Có thể thống kê được những từ: Xó lòng, ngực búp, đùi
tơ, ruột phố, chảy mủ phố, phố đùi dài, đùi mủ mộng, múi bẹn, ai mửa sao đêm,
những vết nô en, đùi hoa, mông non phi lý, phố khỏa thân mưa…được Trần Dần sử dụng trong thơ
hồi ấy và sau này được tái hiện theo một cách khác trong thơ Hoàng Hưng và thơ
Dương Tường.
ĐỌC TRẦN DẦN QUA THƠ
ĐẶNG HUY GIANG
Hai bài thơ đầu
tay của Trần Dần viết năm 1944. Bài thứ nhất có tên “Hồn xanh kỳ dị”. Bài thứ hai có tên “Chiều mưa trước cửa”. Bây giờ, nếu bình tĩnh đọc lại, ta thấy
các cảm, cách nghĩ của Trần Dần vẫn còn ít nhiều vướng bận thơ mới và không
thoát ra khỏi thơ mới bao nhiêu. Đây là nguyên văn Hồn xanh kỳ dị: Ta từ biển vắng
về đây mộng/ Gặp lúc Thăng Long lụi ánh đèn/ Những ngọn đèn mờ trên phố lạnh/ Đời
đương yên giấc biết ai tìm?/ Ôi kẻ xa chơi lẻ trúc đình/ Quê nhà ai khóc? Lệ ai
xanh?/ Hồn em mây chở về đâu nhỉ?/ Có gặp buồn trong cuộc lữ trình/ Kìa núi Cô
Sơn hờn tuế nguyệt/ Kìa vầng trăng héo nẻo ra đi/ Nửa đêm trở giấc trong phòng
lạnh/ Chợt thấy hồn xanh đến dị kỳ! Còn đây là bốn câu trích từ Chiều mưa trước
cửa: Anh đã đợi những chiều mưa trước cửa/ Nắng lỡ thì vàng vọt tự lời yêu/
Ngày gặp mơ trong đôi mắt lệ kiều/ Anh khóc trước…thương lòng anh dại.
Đến những
năm bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp thì thơ Trần Dần khác hẳn. Ông chịu ảnh hưởng lớn của Mai-a, viết thơ bậc
thang và coi thơ bậc thang là sở trường của mình. Nếu Mai- a có hai câu: Tôi sẽ
giơ cao tấm thẻ đảng viên/ Là tập thơ Bôn-sê-vích tôi làm, thì Trần Dần cũng có
hai câu: Tôi yêu đất mẹ đây có cỏ hoa làm chứng/ Tôi yêu chủ nghĩa này, cờ đỏ
cãi cho tôi. Đọc thơ Trần Dần vào thời điểm những năm 50 của thế kỷ trước, ta
thấy thơ ông rất hiện thực và cũng thật đáng yêu, trong sáng:
Chính
chiếc
nôi Việt Bắc
bế bồng ta
qua
tất cả
tháng năm đầy lửa
nuôi ta
nuôi
cách mạng lớn khôn
Ta bầu bạn
củ
khoai môn
nương sắn
Bạn
con chim mất
ngủ
rừng già…
Ý thức công
dân của ông cũng thật đáng nể và cách nói của ông ít nhiều cũng có màu sắc
tuyên văn:
Đi!
Tất cả!
cũng đừng bao giờ
vỗ nợ
nhân dân!
Cũng ở thời
điểm này và tiếp sau đó, ngôn ngữ thơ của Trần Dần bắt đầu có những dấu hiệu lạ.
Có thể thống kê được những từ: Xó lòng, ngực búp, đùi tơ, ruột phố, chảy mủ phố,
phố đùi dài, đùi mủ mộng, múi bẹn, ai mửa sao đêm, những vết nô en, đùi hoa,
mông non phi lý, phố khỏa thân mưa…được ông sử dụng trong thơ hồi ấy và sau này
được tái hiện theo một cách khác trong thơ Hoàng Hưng và thơ Dương Tường.
Có người
cho rằng đó là tìm tòi của ông. Cũng có người cho rằng đó là những trò nghịch chữ của ông.
Ông có những
câu thơ đọc nghe ngồ ngộ. Đây là nguyên văn bài thơ “Bài hát người lớn”: Đi chởi!
Đi chơi!/ Đầu trọc bình vôi/ Hai tay hai hòn sỏi/ Đi chơi! Đi chơi! Hai tay hai
hòn sỏi/ Đầu trọc bình vôi…/ Đi chởi! đi chơi! Và có cả những câu cho thấy đọc ông cho vui và đọc
ông để hiểu ông nói gì không phải dễ. Đây là trích đoạn bài Quả đạt: Tôi hát –
tôi mát – tôi xạt/ tôi ngạt – tôi thạt – tôi đạt/ tôi phạt/ tôi lạc tạc/ tôi
tác vác/ tôi xốc lốc…Nhưng đến những câu (nguyên bản của ông): Em toẽf/ Loềnk lềnk
loẹl noẹf/ Toềnk tềnk ngoẹl doẹf/ Oẹf oẹf hoặc Noè xoè xoè/ Thil thil thín lá/
Nghịt ngìn nghịt ngạ/ Thoẹ thoè croè…thì thấy tiếng Việt của ông không còn
trong sáng nữa rồi và nếu cho một người Việt đọc thì nó không ra tiếng Việt nữa
rồi.
Tôi cũng
đã bỏ một ít thời gian ra đọc bài viết Cấu trúc của Con trắng (Con trắng là tên
một bài thơ kiểu Quả đạt của Trần Dần) của ông Vũ Văn Kha (có in trong tập thơ
Trần Dần) để nghe ông tư vấn, giải thích giùm Trần Dần. Ông Kha cho đó là “chuyển
động của chữ” (bằng kỹ thuật copy, bằng cách lặp lại), “chuyển động của chương”
và... Ông Kha viết: Con trắng được viết bằng hai kiểu chữ: Một cho những phần
tĩnh, một cho những chữ xê dịch được, một để ghi hồi ký, một để làm bè đệm. Những
di động này nằm lẫn lộn đó đây trong mảng “hồi ký” dưới hình thức văn xuôi, đến
khi đứng độc lập chúng trở thành thơ. Rồi ông Kha “dịch” từ văn xuôi: Tôi đi
qua phố đen trắng giờ trắng. Tôi ở trắng khu trắng. Tôi đến, nó thằng tờ hai
dãy lẻ chẵn, đen trắng. Những kilômơr thằng đạt, hồ lục, lam những liễu sữa, mặt
trắng thi hào, phượng me đen trắng ra thơ (sau khi các chữ được xê dịch - vẫn
theo ông Kha) thành thơ: Tôi ở trắng khu trắng/ Những kilômơr thằng đạt/ mặt trắng
thi hào…thì thú thực, tôi vẫn không hiểu bài thơ này định nói gì và viết như thế
để làm gì? Làm thế, tôi e rằng mất công quá trong khi hiệu quả nghệ thuật chưa
thấy đâu.
Viết đến
đây, tự dưng tôi lại nhớ đến một bài thơ rất sâu sắc, ý tứ của nhà thơ người Đức
Bertolt Brecht. Bài thơ có tên giản dị đến mức không giản dị thêm được nữa “Chờ
thay lốp xe” và chỉ có 39 từ (đã được Bằng Việt chuyển ngữ). Nguyên văn bài thơ
như sau: “Tôi ngồi xuống lề đường/ Chờ người lái xe thay lốp mới/ Nơi tôi ở chẳng
có gì chờ đợi/ Nơi tôi đi cũng chẳng có gì hơn/ Vì sao tôi vẫn bồn chồn/ Chờ
người thay lốp mới?”. Bài thơ như một câu chuyện kể và được viết như không. Tứ
của nó thực sự bắt đầu từ Nơi tôi ở không còn gì chờ đợi/ Nơi tôi đi cũng chẳng
có gì hơn. Mặc dầu vậy, B. Brecht vẫn tự đặt ra câu hỏi: Vì sao tôi vẫn bồn chồn/
Chờ người thay lốp mới?
Chắc hẳn khi viết bài thơ này, B. Brecht muốn gửi lại
một thông điệp: Dù cuộc sống là thế nhưng chúng ta vẫn phải sống và có thể vẫn
phải bồn chồn. Bởi vì phương châm sống của một đời người là phải đi, phải hy vọng
và không được quyền chán nản. Và tôi cũng nhớ đến một lời dạy về thơ đã có từ rất
xa xưa của Khổng Tử: Trong thơ, thượng ý chứ không thượng từ.
Cũng có người
cho rằng: Trần Dần bắt đầu cho manh nha “thơ cấu trúc”, “thơ ý niệm”, “thơ thị
giác” trong thơ Việt. Và đó cũng có thể là đóng góp của ông. Với riêng tôi,
không hiểu sao, tôi vẫn thích những câu thơ ông viết về thời Việt Bắc và cả những
câu thơ mi ni nữa: Tất cả những gì tôi có đều do tôi tự sắm lấy/ bằng nhiều mất
ngủ chân mây; Chưa hưởng mùa xuân đã chịu mùa hè; Phải chịu đau rồi mới hết
đau; Mưa rơi không cần phiên dịch…Và sau nữa là cả một một tấm lòng nhân bản
nơi ông: Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó/ Hãy thắp sáng mọi chòm sao cũ/ Cả
những vì sao đã tắt lụi từ lâu.
Cũng có người
nói đã nói với tôi: Hãy đọc Trần Dần để hiểu ký ức thơ của Trần Dần. Đấy mới là
điều quan trọng nhất. Tôi đã đọc ông và tin như vậy.