Một giang hồ Năm Cang đã thành hình tượng trong tiểu
thuyết Ma lực và cội nguồn của Nguyễn Trí, trên bước đường phiêu bạt
kiếm sống, đời không cho Năm Cang trọn hưởng hạnh phúc một mái ấm gia đình từ
ban đầu đến chắp vá với những khát khao.
Một bài học nhân sinh bắt đầu bằng sự tử tế
NGUYỄN THỊ PHỤNG
Ma lực của cội nguồn (NXB Hội Nhà văn, 2022) là tập
tiểu thuyết thứ ba cũng là tập sách thứ 19 của Nhà văn Nguyễn Trí đã xuất bản
trong mười năm lại đây, nhiều nhất là truyện ngắn. Đâu dễ gì sự đam mê văn
chương từ tuổi thơ đến giờ đã thành hiện thực, cuộc mưu sinh đã nhào nặn quăng
quật trong thế cờ người và chính nhờ “có bột mới gột nên hồ”. Dù là truyện ngắn
hay tự truyện cô đọng, thì tiểu thuyết Ma lực của cội nguồn cũng là loại tự sự
với dung lượng lớn 320 trang của 8 chương, bao quát cả giai đoạn chuyển mình của
xã hội miền Nam trước và sau 1975, có vị trí quan trọng về thời cuộc luôn chịu ảnh
hưởng và trách nhiệm của người cầm bút. Những nhân vật nếm trải mùi đời, được
cuộc sống dạy dỗ mà trong họ luôn ấm nóng dòng máu yêu thương đầy thần bí làm
nên Ma lực của cội nguồn: “Giang hồ gốc Năm Cang nhận ra được làn khói của sự
cô đơn từ từ bay ra khỏi mắt Jerry-Quyn. Đúng là vậy. Cái đôi mắt buồn không thể
buồn hơn của ông ta từ từ sáng lên màu của hạnh phúc...”.
Màu hạnh phúc được tô đậm cân bằng lẽ sống về tình yêu
chân thật nhất, xoay quanh các nhân vật trong Ma lực của cội nguồn ám
ảnh vòng xoay xuôi ngược đầy cung bậc mà con người luôn bị điều khiển bởi từ ma
lực của đồng tiền và danh vọng cuốn hút. Trở lại bức tranh xã hội đầy biến động
ấy, đứng góc độ nào thì người lao động dù chật vật do hoàn cảnh chưa thoát ra
được sự kì thị sắc tộc từ trong chiến tranh và tàn dư xâm lược, mà nạn nhân vẫn
là những người đàn bà không tránh khỏi chức năng sinh đẻ, trong thị phi của kẻ
sĩ diện vốn có chưa mạnh dạn thoát ra được với chính mình. Kể cả những đứa trẻ
khác màu da không từ sự bất hạnh người mẹ bỏ rơi, còn người nuôi chẳng xuất
phát từ tấm lòng nhân hậu, chỉ duy nhất với sự ích kỉ của mình. Ngay từ chương
I, Nhà văn đã giới thiệu không gian quán “Thiên Thanh là điểm thứ dữ ở kinh tế
mới M.”. Gặp gỡ và giao lưu để làm nổi bật nhân vật Năm Cang: “Dân chơi
truyền rằng: Dữ ở đây là dữ tiền, dữ vàng chứ không phải dữ tợn đâu nghe- dữ tợn
với Năm Cang- quản lý quán- là chết đó”. Dân chơi có muốn gặp là phải đến lần
thứ tư hình ảnh Năm Cang hiện ra “cao áng chừng mét sáu lăm, ria mép và mắt mí
lót, lưng gù gù như gấu rừng lại đậm chất phong trần”. Và từ đó Nguyễn Trí khai
thác tận cùng tư duy các nhân vật trong Ma lực của cội nguồn đằng sau
các bộ quần áo xã hội đa sắc.
Cái phong trần ấy đã gắn bó mối quan hệ giữa Năm Cang
và Linda Đen - nhân vật chính, như thế nào. Thời thế có tạo nên anh hùng cưu
mang những người bất hạnh, không là nghĩa hiệp mà cũng từ cơ hội đồng tiền cho
cuộc mưu sinh. Điểm giống nhau Năm Cang cũng từ đứa trẻ đỏ long lỏng bị vứt
ngoài sạp chợ được vợ chồng Nam Trắng hiếm con nghe lời mách đã lượm về nuôi. Dẫu
gì Cang được đi học đến lớp năm và biết hái ra tiền từ việc “dẫn gái cho Mỹ:
“Ê... Boy... I want a street girl”. Rồi bất hòa cái gọi là đạo đức giả, rẻ rúng
khinh bỉ thường dân ít học là “vong bản” đu theo Mỹ kiếm sống, bắt nguồn xảy ra
khi nghe Vinh, em vợ của một Trung sĩ nhất, như châm chọc mỉa mai khi “đọc thơ
Đinh Hùng: “Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản/ Ta về đây lạ hết các người rồi.
Lạ hơi thở lạ đời chung cách sống...”. Việc tranh luận hai chữ “vong bản” từ thằng
học 12 đã thua hẳn lí Năm Cang, ngược lại Năm Cang đã bị những cú đấm mạnh, đã
phải về nhà xách súng quyết hơn thua đến cùng ở tuổi 17 đã vào tù từ tháng
2/1973, đồng tiền mau mắn của cha mẹ nuôi quyết định thời gian chỉ bảy tháng tù
của Năm Cang lúc bấy giờ. Và bức tranh xã hội cũng phần nào không thể thiếu
trong Ma lực của cội nguồn từ chuyện lính đào ngũ trốn quân dịch ở miền
Nam là chuyện nhỏ và còn gói gọn một phần câu hát của Trịnh Công Sơn: “Cần sa,
nhà thổ, bạch phiến, phòng trà vang tiếng người Việt Nam” qua hình ảnh “Lính
tráng nằm gai nếm mật ở núi rừng về được phố sau ăn nhậu cờ bạc thì phải gái
gú. Kiếp của họ là “Mày trước tao sau làm kiếp lính, chấp nhận thương đau chỉ một
lần”.
Phải chăng cái bất bình nào đó đã tạo khí khái của một
Năm Cang về lòng tự trọng sau cuộc trở về đến khu kinh tế mới, từ hoàn cảnh lưu
lạc, Cang gặp được Trâm, làm nên lại một cặp, đồng tiền công sức Năm Cang luôn
gặp ngách để quay đi, Cang đã bị lừa trong vụ đánh bạc, lại vào trại giam từ sự
cả tin, sự phản bội cho Cang nặng phần nếm trải, và chính nơi nhà tù “Lão già
đã dạy Cang thế nào là bình tâm với mọi sự. Tất cả có đó mà không. Cang ngộ ra
rằng cuộc đời này bí ẩn như âm dương và mênh mông như biển rộng. Nó cũng rất dễ
hiểu và nhỏ xíu xìu xiu”. Đầy chiêm nghiệm và thử thách trong nhiều nghề như “truy
lùng và buôn bán hài cốt Mỹ, chạy giấy tờ cho dân HO và môi giới con lai” cho
những ngày tiếp nối.
Còn bé Đen bị bỏ rơi đến khi đứa bé lớn lên cái tên
cũng không có, lại là công cụ lao động, còn bị miệt thị rẻ rúng cả thời thơ ấu
của Linda Đen. Vì sao những đứa trẻ khác sắc tộc ra đời không được nâng niu, kể
cả người thân trong gia đình, không chỉ là quan niệm lễ giáo ràng buộc mà cái
chính là lòng hận thù ghét chiến tranh xâm lược đã đốt cháy nhận thức và tâm hồn,
lương tri con người. Thể như có trường hợp Lướt, con gái ông Ngạn - theo cả gia
đình rời vườn dừa chỉ vì thường ngày hứng lấy: “... Trên trời, “đầm già” của
Cộng hòa ra rả rằng: “Yêu cầu đồng bào đang trong vùng Cộng sản tạm chiếm phải
rời khỏi trong vòng... nếu không...”, đi phụ bếp cho đơn vị Mỹ, có “... Thằng
Mỹ gài chốt cửa rồi ôm lấy cô gái tội nghiệp. Nó nói nó yêu bởi cô đẹp. Lướt
quá yếu nên không thể cưỡng lại được. Cô đã bị cưỡng bức một cách thô bạo và tồi
tệ. Nhưng gã Trung úy yêu cô thật lòng... đến tận nhà xin cô Lướt làm vợ”. Bị
ông Ngạn đuổi ra khỏi nhà,... Sự kì thị đã ruồng rẫy, ghét luôn những đứa
con của kẻ xâm lược, những đứa con lai bất đắc dĩ hiện diện trên mảnh đất miền
Nam, dù có tình yêu hay không tình yêu.
Thể như thế cờ đảo ngược, khi diện những đứa con lai
được về nước, lại là cơ hội cho mối lái Năm Cang dẫn dắt đầy thận trọng. Đen,
là một trong những đứa con lai từ chỗ “Dân lai đen ở xứ mình phải bị sự hắt hủi
đến kiệt cùng. Làm việc như con bò, nhưng được đáp trả lại như một con chó, còn
bị gọi là mọi đen này nọ” trở lại là người, được đối xử tử tế, được học biết
tiếng mẹ đẻ, học thêm tiếng Anh, đầy đủ khai sinh, có tên trong hộ khẩu, là báu
vật hái ra tiền. Ngỡ đơn giản mà rất nhiêu khê, cái lớp áo của chính trực và công
lí được bóc tách từ bộ phận cơ sở thủ tục hành chính, cũng là một sự hoán đổi
tiền và vàng.
Cuộc trở về với cha của Đen trên đất Mỹ, cũng như những
em bé lai khác cũng phải thay tên đổi họ khó khăn, Đen trưởng thành trên cội
nguồn của mình, “Đen kể về bà Linda Martin cùng với ông cha trên xe lăn có tên
là Jerry Quyn. Và cô lấy tấm ảnh cô Mai rất trẻ đang ngả đầu vào vai Jerry cho
mọi người nhận diện. Đen nói, cô biết mẹ là ai khi chưa cầm tấm ảnh. Lúc đi
chăn bò ở Hòn Ngang kinh tế mới, nhiều người đã nói cô có nụ cười của Yên”. Và
khi trở lại Việt Nam, điểm chọn là Đà Lạt trong bầu không khí mát dịu nhẹ nhàng
cho Đen gặp lại mẹ, mà nhiều cuộc trở về khác góp phần không nhỏ trên vùng đất
ngày xưa đầy tổn thương, giờ đàng hoàng tươi đẹp.
Phải nói rằng Nhà văn Nguyễn Trí đâu chỉ là cây bút
truyện ngắn thành danh với Giải thưởng của Hội Nhà văn từ tập Bãi vàng, đá
quý, trầm hương (NXB Trẻ, 2013) đầu tay cùng nhiều giải thưởng sáng giá
khác trong cách dẫn truyện như tâm tình sẻ chia, đôi lúc chiêm vài câu thơ câu
hát minh chứng thực tế văn học chính là sổ tay kí ức vui buồn con người nếm trải
lăn lộn với cuộc sống. Đời sống tiểu thuyết cũng vậy, sự phóng khoáng ngòi bút
chính là phương thức tư duy nghệ thuật đặc biệt, nhà văn đã đi sâu khám phá tâm
hồn tuổi thơ Đen nhớ về lúc ở nhà Hai Cu. “Bị khinh miệt như một thứ bỏ đi chỉ
vì màu da của mình. Đen nói rằng mình đã cô đơn xiết bao khi không có bạn bè,
không có lấy một tình thân ái. Cô chỉ là một nô lệ đúng nghĩa của nó ở mọi lúc
mọi nơi trên đất nước nầy. Cô đã khóc và đã chai sạn khi biết mẹ và anh chị
mình ở đó ở kia mà không một lần dám đến để làm quen. Đến Mỹ gặp được cha nhưng
cô vẫn thao thiết mong một ngày về gặp mẹ. Và tự dưng nước mắt cô chảy thành
dòng. Giọng kể đang đều đều tha thiết bổng xen vô tiếng tấm tức. Bất đồ bà má
tên Mai choải người qua ôm chặt lấy Đen. Rất gầy gò bên đứa con lạc loài, bà
cũng tấm tức khóc. Và cũng chính những dòng nước mắt tuy muộn màng đã khiến mọi
người chừng như xích lại gần nhau hơn... Không gian cô đọng và thời gian chừng
như đứng lại”.
Ma lực của cội nguồn khơi gợi không gian, thời
gian tĩnh và động đan xen. Chúng ta nhận ra rằng, tác giả không là thượng đế, mọi
sự việc rất khách quan được thẩm thấu từ mỗi nhân vật trong cách gọi tên để sẻ
chia và bộc bạch. Nhà văn để cho nhân vật mình tự do chiêm nghiệm cho đời dạy dỗ
lẫn nhau. Một giang hồ Năm Cang đã thành hình tượng trong tiểu thuyết Ma lực
và cội nguồn của Nguyễn Trí, trên bước đường phiêu bạt kiếm sống, đời
không cho Năm Cang trọn hưởng hạnh phúc một mái ấm gia đình từ ban đầu đến chắp
vá với những khát khao. Có thể chiếc giày Năm Cang hơi bị lỏng so với đôi chân,
nên lúc guồng quay theo tâm điểm đã phải trượt nhiều lần, có lúc dừng lại là cuộc
trở về với cha mẹ nuôi, chỉ còn lại mấy anh em, mất mát bùi ngùi. Hay lúc trở về
với con đường, góc phố nhỏ vắng vẻ sau chiến tranh cũng vậy. Cuộc ra đi từ cảng
cá Q. đến khu kinh tế mới cho Năm Cang nhận ra biết bao con người, chớp lấy thời
cơ dành cho kẻ đục nước béo cò, tìm chút trong rất hiếm. Nhưng Năm Cang đã gạn
được và khơi trong chính mình. Đã sẻ chia cho Đen ngộ ra “Bức bối quá mới đành
chứ má mầy không bỏ mầy đâu! Bà ấy đã khóc bao nhiêu trong cái đêm định mệnh ấy...
niềm đau của mầy tuy lớn, lớn đến độ bốn biển trên trái đất nầy không thể chứa
hết, nhưng dù sao, từ nhỏ cho đến khi rời khỏi đất nước này mày đã sống trong
nó, bơi lội trong thiệt thòi hất hủi và khinh bỉ nên ít nhiều cũng quen...”. Đó
có đủ là ma lực thuyết phục hay không mà cuộc trở về của Linđa Đen cũng không bất
ngờ đã từng bỏ tiền ra làm Kara và khách sạn, và sẽ cùng chồng con về xứ này để
sống.
Cách sống của Linda Đen phải chăng cũng là hình tượng
nhân vật thứ hai trong Ma lực của cội nguồn lần trở về lần hai gặp lại
Năm Cang và nhờ mua lại mảnh đất “Xa khu công nghiệp như thế này mới là nơi để
sống. Gần quá chịu không nổi với tiếng ồn và ô nhiễm đâu” và cũng là được ở
gần bên chú. “Nghe Đen nói sẽ về cái nơi mà nếu không có nấm mộ của con gái thì
Năm Cang đã bỏ đi, tay bất đắc chí bật cười. Và Đen hiểu được cái cười ấy: -
Con là người Việt bởi tâm hồn Việt chú Cang ạ! Con sinh ra và lớn lên trên đất
nước này. Chồng con cũng vậy. Chúng con muốn trở về. – Con cái mày thì sao?-
Chúng là người Mỹ. Tâm hồn và văn hóa Mỹ chính thống. Chúng yêu nơi chúng sinh
ra cũng như con. Vì sao chú không bỏ đất này ra đi?Vì nấm mộ của con gái chú
đúng không? Vậy thì tuổi thơ con chôn ở đất này như con gái chú vậy”. Vậy thì đồng
cảm cho một sự tử tế với chính mình từ trái tim cả hai nhân vật Năm Cang -
Linđa Đen. Cái màu hạnh phúc từ đôi mắt sáng lên của Jerry- Quynh lan
tỏa không giới hạn. Từ nhận thức về tôn giáo cũng được nhắc đến trong nhân vật
“Bé Nhỏ không tin thần Phật thánh tướng chi hết... Nhỏ thấy vô lí khi phải xin
ai đó trên trời để đủ cái ăn. Nó nói với tình rằng chả ai ban cho đâu anh. Không
đổ mồ hôi và nhận lời cay đắng của chú cả thì đừng có mà hòng”, cũng như hạnh
phúc đã đến trong trái tim người mẹ: “Và bà Mai đã nhắm mắt trong thiên đường
nhưng không ở trên cao. Thiên đường ở hạ giới và nhỏ hẹp trong bốn mét vuông bằng
gạch”. Nơi mà anh con rể bà Mai xây thêm.
Tiểu thuyết Ma lực của cội nguồn cho ta trân quý thêm hình tượng tác giả gửi gắm vào nhân vật chính về một bài học nhân sinh bắt đầu bằng sự tử tế ngự trị trong nhận thức và tâm hồn, không chỉ để tự cảm hóa mà nhân rộng tình yêu đến với cộng đồng, không tô màu gân guốc, thể sức hút lôi cuốn mạnh mẽ, dường như sự thần bí khó cưỡng lại trái tim dù khô cạn sẽ trở về nguồn cội gia đình, quê hương cho một lần được sống trên đời này.