Tất cả chúng ta đều là những người theo chủ nghĩa hòa bình về vấn đề Urkaine. Nhưng bạn phải hiểu những gì Putin đang nghĩ, và đặc biệt là những gì người Nga đang nghĩ, hoặc ít nhất ra là một phần lớn trong số họ đang nghĩ.


THƯƠNG VONG ĐẦU TIÊN CỦA CHIẾN TRANH LUÔN LÀ SỰ THẬT…

(Bài đăng trên báo Le Figaro-Pháp)

Andrey Makin, Viện sỹ hàn lâm Pháp gốc Nga lo lắng về việc Nga đang biến Ukraine thành "một cái vạc lửa". Ông không coi mình là người có lập trường ủng hộ Điện Kremlin và lấy làm tiếc vì cách tiếp cận vội vã đối với một cuộc xung đột, vốn đòi hỏi phải có sự phân biệt thật rõ ràng giữa mặt đúng, mặt sai, một sự phân biệt đứng ngoài ngoài mọi cuộc tranh cãi.

FIGARO: Hai chữ "chiến tranh" gợi lên trong ông - một nhà văn gốc Nga những cảm xúc gì?

ANDREY MAKIN: Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được! Trước mắt tôi hiện ra khuôn mặt những người bạn Ukraine của tôi ở Moscow. Với họ- trước hết, tôi nhìn thấy những người bạn chứ không phải là người Ukraine. Rồi tới khuôn mặt của con cháu họ, những người đã rơi vào cái vạc lửa này. Tôi sót thương những người Ukraine bị chết dưới bom đạn, cũng như những người lính Nga trẻ tuổi đang tiến hành một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này.Số phận của những người bất hạnh- đối với tôi- quan trọng hơn nhiều số bộ phận của những vị nguyên thủ chóp bu.. Như nhà văn Pháp Paul Valery đã nói: "Chiến tranh là một loại hành động xuẩn ngốc mà những người không quen biết nhau bỗng giết nhau vì vinh quang và lợi lộc của những kẻ biết nhau và không giết nhau".

FIGARO: Một số nhà báo gọi ông là nhà văn ủng hộ Putin. Sự thật là như vậy sao?

ANDREY MAKIN: Tôi có được nhãn hiệu này khoảng gần hai mươi năm nay, nhờ một nữ nhà báo từ France-Presse. Điều ấy xảy ra ngay sau sự ra đi của Boris Yeltsin, người mà các hoạt động của ông đã trở thành một thảm họa đối với Nga. Tôi giải thích với cô ấy rằng Yeltsin, trong tình trạng say rượu liên tục, thực sự gây nguy hiểm, vì ông ta là người chịu trách nhiệm về nút bấm hạt nhân. Và tôi bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, nước Nga có thể sẽ trở nên lý trí và thực dụng hơn một chút. Nhưng cô ấy đã viết với dòng tiêu đề: " Makin bảo vệ chủ nghĩa thực dụng của Putin". Vì đó là tin tức của AFP, nên nó đã được lan chuyền khắp nơi. Khi tôi vừa ra nhập Viện Hàn lâm, một tờ báo tuần báo hàng đầu, mà tôi sẽ không nêu tên ra đây vì sự tử tế của mình, bỗng đăng một bài với tiêu đề: "Makin là tay sai của Putin trong Viện Hàn lâm Pháp" ... Đây là bằng chứng quá thuyết phục về thế giới dối trá mà chúng ta đang sống.

FIGARO: Ông lên án hoạt động quân sự của Nga chứ...

ANDREY MAKIN: Sự phản đối của tôi đối với hoạt động ấy không nên trở thành một loại thần chú, một minh chứng về quyền công dân cho những trí thức không dám công khai ra mặt. Để nhắc lại điều hiển nhiên này, tôi hoàn toàn không muốn lên tiếng và cũng không ủng hộ cách tiếp cận vội vã với thảm kịch hiện nay, điều sẽ cản trở bất kỳ cuộc bàn thảo và hiểu biết nào.  

Chúng ta có thể lên án quyết định của Vladimir Putin, phỉ báng Nga, nhưng điều này sẽ không giải quyết được gì và sẽ không giúp ích được gì cho người Ukraine.

Hãy nhớ lại câu chuyện hậu trường đã làm cho thảm họa này có thể xảy ra. Cuộc chiến của quân đội Ukraine tại Donbass kéo dài 8 năm, hậu quả là 13 nghìn người chết và số người bị thương cũng tương tự, kể cả trẻ em. Tôi lấy làm tiếc về sự im lặng của giới chính trị và truyền thông xung quanh vấn đề này, sự thờ ơ với những người đã chết, mà mọi tội lỗi duy nhất của những ai bị thiệt mạng là do họ nói tiếng Nga. Nhưng khi tôi nói điều này, không có nghĩa là tôi biện minh cho bất kỳ hành động nào của Vladimir Putin. Và nếu chúng ta nhấn mạnh đến vai trò chủ chiến của Hoa Kỳ, hiện diện trong tất cả các hành lang quyền lực của Ukraine, kể cả trước và trong thời điểm diễn ra “ cuộc cách mạng Maidan”, điều này cũng không hoàn toàn nhắm biện minh cho người thủ lĩnh của nước Nga.

Cuối cùng, chúng ta không được quên những tiền lệ được đặt ra bởi vụ đánh bom Belgrade và sự tàn phá Serbia của các lực lượng NATO vào năm 1999 mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga coi các sự kiện này như một sự sỉ nhục và giữ mãi chúng trong ký ức. Cuộc chiến ở Kosovo đã đọng lại trong hoài niệm của người dân Nga và nhà lãnh đạo nước này một thời gian khá dài.

Khi Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga đang gặp nguy hiểm, đây không phải là "cái cớ": dù đúng hay sai, người Nga đều cảm thấy bị bao vây, và điều này gắn liền với lịch sử, cũng như với các hoạt động quân sự của phương Tây ở Afghanistan, Iraq và Libya…Cuộc nói chuyện giữa Putin và tổng thống Kazakhstan đã tóm gọn tất cả. Nhà lãnh đạo Kazakhstan từng cố gắng thuyết phục Putin tin rằng việc triển khai các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Kazakhstan sẽ không gây ra mối đe dọa nào cho Nga. Vì vậy, hãy đồng ý không coi Hoa Kỳ là một mối đe dọa. Putin đáp lại với một nụ cười buồn: " Đó chính xác là những gì người Mỹ đã cố gắng thuyết phục Saddam Hussein!"

Một lần nữa, tôi không có cách nào hợp thức hóa được các vụ bắn phá và ném bom, nhưng điều quan trọng không phải là những gì tôi nghĩ, cũng không phải là tất cả chúng ta nghĩ. Ở Châu Âu, tất cả chúng ta đều là những người theo chủ nghĩa hòa bình về vấn đề này. Nhưng bạn phải hiểu những gì Putin đang nghĩ, và đặc biệt là những gì người Nga đang nghĩ, hoặc ít nhất ra là một phần lớn trong số họ đang nghĩ.

FIGARO: Ông có nghĩ rằng hành động của Putin là hệ quả chính sách của phương Tây. Nhưng chả lẽ Tổng thống Nga không mơ ước trả thù phương Tây sao?

ANDREY MAKIN: Tôi đã nhìn thấy Vladimir Putin vào năm 2001, ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên của ông ấy. Đó là một con người hoàn toàn khác so với bây giờ. Ông ta có một giọng nói rụt dè, không tự tin lắm. Khi đó, ông ta đang tìm kiếm sự hiểu biết ở các quốc gia dân chủ. Tôi hoàn toàn không tin rằng vào thời điểm đó ông ta đã đang ấp ủ một kế hoạch của chủ nghĩa đế quốc, như ngày hôm nay người ta khẳng định

Tôi thấy ông ấy là một chính trị gia thực dụng hơn là một nhà tư tưởng. Vào thời điểm đó, chính phủ Nga đã tìm cách đạt được chỗ đứng trong thế giới phương Tây. Và thật ngu ngốc khi nghĩ rằng người Nga quá hoài niệm đối với Gulag và Bộ Chính trị. Họ có thể khao khát an ninh kinh tế, không có thất nghiệp. Và họ cũng khao khát sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Tại Đại học Tổng hợp Moscow, không một ai tạo ra sự khác biệt giữa sinh viên Nga và Ukraine, cũng như đối với sinh viên các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô.. Tuần trăng mật tiếp tục diễn ra giữa Nga và Châu Âu, giữa Putin và Châu Âu khá lâu. Năm 2001, Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đề nghị hỗ trợ George W. Bush sau vụ tấn công 11/9. Nhờ vào các căn cứ của mình ở Trung Á, Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Nhưng vào năm 2002, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước ABM yêu cầu hạn chế việc triển khai các lá chắn chống tên lửa. Nga phản đối quyết định này, theo quan điểm của Nga, hành động của Mỹ chỉ có thể làm tăng cường việc chạy đua vũ trang. Và vào năm 2003, người Mỹ đã tuyên bố tổ chức lại các lực lượng vũ trang của họ nhằm vào Đông Âu.

Putin bắt đầu chán nản kể từ năm 2004, khi các nước xã hội chủ nghĩa xưa kia gia nhập NATO cùng với việc gia nhập Liên minh châu Âu. Hóa ra như thế này: để trở thành một người châu Âu, bạn cần phải trở thành một người chống Nga. Thật là xấu hổ ! Putin hiểu rằng châu Âu đã bị Mỹ nô dịch. Sau đó, vào năm 2007, bước ngoặt thực sự đã đến khi Putin có bài phát biểu tại Munich, trong đó ông cáo buộc người Mỹ duy trì các cấu trúc NATO lỗi thời và nỗ lực tạo nên một thế giới đơn cực. Ấy vậy mà, vào năm 2021, khi lên nắm quyền, Joe Biden không nói gì hơn ngoài việc khẳng định: "Nước Mỹ sẽ thống trị thế giới một lần nữa".

FIGARO: Chúng tôi có cảm giác rằng, theo cách nhìn nhận của ông thì cả Phương Tây cả Nga đều đúng. Chả lẽ trong những biến cố hiện nay, ông không thấy ai là kẻ đi xâm chiếm sao? 

ANDREY MAKIN: Tôi không bênh vực ai cả! Nhưng tôi lấy làm tiếc khi tuyên truyền của châu Âu đối lập với tuyên truyền của Nga. Ngược lại thế, ngay từ bây giờ châu Âu nên thể hiện sự khác biệt của mình, khi đưa ra một nền báo chí đa nguyên mở ra cuộc tranh luận. Khi tôi còn là một đứa trẻ ở nước Nga Xô Viết và trong số các tờ báo hình như duy chỉ có tờ “Sự thật” là tồn tại, tôi đã mơ về một nước Pháp với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nơi các ý kiến ​​khác nhau được đăng trên các tờ báo khác nhau. Cuộc chiến đã giáng một đòn khủng khiếp vào quyền tự do ngôn luận: ở Nga- điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng ở phương Tây lại cũng y chang. Họ nói rằng "thương vong đầu tiên của chiến tranh luôn là sự thật". Điều đó đúng, nhưng tôi muốn điều này không xảy ra ở Châu Âu, ở Pháp. Theo tôi, việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen đóng cửa kênh RT France là một sai lầm chắc chắn sẽ bị dư luận cho rằng đó là một hoạt động kiểm duyệt. Làm sao không phẫn nộ trước việc chuyến lưu diễn của Nhà hát Bolshoi tại Nhà hát Opera Hoàng gia ở London bị hủy bỏ, cũng như các bài giảng công khai về Dostoevsky tại Đại học Milan bị ngưng lại? Làm thế nào chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta đang bảo vệ nền dân chủ bằng cách kiểm duyệt các kênh truyền hình, hoạt động của các nghệ sĩ, nội dung của các cuốn sách? Bằng các biện pháp vừa kể trên,chính  người châu Âu sẽ nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc của Nga và kết cục là ngược lại với những gì họ mong đợi.

Nên làm khác đi.. Cần phải mở cửa với Nga, cụ thể là thông qua những người Nga sống ở châu Âu và thân châu Âu. Như Dostoevsky đã nói rất đúng: "Mọi viên đá ở châu Âu này đều thân yêu đối với chúng ta".

FIGARO: Nhưng không đáng coi là độc hại sao,  khi Putin nói về "sự phân biệt hóa" ...

 

ANDREY MAKIN: Tiểu đoàn Azov (một tổ chức khủng bố bị cấm ở Liên bang Nga )đơn vị đã tái chiếm thành phố Mariupol từ tay quân ly khai vào năm 2014 và kể từ đó được đưa vào quân đội chính quy Ukraine, đã tuyên bố tư tưởng tân Quốc xã của mình. Các đội viên đội mũ bảo hiểm, đeo huy hiệu có biểu tượng của S.S và cây thánh giá có hình chữ vạn. Tất nhiên, sự hiện diện của họ vẫn còn chuyện bên lề, nhà nước Ukraine không phải là Đức Quốc xã và không tôn thờ Stepan Bandera vô điều kiện. Nhưng các nhà báo phương Tây lẽ ra phải điều tra nghiêm túc về ảnh hưởng này, và châu Âu lẽ ra nên lên án sự hiện diện các biểu tượng của Đức Quốc xã trên lãnh thổ của mình. Cần phải hiểu rằng điều ấy nhắc nhớ người Nga về Chiến tranh thế giới thứ hai và về các tên phát xít Ukraine ủng hộ  Hitler. Và điều này khiến người Nga tin vào những lời tuyên truyền của Điện Kremlin.

FEGARO: Ngoài những tranh cãi về nguyên nhân và trách nhiệm của từng bên tham chiến, ông nghĩ gì về phản ứng của châu Âu?

ANDREY MAKIN: Bruno Le Maire bị phê phán khi ông này nói về một cuộc chiến tranh tổng lực, nhưng ông ta có công là đã nói ra sự thật và công khai gọi những kẻ gửi vũ khí và lính đánh thuê tới Ucraine với ý định phá hoại nền kinh tế Nga. Trên thực tế, đó là việc phá hủy nước Nga và làm bần cùng hóa người dân ở nước này. Cần phải nói trắng ra rằng: phương Tây đang chống lại Nga.

Tuy nhiên, nếu có thể kể tới một thời điểm tích cực tạo ra khả năng dân chủ hóa nước Nga, thì đó là sự phá hủy cấu trúc đầu sỏ, vốn đã là một khối u thực sự được bắt đầu từ những năm 1990. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu trục xuất những tên đầu sỏ dã thú, tịch thu hàng tỷ rúp đánh cắp được và gửi tại London. Và thay vì đóng băng chúng như hiện nay, hãy phân phát chúng cho những người nghèo ở châu Âu và Nga.

FIGARO: Còn những điều gì khác cần phải làm?

ANDREY MAKIN: Để ngăn chặn cuộc chiến đang xẩy ra, để tạo cho Ukraine một tương lai,như trước đây,người ta vẫn tin rằng cần phải tấn công. Nhưng đôi khi cần phải làm ngược lại- rút ​​lui! Cần phải nói: “ Chúng tôi đã sai!”. Năm 1992, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, chúng tôi thấy mình đang ở ngã ba đường. Chúng tôi đã rẽ sai đường. Khi đó tôi thực sự nghĩ rằng sẽ không còn khối nữa, NATO sẽ tan rã vì Mỹ không còn kẻ thù, rằng chúng ta sẽ tạo ra một lục địa hòa bình vĩ đại. Nhưng tôi lại cũng cảm thấy ngay tình hình sắp sôi réo, bởi vì đã xuất hiện những sự căng thẳng mới: ở Caucasus, ở Armenia, ở Nagorno-Karabakh ... Lúc đó tôi đã viết một bức thư cho Tổng thống Pháp François Mitterrand.

FIGARO: Nội dung của bức thư đó là gì?

ANDREY MAKIN: Tôi không biết liệu ông ta có nhận được bức thư ấy hay không, nhưng tôi đã nói với ông ta về việc xây dựng một châu Âu không liên quan chút nào đến con quái vật quan liêu do Madame Von der Leyen trình bày ngày hôm nay. Tôi mơ ước về một châu Âu tôn trọng bản sắc, giống như Mitteleuropa của Zweig và của Rilke. Về một châu Âu mạnh mẽ và linh hoạt hơn, có thể mở rộng thêm vòng tay với Ukraine, các nước Baltic và, tại sao không- với cả Belarus. Nhưng đó sẽ phải là một châu Âu không có vũ khí, không có các khối quân sự, một châu Âu bao gồm các thánh địa của thế giới. Hai người bảo lãnh cho công trình kiến ​​trúc này có thể là Pháp và Nga, hai cường quốc hạt nhân nằm ở hai đầu châu Âu, được Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ bảo vệ lục địa này theo luật định.

FIGARO: Điều này thực tế đến mức nào?

ANDREY MAKIN: Phân tử-Europe không phải là điều không tưởng, nó đã tồn tại. Tôi muốn tin vào điều đó và kiên định với ý tưởng này. Vài năm trước, tôi đã gặp Jacques Chirac và sau đó là Dominique de Villepin-người đã chia sẻ tầm nhìn về châu Âu từ Paris đến St.Petersburg. Nhưng người Mỹ đã quyết định theo cách của họ. Điều này dường như có nghĩa là sự kết thúc của NATO, sự kết thúc của quá trình quân sự hóa châu Âu, với sự hỗ trợ của Nga và sự giàu có của nó sẽ khiến châu Âu trở nên quá hùng mạnh và độc lập. Tôi vẫn hy vọng rằng vị tổng thống mới sẽ tiếp thu ý tưởng này. Châu Âu đó hiện là con tàu Titanic đang chìm, nhưng chúng ta đang cố gắng tự cứu. Tình trạng này thật bi thảm, hỗn loạn đến mức cần phải đề xuất một giải pháp triệt để, có nghĩa là quay trở lại thời kỳ phân đôi của năm 1992 và thừa nhận rằng không cần thiết phải tiếp tục chạy đua vũ trang, hãy đi theo con đường dân chủ và hòa bình, con đường ấy có thể bao gồm cả nước Nga.Điều này sẽ chấm dứt các xu hướng cực đoan ở Nga. Điều này cũng sẽ cho phép tránh được một sự sập đổ kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Đây có thể sẽ là một lối thoát xứng đáng cho tất cả mọi người và giúp xây dựng một châu Âu hòa bình, trí thức và văn hóa. Lục địa của chúng ta là một kho tàng sống cần được bảo vệ. Than ôi, chúng ta thích quan điểm hoàn toàn trái ngược: cấm Dostoevsky và tiến hành chiến tranh. Một cách hành xử như vậy sẽ tất yếu đi tới sự hủy diệt, bởi vì sẽ không có ai là người chiến thắng cả.

TÔ HOÀNG (chuyển ngữ)