Nhà văn Võ Hồng được hậu sinh nhắc nhớ trong Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng tổ chức chiều 24/4 tại Phú Yên.


Nhà văn Võ Hồng trên các giấy tờ đều ghi, sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, nhà văn Võ Hồng thổ lộ ông sinh vào tháng chạp năm Nhâm Tuất, tính theo dương lịch là ngày 21/1/1923.

Nhà văn Võ Hồng bước vào làng văn bằng truyện ngắn “Mùa gặt” in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1939, với bút hiệu Ngân Sơn. Năm 1959, tập truyện ngắn đầu tiên “Hoài cố nhân” được ký tên thật Võ Hồng. Từ đó, đến khi qua đời vào ngày 31/3/2013, nhà văn Võ Hồng đã gửi đến bạn đọc hàng chục cuốn sách ở nhiều thể loại khác nhau.

Để giúp công chúng hôm nay có thêm hiểu biết về sự nghiệp sáng tác của nhà văn Võ Hồng, Trường Đại học Phú Yên phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa Thể thao Du lịch Đà Lạt và Trường Đại học Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” vào chiều 24/4 tại Khu du lịch Sao Việt, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Nhà văn Võ Hồng sống tuổi nhỏ ở Phú Yên, sau đó học trung học ở Quy Nhơn, rồi học Tú tài ở Hà Nội. Nhà văn Võ Hồng cũng là một nhà giáo uy tín, ông có nhiều năm giảng dạy ở Trường Trung học Lương Văn Chánh – Phú Yên trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1956, nhà văn Võ Hồng dạy học ở Nha Trang, đến năm 1982 thì nghỉ hưu.

Nhà văn Võ Hồng lập gia đình với cô giáo Phan Diệu Báu trong thời gian ở Đà Lạt, và có 3 ngưởi con. Năm 1957, cô giáo Phan Diệu Báu qua đời vì bệnh tim, nhà văn Võ Hồng một mình nuôi hai con gái và một con trai.

Nhà văn Võ Hồng sống lặng lẽ và viết lặng lẽ. Về truyện dài, ông có các tác phẩm “Người về từ đầu non”, “Gió cuốn”, “Nhánh rong phiêu bạt”, “Thiên đường ở trên cao”... Về truyện ngắn, ông có các tác phẩm “Lá vẫn xanh”, “Trong vùng rêu im lặng”, “Vẫy tay ngậm ngùi”... Về văn học thiếu nhi, ông có các tác phẩm “Vùng trời thơ ấu”, Tuổi thơ êm đềm”... Về thơ, ông có các tác phẩm “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”... Về tùy bút, ông có các tác phẩm “Trầm tư”, “Một bông hồng cho cha”, “Chúng tôi có mặt”...



Tiến sĩ Trần Lăng – Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, trong đề dẫn Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng”, đã nhận định về nhà văn Võ Hồng: “Ông là một trong những nhà văn có khả năng làm sống động, làm mới những chuyện đã cũ, đã quen thuộc, tạo nên nét riêng, giọng điệu riêng. Những gì ông để lại cho hậu thế là quan trọng, là giá trị văn chương, văn hóa không thể phủ nhận. Ông đã ra đi, hóa thân thành cát bụi, nhưng vui mừng là tác phẩm của nhà văn vẫn đang sống tiếp cuộc đời của người sinh ra nó”.

Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” quy tụ 60 tham luận của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình trên cả nước. Trong đó, có những tham luận quan trọng như “Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975”, “Mỹ cảm lãng mạn trong truyện ngắn Võ Hồng”, “Thử nhìn lại người đương thời trước 1975 nói về tác phẩm Võ Hồng”, “Nhận diện một số tư liệu lịch sử- văn hóa Phú Yên qua tác phẩm Võ Hồng”, “Truyện kể về loài vật của Võ Hồng”...

Nhà văn Võ Hồng cả đời xa và nhớ cố hương, như chính bộc bạch: “Không chỉ mồ côi cha mẹ, tôi còn mồ côi cả ngôi nhà thơ ấu, khu vườn xanh tươi, bến sông heo hút và những ngõ xóm quanh co. Trong chiến tranh, nhà tôi bị bom tàn rụi, nhớ quê hương, nhớ bà con làng xóm mà không dám về thăm. Nhiều hôm ngồi nhớ, nước mắt âm thầm. Trong trí nhớ, ngôi nhà, khu vườn hiện lên rõ ràng như trải ra trước mắt. Nhưng nếu về thăm thì cảnh còn sót lại trong trí nhớ sẽ vĩnh viễn mất luôn”.



Sinh thời, nhà văn Võ Hồng quan niệm: “Viết văn là phương tiện giải phóng con người, đưa xã hội loài người tiến lên. Tôi viết văn, làm thơ là do sở thích. Có được chút ít thành công, bắt đầu viết mạnh thêm, nhiều thêm, hình thành những tác phẩm hoàn toàn độc lập trong suy tư, trong tư tưởng”. Bây giờ, nhà văn Võ Hồng đã an nghỉ ở Nghĩa trang Suối Đá thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.  

Các con của nhà văn Võ Hồng đều không theo nghiệp cầm bút và chủ yếu sống ở nước ngoài, nên Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Như Phương có ba đề nghị. Thứ nhất, xin gia đình nhà văn Võ Hồng ủy quyền cho Trường Đại học Phú Yên lưu trữ và quản lý toàn bộ bản thảo, sách vở của ông, vì hiện nay vẫn còn những di cảo của Võ Hồng chưa được công bố và một số tác phẩm được tái bản nhưng có nhiều lỗi kỹ thuật do in ấn. Thứ hai, xin các nhà biên soạn sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học quan tâm chọn lựa văn bản tác phẩm Võ Hồng để giảng dạy cho học sinh. Thứ ba, thành phố Tuy Hòa và thành phố Nha Trang nên có con đường mang tên Võ Hồng, đặc biệt là huyện Tuy An nên có trường tiểu học hay trung học mang tên Võ Hồng.

                                              TUY HÒA