Sáng 26/3 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức lễ khai mạc Trại sáng tác Trẻ 2022 dành cho các hội viên trẻ. Lần đầu tiên trong đời sống văn học TP.HCM nói riêng và đời sống văn học Việt Nam nói chung, có một trại sáng tác mà đội ngũ tham gia đều sinh ra và lớn lên sau năm 1975.


Cùng dự lễ khai mạc có nhà nhiếp ảnh Hà Hữu Nết – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, nhà thơ Lê Đình Trọng – Trưởng ban Sáng tác Trẻ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, ông Võ Văn Quốc Bình – Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt, họa sĩ Vi Quốc Hiệp...

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Nhà văn Trẻ được Hội Nhà văn TP.HCM phân công phụ trách trại sáng tác Trẻ 2022 nhấn mạnh: “Trong nỗ lực tăng cường sức sống cho hoạt động hội, Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM tập trung những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ và quảng bá tác phẩm của các hội viên trẻ, nhằm thu hút những người viết trẻ đến với Hội, cùng sáng tạo với Hội. Trại sáng tác Trẻ 2022 chính là sự kỳ vọng của Hội Nhà văn TP.HCM về một thế hệ nhà văn được thụ hưởng hòa bình và đang khao khát hội nhập”.

Để giúp hội viên trẻ có thêm thông tin cần thiết trên con đường sáng tạo, Trại sáng tác Trẻ 2022 đã mời nhà thơ Mỹ - Bruce Weigl có buổi trò chuyện sau phần nghi lễ khai mạc. Nhà thơ Bruce Weigl là một cựu chiến binh từng cầm súng trên chiến trường Việt Nam, sau khi giải ngũ ông đã thành lập Trung tâm William Joiner để giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam với độc giả Mỹ. Suốt 30 năm qua, nhà thơ Bruce Weigl miệt mài làm một đại sứ văn hóa Việt – Mỹ, góp phần hàn gắn vết thương hậu chiến hai bờ đại dương và kết nối những tâm hồn văn chương của hai quốc gia Việt – Mỹ.

Nhà thơ Bruce Weigl đã đến hội trường rất sớm, mà theo lý giải của ông là “để được nhìn ngắm những gương mặt trẻ trung và xinh đẹp của văn chương Việt Nam. Và thực sự họ đã giúp tôi được trẻ lại ở tuổi 73”.

Nhà thơ Bruce Weigl.


Nhà thơ Bruce Weigl từng nhận một cô gái Việt Nam tên Hạnh làm con nuôi, và viết cho con mình cuốn sách “Vòng tròn của Hạnh” với mong muốn Hạnh phải giỏi tiếng Việt, phải yêu tiếng Việt và gìn giữ giá trị Việt. Vì vậy, những chia sẻ chân thành và thú vị của nhà thơ Bruce Weigl với sự giúp đỡ phiên dịch của nhà thơ Trần Lê Khánh, đã đem đến cho các trại viên những điều bổ ích và xúc động.

Các hội viên tham gia trại sáng tác như Ngô Thị Hạnh, Trần Đức Tín, Đoàn Thị Diễm Thuyên, Nguyễn Khắc Thắng... đã đặt câu hỏi và đọc thơ giao lưu với nhà thơ Bruce Weigl.

Nhà thơ Bruce Weigl kết thúc cuộc trò chuyện với các hội viên trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM bằng cam kết: “Các bạn hãy viết những khoảnh khắc quý báu nhất cho mình đi, tôi sẽ là người đầu tiên tình nguyện dịch tác phẩm của bạn sang tiếng Anh”./.

                                                        P.V