, ra đi là một cơ
may. Nhưng dù sao, tôi nghĩ rằng cần phải thông báo: chúng tôi không có bất kỳ
giấy phép cư trú, hộ chiếu thứ hai, hợp đồng lao động nước ngoài, tiền tiết kiệm
nào (có một ít tôi đã rút trước khi khởi hành), kể cả "sân bay dự bị"
và “kế hoạch tương lai".
Thật thú vị là suốt cả cuộc đời
đã trưởng thành tôi từ chối ra đi. Mặc dù được mời và chờ đợi. Tổ quốc tôi là
nước Nga, tôi chưa bao giờ muốn một tổ quốc khác. Nhưng không còn nước Nga nữa.
Nước Nga là con gà đã bị chặt đầu.
Mười ngày trước đây cả thế giới
đã sụp đổ. Cuộc sống của mỗi con người đang sống ở Nga, nói tiếng Nga hoặc ít
nhiều có liên quan tới văn hóa Nga đã thay đổi không thể đảo ngược. Có điều,
nhiều người (phần lớn?) vẫn chưa nhận thức được điều đó. Người Ukraina sẽ có cơ
hội vươn lên từ đống tro tàn và đổ nát, họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có thể - nếu
muốn - quên đi những đau thương mà họ đã phải chịu đựng. Chúng ta không có cơ hội
và cũng không có quyền lãng quên. Chúng ta đã bị kết án.
Mười ngày qua tôi không thể
nghĩ gì ngoài chiến tranh. Thậm chí tôi không lo lắng được cho những người
thân, bởi vì tôi thường xuyên nghĩ về Ukraina. Tôi không có họ hàng ở đó, nhưng
tôi có những người bạn Ukraina: chồng của Kira Muratova, họa sĩ tuyệt vời
Zhenya Golubenko hiện đang ở Odessa, người bạn trung thành của tôi và con người
cao thượng Serezha Loznitsa, nhà phê bình phim và tác giả của tạp chí "Nghệ
thuật điện ảnh" Natasha Serebryakova (cô ấy ở trong hầm trú ẩn ở Sumy), và
nhiều tác giả và nhà phê bình khác của chúng tôi...
Nhưng vấn đề thậm chí không phải ở chỗ bạn bè. Người Ukraina có chính nghĩa và do đó họ sẽ thắng. Sớm hay muộn nhưng đó là điều tất yếu. Thực chất, họ đã thắng rồi. Còn chúng ta đang rơi vào thảm họa - không, không phải là thảm họa kinh tế và chính trị. Đây là một thảm họa đạo đức. Sự bất lực của những người phản đối chế độ và chính quyền này suốt 22 năm chỉ làm tăng thêm cảm giác tuyệt vọng…”