Nhà văn Mường Mán sau hai năm giãn cách với bạn bè văn nghệ vì Covid-19, quyết định tổ chức triển lãm tranh ‘Mùa chim gọi cưới’ ở tuổi 75 tại nhà hàng Ruốc, TP.HCM.
Nhà văn Mườn Mán là một gương mặt khá quen thuộc trong
giới nghệ thuật phương Nam. Nhà văn Mường Mán từng sống và viết ở Cần Thơ gần
20 năm, trước khi lên TP.HCM định cư và tiếp tục hoạt động sáng tạo.
Nhà văn Mường Mán tên thật Trần Văn Quảng, sinh năm
1947 tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Hương vị cố hương được ông gửi gắm ở nhà
hàng Ruốc rất nổi tiếng những đặc sản Huế, còn thương nhớ cố hương được ông
truyền tải trong những tác phẩm văn chương.
Nhà văn Mường Mán chia sẻ: “Sinh thời, khi biết tôi viết
văn, làm thơ đăng báo có nhuận bút, in sách và viết kịch bản phim được trả tiền
tác quyền, mẹ tôi hết sức ngạc nhiên. Bà nghiêm giọng bảo: “Này, chữ nghĩa của
Thánh hiền sao con dám mang đi bán vậy? Tội chết!”. Cha tôi vốn là người đã
khai tâm, dạy mẹ học chữ quốc ngữ nên bà rất kính trọng chữ nghĩa. Tôi giải
thích mãi, mẹ mới vỡ lẽ, thì ra viết văn cũng là một cái nghề lương thiện. Dẫu
vậy, tôi thường nhớ câu bảo ban ấy của mẹ mỗi lần bắt đầu viết một tác phẩm”.
Từ tác phẩm đầu tay “Lá tương tư” in năm 1974 đến nay,
nhà văn Mường Mán đã xuất bản gần 30 cuốn sách, bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu
thuyết, kịch bản phim... Trong đó, có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu mến như
“Chiều vàng hoa cúc”, “Khóc nữa đi sớm mai”, “Trăng không mùa”, “Muối trăm
năm”...
Bút danh Mường Mán ký trên các tác phẩm văn chương
không còn xa lạ với công chúng, còn bút danh Mường Mán ký trên các tác phẩm hội
họa có cơ duyên từ đâu? Nhà văn cầm cọ Mường Mán bộc bạch: “Vẽ tranh là ước mơ
từ thời còn rất trẻ, thời còn học cấp 3 ở Trường Quốc học Huế. Anh cả tôi nói
vui: “Cậu đừng có mơ hão!”, tôi vẫn âm thầm học hỏi, nghiên cứu hội họa qua
sách báo, phim ảnh... Cơ hội may mắn đến khi tôi vào làm ở Công ty văn hóa
Phương Nam, ngoài biên tập nội dung, tôi được giao thêm việc trình bày bìa cho
các loại sách. Năm 2008, tôi nghỉ hưu và khởi nghiệp cầm cọ từ 300 tờ phác thảo,
minh họa bằng mực tàu và tranh màu nước của mình trước đây, chuyển những “tư liệu”
ấy lên vải bố và sơn dầu cho những bức tranh đầu tiên”.
Triển lãm “Mùa chim gọi cưới” khai mạc sáng 6/3 ngay tại
không gian nhà hàng Ruốc của nhà văn Mường Mán. 65 bức tranh với kích cỡ khác
nhau, cho thấy nhà văn Mường Mán tuổi 75 vẫn còn rất đắm đuối với những sắc màu
cuộc sống. Mỗi bức tranh của nhà văn Mường Mán đều được đặt tên theo kiểu bay bổng
thi ca như “Hạnh phúc trôi”, “Cõi xanh ươm lại mộng” hoặc “Chúc em trần thế mặn
mà sắc hương”.
Trong hai năm
Covid-19 hoành hành, nhà hàng Ruốc cũng đóng cửa thường xuyên. Nhà văn Mường
Mán giãn cách xã hội bằng cách trầm tư trước giá vẽ. Vì vậy, triển lãm “Mùa
chim gọi cưới” cũng là một dấu hiệu thích ứng bình thường mới của nhà văn Mường
Mán.
Làng văn nước ta đã
có không ít nhà thơ và nhà văn ngẫu hứng cầm cọ khá thành công. Thậm chí có rất
nhiều người cầm bút cũng là họa sĩ chuyên nghiệp. Còn nhà văn Mường Mán có tham
vọng gì ở lĩnh vực mỹ thuật không? Nhà văn Mường Mán cười: “Triển lãm chỉ là
cái cớ để gặp gỡ bạn bè. Còn tranh thì bán được bức nào thì mừng cho bức ấy có
người vừa mắt”.
Tuy nhiên, nhà văn Mường
Mán cũng viết bài thơ lục bát khá dạt dào về duyên nợ hội họa của mình: “Vẽ
gương không bóng ai soi/ vẽ má vắng tựa, vẽ vai thiếu kề/ vẽ cửa han rỉ bản lề/
vẽ bướm lạc lối đi về từ khi/ vẽ nhện đan rối tơ si/ vẽ dế gáy suốt đêm vì nhớ
nhau/ vẽ em men rượu tan lâu/ vẽ câu kinh nguyện thành câu kinh lòng/ vẽ tình
con ngựa long nhong/ vẽ áo rách mộng bế bồng kinh luân/ vẽ xuân trăng tròn đầy
khuôn/ vẽ thu xiêm lộng dưới nguồn sương sa/ vẽ tục lụy vẽ phù hoa/ thênh thang
cõi mộng bao la cõi đời/ vẽ thiên hạ chẳng vẽ tôi/ bởi lòng em xóa tôi rồi còn
đâu”.
TUY HÒA