Tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà văn Trần Mai Hạnh viết về sự kiện 30/4 lịch sử, vừa có thêm phiên bản tiếng Tây Ban Nha.


Tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in lần đầu tiên vào tháng 4/2014. Tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” gồm 19 chương, viết về những giờ phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước khi cánh cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ vào ngày 30/4/1975.

Tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” phục dựng một bối cảnh lịch sử, không chỉ qua ánh mắt một nhân chứng mà còn dựa trên những tài liệu tuyệt mật được tác giả cất công sưu tầm trong nhiều thập niên.

Nhà văn Trần Mai Hạnh vốn là một phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Việt Nam. Ông đã có mặt đúng thời khắc giải phóng Sài Gòn và là nhà báo đầu tiên viết bài phản ánh sự kiện này trên phương tiện truyền thông Việt Nam.

Vốn được đào tạo văn khoa ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước khi trở thành phóng viên chiến trường, nên nhà văn Trần Mai Hạnh rất có ý thức gom góp những chi tiết thực tế từng được đưa lên mặt báo để chuyển tải vào văn chương. Có điều kiện tiếp xúc nhiều nhân vật lịch sử, nhà văn Trần Mai Hạnh đã có nhiều tác phẩm ký sự như “Nắng Thu Bồn”, “Tình yêu và án tử hình”, “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế”... trước khi dồn sức hoàn thành tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.

Vừa ra đời, tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã gây tiếng vang trong công chúng, vì giá trị cộng hưởng giữa lịch sử và văn chương. Tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.  

Nhà văn Trần Mai Hạnh!


Tháng 4/2017, phiên bản tiếng Anh của tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được ấn hành. Tháng 8/2018, phiên bản tiếng Lào của tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được ra mắt bạn đọc. Và mới đây, phiên bản tiếng Tây Ban Nha của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được giới thiệu với công chúng quốc tế, qua bản dịch của Trần Thị Oanh và Nguyễn Mai Anh.

Ở tuổi 79, nhà văn Trần Mai Hạnh bày tỏ: “Sau phiên bản tiếng Anh tiếng Lào, giờ đây với phiên bản tiếng Tây Ban Nha, tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đãthêm cơ hội chinh phục độc giả tại 20 quốc gia sử dụng tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ. Với việc thẩm định và đầu tư nghiêm túc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã cấp “giấy khai sinh” và “căn cước công dân gắn chip” cho đứa con tinh thần của tôi đi vào cuộc sống và tới bạn đọc quốc tế. Đây quả là món quà số phận dành cho cuộc đời cầm bút nhiều sóng gió thăng trầm của tôi”.

                                           TUY HÒA