Nhà nghiên cứu Võ Hà ở tuổi 38 đã công bố công trình ‘Trường Sa 1988 – Hồ sơ một sự kiện lịch sử’ gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều độc giả trong dịp tưởng nhớ vụ thảm sát Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2022).


Nhà nghiên cứu Võ Hà sinh năm 1984 tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhà nghiên cứu Võ Hà tốt nghiệp cử nhân Khoa học Sư phạm Lịch sử, hiện sinh sống làm việc tại Đà Nẵng. Nhà nghiên cứu Võ Hà bắt đầu tiếp cận các nguồn tư liệu từ năm 2011 và mất 10 năm để hoàn thành công trình “Trường Sa 1988- Hồ sơ một sự kiện lịch sử”.

“Trường Sa 1988-Hồ sơ một sự kiện lịch sử” của nhà nghiên cứu Võ Hà dày hơn 500 trang, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Phanbooks ấn hành, trở thành cuốn sách được đông đảo công chúng ủng hộ, nhân 34 năm xảy ra biến cố trên đảo Gạc Ma. Ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã kiên cường bám trụ và anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma, trước sự hung hãn gây hấn của kẻ địch.

“Trường Sa 1988-Hồ sơ một sự kiện lịch sử” được chia thành năm phần. Thứ nhất, “Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988”. Thứ hai, “Căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1988”. Thứ ba, “Dư luận thế giới về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988”. Thứ tư, “Vì Trường Sa thân yêu”. Thứ năm, “Nơi tuyến đầu Trường Sa.

Nhà nghiên cứu Võ Hà chia sẻ: “Cuốn sách ra đời với mong muốn bổ sung các thông tin, tài liệu về sự kiện lịch sử này, làm rõ hơn các căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại thời điểm năm 1988. Việc tôn trọng lịch sử, biết đúng sự thật lịch sử giúp chúng ta rút ra những bài học đúng đắn trong quan hệ quốc tế và trách nhiệm với xã hội của mỗi người”.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng- Bùi Văn Tiếng cho rằng đặc điểm nổi bật nhất của “Trường Sa 1988-Hồ sơ một sự kiện lịch sử” là nguồn tư liệu chính thống thể hiện rõ quan điểm, lập trường, quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là của toàn thể dân tộc Việt Nam.

“Trường Sa 1988-Hồ sơ một sự kiện lịch sử” được tác giả dày công sưu tầm, chắt lọc và sắp xếp theo một trình tự rõ ràng, thể hiện một cách sôi nổi phong trào cả nước hướng về Trường Sa - vì Trường Sa thân yêu, tạo khí thế chiến đấu, lao động, sản xuất vượt bậc cho biển đảo quê hương. Đặc biệt xúc động là các bài viết về sự hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại cụm đảo Sinh Tồn, đó là hình ảnh rất đẹp về những người chiến sĩ Việt Nam.

Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử  được sưu tầm, biên soạn một cách hệ thống các tư liệu là các tuyên bố, các công hàm ngoại giao, các bài báo xã luận, bài viết, ký sự... được đăng trên báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân năm 1988 - ngay trước và sau sự kiện thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988, trong khoảng thời gian từ tháng 2/1988 đến tháng 6/1988.

Công trình của nhà nghiên cứu Võ Hà giúp độc giả hôm nay một bức tranh khá rõ nét: Đầu năm 1988, tình hình trên quần đảo Trường Sa rất phức tạp, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và đổ quân chiếm các bãi đá. Cụ thể: Ngày 31.1.1988, chiếm bãi đá ngầm Chữ Thập; ngày 18.2.1988, chiếm bãi đá ngầm Châu Viên; ngày 26.2.1988, chiếm bãi đá Ga Ven; ngày 28.2.1988, chiếm bãi đá Huy Gơ. Đồng thời phía Trung Quốc cũng cho tàu chiến ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ hậu cần, tiếp tế cho các đảo. Trung Quốc cho xây dựng một số đường băng trên một vài đảo san hô làm đầu cầu tới các đảo khác, nhằm đe dọa các nhóm đảo của Việt Nam.



Trong “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử cung cấp một bài viết trên báo Nhân Dân số ra ngày 24/3/1988 phản ánh câu chuyện xảy ra ở đảo Gạc Ma như sau: “Tàu chiến số 502 của Trung Quốc liền lao vào tàu vận tải HQ-604 của ta. Còn tàu HQ-604 vẫn hiên ngang không nhổ neo. Ngay phía sau tàu HQ-604, một số cán bộ, chiến sĩ do thiếu úy Trần Văn Phương - Trung đội trưởng thuộc đoàn Trường Sa trực tiếp chỉ huy đang làm nhiệm vụ trên đảo có cắm lá cờ Tổ quốc. Chủ quyền vùng đảo của chúng ta được khẳng định bằng chiếc tàu đang neo tại bến và các chiến sĩ trên đảo. Một phân đội nhỏ được lệnh xuống chiếc ghe nhỏ, chở hàng hóa lương thực, thực phẩm vào bờ, không mang theo vũ khí.

Điên cuồng trước thất bại uy hiếp tàu vận tải HQ-604 của ta, từ trên chiếc tàu chiến số 502, bọn chỉ huy Trung Quốc ra lệnh cho bọn lính chuyển xuống xuồng máy tiến công vào đảo Gạc Ma. Có 71 tên do một tên cầm súng ngắn chỉ huy, đứa nào cũng cắt tóc ngắn, lăm lăm súng AK đeo dây băng đạn trước ngực, súng đã giương lê… Tên chỉ huy lăm lăm khẩu súng ngắn cùng hàng chục tên tràn lên bãi đảo của ta, nơi đã có lá cờ Tổ quốc Việt Nam và các chiến sĩ Trường Sa.

Lúc này, lính Trung Quốc chĩa mũi súng vào thiếu úy Trần Văn Phương. Một số tên nói tiếng Việt trắng trợn gào thét: “Đây vùng đảo của Trung Quốc”. Thiếu úy Trần Văn Phương và các chiến sĩ lên tiếng trả lời: “Hãy bỏ súng xuống! Không nên gây đổ máu!”.

Câu nói của thiếu úy Trần Văn Phương chưa dứt, một tên đã nhào vô hòng nhổ lá cờ đỏ sao vàng. Thiếu úy Trần Văn Phương nhanh tay giằng lấy, Nguyễn Văn Lanh, binh nhất 22 tuổi lao lên giữ cờ. Một tên lính Trung Quốc cao to, giữ chiếc máy bộ đàm nhỏ trên tay nắm ngay chiếc xà beng của chiến sĩ ta để trên đảo từ phía sau lao xả vào lưng anh. Anh kịp tránh: Thiếu úy Trần Văn Phương giữ chặt lá cờ Tổ quốc thì bị một trên khác bắn xả vào anh một loạt đạn AK.

Trần Văn Phương ngã xuống, Nguyễn Văn Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay tên chỉ huy thì một tên lính khác dùng lưỡi lê đâm thẳng vào phía sau lưng Lanh chệch vào bả vai bên trái. Nó bắn tiếp viên đạn AK vào Lanh trúng sát vết lê đâm. Anh gục xuống trong dòng máu đỏ”.

                                                  PHẠM TUẤN